Chuyện Dài Ai Cập |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh | |||
Thứ Bảy, 19 Tháng 2 Năm 2011 06:44 | |||
Giới quân sự Ai Cập nói sẽ có các cuộc bầu cử tự do và ngay thẳng sau khi Hiến pháp được sửa đổi Sau khi Mubarak từ chức và bỏ Cairo ra đi, nhường quyền lại cho quân đội Ai Cập, sáng thứ Hai tuần này nhiều đám biểu tình vẫn còn trên đường phố, mặc dù Hội đồng Tướng lãnh đã cảnh cáo. Sự báo trước này có vẻ là lời kêu gọi chót đối với những người tổ chức biểu tình trong các liên đoàn công nhân hay chuyên nghiệp, trước khi quân đội can thiệp. Theo hai tờ báo ở Cairo, Mubarak 82 tuổi đã lâm bệnh và không chịu uống thuốc. Khi đến thị trấn nghỉ mát Sharm el-Sheik ở bên bờ Hồng Hải, ông đã nhiều lần ngất sỉu. Hồi năm ngoái ông ta đã phải sang Đức để cắt bỏ túi mật. Từ khi xẩy ra các cuộc biểu tình đã gần 3 tuần qua, người xuống đường đã dựng lều ăn ngủ tại chỗ, có lúc lên đến hàng trăm ngàn người ở Công viên Tahrir. Trong ngày thứ Ba, một số đã rời khỏi Tahrir, nhưng vẫn còn một số người trẻ nói họ sẽ giải tán sau khi tất cả những người bị bắt được phóng thích. Bản thông cáo sau chót của Hội đồng Tướng lãnh đã được một phát ngôn nhân đọc trên TV, nói Ai Cập cần có một bầu không khí lắng dịu hơn để quân đội có thể giải quyết những vấn đề của đất nước trong lúc "khẩn trương" như hiện nay, để rồi sau đó sẽ trao quyền hành lại cho một chính quyền dân sự được dân chúng bầu ra. Bản thông cáo cũng cảnh giác các cuộc biểu tình chống đối sẽ làm phương hại đến an ninh và kinh tế quốc gia, đồng thời tạo cơ hội cho "những phần tử vô trách nhiệm" gây ra các hành động bất hợp pháp. Ở Trung tâm thủ đô Cairo, hàng trăm Cảnh sát viên cũng biểu tình 2 ngày liên tục để đòi lương cao. Đồng thời họ cũng muốn làm sạch thanh danh của họ trong các vụ đụng độ gây chết người giữa các đám biểu tình và lực lượng an ninh. Một số đã đem theo hình ảnh của những Cảnh sát viên bị chết trong các cuộc xung đột đó. Một biểu ngữ ghi lớn: "Họ cũng là nạn nhân của chế độ". Một đại úy Cảnh sát có mặt trong cuộc biểu tình nói: "Thật khó làm công việc giữ an ninh trật tự bây giờ vì dân chúng ghét chúng tôi". Mặt khác hàng trăm sinh viên tốt nghiệp Đại học Khảo cổ không có việc làm cũng biểu tình trước tòa nhà của Hội đồng tối cao Khảo cổ, đòi được có việc làm. Hội đồng tướng lãnh đã kêu gọi các công nhân trở lại làm việc để hàn gắn và giúp vào việc xây dựng lại một nền kinh tế đã bị sứt mẻ vì các cuộc biểu tình. Trong một bản thông cáo số 5 đọc trên TV toàn quốc, phát ngôn nhân nói "người dân Ai Cập thấy những cuộc đình công đó trong lúc tế nhị nhất đã đưa đến những kết quả tiêu cực. Bỏ việc làm đi biểu tình làm phương hại đến an ninh và sản xuất kinh tế". Tình hình kinh tế gay go khiến thị truờng Chứng khoán Ai Cập đóng của từ ngày 27 tháng 1 đến nay vẫn chưa mở lại để chờ kinh tế ổn định trở lại. Giới quân sự Ai Cập nói sẽ có các cuộc bầu cử tự do và ngay thẳng sau khi Hiến pháp được sửa đổi. Họ nói: "Chúng tôi sẽ tạm gánh trách nhiệm trong thời gian 6 tháng hoặc cho đến lúc chấm dứt cuộc bầu cử vào Thượng-Hạ viện và bầu cử Tổng Thống. Đặc biệt quân đội Ai Cập cam kết tôn trọng những hiệp ước quốc tế mà chính quyền Mubarak đã ký kết, trong đó bao gồm việc hợp tác quân sự với Mỹ và Hiệp ước Hòa bình ký kết với Do Thái. Một số những người khác rất đông có tới hàng ngàn nguời không phải là dân Ai Cập cũng bị ảnh hưởng vì cuộc cách mạng. Đó là dân tị nạn từ các nước Đông Phi như Ethiopia, Sudan và Somalia đã đến Cairo sinh sống. Họ đã đi biểu tình ở bên ngoài trụ sở Cơ quan Tị nạn LHQ ở ngoại thành Cairo, yêu cầu LHQ giúp họ đi định cư ở nước khác. Hàng trăm nhân viên cảnh sát đội nón sắt đã đứng chặn trước cửa tòa nhà của Cơ quan LHQ, không cho một số lớn người biểu tình muốn xông vào tòa nhà. Một số đập cửa gào thét nên rút cuộc Cảnh sát phải cho vài người vào gặp đại diện cơ quan quốc tế, để xin được trợ giúp tạm thời sau bao ngày không có tiếp tế. Những người tị nạn than phiền họ bị dính chặt vào Ai Cập trong nhiều năm qua, có người đã phải sống ở đây đến 10 năm. Họ nói họ sống trong cảnh rất khó khăn ở Ai Cập. Bây giờ nước này trở thành hỗn loạn, họ muốn rời khỏi ngay. Nhưng xin định cư ở nước nào và thủ tục điều đình xin tị nạn chính trị ra sao để một nước nào đó chấp nhận đón họ? Chúng tôi thiết nghĩ Ai Cập với 80 triệu dân là nước Hồi giáo đông dân cư nhất thế giới. Có thể chuyện dài Ai Cập sẽ rút ngắn, nhưng mối họa "cách mạng" và biểu tình chống đối có vẻ đang lan ra nhiều nước Hồi giáo khác ở Trung Đông.
|