Home Tin Tức Bình Luận Vài Suy Nghĩ Về Thông Điệp Của Chính Phủ Naoto Kan Cho Dân Nhật Và Cho Thế Giới

Vài Suy Nghĩ Về Thông Điệp Của Chính Phủ Naoto Kan Cho Dân Nhật Và Cho Thế Giới PDF Print E-mail
Tác Giả: Ts Đinh Xuân Quân   
Chúa Nhật, 06 Tháng 2 Năm 2011 11:44

Ai cũng biết là chính sách ngoại giao “cứng rắn” của TQ trong năm 2010 đã làm nhiều nước ASEAN thức tỉnh kêu gọi Mỹ hỗ trợ. Trong việc này, Nhật không những “thức tỉnh” mà còn “củng cố” liên minh Nhật-Mỹ.

Mỗi năm Tổng Thống Mỹ đọc bài “Thông Điệp Liên Bang - State of the Union” thì tại Nhật cũng có một hiện tượng tương tự. Thủ Tướng đọc bài diễn văn trước lưỡng viện nói về chính sách của Nhật trong những năm tới. Năm nay “Diễn Văn Chính Sách” được đọc vào ngày 24 tháng 1, trước bài Thông Điệp LB của TT Obama một ngày.

Bài Diễn Văn Chính Sách vừa đọc có nhiều thay đổi và TT Naoto Kan cũng có trình bầy thêm một số chính sách mới của Nhật trong bài diễn văn nhân cuộc họp thứ 177 của QH Nhật.

Ai cũng biết là chính sách ngoại giao “cứng rắn” của TQ trong năm 2010 đã làm nhiều nước ASEAN thức tỉnh kêu gọi Mỹ hỗ trợ. Trong việc này, Nhật không những “thức tỉnh” mà còn “củng cố” liên minh Nhật-Mỹ.

Trong vài năm qua, chính phủ Nhật đã mong làm ăn với TQ, để nhằm đến việc tách rời, rồi tiến tới giảm ảnh hưởng của Mỹ, nhất là vấn đề Okinawa, nơi đồn trú của một trong những căn cứ lớn nhất của của Mỹ tại Thái Bình Dương. Các trao đổi kinh tế giữa Nhật và TQ ngày gia tăng cho đến khi xảy ra vụ tranh chấp Nhật –Trung về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư trở nên căng thẳng từ tháng 9, 2010. Cuộc tranh chấp Nhật-Trung đã làm cho Nhật phải trả “tự do” cho thuyền trưởng tàu đánh cá TQ “cố tình” đâm vào tàu tuần tra Nhật. Sau đó TQ đã cấm xuất cảng các đất hiếm cho Nhật trong một thời gian để “dằn mặt” Nhật.

Trong bối cảnh như vậy, bài Diễn Văn Chính Sách của TT Naoto Kan được đặc biệt chú ý nhất là phần đối ngoại. Bài được chia ra làm hai phần:

- Đối ngoại: Cuộc mở cửa của thế kỷ 21 - hay các chính sách mới về ngoại giao của Nhật.
- Quốc nội: Thay đổi các chính sách không đúng – Xây dựng một xã hội giảm đau khổ cho dân.

Cuộc tranh chấp và thái độ TQ đã làm chính phủ Naoto Kan thay đổi chính sách đối ngoại của Nhật, nghiêng hẳn về Mỹ.

Đối ngoại: Lần mở cửa thứ 3 của Nhật

Theo TT N. Kan thì Nhật đã mở cửa đất nước trên 150 năm từ hồi thời Meiji. Nay việc mở cửa kinh tế vào TK 21 là ưu tiên, đây là lần mở cửa thứ 3 của Nhật ra phía bên ngoài. Việc hợp tác kinh tế với nhiều nước trong vùng như Ấn Độ hay nhiều nước khác và các định chế quốc tế là ưu tiên cho TK 21.

Đối nội: Xây dựng một xã hội hiền hòa – ít phiền hà cho dân – đầu tư vào tương lai

“Phục hưng nông lâm, ngư nghiệp” được coi là điều quan trọng cho Nhật trong TK21. Nông dân Nhật trung bình trên 66 tuổi do đó việc phục hưng nông-lâm-ngư nghiệp là điều quan trọng để cho giới trẻ tham gia nhiều hơn vào các lãnh vực này [xã hội Nhật đang lão hóa và nông ngư nghiệp được coi là những ngành Nhật cần phải chú ý để tự túc phần nào về lương thực]. Chính sách mở cửa vào TK21 phải đi song song với chính sách phát triển kinh tế và xây dựng công ăn việc làm. Nhật sẽ liên hệ phát triển ra phía bên ngoài nhằm vào một số vấn đề liên quan đến môi trường và xuất khẩu.

Đường hướng thứ hai của Nhật là xây dựng một xã hội hiền hòa – giảm thiểu đau khổ phiền toái cho dân trong những vấn đề như thất nghiệp, đau ốm, nghèo khó, thiên tai, tệ hại xã hội. Chính phủ Nhật cho là phải tập trung giải quyết nguyên nhân của các vấn đề trên để có thể tiến tới một xã hội hiền hòa ít phiền hà cho dân.

Mặc dù Nhật có tỷ lệ thất nghiệp thấp trên thế giới nhưng vì kinh tế có phần trì trệ cho nên có ảnh hưởng đến giới trẻ khó tìm được việc làm khi ra trường. TT Kan đề nghị một số biện pháp giải quyết thất nghiệp, gây việc làm cho giới trẻ mới ra trường, giúp họ liên lạc với các xí nghiệp trung và nhỏ, vv. Chính sách phát triển kinh tế của CP sẽ chú ý đến việc xây dựng công ăn việc làm qua việc đào tạo, tái đào tạo, tăng dịch vụ nghành y tế, phục vụ người già, phục vụ trẻ em, tăng gia việc làm trong lãnh vực môi trường, trợ cấp - giúp các xí nghiệp khi họ mướn thêm lao động, nhân công vv.

Xã hội Nhật đang “lão hoá” và gây nên một số vấn đế an sinh xã hội mà Nhật phải giải quyết. Mặc dù Nhật là một trong những nước giàu trên thế giới nhưng các vấn đề an sinh xã hội còn kém xa các nước OECD. Vì vậy CP sẽ tăng ngân sách chú ý về vấn đề an sinh xã hội để giúp các gia đình có con nhỏ hay có người đau ốm, tàn tật và sẽ giữ đóng góp của chính phủ cho quỹ an sinh xã hội. Việc tăng ngân sách sẽ nhằm trợ giúp các nhà trẻ phụ giúp các gia đình có con nhỏ, giải quyết các vấn đề y tế, vv hầu giúp cho các bà mẹ có thể tham gia vào sản xuất.

Quỹ an sinh xã hội sẽ được tăng cường để giải quyết nhiều vấn đề y tế, xã hội như vấn đề ung thư – như tử cung, ung thư vú, tăng trợ cấp hàng tháng cho các gia đình có trẻ em nhỏ và một chương trình nhằm giúp trẻ em cũng như các người tàn tật.

Mặc dù còn bị các khó khăn về ngân sách nhưng CP sẽ có một chương trình nhằm đầu tư cho tương lai từ nhà trẻ đến việc cho các sinh viên ra trường. Vì vậy các chính sách và cơ quan cấp dịch vụ an sinh xã hội sẽ được cải cách. Trong việc này có việc thay đổi về bộ luật thuế, về luật an sinh xã hội, về các vấn đề mà một xã hội đang “lão hóa” cần phải giải quyết. Trong việc này, CP sẽ bàn bạc thăm dò ý kiến một cách rộng rãi.

Nói tóm CP Nhật sẽ phải đề cập đến nhiều vấn đề xã hội khi trên 2 triệu phụ nữ không tham gia vào thị trường lao động khi con còn nhỏ, và vì vậy CP sẽ tăng ngân sách để giải quyết các vấn đề nhà trẻ, vv. để cho nhóm phụ nữ đông đảo này có dịp đóng góp vào thị trường lao động, trong khi xã hội đang lão hóa, thiếu nhân công trẻ.

Chính phủ cũng lưu ý đến các hoạt động công ích, giảm thuế cho các đóng góp của những hội thiện nguyện, phi chính phủ (NGO) v.v...

Nhật còn nhiều vấn đề chưa ổn như các nạn nhân AIDS vì máu bị nhiễm, các luật y tế công cộng lo cho ung thư, cho nhiễm HTLV – 1, tìm xác của của 13,000 nạn nhân chiến tranh trên đảo loto, giải quyết vấn đề các gia đình sống cô đơn, vv dẫn đến việc cải cách về hệ thống hành chính quốc nội, cải cách luật các đảng phái...

Một trong các biện pháp cải cách hành chính quốc nội là cải cách chính quyền địa phương, cho họ ngân sách để tùy ý dùng. Chính phủ sẽ cố “tản quyền” cho các chính quyền địa phương có quyền “tự trị hơn.”

Đối ngoại: Củng cố liên minh Nhật-Mỹ

Về mặt quốc tế, chính phủ sẽ nhìn nhiều hơn về các vấn đề quốc phòng và an ninh, vốn có nhiều điểm chưa ổn.

Trong chính sách ngoại giao và quốc phòng, Nhật sẽ tiếp tục dựa trên liên minh Nhật-Mỹ về vấn đề an ninh cho vùng Thái Bình Dương (TBD).

TT Kan khẳng định là liên minh Mỹ-Nhật là cột trụ của chính sách ngoại giao và quốc phòng của Nhật. Hai bên đã quyết định tăng cường liên minh này trong ba lĩnh vực: An ninh, Kinh tế, trao đổi văn hóa và nhân sự. Quan hệ Mỹ Nhật sẽ được củng cố - để phát triển hòa bình trên thế giới kể cả việc Nhật tiếp tục tài trợ phát triển cho Afghanistan và Pakistan để củng cố chính sách của Mỹ.

Đối với đảo Okinawa Nhật sẽ củng cố phát triển kinh tế và giảm gánh nặng của các căn cứ Mỹ. Do đó ngân sách phát triển cho Okinawa sẽ được tăng để phát triển ngành du lịch và các công nghiệp viễn liên - telecom. Nhật sẽ tìm cách giải quyết vấn đề rời các căn cứ quân sự sang đảo Guam và căn cứ không quân Futama.

Nhật sẽ cũng cố quan hệ với các nước Á châu-TBD.

Trong quan hệ Nhật-Trung, Nhật sẽ hợp tác trong nhiều lĩnh vực có lợi cho hai bên đồng thời cũng khuyến khích TQ có thái độ tích cực của một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Đối với Nam Hàn Nhật sẽ cũng cố hợp tác kể cả lĩnh vực an ninh và sẽ xây dựng quan hệ với cái nhìn cho trăm năm tới. Riêng đối với Bắc Hàn Nhật sẽ xiết chặt quan hệ với Mỹ và Nam Hàn để kêu gọi Bắc Hàn bỏ các hành động khiêu khích như việc đánh đắm tàu Nam Hàn, pháo kích đảo và việc làm giàu chất Uranium. Nhật sẽ cố gắng bình thường hóa quan hệ và giải quyết một số vấn đề như bắt cóc người Nhật, vấn đề hạt nhân và hỏa tiễn.

Đối với Nga, Nhật sẽ nhằm hợp tác phát triển kinh tế như là phát triển tài nguyên và hiện đại hóa trong mối quan hệ TBD và quốc tế và cũng cố gắng thương thuyết một hiệp định hòa bình hầu giải quyết các tranh chấp về các đảo phía Bắc.

Nhật sẽ cũng cố quan hệ với ASEAN, Úc, Ấn và các nước khác và mở thêm các quan hệ với các nước Âu châu và Châu Mỹ Latinh, nhất là với các nước đang lên như Brazil và Mexico.

Tăng quốc phòng – bảo vệ hải phận

Điều quan trọng trong Diễn Văn Chính Sách là Nhật sẽ củng cố quốc phòng và gìn giữ an ninh lãnh hải. Trong năm ngoái, Nhật đã cho thông qua một chương trình mới về an ninh - quốc phòng. Nhật sẽ củng cố và xây dựng một hệ thống quốc phòng thủ linh động [dựa trên Hải quân và Không quân] để có thể thích ứng cho các tình huống “khủng hoảng.” Có nghĩa là Nhật sẽ mua thêm khí giới tối tân của Mỹ để phòng chống các “bất trắc” đối với Bắc Hàn (và TQ) nhất là hệ thống phòng thủ chống phi đạn và hỏa tiễn của Hải quân [Mỹ có đề nghị bán máy bay tàng hình J35 cho Nhật].

Vì các tranh chấp Nhật –Trung về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư, quân đội Nhật sẽ được tăng cường ở phía Nam, trong đó có việc chuyển quân từ phía Bắc (trước đây là phòng thủ chống Liên Xô) xuống phía Nam nơi có tranh chấp chủ quyền với TQ. Đây là điều mới trong chính sách phòng thủ chống “bất trắc.” Cuộc tranh chấp Nhật-Trung đã làm cho Nhật phải tăng cường hải quân để giám sát nhiều vùng biển phía Nam.

Tóm lại, liên minh Nhật-Mỹ và liên minh với các quốc gia TBD sẽ trở thành một hàng rào đối với TQ. TQ có thể gây nhiều khó khăn nhưng khó có thể vượt qua nhiều trở ngại vì các nước TBD (Nhật, ASEAN, Ấn, vv) mặc dù yếu hơn nhưng sẽ ngồi lại với nhau và nhất là liên kết với Mỹ để tạo nên cân bằng với TQ tại TBD và vùng Đông Nam Á.

Thuộc vùng Thái Bình Dương, Nhật vẫn còn là một nước đứng thứ 3 trên thế giới về kinh tế và có nhiều khả năng đối đầu với TQ nếu Mỹ đứng đằng sau. TT Kan đã hiểu cận kẽ điều này.