Home Tin Tức Bình Luận Câu chuyện lãnh tụ

Câu chuyện lãnh tụ PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phan   
Thứ Hai, 24 Tháng 1 Năm 2011 21:21

 Họ được đưa vào hàng lãnh đạo như là “hạt giống đỏ”

 

Sau khi đảng Cộng Sản Việt Nam bầu bán, tin tức bắt đầu cho thấy trong số các nhân vật được vào Bộ Chính Trị và trung ương đảng thuộc giòng con lãnh tụ.

Nổi bật nhất dĩ nhiên là Nông Quốc Tuấn, con trai của cựu Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh và Nguyễn Thanh Nghị, con trai của đương kim Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

 Nhưng ngoài ra còn có nhiều người khác trong số đó có Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh, con trai của cố Ðại Tướng Nguyễn Chí Thanh, Thứ Trưởng Phạm Bình Minh, con trai của cố Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch (ông Thạch tên thật là Phạm Văn Cương), Trần Sỹ Thanh, cháu của Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng và Nguyễn Thị Kim Tiến, cháu ngoại của cố Tổng Bí Thư Hà Huy Tập.

Nói cách khác họ là con cái của các trung thần của chế độ. Và việc họ được đưa vào hàng lãnh đạo như là “hạt giống đỏ” trong ban chấp hành trung ương chứng tỏ là chế độ muốn tiếp tục đưa con cháu vào chức vị quyền thế.

Có người thì bảo là đó chẳng qua là lề thói Ðông Phương. Ở Trung Quốc, người mà đang được chuẩn bị để lên thay thế ông Hồ Cẩm Ðào, ông Tập Cận Bình là con của ông Tập Trọng Huân, một trong những đồng chí của ông Ðặng Tiểu Bình, và thuộc trong số những vị được coi là thế hệ thứ nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Nhưng không phải lãnh tụ nào ở Ðông Phương cũng suy nghĩ như vậy. Tờ Asia Sentinel trong một số hôm cuối năm có một bài viết về ông Tưởng Kinh Quốc, cựu lãnh tụ của Ðài Loan.

Ông Tưởng Kinh Quốc là con trai của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, và khi ông sắp đến lúc về hưu ai cũng nghĩ là ông sẽ tiếp tục dọn đường cho con cái mình tiếp tục sự nghiệp. Nhưng năm 1985, ông Tưởng Kinh Quốc đã làm một việc mà có lẽ chưa một lãnh tụ độc tài nào dám làm: Ông tình nguyện chấm dứt triều đại của mình tại Ðài Loan và chuẩn bị cho Ðài Loan trở thành một nền dân chủ thật sự.

Ngày nay, ông Demos Chiang, 34 tuổi, là chủ tịch sáng lập của DEM Inc., một công ty về design thành lập năm 2003 với văn phòng ở Ðài Bắc và Thượng Hải. Nhưng tiểu sử của ông trên websites không hề nhắc đến việc ông là cháu nội của ông Tưởng Kinh Quốc và giòng dõi của cố lãnh tụ Tưởng Giới Thạch.

Sau khi ông Tưởng Kinh Quốc qua đời năm 1988, cha của ông Demos, Tưởng Hiếu Dũng, di cư cùng toàn thể gia đình sang Canada. Demos theo học tài chánh ở trường Stern School of Business của Viện Ðại Học New York và design từ trường nổi tiếng Parsons cũng ở New York. Ông trở thành nổi tiếng nhất trong con cháu giòng họ Tưởng vì sự thành công của công ty do chính ông sáng lập. Nhưng ông cũng như những con cháu khác của giòng họ Tưởng không đóng góp tí nào vào chính trị Trung Hoa Dân Quốc. Và đặc biệt hơn nữa, họ không muốn tham gia.

Và điều đó chính là vì một quyết định của ông Tưởng Kinh Quốc, được sự ủng hộ của bà Tống Mỹ Linh, mẹ kế của ông. Năm 1985, ông Tưởng nói với tạp chí Time là “vị lãnh tụ sắp tới của Trung Hoa Dân Quốc sẽ được chọn theo hiến pháp. Tôi không bao giờ nghĩ người đó sẽ thuộc giòng họ Tưởng.”

Ðại đa số người dân Ðài Loan lúc đó không tin, nhưng ông đã thực hiện đúng lời hứa. Như một vị giáo sư ở Ðài Bắc nhận xét “Thật là hiếm có một nhà độc tài tự ý biến quốc gia của mình thành một nền dân chủ. Ông Tưởng đã có hai đóng góp vĩ đại cho Ðài Loan. Một là ông đặt nền tảng cho ‘phép lạ kinh tế’ của các thập niên 1980 và thứ nhì là việc ông tạo ra một nền dân chủ trong đó dân chúng có quyền chọn kẻ cầm quyền. Ông đã là người hủy thiết quân luật và việc cấm lập đảng. Ông cũng là người bỏ lệnh cấm báo chí tư nhân.” Nói cách khác, ông đã chọn đa đảng, đa nguyên và dân chủ thay vì tiếp tục chế độ như cha ông, Thống Tướng Tưởng Giới Thạch, để lại.

Dĩ nhiên cũng có một số lý do gia đình khiến ông không muốn giòng họ Tưởng tiếp tục nắm quyền. Trong số con trai của ông, người con trưởng, Tưởng Hiếu Văn, là một người nghiện rượu. Thất vọng, ông đặt hy vọng vào người con thứ, Tưởng Hiếu Vũ, và đưa ông này vào làm tình báo, con đường để lên làm lãnh tụ tại Ðài Loan lúc đó.

 Nhưng sự nghiệp của ông Hiếu Vũ bị đột ngột gián đoạn vì tháng 10 năm 1984, nhà báo Henry Liu bị ám sát ở California. Ông Liu đã viết một cuốn tiểu sử không được cho phép về ông Tưởng Kinh Quốc. FBI khám phá ra là quân báo Ðài Loan có dính đến vụ này. Ông Hiếu Vũ cũng bị nghi ngờ. Sự việc là chuyện này xảy ra chỉ năm năm sau khi Washington đã cắt đứt liên hệ chính thức với Ðài Loan và bắt tay với Hoa Lục, ông Tưởng đành phải đưa Hiếu Vũ sang Singapore làm đại diện thương mại cho chính phủ, để bảo vệ sự liên hệ không chính thức cần thiết cũng như ô dù quân sự của Hoa Kỳ cho Ðài Loan. Liên hệ này đã khiến ông Hiếu Vũ bị loại ra khỏi chính trị.

Nhưng ông còn hai người con nữa, trong đó có cha của Demos, Hiếu Dũng, và một người con gái, Hiếu Nguyên.

Việc ông cảm thấy là đã đến lúc đưa dân chủ thực sự đến cho Ðài Loan đã bắt đầu từ ngay những năm ông còn nắm quyền. Trong những năm cuối, ông từ bỏ lối sống “hoàng gia”, vốn là lối sống của gia đình từ thời còn ông Tưởng Giới Thạch.

 Sau những chuyến công du năm 1969 và 1970 khi ông may nhiều bộ đồ Tây đắt tiền, ông không mua thêm bộ đồ nào mới nữa. Ông không mua hàng đắt tiền, và thường chỉ mặc đồ may sẵn, giản dị nhưng vẫn nghiêm chỉnh. Trong 20 năm cuối của đời ông, ông chọn ở một nhà khách cho các sĩ quan Hoa Kỳ ở phía Bắc thành phố Ðài Bắc, dùng đồ đạc bình thường như một gia đình trung lưu. Ông còn từ chối không cho tùy tùng gọi đó là “dinh”.

Khi ông qua đời năm 1988, ba người con cũng hiểu là Ðài Loan, vì những quyết định của cha mình, đã thay đổi quá nhiều rồi, và xã hội đó không chấp nhận một thế hệ họ Tưởng thứ ba nữa. Trước khi ông Hiếu Dũng đem con đi Canada, ông tìm đến gặp bà Tống Mỹ Linh, năm đó đã 90 tuổi. Bà đã trả lời “Ðúng, cháu nên đi. Ta hoàn toàn đồng ý. Nhưng đừng quên hai điều: Ðừng quên mình là con cháu giòng họ Tưởng, và đừng quên mình là người Hoa”.

Di sản của ông Tưởng Kinh Quốc là một điều duy nhất nay đoàn kết hai đảng Dân Tiến và Quốc Dân Ðảng. Hai đảng này không đồng ý với nhau về bất cứ một điểm gì ngoài việc là nếu không có quyết định sáng suốt của ông thì nền dân chủ Ðài Loan đã không hình thành và phép lạ kinh tế Ðài Loan chưa chắc đã xảy ra.

Tiếc thay Việt Nam chúng ta chưa bao giờ có được một nhà lãnh đạo như vậy.