Giàu nghèo |
Tác Giả: Lê Phan | |||
Thứ Hai, 31 Tháng 1 Năm 2011 14:33 | |||
Tuần này tại Davos các “đại gia” lại tụ tập để bàn chuyện thế giới. Nhưng phải chăng họ cũng xa rời thực tế như các chính trị gia Anh trong chính phủ liên đảng hiện nay. Bởi ngày chúng ta càng thấy một thế giới phân cực, không phải giữa nước giàu và nước nghèo mà là giữa những người quá giàu và đại đa số vất vả kiếm sống. Cuộc họp hàng năm của diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos năm nay có 2,500 người tham dự. Diễn đàn này, do ông Klaus Schwab thành lập với mục đích thật chân thành là để làm nơi các ông bà nhà giàu nghĩ đến chuyện lương tâm, năm nay sẽ phải, dầu muốn hay không, tập trung vào một hậu quả khôn lường của cuộc cách mạng kỹ thuật và hiện tượng toàn cầu hóa, đó là mặc dầu đem lại cơm áo cho những nơi hồi trước không có ăn, nó cũng tạo nên một khoảng cách ngày càng xa giữa những ông bà nhà giàu, dẫu cho họ sống ở đâu, và toàn thể dân chúng còn lại. Chiều hướng đó thấy rõ nhất ở Hoa Kỳ, nơi mà từ năm 1980 đến năm 2005, hơn 80 phần trăm gia tăng trong lợi tức đã đổ vào chỉ vỏn vẹn có 1 phần trăm những người giàu có nhất. Sự cách biệt giữa những ông bà nhà giàu với toàn thể mọi người khác ở Hoa Kỳ nay đã lớn nhất trong bất cứ giai đoạn nào kể từ khi cuộc đại khủng hoảng thời thập niên 1930. Sự bất bình đẳng trong lợi tức tuy vậy không phải chỉ xảy ra ở Hoa Kỳ. Ở Anh Quốc, ở Canada, và ngay cả ở những quốc gia vốn có thời rất bình đẳng như các quốc gia Bắc Âu, Ðức hay Úc, chuyện này cũng xảy ra. Trước kia người ta thường thấy hiện tượng những người giàu quá như vậy ở các quốc gia “chậm tiến” hay “đang phát triển” như Brazil, Mexico hay Nam Phi. Nhưng nay sự mất bất bình đẳng về lợi tức giữa một thiểu số chưa đầy 1 phần trăm dân số và đại đa số 99 phần trăm còn lại còn tệ hại hơn là Hoa Kỳ tại các quốc gia đang lên như Ấn Ðộ hay Trung Quốc. Giáo Sư Robert Reich, một vị cựu bộ trưởng lao động của Hoa Kỳ, đã diễn tả sự bất bình đẳng đó qua một thống kê rất đơn giản: Năm 2005, ông Bill Gates có lợi tức là 46 tỷ đô la và ông Warren Buffet có lợi tức là 44 tỷ đô la. Cũng năm đó, tổng cộng tài sản của 120 triệu người Mỹ ở nửa tận cùng của cán cân lợi tức, khoảng 40 phần trăm dân số, chỉ kiếm được khoảng 95 tỷ đô la, chỉ hơn một chút tổng lợi tức của hai ông Gates và Buffet. Dĩ nhiên trường hợp hai người giàu nhất và nhì thế giới là ngoại lệ, nhưng họ tiêu biểu cho một chiều hướng. Số một phần trăm của 1 phần trăm của các gia đình Hoa Kỳ giàu có nhất, khoảng 15,000 người, chiếm chưa đầy 1 phần trăm tổng lợi tức quốc gia năm 1974. Nhưng đến năm 2007, số người này đã chiếm đến 6 phần trăm của tổng lợi tức quốc gia. Sự sai biệt đó, nếu tính thành tiền, sẽ lên đến nhiều trăm tỷ đô la. Những điều này không phải là bí mật, nhưng điều bị chỉ trích là chiều hướng này không được mấy ai nghiên cứu. Ông Branko Milanovic, một kinh tế gia của Ngân Hàng Thế Giới nhận xét “các cuộc nghiên cứu về bất bình đẳng giữa các cá nhân không được mấy hưởng ứng,” bởi theo ông “những người giàu không thích nói chuyện đó”. Ông Milanovic kể là một vị đứng đầu một viện nghiên cứu nổi tiếng ở Washington đã bảo ông “Ban quản trị của viện nghiên cứu sẽ không muốn tài trợ những nghiên cứu mang cái tựa ‘bất bình đẳng trong lợi tức hay tài sản’”. Ông kết luận “Họ sẽ tài trợ bất cứ điều gì liên quan đến giảm nghèo, nhưng bất bình đẳng là chuyện khác.” Một vấn đề khác về sự bất bình đẳng này là nó thường bị che giấu không những bởi những ông bà nhà giàu mà vì nhờ toàn cầu hóa và nhờ tiến bộ kỹ thuật người nghèo bây giờ cũng khá giả hơn trước. Ðiển hình của tình trạng này là hiện trạng ở Việt Nam. Hồi trước khi chính quyền theo đuổi chủ nghĩa tư bản hoang dã mạo danh “xã hội chủ nghĩa với định hướng thị trường”, phải nói ở Việt Nam lúc đó ai cũng nghèo. Có thể các ông trung ương đảng hay bộ chính trị khá hơn, nhưng so với thiên hạ thì các ông cũng không bằng ai. Còn dân chúng thì thật thê thảm. Chúng tôi còn nhớ trong những năm ngay trước Ðổi Mới, ở Ðồng Bằng Sông Cửu long, cảnh người đi cày mặc áo vá nhiều mảnh không thiếu. Và nhờ sáng kiến “giá, lương, tiền” lần đầu tiên Ðồng Bằng Sông Cửu Long, vựa lúa nay là của thế giới, biết ăn độn. Nhưng nay hôm nọ tôi đọc trên báo điện tử VNExpress bài phóng sự về những kẻ sống bên lề xa hoa của thành phố Hà Nội, nơi mà Tết chỉ là cái bánh chưng, gói kẹo của các tổ chức từ thiện mang tới, nhưng dầu sao các em bé trong các căn nhà làm bằng tre nứa chắp vá trên những phao nổi trên bãi giữa sông Hồng đó cũng có áo quần lành lặn. So với những ông bà tỷ phú, một phút hứng đi ăn tô phở 35 đô la hay cao hứng hơn nữa, mua xe hơi Rolls-Royce Phantom rồi gửi phi cơ về nước cho kịp một dịp nào đó, thì cuộc sống của họ bần hàn lắm. Nhưng so với cái thời mà những người trong nước gọi là “bao cấp” khi một kg đường, một cân gạo là quà quý thì quả là cuộc sống của tất cả mọi người đều đã cải thiện. Nói vậy không có nghĩa là biện minh cho sự bất công bằng này như Tạp chí The Economist. Tờ tạp chí kinh tài này đã trổ tài hùng biện để chứng minh là người giàu có ích cho quốc gia và cho thế giới. Tờ báo nói là cải tổ là phải lôi cuốn giới trung lưu và hạ lưu lên chứ không phải là đẩy người giàu xuống, đầu tư vào giáo dục và hủy bỏ những hàng rào giáo dục, hủy bỏ những luật lệ chống lại sự thăng tiến và tập trung công chi vào những người cần thiết nhất. Nói thì rất hay nhưng đầu tư vào giáo dục hay “hủy bỏ các hàng rào giáo dục” cũng không làm sao có thể giúp cho con cái của những người đang thất nghiệp, sống bằng trợ cấp, trong khu nhà xã hội hay trong các xóm nghèo, có thể đi học chứ nói là có thể thăng tiến. Có lẽ tờ The Economist cũng như các lãnh tụ hiện nay của Anh Quốc, vốn “đẻ bọc điều”, từ lúc ra đời chưa bao giờ phải vật lộn kiếm sống nên không hiểu được cái nỗi khổ của những người chạy ăn từng bữa. Ðiều còn đáng lo ngại hơn nữa là ngay giai cấp trung lưu, những người mà ở Hoa Kỳ có lợi tức khoảng 200,000 đô la một năm, cũng đang vật lộn. Năm 2003 chẳng hạn, trong khi số 1 phần trăm giàu nhất có lợi tức gia tăng 176 phần trăm trong khi lợi tức của nhóm kế tiếp tức là 5 phần trăm sau đó, chỉ tăng có 69 phần trăm. Và sự gia tăng này nhiều khi chỉ vì bây giờ cả vợ chồng cùng quần quật đi làm. Vả lại một trong những điều mà nếu các nhà kinh tế không nhớ, các nhà nghiên cứu chính trị khó quên, đó là một xã hội bất công sẽ là một xã hội bất mãn, và mức độ bất mãn, một khi có động cơ, sẽ bùng nổ. Chỉ cần vài năm thiên tai, giá thực phẩm tăng vọt, kinh tế trì trệ, chính quyền không còn sức tài trợ nữa là bất ổn sẽ xảy ra. Ðó là những gì đang xảy ra ở Tunisia, Ai Cập và nay đã lan đến Yemen. Ở Việt Nam hay Trung Quốc, chính quyền đã mặc nhiên thỏa thuận với dân chúng là nếu đem lại được cơm no áo mặc thì họ sẽ được tiếp tục độc quyền cai trị. Nhưng kinh tế đâu có lúc nào cũng đi lên, khi chu kỳ đi xuống thì bất mãn đi lên. Lúc đó bất bình đẳng sẽ là cái gai trước mắt của 99 phần trăm người dân còn lại. Bạo loạn sẽ xảy ra.
|