Home Tin Tức Bình Luận Biển Đông Dậy Sóng (3)

Biển Đông Dậy Sóng (3) PDF Print E-mail
Tác Giả: Ls. Nguyễn Thành   
Thứ Hai, 10 Tháng 1 Năm 2011 10:53

“chủ trương của Đảng CSVN trước sau như một là bằng mọi cách dâng phần lớn Vịnh Bắc Việt và Hoàng Sa Trường Sa cho TC!”


Viết cho Ngày Hoàng Sa - San Jose - 22/1/2011[3]:

Từ Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt 25/12/2000 Đến Hồ Sơ Đệ Nạp Liên Hiệp Quốc ngày 6 và 7/5/2009,
Việt Cộng Âm Mưu Dâng Trọn Biển Đông Cho Trung Cộng?

Tóm tắt 2 bài trước
Để bạn đọc dễ theo sát được vấn đề vốn vô cùng phức tạp và đầy rẫy hỏa mù này, người viết xin tóm lược lại ý chính của bài 1 và bài 2 trước đây như sau:

Qua bài 1, “Từ Hội Thảo Quốc Tế Biển Đông [1] ở Hà Nội cuối 2009 đến Hội Thảo Quốc Tế Biển Đông [2] ở Sài Gòn cuối 2010”, người viết đã lưu ý bạn đọc:
1] Hà Nội đang toan tính hoàn tất việc bàn giao Hoàng Sa, Trường Sa và phần lớn Vịnh Bắc Việt cho Bắc Kinh qua chính Luật Biển LHQ khi bất ngờ đưa vấn đề mà lâu nay Hà Nội và Bắc Kinh đều coi là “nhậy cảm” này ra trước LHQ, qua 2 hồ sơ nộp Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa ngày 6 và 7/5/2009.
2] Sau khi Hà Nội nộp 2 hồ sơ cho Ủy Ban Thềm Lục Địa, Bắc Kinh phản đối ồn ào và Hà Nội tổ chức Hội Thảo Quốc Tế Biển Đông rầm rộ từ trong nước ra hải ngoại để gây hỏa mù, xoa dịu dân chúng, đánh lạc hướng dư luận và che dấu hai hồ sơ “cắt biển, dâng đảo” cho Bắc Kinh của Hà Nội.

Qua bài 2, “Hoa Kỳ với Biển Đông”, “Trung Cộng với Hoàng Sa Trường Sa”, người viết đã xin bạn đọc ghi nhận:
1] Hoa Kỳ tăng cường can dự vào Biển Đông lúc này trước hết là vì quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ, chủ chốt là vấn đề dầu khí; trong lúc mục tiêu “trước mắt” của Trung Cộng là chiếm trọn Hoàng Sa Trường Sa. Vì mục tiêu “cốt lõi” khác nhau nên sớm muộn gì hai “cường quốc” này cũng thỏa hiệp với nhau; chỉ “tiểu quốc” VN là “lãnh đủ!” [Chẳng làm gì có chuyện Hoa Kỳ gíup VN “giữ” hay “đòi” lại Hoàng Sa Trường Sa như một số người đã qúa “tưởng tưởng”, đặc biệt là sau tuyên bố ngày 24/7/2010 ở Hà Nội của bà Hillary Clinton, ngoại-trưởng Hoa Kỳ].
2] Việc công ty dầu khí BP [Anh] nhưng do một ông Mỹ đứng đầu sau khi rút khỏi hai hợp đồng khai thác dầu khí với VN vì bị TC áp lực đến Bắc Kinh ngày 11/11/2010 với 50 đại thương gia do thủ tướng Anh David Cameron dẫn đầu và ký kết hợp đồng khai thác dầu khí với TC cùng với công ty dầu khí Chevron [Mỹ] ở Biển Đông [hay trong vùng Hoàng Sa Trường Sa], sau hàng loạt hội nghị cấp cao ở Hà Nội với nhiều tuyên bố “đao to búa lớn” hay “thắng lợi” của VN, đã chứng minh cụ thể cho nhận xét 1 trên đây.

Qua bài 3 dưới đây –“Từ hiệp ước phân bố lại Vịnh Bắc Việt ngày 25/12/2000 đến hai hồ sơ về thềm lục địa VN nộp LHQ ngày 6 và 7/5/2009”- người viết lược trình tuy tổng quát nhưng tin rằng cũng đủ để bạn đọc thấy được “chủ trương của Đảng CSVN trước sau như một là bằng mọi cách dâng phần lớn Vịnh Bắc Việt và Hoàng Sa Trường Sa cho TC!”
 
Hiệp ước phân bố lại Vịnh Bắc Việt 25/12/2000?

Sau khi “đã ngoạm được những giải đất biên giới rộng lớn” [*] sau trận chiến tranh  biên giới Việt -Trung tháng 2/1979, Bắc Kinh buộc Hà Nội phân định lại Vịnh Bắc Việt mặc dù Hà Nội và Bắc Kinh không có một lý do nào để phân định lại Vịnh Bắc Việt. Hiệp ước về Vịnh Bắc Việt mang tên Constans ký kết tại Bắc Kinh ngày 16/6/1887 giữa đại diện Pháp [đô hộ VN lúc đó] và đại diện nhà Thanh [đô hộ TH] vẫn còn nguyên hiệu lực và hoàn toàn phù hợp với Luật Biển LHQ.
Ngày 25/12/2000, Hà Nội đã cúi đầu khuất phục, lén lút ký kết với Bắc Kinh hiệp ước phân định lại Vịnh Bắc Việt và dấu kín chi tiết nhưng dư luận vẫn ầm ĩ từ trong nước ra hải ngoại là VC đã dâng cho TC 11 ngàn km2 Vịnh Bắc Việt qua hiệp ước này. Đến khi một bản đồ [dưới đây] trong hồ sơ mật của Hà Nội liên quan tới hiệp ước 25/12/200 bị phát hiện thì giới nghiên cứu cho rằng Hà Nội đã dâng cho Bắc Kinh hơn 20 ngàn km2 Vịnh Bắc Việt, chứ không phải 11 ngàn km2.
Vì trong số 21 điểm mốc ở bản đồ kỹ thuật kèm theo hiệp ước 25/12/2000, ngoại điểm 1 [ở ranh giớí tỉnh Quảng Đông TQ và tỉnh Móng Cái VN], 20 điểm còn lại từ số 2 đến số 21 đều lấn sâu vào bờ biển VN. Trong đó điểm 17 cách bờ biển VN 44 hải lý nhưng cách đảo Hải Nam TQ tới 73 hải lý, tức TQ được hưởng hơn VN tới 29 hải lý. Ngoài việc không đồng đều này, sự phân chia cũng không đúng Luật Biển LHQ, tức bờ biển với bờ biển hay đảo với đảo của hai nước; ở đây lại giữa bờ biển VN với đảo Hải Nam TQ, tức hy sinh đảo Bạch Long Vĩ của VN.  

             Bản đồ trong hồ sơ mật của Hà Nội về hiệp ước Vịnh Bắc Việt 25/12/2000

     
 
Ngày 28/1/2002, trước dư luận mạnh mẽ lên án VC lén lút dâng biển cho TC, thứ-trưởng ngoại-giao Hà Nội Lê Công Phụng [trước đó là trưởng đoàn đàm phán và phân định lại Vịnh Bắc Việt] vội vàng lên tiếng thanh minh thì lộ ra việc Đảng CSVN từ lâu đã lén lút nhượng đất dâng biển cho Đảng CSTH. Theo lời Phụng nói với báo chí ngày 28/1/2002 thì chính Tổng Bí Thư CSVN Đỗ Mười [năm 1993] và TBT Lê Khả Phiêu [năm 1997] đã sang tận Bắc Kinh để “thoả thuận các nguyên tắc căn bản về biên giới và lãnh hải” với TBT/CSTH Giang Trạch Dân.
 
Phần Phụng thì cũng dối gạt trắng trợn rằng y đã “căn cứ vào các qui định của Luật Biển LHQ và các nguyên tắc quốc tế và tập quán trong lúc đàm phán với Bắc Kinh”. Sự thực trái ngược hẳn lời Phụng nói và sau đây là vài dẫn chứng:
 
-Theo Luật Biển LHQ, nếu 2 bên không thỏa thuận được với nhau thì phân chia lãnh hải theo “đường trung tuyến”. Đường trung tuyến ở đây phải là đường giữa đảo Bạch Long Vĩ [VN] và đảo Hải Nam [TQ]; khoảng cách phải bằng nhau giữa 2 đảo này. Phụng bất chấp điều luật này khi chấp thuận đường phân chia cách Bạch Long Vĩ 15 hải lý và cách Hải Nam tới 55 hải lý, tức không đều nhau và để cho TQ vượt trội VN tới 40 hải lý.
-Đường trung tuyến phải là đường chạy giữa bờ biển hai nước hay giữa đảo của hai nước. Phụng cũng bất chấp qui định này và chấp thuận đường trung tuyến giữa đảo Hải Nam TQ với bờ biển VN thay vì ở đây đường trung tuyến phải giữa đảo Bạch Long Vĩ VN với đảo Hải Nam TC; vì không tính Bạch Long Vĩ như thế mà VN đã mất nhiều ngàn km2 biển vùng này cho TC.
 
-Toà Án Quốc Tế [qua vụ án Lybia kiện Malta năm 1985] đã phán quyết: Đảo dù lớn đến đâu cũng không bình đẳng với lục-địa được, và không cho đảo Malta có hải phận rộng bằng lục địa nước Lybia. Phụng đảo ngược án-lệ này khi cho đảo Hải Nam của TC có hải phận rộng hơn cả lục địa nước VN.
 
Hậu qủa của hiệp ước 25/12/2000 là VN đi từ 63% diện tích cũ xuống còn 53%. Theo học giả chuyên về Biển Đông Vũ Hữu San, thực tế còn bi đát hơn nữa: TQ chiếm 55%, VN 45% là tối đa, tức VN mất 20% hay 20 ngàn km2 Vịnh Bắc Việt. Và tác giả “Địa Lý Biển Đông với Hoàng Sa Trường Sa” Vũ Hữu San cũng cảnh báo [ngay từ lần phát hành ấn bản đầu tiên của tập tài liệu gía trị này ở San Jose ngày 29/4/1995]: “Chỉ một hòn đảo Hải Nam thôi, TC đã chiếm phần lớn Biển Đông! Làm sao VN còn đầy đủ sức lực cho cuộc thương thảo nhiều lần quan trọng hơn về Trường Sa Hoàng Sa cũng như toàn thể chủ quyền Biển Đông sau này.”[**]
 
Vì mất mát quá nhiều như thế nên Hà Nội đã dấu kín hiệp ước 25/12/2000 và nay mưu toan “công khai hoá “ và “hợp pháp hóa” qua hồ sơ nộp LHQ ngày 7/5/2009 liên quan tới phần lãnh hải Trung VN, trong đó đường ranh 200 hải lý VN đột ngột dừng lại ở vĩ tuyến 15N khi gặp quần đảo Hoàng Sa, tức gián tiếp coi như vùng quần đảo Hoàng Sa và Vịnh Bắc Việt đã giải quyết qua hiệp ước “bất hợp pháp” và “bất bình đẳng” 25/12/2000 rồi.
 
 
Hồ sơ Hà Nội nộp LHQ về Thềm Lục Địa VN?

Ngày 13/5/1999, LHQ ra qui định các nước ven biển có thời hạn 10 năm để nộp hồ sơ mở rộng thềm lục điạ, có thể đến tối đa 350 hải lý. Ngày 6 và 7/5/2009, tức chỉ còn vài ngày là hết hạn nộp đơn, Hà Nội nộp LHQ hai hồ sơ:
-Hồ sơ [1] ngày 6/5/2009 [nộp chung với Mã Lai] liên quan tới Lãnh Hải hay Thềm Lục Địa phía Nam VN và quần đảo Trường Sa. Đường ranh 200 hải lý [màu đỏ] Lãnh Hải hay Thềm Lục Địa VN ở bản đồ kỹ thuật kèm theo hồ sơ này “cố ý” gạt gần toàn bộ nhóm đảo Trường Sa ra ngoài Thềm Lục Địa hay Lãnh Hải VN. Theo nhà nghiên cứu chuyên về Hoàng Sa Trường Sa Vũ Hữu San: “4/5 vùng
biển Trường Sa không còn trong hải phận VN; VN chỉ còn đảo Trường Sa nổi và 2 đảo chìm, trong số trên 100 đảo nổi và chìm của nhóm Trường Sa.”

                          Bản đồ trong hồ sơ ngày 6/5/2009

                             
 
-Hồ sơ [2] ngày 7/5/2009 liên quan đến Lãnh Hải hay Thềm Lục Địa Trung-phần VN và quần đảo Hoàng Sa. Tuy lời mở đầu hồ sơ này nói Hoàng Sa Trường Sa là của VN nhưng phần chính văn bản thì lờ đi và đường ranh 200 hải lý thì rõ ràng là gạt Hoàng Sa ra ngoài Thềm Lục Điạ VN; Hà Nội cho đường này đột ngột dừng lại khi đụng nhóm đảo Hoàng Sa, xem như vùng biển phía trên này đã được giải quyết qua hiệp ước ngày 25/12/2000 rồi. Về điểm này, theo học gỉa Vũ Hữu San, “3/4 vùng biển Hoàng Sa nằm trong hải phãn TQ, VN chỉ còn 1 đảo độc nhất là Tri Tôn trong số trên 100 đảo của nhóm Hoàng Sa.”  

                                              Bản đồ trong hồ sơ ngày 7/5/2009 

 
  
                                                                
Đường ranh [màu đỏ] trong cả hai bản đồ Hà Nội nộp LHQ đều xác định Lãnh Hải hay Thềm Lục Địa VN chỉ 200 hải lý. Theo Luật Biển LHQ thì vùng biển rộng 200 hải lý [tính từ Đường Căn Bản -tức lằn nước thủy triều lúc xuống thấp nhất- ra khơi] cũng là Vùng Đặc Quyền Kinh Tế và các nước ven biển có chủ quyền tuyệt đối đương nhiên đối với sinh vật sống [tức đánh cá] ở Vùng Đặc Quyền Kinh Tế này, không phải đăng ký.
Trong hồ sơ [2] ngày 7/5/2009, tuy bản đồ [màu vàng] của Hà Nội có nới rộng ra  ngoài đường ranh 200 hải lý VN một hình tam giác ngược nhưng không thể coi đây là: “VN đã bảo vệ quyền của VN đối với thềm lục địa ngoài 200 hải lý” như Hà Nội đã tuyên bố được. [***] Bởi lẽ hình tam giác ngược “mở rộng” này, đỉnh nhọn ở dưới cách xa nhóm Trường Sa, cạnh đáy nằm nghiêng ở trên và vừa đụng nhóm Hoàng Sa là dừng lại, tức Hoàng Sa và Trường Sa đều ở ngoài vùng biển hình tam giác “mở rộng”.
Nói khác đi, vùng “mở rộng” hình tam giác ngược này chỉ là một vùng nước biển chẳng có giá trị bao nhiêu, dưới cố tránh đụng Trường Sa, trên cố né chạm Hoàng Sa, tức chẳng ảnh hưởng gì tới phần chính của hai quần đảo này hay đúng ra chỉ gồm “một đảo nổi và 2 đảo chìm, trong số trên 100 đảo nổi và chìm của nhóm Trường Sa” [như học gỉa Vũ Hữu San đã ghi nhận trên đây] và hoàn toàn không đụng chạm gì đến hơn 130 đảo, đá, bãi,.. của nhóm đảo Hoàng Sa.
Bờ biển VN dài 3260 km, nằm trải dài trên suốt 13 vĩ tuyến, từ vĩ tuyến 8 N [ngang Cà Mâu VN] lên đến vĩ tuyến 21N [sát tỉnh Quảng Đông, TH]. Hai nhóm đảo Hoàng Sa Trường Sa chỉ có một phần rất nhỏ nằm cách bờ biển VN 200 hải lý; hầu hết gần 250 đảo, đá, bãi… của hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa đều nằm ở ngoài khơi, có nơi cách xa bờ biển VN tới 400 hải lý.
Vì thế, nếu Thềm Lục Địa VN mở rộng đến 350 hải lý thì chẳng những hải phận VN rộng gấp 4 lần đất liền mà bao gồm cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa vì khi đó hai quần đảo này nằm gần trọn trên Thềm Lục Địa mở rộng VN. Theo Điều 77 Luật Biển, quyền của nước ven biển đối với thềm lục địa “mở rộng” là một quyền tuyệt đối để thăm dò và khai thác dầu khí, khoáng sản [tức không phải sinh vật sống] và khi đó liệu các công ty dầu khí quốc tế có dám ký hợp đồng hàng chục tỷ với Trung Cộng ở vùng biển thuộc thẩm quyền tuyệt đối của VN?
Hà Nội biết rất rõ điều này và cũng nghiên cứu Luật Biển LHQ rất kỹ; bởi lẽ trong số 51 hồ sơ nộp Uỷ Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa LHQ trước khi hết hạn vào ngày 13/5/2009 có 18 hồ sơ được Uỷ Ban thông qua bước đầu vào cuối năm 2009 và VN là nước duy nhất trong số 18 này đã nhờ chính chuyên viên kỹ thuật của LHQ giúp “sọn thảo” hồ sơ.
Tóm lại, qua hai hồ sơ nộp LHQ ngày 6 và 7/5/2009, lẽ ra Hà Nội phải xin mở rộng thềm lục địa VN ngoài 200 hải lý vì VN có đầy đủ điều kiện để được hưởng và đây là “cơ hội vàng” để Hà Nội xác nhận với Quốc Tế và Luật Pháp Hoàng Sa và Trường Sa là của VN vì nằm trên Thềm Lục Địa “mở rộng” của VN. Thế nhưng Hà Nội lại xác nhận thềm lục địa VN chỉ 200 hải lý và gạt Hoàng Sa Trường Sa ra ngoài hải phận VN là vì: Chủ trương của Đảng CSVN trước sau như một là bằng mọi cách dâng phần lớn Vịnh Bắc Việt và Hoàng Sa Trường Sa cho Đảng CSTH, như đã chứng minh ở bài 2 và một phần bài 3 trên đây.
Ls. Nguyễn Thành
Justice & Peace Committee for Paracel & Spratly Islands of VN
 
Ghi chú:
[*] Chữ của cựu đại tá VC Bùi Tín trong bài báo phổ biến ngày 18/1/2008.
[**] Ấn bản đầu tiên của tập tài liệu nghiên cứu gía trị “Địa Lý Biển Đông với Hoàng Sa Trường Sa” của cựu HQ Tr. tá Vũ Hữu San, Hạm-trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ.4 trong trận hải chiến chống quân TC xâm lược Hoàng Sa ngày 19/1/1974, do các Hội Thân Hữu Đà Lạt [HT Nguyễn Thành], Hội Cựu HS Chu Văn An [HT Lê Duy San], Hội Cựu SVSQ Võ Bị Đà Lạt/Bắc CA [HT Hoàng Trọng Đức], Hội Cựu CSQG Bắc CA [HT Ngô Văn Tiệp],… bảo trợ việc in ấn lần đầu và trong Lễ Phát Hành lần đầu ở San Jose, 29/4/1995, đã bán hết ngay 250 tập của đợt in đầu tiên năm 1995.
[***] Tại Hội Thảo Quốc Tế Biển Đông [1] ở Hà Nội ngày 10/11/2009, Vụ-trưởng Ban Biên-giới Nguyễn Duy Chiến tuyên bố: “VN đã nộp báo cáo cho Uỷ Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa để bảo vệ quyền của VN đối với thềm lục địa ngoài 200 hải lý.”