Du xuân nghĩ về văn hoá, lịch sử nước nhà |
Tác Giả: Bùi Văn Phú | |||
Thứ Hai, 07 Tháng 2 Năm 2011 10:29 | |||
Sau những ngày đầu năm dương lịch thật lạnh và mưa, từ giữa tháng Giêng trời nắng ấm lên ở miền bắc California.
Cho đến dăm hôm trước cuối tuần vừa qua thì dự báo thời tiết nói sẽ có mưa vào cuối tuần, đúng vào Chủ Nhật là dịp Hội Tết Tân Mão của cộng đồng người Việt San Francisco. Thật là điều không lấy gì làm vui cho ban tổ chức vì e sẽ không đông khách du xuân và cũng buồn cho tôi vì mất đi một dịp để lại được nghe pháo nổ rộn ràng và nhạc xuân vang vang trên phố Mỹ. Hơn 9 giờ sáng trời tạnh ráo, tuy còn nhiều mây. Gần 11 giờ, quan khách đến. Những người của ban tổ chức hiện rõ vui trên nét mặt. Đúng giờ cắt băng lại có nắng chiếu rọi lên phố Little Saigon San Francisco. Năm nay cũng như vài năm qua phần nghi thức khai mạc kéo dài một tiếng đồng hồ, tuy đã vắn tắt hơn trước nhiều nhưng vẫn còn dài dòng vì thế ban tổ chức đã không mời gọi được đồng bào ngồi vào những hàng ghế. Cảm nghĩ chung, đồng hương du xuân muốn xem văn nghệ hơn là nghe đọc diễn văn. Nhìn phiá sau quan khách là những ghế trống mà không khỏi ái ngại, dù ban tổ chức đã đôi lần mời đồng hương vào ngồi cho bớt trống. Khách du xuân chỉ tràn ngập những hàng ghế khi có phần văn nghệ. Các gian hàng hầu hết cũng như năm trước. Siêu thị Safeway là gian hàng lớn nhất. Trung tâm Phát triển Thanh thiếu niên có người xếp hàng dài nhất chờ quay số lấy hên. Trường Việt ngữ Âu Cơ khuếch trương ra gấp đôi để thêm phần trưng bày nhạc cụ cổ truyền và ảnh nghệ thuật. Quầy đĩa nhạc sản xuất trong nước năm nay nhiều hơn và giá rẻ như bèo so với băng đĩa do người Việt hải ngoại sản xuất. 'Con rồng cháu tiên' Những dịp du xuân đón tết, tôi cảm thấy nét Việt nhiều nhất qua những ca từ vang vang trong các quầy hàng hay do ca sĩ biểu diễn trên sân khấu và qua những điệu vũ nón lá, nón quai thao nặng tình quê hương. Theo tôi, đó là những nét đậm bản sắc Việt. Còn nhiều thứ khác bị ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa. Múa lân chẳng hạn. Trước và trong lễ khai mạc Hội Tết San Francisco có hai con lân vàng đỏ nhảy múa chào đón quan khách, đồng hương. Chiều ghé hội chợ của người Hoa ở Oakland cũng có lân. Về nhà thưởng thức ca nhạc “Đám cưới đầu xuân” của Trung tâm Asia với múa lân khai mạc phảng phất văn hoá Trung Hoa hơn là Việt.
Con rồng là biểu tượng của người Việt như là “con rồng cháu tiên”, rồi những địa danh Thăng Long, Hạ Long. Bộ tứ quí long, li, quy, phụng được in trên tiền, trên tem thư Việt Nam. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã chọn hai con rồng làm huy hiệu. Nhưng trong văn hoá Trung Hoa rồng cũng là biểu tượng phổ thông. Diễn hành đón xuân của người Hoa ở San Francisco năm nào cũng có rồng đủ mọi chiều kích. Phần cuối cuộc diễn hành là một đại hùng long dài vài chục mét. Bây giờ trong nước đang có những đề nghị chọn quốc phục, quốc hoa. Quốc phục có khăn đóng áo dài mà Việt Nam phô trương dịp hội nghị APEC 2006 ở Hà Nội, nhưng lãnh đạo các quốc gia không đội khăn. Còn quốc hoa cho Việt Nam, có phải là hoa sen không, khi Hàng không Việt Nam đã in hoa này trên máy bay. Hay hoa mai mỗi độ xuân về và với sự kiện Tổng thống Dương Văn Minh chọn hoa vàng năm cánh này thay cho con rồng khi ông nhận chức vào ngày 28.04.1975. Nhưng hoa mai cũng là biểu tượng phổ thông ở Đài Loan. Không trách nếu có người nước ngoài, hay cả người Việt, cho rằng văn hoá nước ta không khác với Trung Hoa. 'Áo dài, nón lá' Nếu không khác nhiều về biểu tượng thì trong ẩm thực có những khác biệt: giữa xì dầu và nước mắm, giữa mì và phở, giữa các rau thơm tràn ngập ba miền Việt Nam mà người Hoa ít có. Ngày Tết chúng ta có bánh chưng với lịch sử nhiều nghìn năm qua sự tích bánh chưng bánh dày với Lang Liêu. Trong trang phục, áo dài và nón lá là biểu tượng đẹp, đặc trưng của người Việt. Những vũ điệu múa lụa, múa quạt hay múa dù hình như không mang tính thuần Việt vì trong văn nghệ của các dân tộc Hoa, Nhật hay Hàn cũng có. Riêng múa nón theo tôi mang bản sắc Việt. Nón lá được nông dân dùng trong việc đồng áng, nón theo nữ sinh đến trường, nón được bạn hàng rong đội che nắng, được bác xích lô đạp dùng chắn mưa. Nhiều người ngoại quốc chưa biết đến văn hoá Việt và hay lầm lẫn với văn hoá Trung Hoa vì họ chưa được thưởng thức những chương trình văn nghệ hay những cuộc triển lãm giới thiệu văn hoá nước nhà. Các chương trình Thúy Nga hay Asia chỉ phát huy quanh quẩn trong cộng đồng. Còn phiá nhà nước lại chẳng có nỗ lực gì nhiều. “Duyên dáng Việt Nam” làm cho người trong nước thưởng thức chứ chưa đủ trình độ đem chuông đi đánh xứ người. Khi Hoa Kỳ và Việt Nam có những thảo luận để đưa hai quốc gia, hai dân tộc gần lại với nhau, tôi nhớ lời Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai, nay đã qua đời, phát biểu vào một dịp ông đến Mỹ trong những năm đầu thập niên 1990 là Việt Nam không chỉ là cuộc chiến mà còn là một đất nước, một nền văn hoá. Nhưng hơn 20 năm qua, hình như người Mỹ vẫn chưa biết được gì hơn về Việt Nam ngoài cuộc chiến. Tại nơi tôi dạy học, một trong những bài học khai môn là dạy sinh viên thực hiện thăm dò ý kiến. Trong bài mẫu tôi đưa ra chừng mười câu hỏi như số anh em trong gia đình, học bao nhiêu lớp, cảm nhận về một sự việc hay khoảng cách từ nhà đến trường và thỉnh thoảng tôi có hỏi sinh viên về Việt Nam. Câu hỏi căn bản: “Ba điều bạn biết về Việt Nam là gì?”. Niên học 1988-89, với 50 sinh viên trong lớp có đến 60% ghi “Cuộc chiến”, 20% ghi “Thuyền nhân” và 10% ghi “Việt Cộng” là những điều phổ thông nhất mà sinh viên của tôi thời đó biết về Việt Nam. Tuần trước, tôi lập lại câu hỏi cho sinh viên trong lớp, 28/45, tức 62% viết “War” tức cuộc chiến, 40% nhắc đến phở, 9% nhắc Hồ Chí Minh, 4% nhắc “Việt Cộng” và 7% nhắc “áo dài”, bên cạnh một vài thứ khác được một sinh viên nhắc đến như ruộng lúa, rối nước, nón lá, nhà tre, chả giò, chất độc da cam, nghèo nàn. Tuy không phải là những thăm dò có tính phổ thông và khoa học chính xác, nhưng ít ra cho thấy ngoài hình ảnh cuộc chiến Việt Nam, các nét văn hoá Việt được rất ít người Mỹ biết đến. Tác giả Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng ở vùng Vịnh San Francisco. Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của riêng ông. Gửi đến BBCVietnamese.com từ San Francisco
|