Bắc Triều Tiên tỏ dấu hiệu muốn đối thoại với Mỹ |
Tác Giả: Trọng Nghĩa | |||
Thứ Ba, 21 Tháng 12 Năm 2010 11:33 | |||
Bắc Triều Tiên dường như đang muốn nối lại đối thoại với Hoa Kỳ khi tung ra một loạt các tín hiệu thiện chí. Theo các nhà phân tích, chiều hướng này đã làm giảm bớt mối lo ngại về một cuộc xung đột với Hàn Quốc, sau khi Seoul duy trì thái độ cứng rắn với cuộc tập trận bắn đạn thật sát vùng biên giới trên biển vào hôm qua, 20/12/2010. Ông Bill Richardson trả lời các phóng viên về Bắc Triều Tiên tại Bắc Kinh, ngày 21/12/2010 (Reuters) Tín hiệu đầu tiên được ghi nhận là cho đến hôm nay, không thấy Bình Nhưỡng thực hiện lời đe dọa trả đũa cuộc tập trận của Seoul. Bắc Triều Tiên từng lớn tiếng cho rằng Hàn Quốc sẽ phải gánh chịu một "thảm họa" nếu tiến hành tập trận trên đảo Yeonpyeong, một hòn đảo phía bắc đã bị Bình Nhưỡng pháo kích ngày 23/11 vừa qua. Đối với giáo sư Yang Moo-Jin tại trường Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul, thái độ hòa hoãn của Bình Nhưỡng trong vụ này có thể là nhằm mục tiêu "vừa chuẩn bị đối thoại vừa sẵn sàng đối đầu". Theo ông, tác nhân đối thoại ưu tiên của Bắc Triều Tiên vẫn là Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, ông Yang Moo-Jin cho rằng, trừ phi Washington hay Seoul khơi dậy căng thẳng bằng cách tổ chức thêm các cuộc tập trận chung, thì « khả năng Bình Nhưỡng mở cuộc tấn công vào lúc này khá thấp ». Một tín hiệu cụ thể về mong muốn nối lại đối thoại với Washington của Bình Nhưỡng đã được Bắc Triều Tiên biểu hiện rõ ràng vào hôm qua, khi họ xác nhận với một vị khách Hoa Kỳ là sẽ tiếp nhận trở lại các thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), để các chuyên gia này có thể giám sát chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Thống đốc Bill Richardson của Mỹ, ghé thăm Bắc Triều Tiên trong năm ngày đã cho biết như trên. Xin nhắc lại là các thanh tra của IAEA đã bị buộc phải rời khỏi Bắc Triều Tiên vào tháng 4/2009, sau khi Bình Nhưỡng tẩy chay vòng đàm phán 6 bên về chương trình giải trừ vũ khí hạt nhân của họ, cho thử nghiệm nguyên tử một tháng sau đó, rồi tiếp tục chương trình hạt nhân của mình. Phát biểu vào hôm nay tại Bắc Kinh, nơi ông ghé qua sau khi kết thúc chuyến thăm Bắc Triều Tiên, ông Bill Richardson cho rằng : "Bắc Triều Tiên đã nhận thức được là họ đã đi quá trớn trong việc chống lại các cuộc đàm phán và đã thực hiện một số điều rất xấu. Do đó, bây giờ họ muốn đi đúng hướng." Nhưng theo ông Cheong Seong-Chang, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Viện Nghiên cứu Sejong tại Hàn Quốc, đúng hướng theo kiểu Bình Nhưỡng là đối thoại tay đôi với Mỹ. Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông phân tích : "Thông điệp Bình Nhưỡng tung ra là họ sẽ phớt lờ Seoul để chỉ nói chuyện với Washington" và để đạt nguyện vọng, họ sẽ không làm bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán với Mỹ. Một số phân tích gia khác cũng cho rằng Bắc Triều Tiên phải thay đổi thái độ vì không muốn đụng chạm đến Trung Quốc và Nga, hai đồng minh hiếm hoi còn đứng ra bênh vực Bình Nhưỡng. Hôm chủ nhật vừa qua, một lần nữa Trung Quốc lại bác bỏ yêu cầu của các nước phương Tây trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc muốn lên án vụ Bắc Triều Tiên pháo kích vào đảo Yeonpyeong. Trong tình hình đó, theo giáo sư Kim Yong-hyun, tại Đại học Dongguk ở Seoul, nếu Bắc Triều Tiên pháo kích trả đũa cuộc tập trận của Hàn Quốc trong khu vực Yeonpyeong vào hôm qua, thì điều đó sẽ đẩy Bắc Kinh và Matxcơva "vào một tình huống rất khó khăn". Tuy nhiên, Hàn Quốc và Hoa Kỳ vẫn thận trọng trước các tín hiệu hòa hoãn của Bắc Triều Tiên. Lý do là vì chế độ Bình Nhưỡng cho đến nay vẫn nổi tiếng là thường hay thay đổi thái độ một cách đột ngột. Phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley xác định : "Chúng tôi sẽ dựa vào những gì Bắc Triều Tiên làm, chứ không phải những điều mà họ nói". Còn Seoul thì nghi ngờ Bình Nhưỡng chỉ làm cử chỉ "tuyên truyền" mà thôi.
|