Home Tin Tức Bình Luận Tương lai của châu Âu phụ thuộc vào số phận đồng euro

Tương lai của châu Âu phụ thuộc vào số phận đồng euro PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Bảy, 01 Tháng 1 Năm 2011 22:18

Trong ba năm đầu tiên, đồng euro chỉ được dùng trong kế toán và giao dịch điện tử

Trong thông điệp chúc mừng năm mới 2011, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã khẳng định việc từ bỏ sử dụng đồng euo là một ý tưởng điên rồ và nếu đồng euro mất đi thì châu Âu sẽ không tồn tại.

 Trong khi đó, thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh nước Đức cần châu Âu và đồng euro, đó là nền tảng của sự thịnh vượng của nước Đức.

Cờ châu Âu và biểu tượng đồng euro  / Getty Images 

Sự kiện Estonia bắt đầu sử dụng đồng euro kể từ hôm nay, 01/01/2011, phần nào tạo sự hứng khởi, nhưng không làm dịu đi sự lo lắng cho số phận đồng euro và đương nhiên cả tương lai của châu Âu.

Từ nay, với 17 thành viên, tổng sản phẩm nội địa của khối đồng euro lên tới 8956 tỷ đô la, đứng sau Hoa Kỳ nhưng trước Trung Quốc, Nhật Bản. Đồng tiền chung châu Âu chính thức ra đời năm 1999, với sự tham gia của 11 trong tổng số 15 thành viên Liên Hiệp Châu Âu vào thời điểm đó.

Trên nguyên tắc, tất cả các thành viên Liên Hiệp Châu Âu lần lượt tham gia khu vực đồng euro khi thực hiện được một số tiêu chí, ngoại trừ hai trường hợp đặc biệt là Anh Quốc, Đan Mạch, còn Thụy Điển thì xin lùi lại thời điểm.

 Trong hơn một thập niên vừa qua, có thêm sáu nước chuyển sang dùng đồng tiền chung châu Âu.

Trong ba năm đầu tiên, đồng euro chỉ được dùng trong kế toán và giao dịch điện tử. Tiền giấy và tiền xu được phát hành và lưu thông từ năm 2002. Chính sách tiền tệ khu vực đồng euo thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Trung ương châu Âu, có trụ sở tại Frankfurt, Đức.

Bộ trưởng Tài chính các thành viên trong cơ chế Eurogroup đại diện về mặt chính trị cho khối sử dụng đồng tiền chung. Nhằm duy trì sự ổn định của đồng tiền, các thành viên phải tôn trọng Thỏa thuận về ổn định và phát triển, giới hạn tỷ lệ lạm phát, nợ công và đặc biệt là thâm hụt ngân sách không được quá 3%.

Thế nhưng, trong năm qua, khu vực đồng euo rơi vào khủng hoảng, với việc Hy Lạp, Ailen đứng bên bờ vực phá sản. Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế phải can thiệp. Tháng 5 năm 2010, châu Âu chi ra 110 tỷ euo giúp Hy Lạp, sang đến tháng 11, đến lượt Ailen được hà hơi tiếp sức 85 tỷ euro.

 Thế nhưng, năm nay, 2011, mối đe dọa vẫn lơ lửng trên bầu trời châu Âu với những khó khăn chồng chất về tài chính công tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và một số nước khác.

Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia tranh luận về nguy cơ tan rã của khu vực đồng tiền chung, hoặc có nước từ bỏ đồng euro, quay lại sử dụng đồng tiền quốc gia.

Ngày hôm qua, 31/12/2010, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, CEBR, một tổ chức tư vấn An Quốc, dự báo, 2011 là một năm đầy khó khăn đối với châu Âu.

 Ông Doulags Williamn, giám đốc điều hành CEBR, thẩm định trong sáu tháng đầu năm nay, Tây Ban Nha và Ý phải cần đến 400 tỷ euro và điều này có thể lại làm nẩy sinh một cuộc khủng hoảng mới trong khu vực đồng tiền chung.

 Nếu không bị xóa sổ thì đồng euro cũng sẽ bị sụt giảm giá trị một cách đáng kể so với đồng đô la Mỹ. Về lâu dài, khu vực đồng euo sẽ bị chao đảo mạnh mẽ do khoảng cách chênh lệnh ngày càng tăng về khả năng cạnh tranh giữa các nền kinh tế mạnh và yếu, nhưng lại có đồng tiền chung.

Do vậy, nhóm chuyên gia CEBR đánh giá, nếu không có những thay đổi sâu mạnh, trong vòng một thập niên tới, cơ may tồn tại của khu vực đồng euro chỉ là 20%.

Do hoàn cảnh cấp bách, để cứu đồng tiền chung, trong năm qua, châu Âu trên thực tế, đã xóa bỏ một nguyên tắc cơ bản của tổ chức này là cấm các nước thành viên giúp đỡ nhau về tài chính. Nhờ vậy, châu Âu, trong tháng năm vừa qua, đã lập một quỹ cấp cứu tạm thời trị giá 750 tỷ euro. Đến tháng 12, các lãnh đạo châu Âu quyết định là trong năm 2011, sẽ cho sửa đổi hiệp định châu Âu để duy trì một cơ chế hỗ trợ tài chính.

Đổi lại, kỷ luật về ngân sách sẽ được tăng cường. Ngay từ năm nay, 2011, các thành viên phải đệ trình dự án ngân sách quốc gia để Bruxelles xem xét, trước khi đưa ra Quốc hội của từng nước để bỏ phiếu và thông qua.

Châu Âu cũng sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với những thành viên vi phạm kỷ luật ngân sách. Cho đến nay, quản lý ngân sách quốc gia là một lĩnh vực rất nhạy cảm, kiêng kỵ, thuộc về chủ quyền của từng thành viên.

 Thế nhưng, không thể tồn tại một đồng tiền chung nếu không có một ngân sách quản lý chung. Do vậy, theo giới chuyên gia, những thay đổi trên đây là bước khởi đầu cho sự hình thành một dạng ngân sách chung của châu Âu mặc dù điều này đòi hỏi nhiều thời gian.