Home Tin Tức Bình Luận Nhà độc tài Kadhafi : Từ kẻ khủng bố đến đối tác của phương Tây

Nhà độc tài Kadhafi : Từ kẻ khủng bố đến đối tác của phương Tây PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Ba, 22 Tháng 2 Năm 2011 09:04

Ông Kadhafi muốn Libya trở thành trụ cột của các nước Bắc Phi

Nắm được quyền hành tối cao từ năm mới 27 tuổi, đại tá Kadhafi, từng đóng vai trò một lãnh tụ chống chủ nghĩa đế quốc trong một thời gian dài, nhưng sau sự kiện ngày 11/9, đã tỏ ra « cải tà quy chánh ».

 Nhân vật mà cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan gọi là « Kẻ nguy hiểm nhất thế giới, con chó dại vùng Cận Đông », từ năm 2003 lại đứng về phía Washington trong cuộc chiến chống khủng bố, và là một đối tác quan trọng, túi đầy đô la từ dầu lửa.

Ông Kadhafi và cựu Tổng thống Ai Cập Mubarak tại Dinh Tổng thống ở Cairo, tháng 2/ 2011.
Reuters

Hầu hết các nhật báo lớn xuất bản tại Paris hôm nay đều dành trang nhất cho việc đàn áp đẫm máu người biểu tình tại Libya.

Tờ Le Monde ra từ chiều hôm qua đã chạy tựa « Nổi dậy ở Libya bị trấn áp đẫm máu ». Nhật báo cánh tả Libération tố cáo « Tàn sát ở Libya » và nhận xét, đại tá Kadhafi ở đường cùng, đã phản ứng một các hết sức tàn bạo trước làn sóng phản đối đang dấy lên khắp nước. « Kadhafi chống lại dân tộc mình » - nhật báo cộng sản L’Humanité phẫn nộ.

France Soir lên án « Cơn điên đẫm máu của nhà độc tài » và nhận định cho dù bị trấn áp dữ dội, ông Kadhafi vẫn không thể chặn lại cuộc nổi dậy của dân chúng. Tờ báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa « Libya lửa và máu của ông Kadhafi ».

 Nhật báo công giáo La Croix phân tích « Các mầm mống của cuộc nổi dậy », còn tờ báo kinh tế La Tribune quan tâm đến các hậu quả về mặt kinh tế với hàng tựa trên trang nhất « Hỗn loạn ở Libya : Giá dầu lửa tăng cao, chứng khoán sụt giá ». Le Parisien thì nhấn mạnh đến « Bốn mươi mốt năm chế độ độc tài » và đặt câu hỏi, liệu đây có phải là sự bộc phát cuối cùng của một nhà độc tài đã tiếm vị từ năm 1969 ?

Dành đến 6 trang báo khổ lớn cho tình hình tại Libya, nhật báo Libération còn vẽ lại chân dung của ông Kadhafi, trong bài báo mang tựa đề « Từ kẻ khủng bố đến đối tác của phương Tây ».

Nắm được quyền hành tối cao từ năm mới 27 tuổi, đại tá Kadhafi từng đóng vai trò một nhà lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang chống chủ nghĩa đế quốc trong một thời gian dài, nhưng sau sự kiện ngày 11/9 đã tỏ ra « cải tà quy chánh » trên trường quốc tế. Nhân vật mà cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan gọi là « Kẻ nguy hiểm nhất thế giới, con chó dại vùng Cận Đông », từ năm 2003 lại đứng về phía Washington trong cuộc chiến chống khủng bố, và là một đối tác quan trọng, túi đầy đô la từ dầu lửa.

Libération nhận xét, trong số các nhà độc tài Ả Rập ngoi lên nhờ đảo chánh, ông Kadhafi là người có cấp bậc thấp nhất, đó là chức trung úy. Ông cũng là người trẻ nhất, khi vừa mới 27 tuổi ông đã lật đổ được vua Idriss khi nhà vua đang ở nước ngoài để lên nắm quyền. Đây là một cuộc đảo chánh nhẹ nhàng, nhưng tiếp theo là một loạt những cuộc trấn áp những ai dám chống lại ông ta, hay nghi là sẽ chống đối ông.

Kadhafi nhanh chóng tự phong mình thành đại tá, nhưng chưa bao giờ muốn tự tặng một cấp bậc cao hơn. Một năm sau, ông đóng cửa hai căn cứ quân sự của Mỹ và Anh tại Libya, đuổi 110.000 ngàn người Do Thái định cư tại Libya mà không hề bồi hoàn tài sản, quốc hữu hóa các ngân hàng ; và trở thành một nhân vật hấp dẫn đối với những người cực tả với chủ trương chống đế quốc của ông.

Năm 1973, ông Kadhafi đề xướng lý thuyết « Con đường thứ ba » cho nhân loại, thay vì chuyển đổi qua lại giữa hai đối cực chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Bốn năm sau, ông tuyên bố Libya là một nhà nước « dân chủ trực tiếp» - không có các đảng phái chính trị, người dân trực tiếp quản lý thông qua các ủy ban địa phương.

Tripoli trở thành trung tâm của một thế giới thứ ba muốn nổi dậy và chủ trương các nước châu Phi liên kết lại. Nhờ nguồn lợi dầu hỏa dồi dào, Kadhafi tài trợ cho nhiều phong trào du kích trên toàn thế giới, từ phong trào IRA ở Ireland cho đến Sandino ở Nicaragua. Nhà độc tài thích chụp hình chung với những tên khủng bố bị Interpol truy lùng gắt gao nhất, và « Cơ quan xuất khẩu cách mạng » của Libya thì chuyên trách việc đào tạo bọn khủng bố.

Ông Kadhafi muốn Libya trở thành trụ cột của các nước Bắc Phi, nhưng ảo tưởng sáp nhập với Tunisia, Syria, Ai Cập, Maroc, Sudan thất bại, nên đành quay sang phương nam và lục địa đen. Ông tuyên bố : « Tôi đi ngủ bên cạnh 4 triệu người Libya, tôi thức dậy bên cạnh 400 triệu người châu Phi ». Nhưng giấc mơ trở thành ông vua của châu Phi đen cũng chỉ là ảo ảnh.

Sau vụ tấn công vào một vũ trường ở Berlin làm cho hai lính Mỹ chết, năm 1986 Tổng thống Ronald Reagan ra lệnh oanh tạc dinh thự Bab-el-Azizia của ông Kadhafi làm cho con gái nuôi của ông này thiệt mạng.

Kadhafi đáp trả bằng một loạt các vụ khủng bố, trong đó có hai vụ làm nổ tung chiếc máy bay của Pan Am ở Lockerbie và của UTA ở Niger, khiến tổng cộng 440 người chết. Nhà độc tài của một « Nhà nước côn đồ » đã làm ngay chính các bạn hữu của ông ta trong thế giới Ả Rập cũng phải e ngại, như lần ông xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh ở Alger năm 1988, mang độc một chiếc găng trắng ở bàn tay mặt « để khỏi phải bắt những bàn tay nhuốm máu ».

Nhưng sau các sự kiện ngày 11/9, và nhất là sau cuộc tấn công của quân Mỹ vào Irak, sợ phải cùng chung số phận với Saddam Hussein, nhà lãnh đạo độc tài Libya đã quay ngoắt lại. Kadhafi ngưng tài trợ cho các phe khủng bố và nổi dậy, từ bỏ ý định sắm các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có bom nguyên tử, bồi thường cho thân nhân các nạn nhân hai vụ khủng bố máy bay …

Với dân số chỉ 6 triệu người, Libya lại sản xuất ra lượng dầu lửa gấp đôi Algeria nên người ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi doanh nhân các nước tấp nập đến Tripoli. Libération kết thúc bài viết về chân dung ông Kadhafi bằng cách nhấn mạnh, ông ta là kẻ hoang tưởng và là một tên hề tồi, với lời tuyên bố mới đây với tuần báo Newsweek : « Nếu quý vị đưa dân Libya lên thiên đàng, thì họ sẽ kiện đấy, vì họ đã ở trên thiên đàng rồi ».

Những « ông trời con » nhà Kadhafi

Libération còn cho biết, ông Kadhafi có 7 con trai và một con gái, ngoài ra còn có con gái nuôi đã bị chết trong trận bom của Mỹ như đã nói ở trên. Trong số bảy người con trai của ông, nhiều người cũng không phải tay vừa.

Saïf al-Islam, 38 tuổi, người con trai thứ hai vừa đe dọa « biển máu », rồi sau đó lại lên truyền hình hứa hẹn một kế hoạch cải cách, lâu nay vẫn được xem là người kế vị tương lai, nhân vật số hai của chế độ dù không giữ một chức vụ chính thức nào. Là một « tay chơi » rất mê loại xe hiệu Ferrari và loài cọp Bengale, Saïf al-Islam muốn bình thường hóa quan hệ với phương Tây, và đã đứng ra thương lượng việc bồi thường cho các hành khách máy bay bị khủng bố.

Người con trai đầu, Mohamed, làm giàu trong ngành viễn thông, là chủ tịch Ủy ban Olympic Libya, sở hữu một đội bóng đá riêng.

 Còn Al-Saadi, 37 tuổi, cũng rất mê bóng đá, vừa là cầu thủ, vừa là cổ đông của đội Juventus, Turin. Al-Saadi có lần đã ra lệnh cho các cận vệ bắn vào đội tuyển đối thủ, tuy đội này là của anh mình, kết quả là ba người chết, trong đó có trọng tài.

 Người con trai thứ tư là Mootassem Billah, học y nhưng chưa bao giờ hành nghề, thích là chỉ huy trong quân đội hơn. Nghiện rượu, nóng tính, thô bạo và vô kỷ luật, sau một lần cãi nhau với cha, Mootassem Billah đã cho xe tăng tấn công vào bản doanh của ông Kadhafi. Bị tống vào tù, sau đó cho sang Ai Cập, năm 2007 anh này lại được phong làm chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Libya, phụ trách đấu tranh chống khủng bố!