Home Tin Tức Bình Luận Trí Thức Và Ngụy Trí Thức

Trí Thức Và Ngụy Trí Thức PDF Print E-mail
Tác Giả: Sơn Tùng   
Thứ Tư, 22 Tháng 12 Năm 2010 11:08

Có lẽ cần thêm: chửi bới người càng nổi danh càng hấp dẫn và càng mau… nổi tiếng.


Mấy tháng gần đây, bộ hồi ký Thời Đại Của Tôi của Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã được nói tới nhiều qua những buổi ra mắt sách trong các cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và tại Pháp. Tác phẩm và tác giả đã nhận được nhiều sự ca ngợi, và xứng đáng được ca ngợi.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc là một tên tuổi lớn trong giới trí thức Việt Nam từ nhiều năm qua, nay tuổi đã ngoài 90 nhưng sức khoẻ thể chất và tinh thần vẫn còn tốt, đã thực hiện một bộ hồi ký gồm hai cuốn, cộng chung hơn 1,100 trang mà ông khiêm tốn viết trong “Thay Lời Tựa” là “cuốn sách nhỏ”.

“Cuốn sách nhỏ” ấy đã ghi lại “100 năm lịch sử” Việt Nam thời cận đại đầy những biến động lớn, trong đó tác giả đã sống ra sao và chứng kiến những gì. Bô sách ấy là một đóng góp tinh thần cao quý mà nhiều người, trong đó có những cựu môn sinh của tác giả, đã nói đến khi giới thiệu, phê bình bộ hồi ký giá trị của một chứng nhân đã tham dự tích cực vào thời đại của mình.

Có lẽ tôi là người duy nhất đã nêu ra một khuyết điểm trong bộ hồi ký của Gs. Vũ Quốc Thúc trong phần ông nói về cuộc “vận động cho Việt Nam được hưởng quy chế trung lập theo quốc tế công pháp” (trang 679-694 cuốn II “Thời Đại Của Tôi”).

Sự sai lầm được phát hiện khi Ông Lê Doãn Kim, người được Gs. Vũ Quốc Thúc nhắc tới trong đoạn nói trên, và cũng là một người quen thân với tôi lâu năm, cho biết tác giả Thời Đại Của Tôi đã lầm lẫn về thời điểm cũng như diễn tiến của cuộc “Hội Nghị Các Dân Tộc Đông Dương” được tổ chức tại Phnom Penh năm 1965 mà Ông Kim đã đóng một vai trò quan trọng.

Sau khi hỏi thêm những chi tiết và xem các tài liệu dẫn chứng, tôi nghĩ cần phải lên tiếng để “sự thật lịch sử” được tôn trọng và tác giả Thời Đại Của Tôi có cơ hội hiệu chính sự sai lầm, tuy chỉ liên quan đến một đoạn nhỏ trong bộ sách hơn 1,100 trang nhưng có thể ảnh hưởng đến giá trị của toàn bộ tác phẩm và khiến người đọc hiểu sai về một sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc “Chiến tranh Việt Nam Thứ II” (1960-1975). Vì vậy, tôi đã viết bài “Hội Nghị Các Dân Tộc Đông Dương, Một Trang Sử Bị Bỏ Quên” (10.9.2010), cho thấy  Hội nghị này đã diễn ra từ ngày 1.3.1965 và có sự tham dự của phe Cộng sản (Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam), chứ không phải đã được tổ chức sau khi Tổng thống Pháp De Gaulle tới Phnom Penh năm 1966 đọc diễn văn kêu gọi trung lập hoá Đông Dương và phe Cộng sản đã tẩy chay không tham dự, như được viết trong Thời Đại Của Tôi.

Sau hơn hai tháng không nhận được phản hồi nào từ Gs. Vũ Quốc Thúc, tôi đã một lần nữa liên lạc với Ông Lê Doãn Kim để thu thập thêm tài liệu và viết bài “Ông Lê Doãn Kim Lên Tiếng về Hội Nghị Phnom Penh 1965 và Vấn Đề Trung Lập Hoá Việt Nam”.

Ngay sau khi bài viết này được phổ biến trên vài diễn đàn điện tử, ngày 15.12.2010, tôi nhận được hồi âm của Gs. Vũ Quốc Thúc với nội dung nguyên văn như sau:

“…

Tôi đã đọc bài bình luận của ông về vụ Hội Nghị Đông Dương cùng vai trò của ông Lê Doãn Kim. Tôi rất mừng là những điều tôi viết trong tập hồi ký đã được quý vị chú ý mặc dù đối với tôi đó chỉ là những chuyện ‘nhớ lại’ của một người đã cửu tuần, muốn cho con cháu mình biết hoàn cảnh lịch sử nào đã khiến cha, ông phải bỏ nước ra đi. Ngay trong cuốn 1 của tập Hồi Ký, tôi đã ghi rõ ‘Tặng các con cháu thân yêu của tôi’. Hơn nữa, cũng ngay trang đầu cuốn 1, “Để thay lời tựa’ tôi đã nói trước là tôi không hề coi cuốn Hồi Ký của tôi là một thiên khảo luận về lịch sử hay một luận đề chính trị học cũng như xã hội học. Quý vị độc giả góp ý để hiệu đính hay bổ túc những chỗ sai sót là một sự hoan nghinh vượt khỏi sự chờ đợi của tôi. Tôi thành thật tri ân.

Kính thư: Vũ Quốc Thúc”

Nhân dịp này tôi cũng xin thành thật cảm ơn Gs. Vũ Quốc Thúc về sự hồi âm trên đây với những lời lẽ lịch sự, hoà nhã và khiêm tốn của một nhà trí thức đã can đảm nhìn nhận sự lầm lẫn ít ai tránh khỏi khi viết sách, và do đó sự thật đã được tôn trọng, và cũng nhờ vậy vụ này đã được xếp lại trong êm đẹp mà ngay từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc đã được diễn ra trong tinh thần hiểu biết, đối thoại tương kính giữa những người liên hệ.

Trường hợp này đáng được xem như một tấm gương để giải quyết những bất đồng quan điểm trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, mà tiếc thay những sự dị biệt ý kiến thường bị coi như thù nghịch và “đối thoại” đã biến thành lăng mạ, phỉ báng.

Ngay trong vụ này, khi bài viết hoà nhã của tôi vừa được phổ biến đã được vài kẻ coi như cơ hội để nhảy vào khai thác, tung ra những bài đánh hôi bằng thứ “văn chương” làm phiền nhiều người trên các mạng điện tử của người Việt hải ngoại. Ngoài bài của các tác giả với những tên tuổi xa lạ hay nặc danh, còn có bài của vài người được coi như “trí thức”, trong đó có hai ông bác sĩ Nguyễn Đức An và Phùng Văn Hạnh.

Ông Nguyễn Đức An đã được giới “áo trắng” và cộng đồng người Việt tại Florida sợ hãi từ lâu vì những hành động nghịch thường mà người có đầu óc lành mạnh không thể hiểu và vì tài dựng chuyện để vu khống người lương thiện bằng thứ văn phong rất xa lạ với những người có giáo dục đến nỗi từng bị Toà Thượng Thẩm Los Angeles phạt bồi thường Bs. Nguyễn Xuân Quang, một đồng nghiệp và thân tộc với ông, 16 triệu 80 ngàn Mỹ kim về tội phỉ báng. Ông An nói rằng đã kháng cáo và bản án ấy đã bị hủy bỏ nhưng không ai được trông thấy bản án của tòa kháng cáo. Ông An rất thèm chức “chủ tịch Văn Bút” nhưng ước mơ không thành vì quá kém về tài năng cũng như nhân cách nên đã quay lại chống phá để cuối cùng bị loại ra khỏi Văn Bút. Ông Nguyễn Đức An là chứng minh hung hồn của chân lý: bằng cấp không bảo đảm cho kiến thức và cũng không tạo nên phẩm cách của một con người.

Ông Phùng Văn Hạnh thì đã được cộng đồng người Việt tại Montréal biết tới từ lâu như một kẻ chuyên gây rối, nhưng chỉ được những người ở xa nghe tên khi ông ta lấy một câu ra khỏi bài tham luận của tôi tại cuộc Hội thảo Nhà Văn vì Hoà Bình (Writers for Peace) do Văn Bút Quốc Tế tổ chức tại Bled (Slovenia) năm 2008 để xuyên tạc và vu cáo rằng tôi đã “vinh danh Hồ Chí Minh” trong khi toàn bài ấy (Lights of Paris, Tears of Saigon- đính kèm) là một bản cáo trạng đanh thép kết tội cả cộng sản lẫn thực dân đã đem tai ương đến cho dân tộc Việt Nam mà lần đầu tiên được một nhà văn Việt Nam nói lên trước diễn đàn Văn Bút Quốc Tế, và đã được in vào tuyển tập tham luận của cuộc hội thảo và đăng trên báo chí tại Bled.

Khi ấy, tôi đã im lặng, không trả lời sự vu khống của Ông Phùng Văn Hạnh vì tôi tin tưởng ở sự sáng suốt và vô tư của người đọc, và vì bài viết của Ộng Hạnh đầy ác ý và  gian trá khi ghép hai câu khác nhau (phân biệt bởi dấu chấm câu) để đổi trắng thay đen mà một học sinh tiểu học cũng có thể nhận ra. Nay, nhân chuyện liên quan đến bộ hồi ký của Gs. Vũ Quốc Thúc, Ông Hạnh không có gì để chen vào, bèn nhắc lại luận điệu vu khống cũ, đồng thời mạo danh hội viên “Trung tâm Văn Bút Québec, Canada” để phỉ báng và phá hoại Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (VBVNHN) khiến Ban Chấp Hành VBVNHN đã phải ra một Thông cáo Báo chí về hành động điên rồ của Ông Hạnh (đính kèm).

Như chưa đủ điên rồ, Ông Hạnh còn kèm thêm năm bảy bài tập họp của thứ văn chương vu khống và phỉ báng của những tên tuổi xa lạ hoặc đã có thành tích ném bùn người vô tội. Trong những người Ông Phùng Văn Hạnh viện dẫn để phỉ báng chỉ có một người đáng để tôi trả lời: Nguyễn Văn Chức.

Trước khi di tản khỏi Sài-Gòn năm 1975, Ông Nguyễn Văn Chức là một luật sư và một nghị sĩ tại Thượng Viện VNCH. Tôi gặp ông Chức lần đầu tiên năm 1974 tại Toà án Quân sự Mặt Trận ở Bến Bạch Đằng Sài-Gòn, khi ông cãi cho một bị cáo trong vụ án tham nhũng, hối mại quyền thế tại Công Ty Đường Việt Nam, và tôi biện hộ cho một bị cáo khác. Đây là một vụ án lớn liên quan đến một số viên chức cao cấp và thương gia tên tuổi tại Sài-Gòn, Chợ Lớn thời ấy. Khi biện hộ cho thân chủ, Ông Chức đã dùng hầu hết thì giờ để đả kích Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nên viên chánh thẩm đã phải đôi lần nhắc nhở. Luật sư Nguyễn Văn Chức đã lẫn lộn nghị trường với toà án, nhưng nhờ đó cùng với vài giai thoại khác, ông đã được biết như là một nghị sĩ đối lập lớn tiếng.

Lần thứ hai tôi gặp Ông Nguyễn Văn Chức là vào năm 1998 khi ông cùng Nhà văn Doãn Quốc Sỹ và Giáo sư Lê Hữu Mục tới Thủ đô Washington nhân danh “Hội đồng Nhân sĩ” để tham dự Đại Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (VBVNHN). “Hội đồng Nhân sĩ” do tôi vận động thành lập mấy tháng trước, đã quy tụ được một số nhân vật có uy tín trong cộng đồng người Việt hải ngoại nhằm tiếp tay giải quyết những xáo trộn nội bộ VBVNHN do một số nhà văn và “trí thức” ở trong và ngoài Văn Bút gây ra. Cuộc gặp gỡ thứ hai này là một kỷ niệm đẹp, trong đó nói lên ý thức trách nhiệm và phẩm cách của những trí thức dấn thân. Sau đó, mối liên hệ giữa Ông Nguyễn Văn Chức và tôi trở nên gần gũi hơn. Ông thường gọi điện thoại cho tôi để trao đổi về những vấn đề thời sự.

Mấy năm gần đây, có những dấu hiệu cho thấy tâm trí ông đang trên đà đi xuống. Ông không còn nhớ nhiều và hiểu biết lu mờ, những bài viết của ông đầy những sai lầm và ngôn từ thô tục. Thậm chí năm 2008 khi nghe tôi đi Bled tham dự cuộc Hội thảo Nhà Văn Vì Hoà Bình, Ông Chức quả quyết trên thế giới không có thành phố nào tên Bled, dù đây là một trung tâm du lịch nổi tiếng ở Âu Châu và là nơi tổ chức nhiều hội nghị quốc tế quan trọng.

Trong tình trạng tâm trí suy nhược như vậy, đáng lẽ Ông Nguyễn Văn Chức nên ngưng cầm bút, nhưng ông vẫn tiếp tục viết, và tiếp tục chửi bới nhiều người, và tự đề cao mình đến mức thảm thương. Tôi không nghĩ ông làm như vậy vì vài chục đô-la nhuận bút, và khi nghe ông viết gì đó chửi tôi, tôi chỉ cảm thấy thương hại và bùi ngùi cho sự sa đọa của một “trí thức”.

Ông Nguyễn Văn Chức đã tự hạ mình, đứng chung với những kẻ thấp hơn ông rất nhiều, để bị lôi kéo vào cuộc sách động theo kiểu đấu tố trong nội bộ Đài Việt Nam Hải Ngoại ở Vùng Hoa Thịnh Đốn năm ngoái mà ông cũng như những người ở xa, không hiểu rõ nội vụ, trong lúc cộng đồng người Việt ở địa phương biết rõ đây chỉ là chuyện tranh chấp cá nhân mượn danh “chống cộng”, mà sau vài tháng không còn ai muốn nói tới, và cũng không còn ai muốn nghe, vì đang có những vụ lăng mạ, phỉ báng khác nóng hổi hơn được sách động bởi những người mang đủ thứ danh xưng, đủ thứ bằng cấp.

Trong tình trạng điên loạn ấy, ông cựu Đại tá Vũ Văn Lộc (Giao Chỉ) đã viết một bài dài rất ai oán nhan đề Chửi Nữa Đi Em, trong đó có một đoạn không ai có thể chối cãi: “Ở cái đất nước tự do này, chửi bới được hiến pháp bảo vệ trong tu chính án dân quyền. Và chửi thượng cấp ngày xưa là một cái thú vô cùng hấp dẫn. Phần lớn các bài báo và tham luận của anh em viết về quân đội thường đề cao chiến binh và mắng chửi tướng tá đã trở thành cái mốt rất thời thượng.” Có lẽ cần thêm: chửi bới người càng nổi danh càng hấp dẫn và càng mau… nổi tiếng.

Một lần nữa, xin cảm ơn Gs. Vũ Quốc Thúc, một trong số ít trí thức chính danh còn sót lại trong cõi tị nạn nhốn nháo của người Việt hải ngoại.

20.12.2010