Home Tin Tức Bình Luận Mèo Tân Mão: Bất chiến tự nhiên thành

Mèo Tân Mão: Bất chiến tự nhiên thành PDF Print E-mail
Tác Giả: Xuân Đấu   
Thứ Ba, 01 Tháng 2 Năm 2011 16:35


Bốn năm qua, từ năm Đinh Hợi đến Canh Dần, chúng ta đã chú tâm vào các câu sấm của cụ Trạng Trình, Sư Vạn Hạnh, Nostradamus, và vô số lời tiên đoán của các nhà tiên tri, đạo học nổi danh trên thế giới cũng như tại Việt Nam, mục đích không ngoài việc tạo dựng cho mình một niềm tin và hy vọng về hòa bình.

 Chiến tranh đã hủy diệt không biết bao nhiêu tài nguyên đất nước và lưu lại vô số vết thương trong lòng mọi người, kể cả những người may mắn chỉ bị một vài mất mát nhỏ nhoi không đáng kể. Quả đất bị hâm nóng từ súng đạn, hâm nóng từ sự ô nhiễm của bầu khí quyển. Ít ai nghĩ đến sự hâm nóng cũng có thể đến từ niềm đau của nhân loại. Khát vọng hòa bình là khát vọng chung của thế giới. Ai nói đến chiến tranh hay viết về chiến tranh, cũng hướng kết luận của mình về hòa bình. Năm Canh Dần tuy là năm có Thiên can và Địa chi khắc nhau, song bên trong sự khắc kỵ, người ta cũng cố tìm ra một số tia sáng hòa bình. "Hổ chiến tranh", nhưng "Cọp hòa bình" vẫn có thể thực hiện được như ý nghĩa đề tựa của bài viết tác giả viết trong dịp Xuân Canh Dần. Tất cả cũng tùy tâm.

Một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa này tàn chuyển sang mùa kế tiếp theo thứ tự tuần hoàn của Đất Trời, chứ không thể có những bước nhảy vọt, gây xáo trộn. Đông tàn báo hiệu Xuân về chứ không thể bước qua Hạ hoặc lùi sang Thu. Mùa Đông của năm Canh Dần đang hoành hành các nước Âu Châu và có thể tiếp tục hoành hành thêm vài tháng nữa trước khi mùa Xuân ló dạng. Các quốc gia này có muốn vắng bóng nàng xuân cũng không được. Việt Nam thì hầu như mỗi mùa có ba tháng rõ rệt như bài hát chúng ta thường nghêu ngao thuở còn nhỏ: "Một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mỗi mùa ba tháng. Một năm vừa xong". Tuy người ta thường nói miền Nam mưa nắng hai mùa, song nhìn kỹ sự thay đổi của đất trời, vẫn nhận ra bốn mùa rõ rệt. Mỗi mùa có đặc tính riêng cũng như mỗi địa chi có riêng từng ảnh hưởng đến từng con người, từng quốc gia. Đời người và vạn vật cũng thế, cũng có bốn giai đoạn tương ứng cho bốn mùa. Đó là: "Sinh, Trụ, Dị, Diệt", hay "Sinh, Trụ, Hoại, Không".

Sinh là sản sinh, là mới mẻ; Trụ là trụ lại, là phát triển trong một thời gian; Dị là thay đổi; còn Diệt là tàn đi, mất đi. Hoại cũng như Dị, cũng thay đổi, đi dần đến chỗ hủy hoại. Còn Không là cách nhìn khác của Diệt, khi đã diệt rồi thì không còn dấu vết gì nữa. Tư tưởng hay ý nghĩ của con người cũng vậy, cũng trải qua chu kỳ gồm bốn giai đoạn này. Cái đau khổ của chúng ta là cứ lưu luyến mãi giai đoạn "sinh", "trụ", dù biết rằng hai giai đoạn kết tiếp sẽ không ai tránh khỏi. " Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thuỷ, nhạn vô lưu tích chi ý, thuỷ vô lưu ảnh chi tâm" (A wild goose, flies across the sky. Its wings reflect in the cold water. The bird does not mean to leave its image. The water has no desire to retain it). Nhạn vút ngang trời, bóng chìm đầm lạnh. Nhạn không có ý lưu lại dấu tích. Nước chẳng quan tâm lưu giữ bóng hình. Bài thơ thật hay này của một vị thiền sư muốn dạy cho hậu thế chúng ta hiểu thật rõ hoặc chứng ngộ được hai chữ Tâm và Ý để khi bước qua giai đoạn "Không" lòng vẫn nhẹ nhàng thanh thoát, không chút lo âu. Nhạn bay ngang trời, không có Ý để lại dấu tích. Ảnh nhạn in xuống hồ, nước cũng vô TÂM, chẳng muốn giữ lại bóng hình. Còn TÂM và Ý của con người chúng ta thì sao? Chẳng những lúc nào cũng lưu hình giữ ảnh mà còn khai triển thêm, tưởng tượng thêm, rồi chấp trước (bám chặc vào nó), khiến khổ đau chất chồng. Ngày nào chúng ta biết "đối cảnh vô tâm" như nhạn và nước, chúng ta mới không sợ giai đoạn "HOẠI" và "KHÔNG" của luật tuần hoàn.

Theo đúng chu kỳ, sau năm Canh Dần sẽ là Tân Mão, thuộc địa chi con Mèo, nên ngày tết năm nay còn gọi nôm na là Tết con Mèo. Mèo thường được người đời gọi là "tiểu hổ", tức "cọp nhỏ", có cùng ảnh hưởng của Can Chi tương khắc như năm Dần, nên hai năm Dần Mão thường không khác nhau lắm về phương diện binh đao, tai họa. Thật vậy, Thiên can: Canh và Tân đều thuộc Kim, và Địa chi: Dần, Mão thuộc hành Mộc, nên hai năm này thiên can và địa chi khắc nhau, khiến các nhà tiên đoán vận mạng e rằng nạn binh đao manh nha từ năm Dần có thể tăng cường độ tại một số quốc gia trên thế giới như Nam, Bắc Triều Tiên, Iran, Iraq, A Phú Hản, Hoa Kỳ, Việt Nam, Trung Cộng, v.v.. Nếu có chiến tranh tại Việt Nam thì cuộc chiến không còn là nội chiến như mấy thập niên trước nữa mà là cuộc chiến với quốc gia khác; và quốc gia này, không ai xa lạ, chính là Trung cộng. Blogger DucTruyen trên Internet đã dùng mấy câu sấm sau đây của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm với lời dẫn giải và góp ý của blogger Phamvietdaonv tiên đoán trận chiến tại biển Đông giửa Việt Nam và Trung Cộng chắc chắn sẽ xẩy ra trong năm Tân Mão. Chúng ta thử lược qua mấy lời giải đoán mới mẻ này.

- Hai câu: "Phú quý Hồng trần mộng", "bần cùng bạch phát sinh", blogger Phamvietdaonv góp thêm kiến giải cho rằng vì biển Đông có nhiều dầu và Trung quốc hiện đang thiếu nhiên liệu trầm trọng do kinh tế phát triển nóng nên phải mơ độc chiếm biển Đông.

- Câu: "Hoa thôn đa khuyển phệ" tức làng người Hoa có nhiều tiếng chó sủa. Blogger Phamvietdaonv giải thích thêm: Hiện có rất nhiều tướng lĩnh Trung Quốc thuộc phái "khuyển phệ" đang chủ trương phát động đánh Việt Nam để độc chiếm biển Đông; trong đó ý kiến của Lý Hồng Mai là một trong những "khuyển phệ" tiêu biểu.

- Câu: "Mục giã dục nhân canh", nghĩa là những người trông thấy giục người ra canh giữ. Blogger Phamvietdaonv giải thích thêm: Câu này ứng với đám blogger đang thường xuyên viết bài thúc giục chính phủ không được hèn hạ tìm cách thỏa hiệp, đầu hàng Trung Quốc mà phải có biện pháp cứng rắn bão vệ chủ quyền quốc gia, lãnh hải, lãnh thổ ...

- Hai câu: "Bắc hữu kim thành tráng, Nam hữu Ngọc bích thành", nghĩa là miền Bắc có thành vàng hoành tráng, miền Nam có thành Ngọc bích. Blogger Phamvietdaonv đi xa hơn, giải thích thêm: Có thể cụ Trạng Trình đã tiên đoán miền Bắc sẽ có máy bay SU 34 hoặc máy bay HU 1A do Mỹ trang bị để trông giữ biển; miền Nam có tàu ngầm Kilo của Nga, hay hạm đội của Mỹ giúp canh chừng ...

- Hai câu: "Phân phân Tùng bách khởi", " nhiễu nhiễu xuất đông chinh ", nghĩa là giữa hai năm tùng bách (Canh Dần -Tân Mão: 2010 & 2011) sẽ khởi binh, trùng trùng điệp điệp xuất quân ra biển Đông chinh chiến.

- Hai câu: "Bảo giang thiên tử xuất", "bất chiến tự nhiên thành" nghĩa là: vùng Bảo giang sẽ xuất hiện Thiên tử, không cần phải chinh chiến, mà thành công". Blogger Phamvietdaonv góp ý thêm: Có thể tiên đoán Thiên tử ở đây là Mỹ sẽ xuất hiện đóng vai trò trọng tài để phân chia biển Đông, không để Trung Quốc bắt nạt Việt Nam .

Như đã từng nói qua, Sấm ký là những câu nói úp mở đầy nghĩa ẩn dụ, nên việc đoán sấm không thể nói đúng hay sai, mà chỉ coi như sự việc chưa ứng vào những năm đoán định nếu chưa xẩy ra và có thể sẽ ứng vào chu kỳ 12, 24, 36 ... năm sau. Vì vậy, theo cách lý giải của hai bloggers này thì câu: "Phân phân Tùng bách khởi" ám chỉ hai năm Dần, Mão, trong khi năm ngoái trong bài viết "Hổ chiến tranh, Cọp hòa bình", tôi phải dùng tới câu "Hùm ở trên rừng gầm mới dậy" trong bài Sấm Non Đoài cùng với câu: "Canh niên tân phá" trong đoạn Sấm:

"Canh niên tân phá
Tuất hợi phục sinh
Nhị Ngũ dư bình
Long hổ xà đầu khởi chiến tranh
Can qua tứ xứ loạn đao binh
Mã đề dương cước anh hùng tận
Thân dậu niên lai kiến thái bình"

để đoán rằng chiến tranh có thể bộc phát trong hai năm Canh Dần (2010) và Tân Mão (2011). Cách đoán của hai bloggers kia cũng có phần hợp lý vì Cây Tùng, cây Bách là một loại thảo mộc có nhiều diểm tương đồng, thường được gọi chung một tên: Tùng Bách, với chữ "mộc" là địa chi của "Dần, Mão". Còn "Dần Mão" là Hổ và Tiểu Hổ, như đã nói ở phần trên, cũng có đa số đặc tính giống nhau như Tùng với Bách; thành thử xem "Tùng Bách" trong câu: "Phân phân Tùng bách khởi" là hai năm Dần Mão mang hành Mộc khắc với hành Kim của hai can: Canh, Tân cũng hợp tình hợp lý.

Dựa vào hai câu: "Bắc hữu kim thành tráng, Nam hữu Ngọc bích thành", mà cho rằng miền Bắc sẽ có máy bay SU 34 hoặc máy bay HU 1A do Mỹ trang bị, miền Nam có tàu ngầm Kilo của Nga, hay hạm đội của Mỹ giúp canh chừng ..., theo tôi, e rằng đi quá xa.

Còn câu: "Bảo giang thiên tử xuất" được hai bloggers suy đoán chữ "thiên tử" tượng trưng cho Hoa Kỳ vốn là nước có tầm vóc lãnh đạo thế giới về phương diện kinh tế và quân sự, phù hợp với cách suy đoán của tôi trong một bài viết nào đó. Hai bloggers đã dùng cách suy đoán này để đi đến kết luận là nhờ Hoa Kỳ mà Trung cộng không thể nuốt chửng biển Đông một mình. Riêng trong bài: "Hổ chiến tranh, Cọp hòa bình", tôi cũng theo chân các nhà giải sấm đi trước, cố gắng suy đoán chữ "thiên tử" tượng trưng cho một vị anh quân thực sự của nước Việt xuất thân từ con sông quý (bảo giang) ở vùng núi Tản Viên. Vị thiên tử này, theo cách tôi suy đoán, dựa vào bài thơ khoan thủ tứ tuyệt, tựa: "Tứ Bửu linh tự" do Phật Thầy Tây An, tức sư Vãi bán khoai của Đạo phái "Bửu Sơn Kỳ Hương (thành lập giữa thế kỷ thứ 19, khoảng năm 1849), sáng tác. Vị thiên tử mà mọi người trông đợi đó được tôi xác định là thánh nhân Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tái sinh chứ không phải vua Minh Mạng. Nhắc lại, bài thơ "Tứ Bửu linh tự" có bốn chữ Quân sư Trạng Trình" trong đó với 4 câu như vầy:

"Bửu Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên
Sơn Trung Sư Mạng Địa Nam Tiên
Kỳ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc
Hương Xuất Trình Sinh Tạo Nghiệp Yên"

Bài thơ thuộc loại "tung hoành dọc", nghĩa là đọc theo bề dọc cũng thành bài thơ bốn chữ bảy câu có ý nghĩa như sau:

"Bửu- Sơn Kỳ- Hương ,
Ngọc Trung Niên Xuất,
Quân Sư Trạng Trình.
Minh Mạng Tái Sinh.
Thiên Địa Tân Tạo.
Việt Nam Phục Nghiệp.
Nguyên Tiền Quốc Yên."

Trong cách đọc này, Quân Sư Trạng Trình sẽ tái sinh làm vua. Còn cho "thiên tử" là nước Mỹ, cứu tinh của đất nước ta trong cuộc chiến tranh biển Đông, theo cách suy đoán của hai bloggers kia, cũng mang lại hy vọng cho con cháu Lạc Hồng không ít. Nhưng rồi, sau khi "bất chiến tự nhiên thành", nền hòa bình Việt Nam có trường cửu mãi hay không và số phận anh chàng Trung cộng với tham vọng nuốt chửng Việt Nam nói riêng, toàn thế giới nói chung, sẽ như thế nào, không thấy các nhà tranh luận trên Internet bloggers này luận tiếp.

Nhắc lại năm con Chuột Mậu Tý, khi nói tới mối liên hệ giữa chuột và mèo, chúng ta có đề cập đến bài hát ru em nổi tiếng:

"Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo"

mà hồi còn nhỏ mỗi lần nghe hàng xóm ngâm lên là lòng không biết thương chú chuột hay tội nghiệp chú mèo. Lớn lên, ngẫm nghĩ bài ca dao hát ru em kia mới thấy được bản tính giả vờ của mèo và sự tinh quái, trả đũa của chuột mà cười cho thái độ ăn miếng trả miếng của thế thái nhân tình. Mèo có thật sự giả vờ hay không thì trong thực tế ít ai thấy, ngược lại, nhìn cảnh mèo rình chuột, người ta cảm nhận được sự chú tâm và cẫn trọng của mèo trong từng bước đi nhẹ nhàng tiến gần lại chú chuột mà áp dụng kỹ thuật đó vào phương pháp luyện tập "tỉnh thức" trong thiền đạo. Truyền thuyết còn cho rằng mèo là sư phụ của Hổ, dạy Hổ đủ các thế võ, chỉ chừa lại thế leo cây; nhờ vậy mèo mới thoát thân được khi hổ tỏ lòng phản trắc, muốn thịt mèo. Đây là hành động khôn ngoan và cẩn trọng chứ không phải là bản tính giả vờ của mèo như đa số chúng ta thường nghĩ. Chỉ có Mèo Trung cộng mới mang bản chất này.

Người ta khi luận câu: "Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo" đã đưa ra nhiều ý kiến hết sức thú vị. Có người thì cho rằng chuột chửi móc mèo là đồ giả nhân giả nghĩa, lòng muốn thịt mình mà miệng vờ phép tắc xã giao, hỏi thăm này nọ. Vì vậy câu: "Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo" mang ý nghĩa câu trả lời của chuột: "Ta đi chợ mua mắm mua muối giỗ cha mi, chứ đi đâu!" Có người nghĩ ngược lại cho rằng mèo dù lúc nào cũng toan tính thịt chuột, song chuột vẫn lưu tình, vẫn nhớ ngày giỗ cha chú mèo mà đi chợ mua đồ cúng tế. Trong bài viết: "Chuột reo mừng hòa bình" năm Mậu Tý, tôi đã đề cập đến cái nhìn của tác giả Đông Lan có mang dấu chỉ "Tả nhậm" và tác giả Nguyễn Sơn Hà với "Lưỡng nhất tính" qua bài đồng dao lý thú này. Giờ xin nhắc lại.

Tác giả Đông Lan, một người am tường triết thuyết "An Vi", còn cho hình ảnh mèo chuột trong bài hát ru em mang dấu "Tả nhậm", một dấu chỉ quan trọng của văn hóa Việt. "Tả nhậm" có nghĩa là cài áo tay trái, khác với người Tàu, cài áo tay phải. Bên trái biểu tượng cho yếu đuối, cho tình thương, cho nhân nghĩa, đạo đức, trọng tình hơn lý, trọng văn hóa hơn bạo lực, mang trọn vẹn tính chất của đạo "Nho", tức đạo "Nhu", một thứ "Việt Nho" đúng nghĩa với "Nho giáo" có từ ngàn xưa. "Nho giáo" này hoàn toàn khác với "Hán Nho", một thứ "Nho" sai nghĩa, đề cao lý trí hình pháp, do nhà Hán (Hán Vũ Đế) đặt ra để xử dụng vào chính trị phong kiến, hầu áp bức và cai trị thiên hạ mà Linh mục triết gia Kim Định cho là sa đọa, vì nó xa dần yếu tính Nhân bản của Việt Nho, một thứ Nho chân thực, làm nền tảng xây dựng gia đạo cho con dân nước Việt. Mèo và Chuột trong bài ca dao, theo dấu chỉ "Tả nhậm", là tiêu biểu cho hai thế lực nhị nguyên ngược nhau như mạnh và yếu, giàu và nghèo, cai trị và bị trị, v.v... Tác giả bài ca dao hẳn nhiên nghiêng sự thương xót về phía con chuột. Theo tác giả Đông Lan, chuột dùng lời mắng: "giỗ cha chú mèo" là nhằm cảnh tỉnh chú mèo rằng mèo mà giết chuột cũng như giết cha mèo, tương tự như câu nói: "Nó chửi mình là nó chửi cha nó" của nhân vật Chí Phèo, một gã tứ cố vô thân, nhân vật dựng lên bởi nhà văn Nam Cao. Sự gán ghép bản thân chuột vào bản thân cha của mèo như tác giả Đông Lan dựa theo lời nói của Chí Phèo, đưa ra, không biết có phải thật là ý nghĩ của tác giả bài đồng dao: "Mèo chuột" kia không? Cũng có thể "Con mèo trèo cây cau" này đã từng thịt mất cha của chú chuột, nên muốn leo lên lần nữa thịt luôn chú chuột con cho đã thèm. Tác giả bài đồng dao vì vậy mới dựa theo ý nghĩa luân lý của dấu chỉ "Tả nhậm" cảnh tỉnh chú Mèo rằng, Chuột và Mèo tuy khác nhau về yếu với mạnh, song cũng cùng chung một loài súc sinh như nhau. Cha chuột có khác chi cha mèo; nên Giỗ cha chuột cũng tức là giỗ cha mèo. Sự khác biệt về thể chất, trình độ, nhu cầu, hướng đi, v.v.. không có nghĩa là không thể sống chung với nhau được. Sự khác biệt còn giúp chúng ta sống ý nghĩa hơn, lành mạnh hơn và nhân đạo hơn nếu chúng ta biết áp dụng "đạo Việt" là một thứ "Việt Nho" trọng tình hơn lý, phù suy hơn phù thịnh, tức giúp yếu hơn là hùa theo với mạnh. Đạo Việt, theo đó, rõ ràng hơn hẵn cái đạo Quân tử Tàu của tập đoàn Trung cộng lúc nào cũng có dã tâm làm bá chủ thiên hạ và nuốt chửng Việt Nam .

Thêm một bài viết nữa của tác giả Nguyễn-Sơn-Hà, mang tên:"Đạo Trời qua Mèo Chuột" cho chúng ta thêm một cái nhìn sâu vào "Đạo Việt" qua ý nghĩa của từng chữ từng câu trong bài đồng dao. Tác giả sau khi phân tích từng ý nghĩa ẩn tàng trong những từ vựng như: "Mèo", "Chuột", "trèo", "cây", "đi", "mua", "mắm", "muối", "giỗ", "cha", "chú", v.v... đã tổng hợp tất cả lại thành một thứ "Lưỡng nhất tính" (dual unit), hay "Song trùng lưỡng hợp" như kinh Dịch gọi cặp Âm Dương, làm nền tảng cho Đạo Việt. Thật là tuyệt! Một bài đồng dao tầm thường với hình ảnh cũng tầm thường của mèo và chuột lại gói ghém ý nghĩa cao xa về "thiên địa vạn vật nhất thể" (Trời đất vạn vật đều là một), về sự hợp một của tiểu ngã và đại ngã, của Thân và Tâm, của Tiên và Rồng, của Đất và Trời, v.v... Những câu sấm chúng ta đã từng bàn qua cũng thế, lời lẽ nghe có vẻ tối nghĩa, thiếu mạch lạc, thậm chí đôi khi còn nghịch lý, lại tiên đoán được vận mệnh Việt Nam và Thế giới trong đoạn đường sắp tới, nhất là trong năm Tân Mão này.

Người ta thường ví Trung Cộng như con mèo, còn Cộng sản Việt Nam như con chuột. Trung Cộng là quốc gia mang mộng bá quyền chuyên đi thôn tính các nước khác hoặc bắt các nước khác thần phục mình, còn Cộng sản Việt Nam quá nhu nhược qua các vụ lãnh thổ, lãnh hải, Hoàng Sa, Trường Sa, và nhất là vụ cho phép Trung Cộng khai thác quặng Bauxit tại vùng cao nguyên đã phản ảnh trung thực hình ảnh hai con vật này. Qua một số tài liệu bắt được gần đây, người ta còn tin rằng con mèo Trung cộng vẫn chưa chịu dừng tay mà còn muốn tiếp tục thôn tính luôn cả thế giới. Việt Nam nằm sát nách Trung cộng, nên mối đe dọa bị thôn tính dĩ nhiên cao hơn các nước khác. Tập đoàn lãnh đạo của Cộng sãn Việt Nam trước kia thường dùng chiến thuật đu giây giữa Trung Cộng và Nga sô để được sống còn. Bây giờ, màn đu giây vẫn tiếp diễn, song Hoa Kỳ lại nhảy vào thế chỗ cho Nga Sô. Hoa-Kỳ thấy và thấy rất rõ chiến thuật xưa như trái đất này, song vẫn vui vẻ làm cột trụ cho Cộng sản Việt Nam chơi trò đu giây, mục đích có lẽ không ngoài việc quan sát và canh chừng Trung Cộng. Đôi bên đều có lợi, tội gì không làm. Dĩ nhiên lợi cho Mỹ nhiều hơn vì một mai nếu phải xẩy ra trận đọ sức với Trung Cộng, chiến trường là Việt Nam chứ không nằm trong phần đất nào của Mỹ. Lần này, nếu Việt Nam trở thành chiến trường cho Mỹ và Trung cộng, không chừng Mỹ sẽ bật đèn xanh cho Cộng sản Việt Nam bắc tiến chứ không cản trở như đã từng cản trở miền Nam Việt Nam ngày xưa.

Việt Nam và Trung Cộng là các quốc gia Cộng sản, sở dĩ vẫn còn đứng vững trong khi cộng sản Đông Âu và Liên Sô hoàn toàn sụp đổ là nhờ thế lực của Công An và Quân đội. Hai thế lực này hết sức trung thành bảo vệ chế độ, hay nói đúng hơn, bảo vệ cho một tập đoàn thống trị, quên mất hai chữ "nhân dân" vốn là đối tượng đúng nghĩa cho hai thế lực này hướng về phục vụ. Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, quân đội nhân dân, đâu đâu cũng thấy nhãn hiệu nhân dân; nhưng thay vì phục vụ nhân dân, các thế lực này lại đi đàn áp nhân dân mới thật là mỉa mai và mâu thuẫn. Muốn cho câu sấm "Bất chiến tự nhiên thành" ứng nghiệm, các thế lực này phải ý thức được việc sai trái mình đang làm và hiểu rõ bổn phận phục vụ nhân dân của mình mà thành tâm sửa đổi. Ai có thể giúp họ làm được việc này? Một Thiên tử trong câu sấm: "Bảo giang thiên tử xuất" ư? Đức Phật nói ai cũng có phật tính, nghĩa là có khả năng thành Phật nếu mình muốn và dụng công tu tập. Thế thì tại sao chúng ta không ý thức được chính mình cũng có "Thiên tử" tính, nghĩa là có khả năng thành "Thiên tử" nếu mình có tự tin, và có quyết tâm thực hiện. Bao nhiêu năm nay, ngưòi ta cứ đổ xô đi tìm một thứ Ý thức hệ gọi tên nôm na là Ý thức hệ thứ Ba, hay bây giờ tạm đặt tên là Ý thức hệ "Thiên tử", nhằm trung hòa hoặc đánh đổ được hai ý thức hệ hiện hành là Tư bản và Cộng sản mà không ngờ Ý thức hệ đó đã có sẵn trong mỗi người chúng ta như viên ngọc nằm trong chéo áo của người cùng tử. Thay vì lấy viên ngọc ra làm vốn buôn bán để trở nên giàu có khi có người mách cho mình biết, người cùng tử vẫn không tin, không chịu sờ vào chéo áo xem có thật hay không, lại tiếp tục vai trò nghèo hèn của mình. Chúng ta cũng vậy, thay vì tự mình trở thành "Thiên tử", lại lăng xăng chạy tìm cho mình một "Thiên tử" của "Bảo giang Thiên tử xuất" nào đó rồi mơ có ngày "Bất chiến tự nhiên thành". Làm như thế, được ư?

Năm Tân Mão với chữ "Tân", cứ hiểu như là canh tân, đổi mới. Khát vọng hòa bình của chúng ta cũng nên dựa vào ý nghĩa này mà đổi thay cho phù hợp với câu: "nhật nhật tân, hựu nhật tân" (Mỗi ngày một mới). Đại chiến thứ Ba là hiểm họa tận thế trước mắt, hầu như ai ai cũng ý thức được, song nỗ lực ngăn chận nó, ít người quan tâm, hoặc không biết phải làm gì cho phù hợp. Người ta đặt kế hoạch di dân về Hỏa tinh hoặc các hành tinh có sự sống khác đề được an toàn khi chiến tranh nguyên tử hủy diệt quả địa cầu. Làm như thế cũng là cách toan liệu thích đáng, song thử hỏi chúng ta có đủ thì giờ đưa hết những người chán ghét chiến tranh lên trên kia không? Cách hay nhất theo như đa số chúng ta vẫn nghĩ là làm sao tìm cách ngăn chận kịp thời. Phương cách này như đề cập ở phần trước đã có sẵn trong mỗi con người chúng ta. Nó là ý thức hệ thứ ba, hệ "Thiên tử", dung hòa hoặc chế ngự được hai hệ: "Tư bản" và "Cộng sản", vốn là hai đối cực Âm Dương trong tất cả yếu tố về vật chất cũng như tinh thần. Ý thức hệ, tiếng Mỹ là "Ideology", đúng ra là hệ thống hóa một ý thức nào đó, song chúng ta lại lý tưởng hóa, bóp méo và tôn thờ nó, khiến bản chất của nó bị che lấp và sự ứng dụng sai lạc đi. Ý thức hệ thứ ba có sẵn trong chúng ta, tạm đặt tên là "thiên tử" cho phù hợp với câu sấm: "Bảo giang thiên tử xuất", nhằm mục đích làm phương tiện cho chúng ta phân biệt với ý thức hệ: "Tư bản" và "Cộng sản", cũng như khuyến khích mỗi người chúng ta tự làm một cuộc cách mạng về ý thức. Ý thức này rất giản đơn, không cần tới kiến thức rộng lớn mới hiểu và áp dụng được. Chỉ cần chúng ta nhận chân cho rõ bản chất của sự vật là chúng ta đã hiểu và hành theo ý thức hệ đó rồi. Bản chất của Quân đội, Công an nhân dân là để phục vụ nhân dân, chứ không phải để đàn áp nhân dân hoặc bảo vệ một tập đoàn thống trị hay một đảng phái nào. Hiểu như thế là hiểu đúng, là ý thức được bản chất của sự vật. Một khi một nhóm nhỏ đã hiểu được thì theo định luật cộng hưởng, trước sau gì tất cả nhân loại cũng thấu triệt cả thôi. Có như vậy họa may mới thực sự "bất chiến tự nhiên thành". Năm Tân Mão là tia hy vọng.