Home Tin Tức Bình Luận Thế giới Ả rập : Sự hấp hối của một chế độ

Thế giới Ả rập : Sự hấp hối của một chế độ PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Tư, 09 Tháng 2 Năm 2011 07:41

Khủng hoảng của các nước Ả rập là khủng hoảng xã hội chính trị đầu tiên của các quốc gia đang trỗi dậy.

 Đây chính là lý do khiến các diễn biến trong khu vực này, được Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi rất quan tâm. Sự phụ thuộc thái quá vào giá dầu, du lịch, hoạt động gia công, khiến cho các nước Ả rập bị ảnh hưởng nặng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, dự trữ tài chính từ dầu mỏ và bàn tay sắt của chính quyền chưa chắc đã cản được « mô hình » kinh tế hiện nay của các chế độ Ả rập sụp đổ.

              Một phụ nữ Hồi giáo tại quảng trường Tahrir,
                 tại thủ đô Cairo của Ai Cập ngày 1/2/11

Về cuộc khủng hoảng tại nhiều quốc gia Ả Rập, phụ trương kinh tế của Le Monde hôm nay có bài viết mang tựa đề « Thế giới Ả rập, sự hấp hối của một chế độ ». Theo Le Monde, cuộc khủng hoảng hiện nay trong thế giới Ả rập hay các nước Trung Đông và Bắc Phi, gọi tắt là MENA (Middle East và North Africa) là cuộc khủng hoảng xã hội chính trị, tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chính năm 2.008.

Khủng hoảng 2.008 là dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của các nước giàu. Khủng hoảng của các nước Ả rập là khủng hoảng xã hội chính trị đầu tiên của các quốc gia đang trỗi dậy. Đây chính là lý do khiến các diễn biến hiện nay trong khu vực này, được các nước BRICS như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi rất quan tâm.

Theo ông Samir Aita, chủ tịch nhóm các nhà kinh tế Ả rập, trưởng biên tập phiên bản tiếng Ả rập của tờ « Le Monde Diplomatique », tại các quốc gia MENA, sau khi chế độ thực dân, chấm dứt, một Nhà nước phúc lợi đã hình thành. Tuy nhiên, các thể chế Nhà nước tại đây đã nhanh chóng chuyển thành các chế độ « quân chủ phi lập hiến », hay các chế độ « cộng hòa dưới sự lãnh đạo suốt đời của một người và mang tính cha truyền con nối ». Tiếp theo đó, các điều chỉnh cấu trúc kinh tế theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế những năm 1.990 đã khiến cho các dịch vụ công và các cơ sở hạ tầng của các quốc gia này bị suy yếu.

Về trạng thái kinh tế của các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, Le Monde nhận xét : điểm chung thứ nhất của tất cả các quốc gia này là các nguồn tài nguyên thiết yếu như nước và đất trồng cây đều rất hiếm. Điểm chung thứ hai của các quốc gia MENA là phụ thuộc vào bên ngoài, hoặc về nguồn năng lượng, như Maroc, Tunisia hay Ai Cập, hoặc về nguồn lương thực, như Algérie, Ả rập Xê út, Libya và Yemen.

Sự mất cân bằng về cấu trúc cùng với sự tồn tại của các chế độ chính trị độc đoán mang tính tham nhũng khiến cho nền kinh tế tăng trưởng không đủ mạnh (đáng lý tỷ lệ này phải đạt đến mức 7-8%, thay vì 5% như hiện nay), để tạo ra được các công ăn việc làm mới cho giới trẻ, có học vấn và có tay nghề. Các xã hội Trung Đông và Bắc Phi đã và đang trải qua một giai đoạn bùng nổ dân số khiến cho vấn đề thất nghiệp và việc làm càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong giai đoạn gần đây, mặc dù, nền kinh tế các nước Ả rập có xu hướng đa dạng hóa và nỗ lực tham gia vào các công đoạn cao cấp trong dây chuyền sản xuất và thương mại toàn cầu, tuy nhiên, theo Le Monde, cấu trúc của các doanh nghiệp lớn của các nước Ả rập, đã gặt hái thành công, chủ yếu vẫn mang tính gia đình và được tổ chức theo chiều dọc, không tạo điều kiện cho sự phát triển của mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sự phụ thuộc thái quá của các nước Ả rập vào giá dầu, vào du lịch, vào các hoạt động gia công, khiến cho các nước này bị ảnh hưởng nặng nề hơn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, so với các nước châu Á và các nước Nam Mỹ. Trong bối cảnh này, dự trữ tài chính từ dầu mỏ và bàn tay sắt của chính quyền chưa chắc đã cản được sự sụp đổ của « mô hình » kinh tế hiện nay của các chế độ Ả rập.

Theo Le Monde, hy vọng của giới trẻ Trung Đông và Bắc Phi ít hướng về Iran, với chế độ của các giáo chủ, mà là về Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã thực hiện được một sự chuyển đối thành công. Thổ Nhĩ Kỳ, bằng con đường dân chủ, đã thoát khỏi sự thống trị của nhóm quân sự độc quyền, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, với một thế hệ các doanh nhân mới hết sức năng động, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn, cũng như một mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động tích cực trên thị trường quốc tế.

Cũng theo Le Monde, chính sự lưỡng lự của châu Âu trong việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên hiệp đã khiến cho Istanbul thay đổi chiến lược chính trị và kinh tế để hướng sang các nước Trung Đông và Bắc Phi, vùng lãnh thổ vốn thuộc về đế chế Ottoman trước kia. Trong khi đó, theo Le Monde, châu Âu đã ủng hộ đến cùng các chế độ tàn tạ của thế giới Ả rập, vốn bị các cuộc đấu tranh quyền lực xâu xé mà không hình thành nổi một liên minh Địa Trung Hải, và nếu tiếp tục đi theo hướng này, châu Âu có thể bỏ qua những nhân tố đang tạo nên sự đổi mới ngay chính tại thế giới Ả rập.

Cuộc nổi loạn ở Cairo làm nản lòng tầng lớp trung lưu

Theo thông tín viên của tờ Le Figaro, cuộc sống bắt đầu quay trở lại bình thường tại Maadi, kể từ sau cuộc khai ngòi bạo động cách đây 10 ngày. Ngay từ chủ nhật, các nhà trẻ và các cửa hàng đã mở cửa trở lại.

Ngay khi bạo loạn nổ ra vào ngày thứ sáu, 28/1 vừa qua, rất nhiều doanh nhân đã quyết định đóng cửa, thậm chí tự trang bị vũ khí cho mình, vì lo ngại vấn đề an ninh, khi họ hay có tin rất nhiều tù nhân được giải thoát và đang lai vãng trong khu vực. Người dân khu vực này đã phải tự nhốt mình ở nhà và cảm thấy rất căng thẳng đến mất ăn, mất ngủ, vì lo sợ khi có sự đối kháng của phong trào ủng hộ ông Mubarak. Một chủ cửa hàng trong khu vực này không giấu diếm tình cảm đối với Tổng thống Mubarak. Theo ông, các nhóm cực đoan đang gây sự bất ổn cho đất nước.

Maadi là một khu phố sang trọng nằm ở ngoại ô phía Nam Cairo, nơi tập trung các tòa biệt thự lớn, sang trọng, nhiều cơ sở đào tạo có uy tín của Cairo như các trường trung học Pháp, Mỹ, Anh. Các sân chơi thể thao cũng bắt đầu mở cửa trở lại vào chủ nhật rồi. Hồ bơi, sân đá banh, hoặc sân tennis cũng đã hoạt động trở lại sau nhiều ngày đóng cửa. Giới trẻ trong khu vực này cho rằng những người biểu tình nên quay trở về nhà họ, và hãy để ông Mubarak làm hết nhiệm kỳ. Đối với họ, ông Mubarak là một nhà lãnh đạo tốt, vấn đề không phải từ ông, mà từ chính phủ là chính.

Kết thúc bài báo, tác giả dẫn lời một cựu đại sứ Ai Cập ở Kenya, theo ông, Tổng thống Mubarak đã làm lợi nhiều cho đất nước, và kêu gọi đừng sỉ nhục ông ta nữa. Ông cũng ngưỡng mộ lòng dũng cảm và việc biểu tình không bạo lực của những người tham gia chống ông Mubarak.

Nhằm xoa dịu dân chúng, chính phủ hứa tăng 15% lương cho công chức nhà nước và quân đội, kể từ tháng 1 năm nay.

Ai Cập : Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo không thực sự làm chủ tình hình

Cũng về tình hình Ai Cập, Libération hôm nay chú ý đến Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, một tổ chức xã hội của những người Hồi giáo vừa được mời vào cuộc thương lượng giữa chính quyền Ai Cập và các lực lượng đối lập. Sự quay trở lại của tổ chức Hồi giáo này trong chính trường Ai Cập là một vấn đề được quốc tế rất quan tâm và cùng là điều khiến nhiều người lo ngại về ảnh hưởng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ có thể làm cuộc khủng hoảng hiện nay càng thêm trầm trọng. Được biết, tổ chức này đã từng có 88 đại biểu trong quốc hội Ai Cập, trong cuộc bầu cử năm 2.005. Ngày hôm qua, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải đưa ra nhận định của ông về nhóm Hồi giáo này để trấn an dư luận Mỹ, khi khẳng định đây là một hội đoàn tôn giáo « được tổ chức tốt, nhưng không phải là đa số » tại Ai Cập.

Theo Libération, cuộc nổi dậy của dân chúng Ai Cập hiện nay đã đặt nhóm Huynh đệ Hồi giáo vào tình trạng khó xử. Mở đầu các cuộc biểu tình tại Ai Cập vừa qua, người ta không thấy sự có mặt của nhóm Huynh đệ Hồi giáo. Hiện nay, những thành viên của tổ chức này, chỉ tham gia với tư cách cá nhân, chứ không phải nhân danh một tổ chức tôn giáo, giương cao những lá cờ kêu gọi thánh chiến.

Phóng sự của Libération cho thấy, việc nhóm Huynh đệ Hồi giáo được chính quyền Cairo thừa nhận lần đầu tiên sau 30 năm, trong cuộc đối thoại mới đây, mặc dù về mặt hình thức, có thể coi là một thành quả đối với nhóm Hồi giáo này, nhưng trên thực tế, đây là một « món quà tẩm thuốc độc ». Tình trạng khó xử của Huynh đệ Hồi giáo đến từ chỗ, tổ chức này đã từng là đối tượng theo dõi và trấn áp của chính quyền thế tục trong suốt hàng chục năm qua. Theo nhà phân tích chính trị Khalil Enani, thuộc đại học Durham (Anh Quốc), nếu Huynh đệ Hồi giáo chấp nhận lời mời đối thoại của chính phủ, họ sẽ bị đánh giá là cơ hội chủ nghĩa, nếu họ từ chối, chính quyền sẽ trừng phạt. Và ngay cả nếu họ tham gia, sẽ không có gì bảo đảm cho họ là chính quyền sẽ không đàn áp họ sau đó.

Trả lời phỏng vấn Libération, nhà xã hội học Thụy Sĩ, Patrick Haenni, chuyên gia về thế giới Hồi giáo (tác giả cuốn « Hồi giáo thị trường », do Seuil xuất bản), nhận xét : trên thực tế tổ chức Huynh đệ Hồi giáo không kiểm soát được quá trình trở lại của Hồi giáo tại xã hội Ai Cập hiện nay. Tổ chức này không có liên hệ gì với xu thế Hồi giáo đương đại mang tính cá nhân cao, là xu thế không chấp nhận hệ tư tưởng Hồi giáo triệt để hay yêu cầu có một nhà nước Hồi giáo. Khả năng tham gia vào chính trường mới đây, như vậy, lại càng tăng nguy cơ phân hóa nội bộ của nhóm Huynh đệ Hồi giáo.

Ấn Độ cần tiếp tục cải cách

Nhìn sang Châu Á, hôm nay, Les Echos quan tâm đến tình hình kinh tế Ấn Độ, dưới tựa đề « Ấn Độ đóng vai trò đầu tầu của nền kinh tế thế giới ». Năm 2010-2011, dự đoán tăng trưởng của Ấn Độ sẽ đạt mức 8,6%. Đây là dự đoán do chính phủ Ấn Độ đưa ra ngày hôm qua. Tăng trưởng của Ấn Độ đặc biệt dựa vào sức mạnh của ngành công nghệ thông tin, cùng với các ngành dịch vụ gia công, chiếm tới hơn một nửa tổng doanh thu của nền kinh tế. Năm vừa qua, nông nghiệp Ấn Độ cũng được mùa với tăng trưởng hơn 5%. Tuy nhiên, để tăng trưởng mạnh hơn nữa, đạt đến mức 10%, nhằm giải quyết được vấn nạn nghèo đói, theo Les Echos còn phải vượt qua nhiều trở ngại, đặc biệt là việc loại bỏ các rào cản đối với các đầu tư, với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và giáo dục, đặc biệt là tạo điều kiện cho sự tham gia của khu vực tư nhân, cũng như thu hẹp các hàng rào thuế quan và giảm thuế.

 NASA phát hiện thêm một thái dương hệ mới

Libération hôm nay cho biết, kính viễn vọng mang tên nhà thiên văn học Kepler, của trung tâm Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ NASA, đã phát hiện thêm một thái dương hệ mới với 6 hành tinh. Thông tin này được công bố trên tạp chí Nature, ngày 4/2. Phát hiện mới này là một thành tích trong cuộc săn đuổi các hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Hiện tại, giới thiên văn đã phát hiện được 529 hành tinh, trong đó có 64 « thái dương hệ» mới, bao gồm ít nhất hai hành tinh.

Mặc dù, lý thuyết về sự tồn tại của các hệ hành tinh ngoài thái dương hệ của chúng ta đã có từ lâu, việc nghiên cứu các hành tinh này chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1995, khi ê kíp Pháp-Thụy Sĩ tiến hành các quan sát đầu tiên, với các kính thiên văn hiện đại. Trong khoảng thời gian từ 1.995-2.000, các nhà thiên văn chỉ phát hiện được có 50 hành tinh. Trong khi đó, kể từ năm 2.000, cuộc tìm kiếm đã tăng tốc, với khoảng 500 hành tinh mới được tìm ra.

Được phóng lên quỹ đạo, kính thiên văn Kepler có thể quan sát tốt hơn các vật thể trong vũ trụ. Các nghiên cứu ngày càng chính xác hơn về các hành tinh ngoài trái đất cho thấy chúng vô cùng đa dạng, từ các hành tinh chỉ toàn là khí như sao Diêm Vương hay sao Thổ, cho đến đất đá, như Trái Đất, hay sao Kim. Cũng có hành tinh chỉ là băng giá. Ngược lại, có hành tinh luôn cháy bỏng. Các quỹ đạo của chúng cũng hết sức khác nhau.

Để biết được liệu trên các hành tinh vừa được phát hiện, có các điều kiện cho sự sống hay không, cần phải từ 10 đến 20 năm nữa, với sự ra đời của một thế hệ ống kính thiên văn mới mạnh hơn. 

Reuters
Trọng Thành