Home Tin Tức Bình Luận Việt Nam đứng trước nhiều thách thức trong « bước ngoặt kinh tế » hiện nay

Việt Nam đứng trước nhiều thách thức trong « bước ngoặt kinh tế » hiện nay PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Tư, 23 Tháng 2 Năm 2011 08:58

Việt Nam đi tìm một động lực mới trong « bước ngoặt kinh tế » hiện nay là chủ đề bài phóng sự do phóng viên của l’Humanité gửi về từ Hà Nội.

Phóng sự mở đầu với việc so sánh hình ảnh thành phố Hà Nội ngày hôm nay, sôi sục, năng động và hỗn độn, giống như Sài Gòn, thủ đô kinh tế phía Nam, với Hà Nội của một thời thanh bình cách đây hơn hai chục năm.


Một công nhân làm việc tại một xưởng mộc ở Bắc Ninh, 15/02/2011 (REUTERS/Kham)

Ấn tượng mà l’Humanité muốn truyền đến độc giả là hình ảnh của một Hà Nội khác hẳn, nơi các cửa hàng kinh doanh đủ loại nở rộ trên các đường phố trung tâm thành phố. Mỗi đường phố kinh doanh một mặt hàng chuyên biệt.

Đê La Thành, một khu phố có dáng dấp nửa quê, nửa tỉnh, được ví như khu « faubour Saint-Antoine » của Paris, là nơi dành cho nghề sản xuất các đồ dùng bằng gỗ. Một phần lớn các cửa hàng ở đây là do các gia đình phụ trách.

Các không gian sinh hoạt tư nhân, xưởng sản xuất, nơi tiếp khách hòa trộn vào nhau. Trả lời phỏng vấn l’Humanité, một chủ cửa hàng cho biết : hiện nay công việc kinh doanh khá tốt, đơn đặt hàng không thiếu, và gần như không có « cạnh tranh » giữa những người làm đồ gỗ tại khu phố này.

 Nỗi lo lớn nhất của người này là sự xâm nhập của các tập đoàn lớn bên ngoài, có khả năng « tiêu diệt nghề thủ công địa phương », và phá hủy hệ thống quan hệ xã hội vốn có.

Trong con mắt của phóng viên l’Humanité, hình ảnh Hà Nội của các khu phố chuyên về các nghề thủ công, và sự sầm uất của khu trung tâm thành phố, dần dần giảm đi khi bước ra ngoại ô. Chính ở đó, mà một Hà Nội mới của thế kỷ XXI đang được xây dựng.

Theo l’Humanité, Việt Nam, sau ba mươi năm chiến tranh và hàng chục năm bị cấm vận và cô lập, đã tiến được một bước dài, kể từ khi bắt đầu tiến hành chính sách kinh tế được gọi tên là « Đổi mới » năm 1986, với các thành tích ấn tượng như : tỷ lệ tăng trưởng thuộc loại cao, tỷ lệ nghèo đói giảm xuống mạnh.

 Theo dự kiến, được nói đến tại một cuộc họp thượng đỉnh của Liên hiệp quốc, Việt Nam có thể đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015, đặc biệt trong hai lĩnh vực, xóa nghèo và phổ cập giáo dục tiểu học.

Tuy nhiên, l’Humanité cũng ghi nhận cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã khiến cho một số xu hướng tích cực bị đảo ngược. Nền kinh tế Việt Nam, vốn dựa chủ yếu vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài trực tiếp, bị tác động mạnh.

Lạm phát tăng rất cao năm 2008. Đây cũng là năm mà nhiều cuộc bãi công đòi tăng lương bùng nổ. Mặc dầu, kế hoạch chấn hưng kinh tế, vừa được tiến hành, đã mang lại một số kết quả khả quan, l’Humanité vẫn nhấn mạnh đến ba thách thức đối với những người cầm quyền tại Việt Nam hiện nay.

Thách thức thứ nhất là vẫn còn đến 27 triệu trên tổng số 86 triệu dân sống ở mức nghèo, việc đào tạo nghề nghiệp cho dân cư nông thôn, chiếm tới ¾ dân số và 6 triệu công nhân là rất khẩn cấp.

 Thứ hai là, sự nổi lên của các nhóm trung lưu, ngày càng đông đảo, hướng theo lối sống tiêu thụ, hay sự phát triển của lối sống phương Tây - « western way life » - tại Việt Nam (theo như lời nhận xét của một thanh niên Việt Kiều thế hệ thứ nhất, đang sống tại Paris, về lối sống của các bạn hữu sinh cùng thế hệ tại Việt Nam), khiến xã hội phân hóa mạnh.

 Các bất bình đẳng trở nên ngày càng sâu sắc. Cộng thêm vào đó, là thách thức thứ ba : nạn tham nhũng. L’Humanité kết luận, sau khi đã « giành chiến thắng trong chiến tranh », bây giờ là lúc Việt Nam cần giành tiếp thắng lợi trong « cuộc chiến phát triển ».