Đất hiếm, nguyên nhân dẫn đến xung đột ? |
Tác Giả: Thanh Hà | |||
Thứ Sáu, 14 Tháng 1 Năm 2011 19:37 | |||
Vào mùa xuân 1992 ông Đặng Tiểu Bình đã từng khẳng định: «Trung Đông có dầu hỏa, Trung Quốc có đất hiếm». Ngay từ thập niên 60 Trung Quốc đã ý thức được rằng « đất hiếm » là một thứ vũ khí chiến lược của tương lai. Lợi dụng nguồn nhân công dồi dào, chịu thương chịu khó, Bắc Kinh đã từng bước gạt hết các đối thủ khác trên thế giới ra bên ngoài để một mình thống lĩnh thị trường khoán sản này của thế giới. Công nhân tại một mỏ khai thác đất hiếm tại Trung Quốc Hồ kinh tế của Le Monde nêu lên câu hỏi liệu đất hiếm có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến xung đột trong tương lai hay không ? Theo Le Monde tính toán khôn ngoan của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở khâu khai thác đất hiếm. Thành công của Trung Quốc chính là ở chỗ quốc gia này đã phát triển cả một quá trình « công nghiệp hóa đất hiếm », biến chúng thành những nguyên liệu chiến lưựoc của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực : Xe Toyota Prius tối tân đến mấy cũng phải cần đến chất nam châm Noedyme của Trung Quốc ; ngành khai thác năng lượng chạy bằng sức gió của các nước Âu Mỹ cũng phải cần đến chất nam châm cực mạnh này. Đấy là chưa kể đến hàng loạt các hoạt động trong ngành công nghiệp quốc phòng, hàng không, điện tử hay tin học. Bên cạnh sự « sáng suốt » của Trung Quốc thì tác giả bài báo không quên nói đến tầm nhìn « thiển cận » của các nhà chính trị phương Tây : Âu Mỹ chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt là có thể mua được đất hiếm của Trung Quốc với giá rẻ hơn thay vì phải tự họ khai thác các nguồn tài nguyên này. Nhưng Tây phương đã quên mất « tầm mức chiến lược » của 17 lim loại được coi là « then chốt » đối với nền công nghiệp của thế kỷ 21. Nói cách khác, theo lời một chuyên gia được Le Monde trích dẫn thì chính các nước Âu Mỹ, đã tạo cơ hội để Trung Quốc có thể làm mưa làm gió trên thị trường đất hiếm thế giới và đối với bản thân Bắc Kinh thì đã biến đất hiếm thành một thú vũ khí chiến lược- cả về phương diện chính trị lẫn kinh tế-để mặc cả với phần còn lại của thế giới. Từ 2006 đến nay Trung Quốc từng bước hạn chế khối lượng xuất khẩu, làm tăng giá các kim loại đất hiếm. Tình hình càng trở nên phức tạp sau khi Bắc Kinh quyết định giảm khối lượng xuất khẩu sang Nhật Bản để trả đũa Tokyo bắt giữ một tàu cá của Trung Quốc hồi tháng 9/2010. Trước đe dọa bị Trung Quốc bắt bí, ba nước đầu tiên phản công là Nhật Bản, Mỹ và Đức : trước hết Hoa Kỳ đang sửa soạn cho hoạt động trở lại các hầm mỏ ở California. Nhật Bản thì đang lao vào một cuộc chạy đua để tìm những đối tác mới nhằm bảo đảo nguồn cung cấp và tránh để bị lệ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc. Trong số những đối tác mà Tokyo đang nhắm tới, phải kể đến Việt Nam, Ấn Độ Úc, Brazil và Canada. Vấn đề là các nỗ lực nhằm giảm bớt mức độ lệ thuộc vào một ông khổng lồ Trung Quốc sẽ phải mất ít ra là vài ba năm nữa mới đem lại kết quả mong muốn. Hiện tại Trung Quốc sản xuất đến 95% đất hiếm của thế giới và Trung Quốc kiểm soát 1/3 dự trữ của nhân loại.
|