Bài học Cách mạng Ai Cập |
Tác Giả: Lê Duy Nhân | |||||||
Thứ Hai, 21 Tháng 2 Năm 2011 09:41 | |||||||
Ngày 11 tháng 2 năm 2011 là ngày vĩ đại của nhân dân Ai Cập và các dân tộc khao khát tự do dân chủ trên thế giới.
Cách mạng Hoa Lài Tunisia đã châm ngòi cho cuộc cách mạng tự phát Ai Cập. Cuộc xuống đường của hàng trăm ngàn dân thủ đô Cairo, đòi nhà độc tài quân phiệt Hosni Mubarak ra đi, khiến cả thế giới sững sờ và lo ngại Cairo sẽ tắm máu vì guồng máy đàn áp kinh khiếp của Mubarak. Nhưng sau 18 ngày đấu tranh kiên trì, hòa bình nhưng quyết liệt, Mubarak ngoan cố, bướng bỉnh tới phút chót, cuối cùng phải đầu hàng sức mạnh mềm của trên 82 triệu dân Ai Cập. Mặc dầu, hạ bệ được Mubarak mới chỉ là bước đầu của cuộc cách mạng dân chủ nhưng bầu trời Ai Cập đã sạch tan sạch mây đen áp bức, nhân dân Ai Cập đã được hít thở không khí tự do, sau 30 năm bị các chế độ quân phiệt tước đọat nhân quyền. Ngày Tự Do Ai Cập là ngày tự hào của thế giới và là hào khí Dân Chủ cho các dân tộc bị đàn áp khác. Có nhìn thấy ánh mắt long lanh trên khuôn mặt rạng rỡ của người dân Ai Cập ta mới hiểu được thế nào là hạnh phúc của người tìm được tự do và cũng là để cảm thấy xót sa cho dân tộc Việt Nam. Bao giờ 87 triệu người dân Việt Nam được tự do? Đó là câu hỏi đè nặng tâm tư người Việt trong và ngoài nước. Ta học được gì từ cuộc cách mạng Ai Cập? 1. Truyền thông xã hội Cách mạng Ai Cập không bắt đầu từ cách mạng Hoa Lài mà đã ươm mầm từ phong trào “April 6 Facebook” cách nay 3 năm. Giới trí thức trẻ lợi dụng hệ thống thông tin xã hội (social media) như twitter, cell phone, và nhất là Facebook (vì thế cuộc cách mạng này còn được gọi là cách mạng Facebook)… để trao đổi thông tin, gây dựng phong trào dân chủ như một tổ chức không có lãnh đạo khiến chính quyền không tìm truy tìm được “thủ phạm” chính. Cho đến khi cuộc cách mạng bùng nổ chính quyền Mubarak mới phát hiện được nguồn gốc và ra lệnh bắt cóc Wael Ghonim, giám đốc điều hành Google Ai Cập và là nhà họat động nhân quyền đầu tiên trên thế giới hòan tòan sử dụng Internet để khởi động cách mạng. Sau 12 ngày bị giam giữ, Ghonim lên đài truyền hình kêu gọi tòan dân giữ vững lập trường tranh đấu. Trên đài truyền hình CNN, anh thách thức chính quyền Mubarak: “Hãy bắt cóc tôi, bỏ tù tôi, tra tấn tôi đi, giết tôi đi, chúng tôi sẵn sàng chết cho tự do”. Những giọt nước mắt xót thương cho những người biểu tình đã nằm xuống cho tự do của anh đã thổi thêm sinh khí cho cuộc cách mạng đang ở thời kỳ gay go nhất. Mặc dầu cách mạng Ai Cập mang danh hiệu Cách Mạng Facebook nhưng ta không thể đặt hết thành công của cách mạng vào sự mầu nhiệm của hệ thống truyền thông xã hội. Nó chỉ là điều kiện CẦN nhưng chưa ĐỦ cho mọi phong trào cách mạng cách mạng của kỷ nguyên này. 2. Ý chí của nhân dân Không phải ý dân lúc nào cũng là ý trời. Cách mạng Thiên An Môn năm 1989 ở Trung quốc có phải là cách mạng do nhân dân, vì nhân dân và bởi nhân dân không? Các cuộc nổi dậy ở Tây Tạng, Miến Điện cũng thế. Tại sao các cuộc cách mạng này thất bại? Vì thiếu lãnh đạo? Vì nhân dân thiếu ý chí? Vì nhân dân thiếu dũng cảm? Lý do thất bại của các cuộc cách mạng khác là đặt hết thành bại vào sức mạnh quần chúng mà quên rằng chỉ một mình sức mạnh quần chúng chưa đủ tạo được thắng lợi cách mạng. Không ai chối cãi được sức mạnh quật cường và bền bỉ của người dân Ai Cập là nhân tố chính của thắng lợi cách mạng. Mười tám ngày xuống đường hàng hàng lớp lớp, liên tục, giãi nắng dầm sương, màn trời chiếu đất, bạo mà không lọan, trăm người như một, không cần ai lãnh đạo mà vẫn đồng tâm gìn giữ ngọn lửa thiêng cách mạng, không để bọn chó săn của Mubarak khiêu khích bạo lực hòng phá vỡ cách mạng hòa bình. Thế giới ngả mũ chào ý chí sắt đá và dân trí Ai Cập. Nhưng nếu không có trợ lực khác thì cuộc cách mạng facebook chưa chắc đã thành công mà ít hao tốn xương máu như vậy. 3. Yếu tố quân đội Anwar Sadat và người kế vị Hosni Mubarak đều lên ghế lãnh đạo nhờ quân đội nên các chính quyền Sadat và Mubarak đều là chính quyền quân phiệt. Mubarak dùng luật khẩn cấp để đàn áp, giam cầm đối lập mà không cần xét xử, quân đội Ai Cập được coi là người bảo vệ chính quyền thay vì bảo vệ người dân cho nên Mubarak mới trị vì được 30 năm. Các tướng lãnh Ai Cập được Mubarak mua chuộc bằng bổng lộc thừa mứa, bằng hợp đồng béo bở, tha hồ chia chác lợi nhuận. Lực lượng công an của Mubarak nổi tiếng là tàn ác, hống hách và tham nhũng, muốn bắt ai thì bắt muốn giết ai thì giết không bao giờ bị điều tra, hình phạt. Nhưng tại sao quân đội lại bỏ Mubarak mà đứng về phe nổi dậy? Cho tới giờ chót thế giới vẫn hồi hộp lo lắng cho tính mạng của người biểu tình, vào buổi tối trước ngày thứ Sáu khi Phó Tổng thống Omar Suleiman do Mubarak chỉ định, tuyên bố Mubarak từ chức thì lập trường của quân đội vẫn còn là một ẩn số. Tại sao quân đội Ai Cập không nổ súng vào đoàn người biểu tình? Vì họ không phải là quân đội Cộng Sản? Vì họ còn lương tri, vì họ có trình độ hiểu biết? Vì chán ghét Mubarak? Vì một số tướng lãnh được Mỹ móc nối mua chuộc? Vì chính các tướng lãnh cũng muốn té nước theo mưa mà đảo chính Mubarak?
Lịch sử Ai Cập tuy đã sang trang, nhưng chưa ai rõ trang sử mới của Ai Cập sẽ được viết như thế nào. Nó sẽ là sự lập lại của chính quyền quân phiệt không có Mubarak hay sẽ là chính quyền gíáo phiệt như Iran? Thế giới đang hồi hộp chờ xem lịch sử Ai Cập diễn biến theo chiều hướng nào. Giới trẻ Ai Cập có khả năng bảo vệ thành quả cách mạng thần thánh của họ không trở thành mâm cỗ cho những tên độc tài mới, độc tài quân phiệt kiểu Mubarak hay độc tài giáo phiệt kiểu Iran hay không? Cuộc cách mạng Ai Cập cũng thổi vào trái tim người dân Việt Nam một nguồn hy vọng mới. Không phải hy vọng tập đoàn lãnh đạo mang mặt nạ XHCN sẽ từ bỏ độc tài đảng trị, cũng không phải hy vọng họ có khả năng làm cho dân giàu nước mạnh, cũng không phải hy vọng họ có dũng cảm chống lại bọn Tàu bá quyền đang từng bước Hán hóa đất nước ta. Vì ta không thể đặt những hy vọng đó vào những kẻ coi thống trị là quyền bất khả xâm phạm, coi tham nhũng, bóc lột là quyền tự nhiên của chính quyền, coi thần phục ngọai bang là mưu hồ khẩu. Hy vọng của ta đặt ở giai cấp trí thức trẻ. Mặc dầu chúng ta không thiếu người trí thức trẻ dũng cảm như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Trần Khải Thanh Thủy, Phạm Hồng Sơn, Cù Huy Hà Vũ… Nhưng một con én không thể mang lại mùa Xuân. Điều đáng buồn là đa số giới trẻ trong nước hầu như vô cảm với nỗi nhục mất tự do, vô cảm trước nỗi nhục của dân tộc bị tên láng giềng gian ác khinh rẻ, bắt nạt, vô cảm trước tình cảnh thiểu số đảng viên cộng sản ngồi mát ăn bát vàng trong khi đại đa số dân lao động vắt da vắt thịt vẫn không đủ miếng cơm no. Bao giờ tuổi trẻ Việt Nam, giống như tuổi trẻ Ai Cập, được chạy trên đường phố hét toang lồng ngực: “Ta có tự do rồi! Chúng ta đã làm nên lịch sử”. Các dân tộc bị áp bức trong thế giới như Lybia, Yemen, Kuwait, Algeria, Lebanon, Jordan đang say sưa với chiến thắng của người Ai Cập. Các nhà độc tài Ả Rập đã bắt đầu run sợ trước ngọn gió dân chủ từ Tunisia, Ai Cập thổi đến. Vua Abdullah II của Jordan tăng lương cho binh sĩ $30 đồng/tháng và trợ cấp thêm thực phẩm, dầu hỏa. Chính quyền Kuwait tặng cho mỗi người dân $3.500. Cuba, Trung Quốc, Miến Điện và Việt Nam cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của xu thế dân chủ mới. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì, làm gì để cứu Tổ quốc và cũng là tự cứu mình? Chính quyền Việt Nam có học được bài học Ai Cập không? Cho dù có tăng cường đàn áp thô bạo cách mấy đi nữa tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam cũng không tránh khỏi số phận của Mubarak. Mubarak có nửa triệu quân, và vài trăm ngàn công an, mật vụ cũng không giữ nổi ngôi báu. Khi giới trẻ Việt Nam nhất tề đứng dậy liệu bộ đội “cụ Hồ” có nổ súng vào con em họ không? Sự ổn định chính trị của Việt Nam ngày hôm nay cũng chỉ là sự ổn định của Ai Cập trước ngày nổ ra cuộc Cách Mạng Dân Chủ. Những người bi quan nghĩ rằng cách mạng kiểu Ai Cập sẽ không bao giờ xảy ra ở Việt Nam được vì Việt Nam có trên 3 triệu đảng viên cộng sản và quân đội cũng như công an sẽ sẵn sàng nổ súng vào nhân dân để bảo vệ Đảng tức là bảo vệ nồi cơm của họ. Thế các đảng cộng sản ở Liên Bang Xô Viết (cũ), ở Đông Âu có bao nhiêu đảng viên cộng sản, quân đội và công an, mật vụ cộng sản có thề sống chết với các đảng cộng sản ở các nước này không? Khi mọi người dân nhận thức được rằng Tự Do cũng cần thiết như cơm áo thì chính người cộng sản cũng đứng lên đạp đổ chế độ của nó vì người cộng sản cũng muốn sống tự do, trừ một thiểu số lãnh đạo ở chóp bu thừa mứa tự do. Ngoại trừ những người dùng chủ nghĩa cộng sản để lừa bịp nhân dân, làm gì còn người Việt Nam nào “mê tín” XHCN nữa nhưng ai cũng sợ bạo lực sắt máu của nó. Khi người dân hết sợ thì đảng cộng sản sụp đổ ngay lập tức. Không ai dạy giới trẻ Ai Cập làm cách mạng và cũng không có một người nước ngoài hay một chính phủ nào giúp họ làm cách mạng cả. Chính họ và chỉ một mình họ đã làm thành lịch sử.
|