Home Tin Tức Bình Luận Đại Họa Bắc Thuộc

Đại Họa Bắc Thuộc PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Đình Hưng   
Thứ Ba, 01 Tháng 2 Năm 2011 12:44

  Muốn tránh khỏi đại họa mất nước và mất dân tộc, nhân dân Việt Nam phải dũng cảm và nhanh chóng loại bỏ kẻ nội thù tay sai của đế quốc Trung Hoa.

                                                                                                                                  

Trước đại họa mất nước vào tay Hán tộc, đại bộ phận người Việt trong nước và ngoài nước gần đây đặc biệt quan tâm đến sự trở lại Đông Nam Á của Hoa Kỳ sau trên 30 năm vắng bóng. Nhiều người Việt yêu nước ở khắp năm châu rất phấn khởi khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 22-7-2009 tại Bangkok, Thái Lan : “ Chúng tôi đã trở lại” (We are back). Họ càng ấm lòng hơn khi nhận thấy lập trường mới của Hoa Kỳ đối với các biến động Biển Đông của Việt Nam :
- Tại Hội nghị của Diễn Đàn Hiệp Hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại Hà Nội ngày 23-7-2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã mạnh dạn tuyên bố Hoa Kỳ có quyền lợi cốt lõi (core interests) tại Biển Đông của Việt Nam và cương quyết chống lại việc sử dụng võ lực để giải quyết các tranh chấp chủ quyền giữa các nước có quyền lợi liên quan đến vùng biển nầy.
- Tại Hội nghị mở rộng của các Bộ trưởng Quốc Phòng các nước khối ASEAN do Hà Nội tổ chức ngày 10-10-2010, Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates đã tuyên bố phải tôn trọng quyền tự do hải thượng của các tàu thuyền lưu thông trên Biển Đông Việt Nam để đảm bảo quyền lợi của nhiều nước trên thế giới.

Ngoài những lời tuyên bố quyết liệt của hai Bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Hà Nội, Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương còn cho hàng không mẫu hạm nguyên tử đi vào Biển Đông Việt Nam để biểu dương sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ. Trước lập trường mới của Hoa Kỳ cương quyết bảo vệ các quốc gia Đông Nam Á, đế quốc Trung Cộng phải áp dụng đường lối cố hữu “ Mềm nắn, rắn buông” : mời Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ thăm viếng Bắc kinh từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 1 năm 2011 truớc khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) đi Washington D.C hội kiến với Tổng Thống Barack Obama 10 ngày sau đó. Bộ trưởng Robert Gate đã được tiếp rước nồng hậu tại Bắc kinh, hội đàm thân thiện với Bộ trưởng Quốc Phòng của Trung Quốc. Ông Robert Gates còn được Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tiếp kiến ngày 10-1-2011 sau khi chiếc phi cơ tàng hình (stealth fighter) J20 đầu tiên của Trung Quốc bay thử tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Trung Quốc còn bày tỏ thiện chí mời Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đi tham quan một trung tâm kiểm soát võ khí nguyên tử, một bí mật quốc gia của các nước cộng sản.

Sự thay đổi chiến thuật ngoại giao của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ có tính giai đoạn: hiện nay, Hải quân của Trung Quốc chưa có khả năng đương đầu với Hải quân Hoa Kỳ mặc dầu Trung Quốc đã có hỏa tiển đạn đạo chống hàng không mẫu hạm. Trong đoản kỳ 10 năm hoặc 20 năm, Trung Quốc cần phải hòa hoản với Hoa Kỳ để âm thầm phát triển kinh tế vượt qua Hoa Kỳ, đóng các hàng không mẫu hạm và chế tạo các phương tiện chiến tranh cực kỳ hiện đại khả dĩ đối phó với Hoa Kỳ, Nhựt bản và các nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức). Nhưng trong trường kỳ, Trung Quốc vẫn mong muốn trở thành một siêu cường kinh tế và quân sự số 1 trên thế giới có đủ sức mạnh khống chế nhiều châu lục trong vài thập niên sắp tới. Với tham vọng bành trướng cố hữu, Trung Quốc luôn luôn xem Việt Nam là một nước nhỏ, một quận huyện cũ của Trung Hoa ở phía Nam cần phải thôn tính và sát nhập vào Trung Quốc trước khi tràn xuống Đông Nam Á. Vì vậy, đến năm 2011 (20 năm sau cuộc họp tại Thành Đô năm 1990 giữa lãnh đạo của hai đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam), đại họa Bắc thuộc trong thế kỷ 21 sẽ trở thành hiện thực hay không tùy thuộc vào ba yếu tố kể sau:
- Sự can thiệp của Hoa Kỳ
- Tham vọng bành trướng của đế quốc Trung Cộng
- Lập trường của Cộng sản Việt Nam
Cần ghi nhận rằng năm 1990, một phái đoàn Cộng sản Việt Nam gồm có Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và cựu Thủ tướng Phạm văn Đồng đã đến Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên cầu hòa với Chủ tịch Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng của Trung Quốc. Trong cuộc họp mật nầy, phái đoàn đảng Cộng sản Việt Nam đã bị Giang Trạch Dân bắt buộc phải chấp nhận một vài điều kiện để Bắc kinh chấp nhận hòa giải với Việt Nam và bảo đảm sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam trên ngai vàng Bắc bộ phủ. Các điều kiện do Giang Trạch Dân đưa ra có lẽ đau đớn lắm khiến cho Phạm văn Đồng sau cuộc họp Thành Đô phải than rằng “ chúng ta đã bị mắc lừa rồi”.

I- SỰ CAN THIỆP CỦA HOA KỲ
Trong tác phẩm “Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Kim Dung”, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã xem Dương Quá là nhân vật tượng trưng Hoa Kỳ. Thật vậy, chàng Dương Quá của thời đại ngày nay cũng thích can thiệp vào chuyện thiên hạ. Trong thế kỷ 20, sau hai lần can thiệp thành công trong Thế chiến I và Thế chiến II , Hoa Kỳ đã trở thành một siêu cường lãnh đạo Thế Giới Tự Do ngăn chận làn sóng đỏ. Mặc dầu là một siêu cường kinh tế và quân sự số 1 trên thế giới sau Thế chiến II, Hoa Kỳ đã không thôn tính bất cứ nước nào cả.
Để bảo vệ tự do, dân chủ và nhân quyền của nhân dân Nam Triều Tiên và Nam Việt Nam chống lại sự xâm lăng cộng sản, Hoa Kỳ đã tham chiến trong hai cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và Chiến tranh Việt Nam (1965-1975). Hoa Kỳ cũng đã can thiệp giúp đỡ một số nước nhỏ thoát khỏi nạn xâm lăng của các nước lớn:
- Giúp đỡ tài chánh và võ khí cho kháng chiến quân Afghanistan đánh đuổi quân xâm lược Liên Xô trong hai thập niên 1970 và 1980;
- Sử dụng Không lực để bắt buộc nước Serbia chấm dứt cuộc chiến tranh diệt chủng tại Bosnia và Kosovo trong thập niên 1980.
Tuy nhiên, kể từ thập niên 1970, dưới ảnh hưởng của Tiến sĩ Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng của hai đời Tổng Thống Hoa Kỳ (Richard Nixon và Gerald Ford), Hoa Kỳ đã áp dụng một chánh sách ngoại giao thực dụng  nhắm vào các lợi ích kinh tế trước tiên. Ông cựu Ngoại trưởng Mỹ gốc Do Thái đã hướng dẫn chàng Dương Quá đời nay hành động vụ lợi và xem nhẹ các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền đã được tiền nhân trân quý khi lập quốc. Chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) của Tiến sĩ Henry Kisssinger đã đưa nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào ghế thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc năm 1971 thay thế nước Trung Hoa Quốc Gia (Đài Loan), chuyển giao miền Nam Việt Nam cho Bắc kinh và tay sai Bắc Việt năm 1975, mở đường cho Hoa Kỳ hợp tác kinh tế với Trung Cộng để giúp đại quốc cộng sản nghèo đói và chậm tiến nầy trở thành một siêu cường kinh tế và quân sự chủ nợ của Hoa Kỳ (900 tỷ USD) và cả thế giới. Nhờ bóc lột sức lao động của một tỷ ba trăm triệu người dân Tàu, Trung Cộng đã tích lủy một số dự trử ngoại tệ vô cùng to lớn: 2700 tỷ USD và 1900 tỷ euros. Đầu tư khổng lồ của Hoa Kỳ, Nhựt, Tây Âu và Đài Loan vào Trung Quốc để khai thác thị trường nhân công rẻ và nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ và Liên Âu đã đánh thức con sư tử ngủ Á Đông và biến nó trở thành một đe dọa trầm trọng cho nền hòa bình thế giới.
Sau ngày rời bỏ chức vụ Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Tiến sĩ Henry Kissinger đã xuất bản năm 1994 một quyển sách tựa đề Diplomacy (A Touchstone book), nhà xuất bản Simon & Schuster, New York, USA. Thuộc loại sách bán chạy nhứt, tác phẩm nầy là kim chỉ nam điều hướng nền ngoại giao Hoa Kỳ căn cứ trên thực tại chánh trị của thế giới ngày nay. Năm 2010 vừa qua, đương kim Ngoại trưởng Hillary Clinton vẫn phải tham khảo ý kiến của cựu ngoại trưởng Henry Kissinger về vấn đề Việt Nam.
Trong thập niên đầu của thế kỳ 21, chủ nghĩa thực dụng đã thúc đầy Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush quyết định đánh Irak để bảo vệ các giếng dầu phong phú của xứ Á Rập nầy sau khi đã mở màn thắng lợi cuộc chiến tranh chống khủng bố tại Afghanistan. Hai cuộc chiến tranh Irak và Afghanistan đã kéo dài nhiều năm, gây tổn thất nặng nề cho Hoa Kỳ về chiến phí và binh sĩ. Trong lúc Hoa Kỳ bị sa lầy tại Irak và Afghanistan, phải đi vay nợ của Trung Quốc, Nhựt, Anh và Saudi Arabia, Trung Quốc đã không ngừng phát triển về kinh tế, quân sự và khoa học kỹ thuật, bành trướng ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới, kể cả sân sau của Hoa Kỳ (Nam Mỹ & Trung Mỹ). Đến nay, tổng số nợ công của Hoa Kỳ đã lên đến mười bốn ngàn (14,000) tỷ USD.
Mục đích lợi nhuận cũng đã thúc đẩy các tập đoàn và đại công ty Mỹ xuất cảng công việc làm (outsource) sang Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang phát triển như Việt Nam để khai thác thị trường nhân công giá rẻ. Đó là lý do của tình trạng thất nghiệp cao ở Hoa Kỳ đã dẫn đến sự thâm thủng ngân sách của Liên bang và nhiều tiểu bang.
Tình trạng kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn và nợ nầng chồng chất, Hoa Kỳ cần phải tiếp tục hợp tác về kinh tế với Trung Quốc trong 10 năm hoặc 20 năm nửa để cả hai siêu cường kinh tế số 1 và số 2 trên thế giới cùng tiếp tục phát triển trong sự nương tựa lẫn nhau. Vì vậy, người Việt ở hải ngoại và trong nước đừng vội lạc quan hi vọng Hải quân Mỹ sẽ đưa Hạm đội 7 đến Biển Đông để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á có quyền lợi trên quần đảo Trường Sa (Philippines, Indonesia, Brunei, Mã lai Á). Trong đoản kỳ 10 năm hoặc 20 năm, Hoa Kỳ chỉ quan tâm đến việc cân bằng lực lượng trên Biển Đông Việt Nam giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nghi sĩ Jim Webb, cựu Bộ trưởng Hải quân dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan, đã nói lên mối quan tâm nầy. Chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ xảy ra khi nào sự cân bằng lực lượng bị đảo lộn.

II-THAM VỌNG BÀNH TRƯỚNG CỦA TRUNG QUỐC
Sự thành công nhanh chóng của quốc sách Tứ Hiện Đại Hóa do Đặng Tiểu Bình đề ra là một kỳ tích đáng ca ngợi. Sau 35 năm áp dụng kinh tế thị trường trong một chế độ phong kiến trung ương tập quyền điều hành trên nền tảng triết lý của Khổng Tử, Trung Quốc ngày nay đã thật sự trở thành một siêu cường kinh tế đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ. Chủ nợ của Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới, Trung Quốc hiện nay thật sự là một nước tư bản nhưng mang bản sắc Trung Hoa nghĩa là nhà cầm quyền có quyền uy độc đoán của các vua quan thời phong kiến. Là một ngôi sao đang lên trong thế kỷ 21, Trung Quốc đã bắt đầu vận dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan (Ultra nationalism) thay thế chủ nghĩa cộng sản và tự xem mình là một bông hoa giữa quả địa cầu. Đề cao Tần Thủy Hoàng và Hán Võ Đế, Trung Quốc nuôi mộng thống trị thế giới và thay thế Hoa Kỳ trong địa vị siêu cường số 1 trong thế kỷ 21.

Tiến hành kế hoạch bành trướng lãnh thổ, đế quốc Đại Hán trong bước đầu đã chánh thức công bố bản đồ Lưỡi Bò xác lập chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông của Việt Nam và đã bộc lộ ý định tranh chấp với Nhựt bản chủ quyền trên đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc quần đảo Okinawa trong Đông Hải của Trung Quốc (East China Sea) hoặc Hoàng Hải (Yellow Sea) của Nhựt bản. Vì Hải quân Trung Quốc hiện còn yếu kém so với Hải quân Nhựt bản, Trung Quốc sẽ tạm thời tránh chạm trán với Nhựt bản  trên Đông Hải. Trung Quốc cũng thừa biết rằng nếu có chiến tranh trên Đông Hải, Hoa Kỳ sẽ không đứng yên vì Hoa Kỳ có ký kết một hiệp ước an ninh hỗ tương với Nhựt bản. Nhưng tại biển Đông của Việt Nam hay là Trung Nam Hải (South China Sea), Trung Quốc sẽ không chờ lâu để triển khai các chiến hạm và tàu ngầm trú đóng tại đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa tiến chiếm các hòn đảo còn lai trong quần đảo Trường Sa do Việt Nam, Philippines, Indonesia và Đài Loan kiểm soát. Sau khi chận bít mặt tiền hướng ra biển cả của Việt Nam, Trung Quốc sẽ đánh chiếm nước ta dễ dàng bằng hai con đường thủy bộ nếu Bắc kinh lựa chọn sử dụng võ lực để khống chế người láng giềng ở phía Nam. Chiếm đóng xong Việt Nam, Trung Quốc sẽ nhanh chóng nuốt trọn Đông Nam Á, sử dụng các xa lộ và các con tàu cao tốc từ Hoa Nam chạy xuyên qua Việt Nam, Lào, Kampuchia đến Thái Lan, Mã Lai Á và Singapore.
Bước đường bành trướng kế tiếp của Trung Quốc là kiểm soát phân nửa Thái Bình Dương và phân nửa Ấn Độ Dương để đảm bảo con đường vận chuyển dầu hỏa và khai thác tài nguyên của Úc Đại Lợi, Tân Tậy Lan và các đảo ở Nam Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ thực hiện kế hoạch nầy trong thập niên 2020 sau khi xây dựng xong một Hải quân hùng mạnh với các hàng không mẫu hạm và hạm đội bảo vệ trang bị hỏa tiễn đạn đạo. Đến thời điểm nầy, chắc chắn sẽ xảy ra một trận thư hùng giữa anh khổng lồ Trung Quốc và con đại bàng Hoa Kỳ.
Muốn tránh chiến tranh với Hoa Kỳ, Trung Quốc phải luôn luôn ý thức rằng Hoa Kỳ, một cường quốc Thái Bình Dương, “vẫn có một vai trò quan trọng tại Á châu” trong khi Trung Quốc đang vươn lên địa vị siêu cường kinh tế và thay đồi cấu trúc địa lý chánh trị của châu Á . Vai trò nầy là giúp sắp xếp sự thay đổi cán cân quyền lực tại Á châu trước sự lớn mạnh của Trung Quốc đang gây lo ngại cho nền hòa bình thế giới.
Mặc dầu đã trở thành siêu cường kinh tế số 2 trên thế giới đứng sau Hoa Kỳ, Trung Quốc cần phải cố gắng duy trì quan hệ tốt đẹp với Chú Sam vì sau Tổng Thống Richard Nixon, các Tổng Thổng Hoa Kỳ kế tiếp đã giúp Trung Quốc hội nhập vào hệ thống kinh tế và chánh trị thế giới. Để đền đáp sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, Trung Quốc cần phải triệt để chấp hành di huấn của Đặng Tiểu Bình: phải hợp tác thay vì chống đối Hoa Kỳ. Vị tiền bối có công xây dựng sự cường thịnh của nước Trung Hoa ngày nay đã chỉ dạy triều đình Bắc kinh phải áp dụng một chiến lược hạ mình khiêm tốn và mặc nhiên liên minh với Hoa Kỳ trong các quan hệ đối ngoại.
(Fareed Zakaria, The Chip On China’s Shoulder, Time 2401-2011)

Tuy nhiên, trong 15 năm qua, Trung Quốc quá tự hào về thành quả phát triển kinh tế nhanh chóng đã bắt đầu xem thường di huấn của Đặng Tiểu Bình: ra mặt đối kháng với Hoa Kỳ. Trong hai năm đầu của chánh quyền Obama, Trung Quốc đã có một số hành động đấu tranh với Hoa Kỳ:
- Cho một số chiến hạm và tàu đánh cá xua đuổi một chiến hạm Mỹ có nhiệm vụ dò tìm đáy biển trong hải phận quốc tế của biển Đông Việt Nam;
- Phản kháng việc Tổng Thống Obama tiếp kiến Đức Đạt lai lạt ma của Tây Tạng;
- Phản kháng việc Hoa Kỳ bán võ khí cho Đài Loan và hủy bỏ việc hợp tác quân sự với Hoa Kỳ;
- Làm nhục Tổng Thống Obama tại hội nghị Copenhagen, Thụy Điển, về thay đổi khí hậu;
- Bác bỏ đề nghị của Bộ trưởng Quốc Phòng Robert Gates về việc tái lập quan hệ quân sự ở cấp cao khi đến viếng thăm Bắc kinh từ 8 đến 10 tháng 1 năm 2011.
Tự tin vào sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc, cánh quân phiệt Tàu mong muốn thử lửa với Hoa Kỳ vì từ năm 1969 đến nay, Quân Đội Nhân Dân Giải Phóng Trung Quốc đã không đánh nhau với một địch thủ nào đáng kể như Hoa Kỳ, Nga, Nhựt, Ấn Độ hoặc Anh, Pháp. Trước thái độ bất phục tùng của giới quân phiệt đối với các lãnh đạo dân sự, nhà ngoại giao lão thành Dai Bingguo (Đới Bỉnh Quốc) đã viết một bài bình luận dài 9,000 chữ bác bỏ mọi cuộc thảo luận về việc thay thế hoặc thách đố địa vị số 1 của Hoa Kỳ trên thế giới. Tuy nhiên, ngày 10-1-2011, cánh quân phiệt đã biểu thị sự bất kính đối với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khi cho bay thử chiếc phi cơ tàng hình (stealth fighter) J20 tại Thành Đô, Tứ Xuyên, mà vị lãnh đạo dân sự tối cao dường như không hay biết gì cả trong khi tiếp kiến Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates. Trước tình hình nầy, giới quan sát quốc tế tự hỏi: “Đảng Cộng sản Trung Quốc còn kiểm soát được Quân đội Nhân dân Giải phóng hay không?”.
Với bản chất huênh hoang và mưu mẹo, giới quân phiệt Tàu đã xem Hoa Kỳ là một kẻ thù và nghĩ rằng một cuộc đụng độ giữa Bắc kinh và Hoa Thịnh Đốn không tránh khỏi.
(Fareed Zakaria, tài liệu dẫn trên)

Theo thiển kiến của tôi, một cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sẽ xảy ra sau năm 2020. Nhưng trong thập niên 2010 các nhà lãnh đạo dân sự của Trung Quốc từ Hồ Cẩm Đào đến Tập Cân Bình sẽ cố gắng duy trì sự giao hảo tốt đẹp Mỹ-Hoa. Chuyến đi viếng thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 1 năm 2011 nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong năm 2010. Về kinh tế, để xoa dịu sự bất mãn của giới tư bản Mỹ, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đem đến Hoa Kỳ một số hợp đồng trị giá 45 tỷ USD để ký kết với các đại công ty Mỹ và hứa hẹn Trung Quốc sẽ mua hằng năm nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ trị giá đến 1,000 tỷ USD. Về chánh trị, trước áp lực của Tổng Thống và Quốc Hội Hoa Kỳ, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thú nhận Trung Quốc còn phải làm thêm một số việc để cải thiện nhân quyền trong nước Tàu.
Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Hoa vừa qua không cho thấy một sự nhượng bộ nào của Hồ Cẩm Đào về các vấn đề nâng cao trị giá của đồng nhân dân tệ (yuan) hoặc cải cách chánh trị theo gợi ý của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong năm 2010. Nhưng trong khi viếng thăm Hoa Kỳ lần nầy, Hồ Cẩm Đào đã có những lời nói êm dịu và một thái độ khiêm tốn của một nhà ngoại giao lão luyện.
Về phần Hoa kỳ, Tổng Thống Obama đã bày tỏ thiện chí của Hoa Kỳ muốn xem Trung Quốc là một đối tác kinh tế lớn và nhấn mạnh rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc có lợi cho Hoa Kỳ. Để làm đẹp lòng Trung Quốc, Hoa Kỳ đã tiếp đón trọng thể Chủ tịch Hồ Cẩm Đảo với nghi lễ 21 phát súng đại bác, một quốc yến trang trọng và một cuộc tiếp xúc của vị quốc khách với Quốc Hội lưỡng Viện Hoa Kỳ.

III  - LẬP TRƯỜNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Một sự thật đau đớn đang hiển hiện trước mắt người Việt chúng ta: Đại họa Bắc thuộc lần thứ hai dường như sắp xảy ra trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21.
Sự lệ thuộc của Việt Nam đối với Trung Quốc đã bắt đầu từ lúc Hồ Quang (bí danh của Nguyễn Tất Thành) đến Diên An, thủ đô của Hồng quân Trung Cộng, năm 1938 gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc, tham gia các hoạt động của đảng nầy tại Hoa Nam và trở về mật khu Pác Bó ở Cao Bằng năm 1941. Để tái lập ảnh hưởng của Trung Hoa đã mất đối với Việt Nam từ năm 1862 sau khi quân Thanh đại bại trước liên quân Anh-Pháp, Mao Trạch Đông đã chỉ thị Nguyễn Tất Thành (lấy bí danh Hồ Chí Minh của Hồ Học Lãm từ năm 1943), một đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc, về Việt Nam tiến hành liên tục hai cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt để tàn phá đất nước, chia rẽ dân tộc, gây hận thù giai cấp, giết sạch trí thức, phá tan nội lực của dân tộc Việt. Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Mao Trạch Đông giao phó trườc khi đi chầu hai sư tổ Karl Marx và Lenin.
Mặc dầu năm 1949 Pháp đã chánh thức trao trả độc lập cho Việt Nam với hiệp định Elysee ngày 8-3-1948, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục chiến tranh và sang Tàu hai lần (năm 1950 và 1951) cầu viện Trung Cộng gởi quân chí nguyện và phương tiện chiến tranh qua Việt Nam giúp bộ đội Việt Minh đánh Pháp để chiếm đoạt quyền bính. Giống như vua Lê Chiêu Thống nhà Hậu Lê, sự cầu viện của Hồ Chí Minh đã cho phép Trung Cộng gởi binh sĩ và cán bộ chánh trị xâm nhập Bắc Việt, huấn luyện cán bộ và sĩ quan bộ đội Việt Minh để tuyển chọn người thân tín bố trí trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam. Viện trợ của Trung Quốc đã đưa Hồ Chí Minh lên ngai vàng Bắc bộ phủ và ngự trị miền Bắc Việt Nam sau sự sụp đổ của chiến lũy Điện Biên Phủ trong cơn bão lửa của pháo binh Trung Quốc dưới quyền chỉ huy của tướng Tàu Vi Quốc Thanh. Nhớ ơn Trung Quốc đã đưa ông ta lên đến tột đỉnh vinh quang và quyền lực, Hồ Chí Minh đã chỉ thị Phạm văn Đồng, Thủ tướng của miền Bắc Việt Nam, chánh thức chuyển nhượng cho quan thầy chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với giác thư ngày 14-9-1958. Theo gương bán nước của Hồ Chí Minh, các đồ đệ của người tay sai cộng sản Nga-Tàu đã kế tiếp nhau cắt đất, biển và tài nguyên của Việt Nam dâng lên thiên triều Bắc kinh để đền đáp công ơn đã giúp miền Bắc thôn tính miền Nam năm 1975 và chống lưng cho chế độ cộng sản Việt Nam tiếp tục ngự trị và bóc lột nhân dân Việt Nam đến tận xương tũy sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu:
- Ký kết dưới thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu hai hiệp định dâng đất bán biển cho Trung Quốc;
- Ký kết dưới thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh một số hợp đồng dâng cho Trung Quốc nhiều tài nguyên quý giá dưới biển và trên cao nguyên Trung phần;
- Ký kết dưới thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhiều hợp đồng với các tỉnh Vân Nam, Hải Nam và Quảng Tây với tư cách một thực thể (entity) chánh trị tương đương với một tỉnh của Trung Quốc;
- Cho người Tàu thuê mấy trăm ngàn kí lô mét vuông rừng đầu nguồn tại 18 tỉnh để khai thác với các công nhân đến từ Trung Quốc;
- Đăng ký hồ sơ thềm lục địa nối dài của Việt Nam để mặc nhiên công nhận trước Liên Hiệp Quốc chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;
- Cho phép người Tàu tự do vào ra Việt Nam miển chiếu khán nhập cảnh, lập làng riêng để lưu trú và kinh doanh tại nhiều tỉnh.
Trong quan hệ chánh thức với Trung Quốc, Việt Nam ngày càng mất độc lập tự chủ: nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tỏ ra hèn yếu, sợ sệt khúm núm trước quan thầy Tàu. Các lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động không khác gì các Thái thú của Trung Quốc trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhứt: đàn áp, bắt giam và đánh đập những người Việt yêu nước biểu tình hoặc bày tỏ ý kiến phản kháng Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam để dập tắt lòng yêu nước của dân tộc Việt. Các biểu hiện cụ thể của các lãnh đạo cộng sản ngày nay cho thấy đảng Cộng sản Việt Nam muốn tôn trọng sự cam kết bí mật của phái đoàn đảng Cộng sản Việt Nam  tại hội nghị Thành Đô năm 1990 theo điều kiện của Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân: Trong thời hạn 20 năm phải sát nhập nước Việt Nam vào mẫu quốc Trung Hoa với cương vị một tỉnh hoặc một khu tự trị giống như Khu Tự Trị của dân tộc thiểu số Choang (Tày) trong tỉnh Quảng Tây. Vấn đề nhạy cảm nầy đã được đề cập trong cuộc họp mật giữa Tổng Cục Tình Báo Hoa Nam và Tổng Cục 2 của Việt Nam do tướng Nguyễn Chí Vịnh chỉ huy trước đây. Tướng Nguyễn Chi Vịnh là con của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một Ủy viên bộ Chánh trị đảng Cộng sản Việt Nam nổi tiếng thân Trung Quốc lúc Hồ Chí Minh còn sống. “Hoàng tử” Nguyễn Chí Vịnh còn là con nuôi của Đại tướng An Nam Quốc Vương Lê Đức Anh, người đã đạo diễn sự thần phục Trung Quốc của Cộng Sản Việt Nam năm 1990.
Từ năm 1986 đến nay, áp dụng mô hình Trung Quốc, Việt Nam cộng sản chỉ là một phiên bản của đế quốc nầy. Hầu hết các Ủy viên bộ Chánh trị đảng Cộng sản Việt Nam do đại hội đảng thứ 11 họp từ ngày 12 đến ngày 19 tháng 1 năm 2011 bầu lên đều có lập trường thân Trung Quốc. Một bằng chứng là sau khi Hoa Kỳ bày tỏ ý muốn can thiệp giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giúp Việt Nam và các nước Đông Nam Á thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng bộ Quốc Phòng Việt Nam, vội vàng bay qua Bắc kinh yết kiến Bộ trưởng bộ Quốc Phòng Trung Quốc để trấn an và công bố chánh sách Ba Không của Việt Nam: không liên minh với bất cứ quốc gia nào, không cho quốc gia nào thuê hải cảng của Việt Nam và không liên kết với quốc gia nào để chống lại một quốc gia khác. Chánh sách Ba Không của Việt nam cộng sản nhằm mục đích ngăn chận sự can thiệp của Hoa Kỳ vào các tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh còn loại bỏ vần đề Biển Đông ra khỏi nghị trình hội nghị mở rộng của các Bộ trưởng bộ Quốc Phòng khối ASEAN ngày 10-10-2010. Đồng thời, trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết của Việt Nam cộng sản cũng tuyên bố Việt Nam chống lại sự can thiệp của bất cứ quốc gia nào.
Khi công bố chánh sách Ba Không của Việt Nam tại Bắc kinh, Thứ trưởng bộ Quốc Phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã tỏ ra có một thế lực quá lớn. Thật vậy, vị trí quan trọng của Nguyễn Chí Vịnh đã được nâng lên trong đai hội thứ 11 của đảng Cộng sản Việt Nam: Nguyễn Chí Vịnh đã được bầu cử vào Ban Chấp hành Trung Ương cùng một lượt với con của cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (Nông Quốc Tuấn) và con của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhân vật  nầy thân Trung Quốc từ đời cha đến đời con có thể được bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam trong 5 năm sắp tới.
Trước lập trường thân Trung Quốc và kiên trì xây dựng chủ nghĩa xã hội của đảng Cộng sản Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ bỏ mặc không can thiệp vào vấn đề Biển Đông để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Ngay cả trường hợp Việt Nam bị sát nhập vào Trung Quốc cũng sẽ không động lòng trắc ẩn của Hoa Kỳ trong khi quan hệ kinh tế Mỹ-Hoa nồng ấm trở lại sau chuyến công du Mỹ quốc của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong tháng 1 năm 2011.

Muốn tránh khỏi đại họa mất nước và mất dân tộc, nhân dân Việt Nam phải dũng cảm và nhanh chóng loại bỏ kẻ nội thù tay sai của đế quốc Trung Hoa. Nếu an phận cúi đầu mãi mãi trước bọn cường quyền và cường hào ác bá cộng sản, người Việt trong nước sẽ phải chấp nhận thân phận nô lệ của Hán tộc phương Bắc giống như nhân dân Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và Mãn Châu. Hãy noi gương tiền nhân anh dũng đấu tranh bảo vệ độc lập tự chủ của Việt Nam. Hãy noi gương nhân dân Tunisia nổi dậy lật đổ chế độ độc tài tham nhũng đã và đang tiếp tay với Hán tộc áp đặt nền Bắc thuộc lần thứ hai trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

 California, ngày 27-1-2011