Home Tin Tức Bình Luận Kiện tụng bá láp

Kiện tụng bá láp PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Tuấn -SGT Úc Châu   
Thứ Tư, 02 Tháng 3 Năm 2011 21:51

Trong xã hội thượng tôn pháp luật như Úc, nhân phẩm, tài sản của con người được tôn trọng,

 các quyền tự do được bảo vệ, mối quan hệ giữa người và người được đặt trên nền tảng chu toàn trách nhiệm dân sự và tương kính trong cư xử. Để một mặt bảo đảm quyền tự do và uy tín của cá nhân, mặt khác bảo đảm quyền tự do ngôn luận của truyền thông cũng như công chúng, luật pháp Úc cũng có những điều khoản về phỉ báng mạ lị. Tuy nhiên, trên thực tế, luật về phỉ báng mạ lị thường là công cụ, được những người quyền thế trong xã hội sử dụng để bảo vệ quyền tự do cá nhân, thậm chí che đậy những chuyện khuất lấp, những hành động sai trái của họ trước công luận. Nguy hiểm hơn, có những người giầu có, những tổ chức tiền rừng bạc bể trong xã hội, cậy quyền, cậy thế, cậy tiền bạc, lạm dụng chuyện kiện tụng để gây phiền nhiễu, khó khăn, khủng hoảng cho người khác, nhằm trả thù cá nhân, hoặc những mục tiêu bất chính khác. Những vụ kiện tụng như vậy, trong tiếng Anh gọi là Vexatious Litigation, tiếng Việt tạm gọi là "kiện tụng bá láp"; và những kẻ đứng ra thưa kiện bá láp đó gọi là Vexatious Litigants.

Trong khi thừa nhận quyền chính đáng của mỗi công dân trong việc đi tìm sự thưởng phạt công minh của công lý, luật pháp cũng có bổn phận bảo đảm tiến trình thực thi công lý tại tòa một cách hiệu quả, giải quyết những vụ kiện tụng cần thiết, đồng thời ngăn chặn những kẻ cậy tiền, cậy thế, dùng kiện tụng để gây khó khăn cho những người lương thiện, thấp cổ bé họng trong xã hội.

Hiểu rõ điều này, nên một hai thế kỷ trước, trên thế giới đã có nhiều quốc gia có đạo luật chống kiện tụng bá láp. Thí dụ như Anh Quốc, ngay từ năm 1896 đã có đạo luật The Vexatious Actions Act; rồi Scotland, một đạo luật tương tự cũng được thông qua năm 1898.

Vì những vụ kiện bá láp gây tốn kém thời gian của tòa, tiền bạc của công quỹ cũng như của bị đơn, đồng thời tạo cho bị đơn những khó khăn, phiền nhiều, thậm chí khổ đau, tan vỡ hạnh phúc,... nên để ngăn chặn những vụ kiện tụng bá láp, tại Úc, luật pháp liên bang cũng như tiểu bang đều có những đạo luật nhằm ngăn chặn những vụ kiện tụng bá láp cũng như trao cho tòa án, quyền hạn đối phó với những kẻ kiện tụng bá láp. Ngoài ra, liên bang và các tiểu bang cũng có danh sách những kẻ chuyên kiện tụng bá láp bị giới hạn hoặc nghiêm cấm quyền kiện tụng tại tòa. Với sự thống nhất về luật pháp chống kiện tụng bá láp trên toàn quốc, bất cứ cá nhân hay tổ chức nào, một khi chịu sự giới hạn kiện tụng bá láp tại một tiểu bang, người đó sẽ bị giới hạn luôn tại các tiểu bang khác. Không những thế, ngay cả luật sư, trạng sư, hay công ty luật đại diện cho thân chủ trong một vụ kiện bị tòa coi là bá láp cũng có thể bị tòa khiển trách, bị mất uy tín,... nên chính bản thân họ cũng rất thận trọng và thường là từ chối những vụ kiện bá láp, cho dù có được trả hậu hĩ.

Riêng tại tiểu bang Queensland, đạo luật Vexatious Proceedings Act 2005 có những điều khoản cho phép tòa tuyên bố một người là "vexatious litigant". Quan trọng hơn, đạo luật này cho phép tòa có thẩm quyền tuyên bố một vụ kiện là bá láp, thuần tuý trên nền tảng, dưới mắt tòa, đó là vụ kiện không đáng kiện (without merit), hoặc không có bất cứ viễn ảnh thành công nào (without any prospect of success); mà không cần phải chứng minh động cơ bất chính của người kiện. Đạo luật này cũng cấm không cho những ai đã bị tòa tuyên bố là kiện bá láp, được quyền thưa kiện người khác, trừ khi được tòa cho phép.

THẾ NÀO LÀ MỘT VỤ KIỆN TỤNG BÁ LÁP

Một người kiện bá láp là người thường xuyên và liên tục thưa kiện người khác dù lý do kiện không hợp lý và mục đích kiện không thích hợp (A vexatious litigant is a person who "frequently and persistently seeks to commence legal action without reasonable grounds or for improper purposes).

Vậy thế nào là một vụ kiện bá láp?
 
Yếu tố đầu tiên của một vụ kiện bá láp là "chuyện chẳng đáng kiện cũng kiện". Chuyện chẳng đáng kiện là những chuyện đụng chạm vặt vãnh trong đời thường; hay chính mình gây chuyện trước, đến khi người ta gây lại, thì thưa kiện. Thí dụ, ông A viết bài phỉ báng, vu khống ông B. Ông B tức giận viết bài phản bác. Lập tức ông A cậy tiền, cậy thế, thưa ông B ra tòa. Trong trường hợp này, vụ kiện của ông A có thể bị tòa tuyên bố là vụ kiện bá láp và ông A có thể bị ghép vào danh sách những kẻ kiện bá láp.

Yếu tố thứ hai của một vụ kiện bá láp là người thưa kiện cố tình trì hoãn một cách vô lý các thủ tục pháp lý tại toà, các đòi hỏi luật định của người bị kiện.

Yếu tố thứ ba của một vụ kiện bá láp là người thưa kiện lợi dụng những kẽ hở của luật pháp để dùng kiện tụng làm công cụ gây phiền nhiễu người khác. Thí dụ, ông A thuê luật sư gửi thư hăm dọa kiện ông B. Đến khi luật sư của ông B yêu cầu ông A cung cấp các dữ kiện cần thiết, ông A trì hoãn không chịu cung cấp. Nhưng lâu lâu, nửa năm, một năm, lại thuê luật sư gửi thư cho ông B hăm dọa tiếp tục vụ kiện...

Yếu tố thứ tư của vụ kiện bá láp là mục tiêu mập mờ. Yếu tố này bắt nguồn từ yếu tố thứ nhất, "chẳng có gì đáng kiện cũng kiện" thì làm sao có được mục tiêu chính đáng. Vì vậy, mục tiêu của vụ kiện bá láp, chỉ là gây khó khăn, phiều nhiễu, nhức đầu cho người khác, chứ không phải đi tìm sự thưởng phạt công minh của công lý. "Tao không kiện mày làm gì cho mất công. Lâu lâu tốn mấy trăm cho luật sư gửi thư dọa kiện cho mày đau tim, nhức đầu chơi, như vậy là đủ để tao trả thù mày..."

TẠI SAO LẠI KIỆN BÁ LÁP?
 
Phần đông, nguyên nhân của một vụ kiện bá láp là do mâu thuẫn, tư thù. Ngoài ra cũng có những công ty, những tổ chức có thế lực, giầu tiền bạc, dùng kiện tụng bá láp để trả thù. Thí dụ như vụ kiện bá láp nổi tiếng, nguyên đơn là giáo phái Scientologists nổi tiếng hoàn vũ, đã thuê mướn cũng như dùng nhiều giáo hữu của mình thay phiên nhau kiện tụng kẻ thù của mình.

Đặc biệt, trong bối cảnh đấu tranh chính trị của cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay, cũng có những dấu hiệu cho thấy VC đã dùng những vụ kiện tụng bá láp để gây khó dễ cho các tổ chức, các hội đoàn, đoàn thể, hoặc cá nhân có uy tín và lập trường chống cộng kiên quyết, như ông Nguyễn Thế Phong, Chủ Tịch CĐ Liên Bang đã tuyên bố.

Dĩ nhiên, VC không bao giờ xuất đầu lộ diện, nhưng chúng dùng tiền của, xúi dục những nhân vật trong cộng đồng có bề ngoài quốc gia, đứng ra thực hiện những vụ kiện tụng bá láp. Thí dụ nếu thấy ông B là người có thành tích và uy tín chống cộng, chúng đưa tiền cho ông A, ra lệnh ông A tìm cớ để kiện ông B. Nhận lệnh, ông A sẽ tìm cách dàn cảnh, chọc giận, gây hấn, chửi bới, lăng mạ... ông B, để ông B chửi lại. Khi ông B chửi lại, ông A sẽ dùng tiền bạc của VC thưa kiện ông B, hoặc lâu lâu thuê luật sư gửi thư hăm dọa kiện ông B, làm cho ông B tối ngày nhức đầu, mất thì giờ, tiền bạc lo kiện, không còn đầu óc đâu mà chống cộng.

NGUY HIỂM VÀ BẤT LỢI KHI KIỆN BÁ LÁP
 
Nhiều người thường có quan niệm, ai có tiền có của thì có quyền kiện bá láp bất cứ ai họ muốn. Thực tế, không hẳn dễ dàng như vậy. Lý do là người thưa kiện bá láp phải đối diện với rất nhiều nguy hiểm và bất lợi.

Thứ nhất, lòng tự trọng và sĩ diện của người thưa kiện bá láp sẽ bị tổn thương, nhất là đối với những người có tên tuổi trong cộng đồng. Bình thường, đã là con người, ai cũng có lòng tự trọng và lương tâm tối thiểu. Vì vậy, một khi theo đuổi một vụ kiện bá láp, ngay trong thâm tâm, người đó đã thấy nhục nhã, đau khổ. Và như vậy, vụ kiện thua thắng chưa biết, trước mắt chính mình đã phải chịu hình phạt ngay trong tâm của mình.

Thứ hai, phản ứng bất lợi của gia đình, bằng hữu, cộng đồng... đối với người thưa kiện bá láp. Thời đại hiện nay, trình độ dân trí phát triển, hầu như bất cứ ai cũng nhìn ra chuyện đúng sai, phải trái của một vụ kiện, nhất là trong một viện kiện bá láp, "chẳng có gì đáng kiện mà cũng làm ầm ĩ", thì ai cũng nhận ra tâm địa bất chính của người thưa kiện. Thử hỏi khi đó, người thưa kiện bá láp có chịu đựng nổi sự khinh rẻ, phỉ báng của gia đình, bằng hữu, cộng đồng?

Thứ ba,  người thưa kiện bá láp phải đối diện với những đạo luật chống kiện tụng bá láp, và có nguy cơ bị tòa tuyên bố là kẻ kiện tụng bá láp, ngăn cản quyền kiện tụng của người đó trong tương lai.

Thứ tư, người thưa kiện bá láp có thể bị chính luật sư, trạng sư từ chối. Hiển nhiên, danh tiếng và uy tín của một luật sư, trạng sư, đâu có thể vì một số tiền không lớn mà nhận một vụ kiện bá láp để rồi bị mang tiếng, thậm chí bị tòa khiển trách, bị Luật sư đoàn, Trạng sư đoàn kỷ luật...

ĐỐI PHÓ VỚI KIỆN BÁ LÁP
 
Mục đích của một vụ kiện bá láp không phải là đòi tòa thực thi công lý, mà là nhằm gây phiền nhiều, đau khổ cho người khác. Vì vậy, xã hội đã có những đạo luật ngăn cấm những vụ kiện bá láp. Tuy nhiên, trước khi tòa có thể tuyên bố một vụ kiện là kiện bá láp, bản thân người bị kiện cũng như những người có trách nhiệm trong cộng đồng, và ngay cả thân nhân bằng hữu của hai bên tụng phương, đều có thể góp phần ngăn chặn hoặc hóa giải một vụ kiện bá láp.

Điều đầu tiên, chúng ta nên trực tiếp hoặc gián tiếp, tìm cách khuyên bảo nguyên đơn của một vụ kiện bá láp, để người đó thấy được sự vô lý cùng những hậu quả tai hại của việc mình làm.

Điều thứ hai, trong tư cách công dân có thiện chí, chúng ta có thể viết thư cho văn phòng luật sư đại diện cho nguyên đơn, trình bầy sự vô lý của vụ kiện.

Điều thứ ba, các vị lãnh đạo trong cộng đồng cũng có thể thuyết phục nguyên đơn huỷ bỏ vụ kiện. Nhất là khi nguyên đơn là nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng, thì một vụ kiện bá láp sẽ ảnh hưởng tai hại không chỉ nguyên đơn mà cả cộng đồng.

Điều thứ tư, các cơ quan truyền thông cũng có thể gửi thư, xin phỏng vấn, luật sư đại diện cho nguyên đơn, để làm sáng tỏ sự vô lý của vụ kiện bá láp. Điều này sẽ làm cho luật sư cũng như văn phòng luật sư đại diện nguyên đơn hiểu rõ ảnh hưởng bất lợi của vụ kiện trong cộng đồng.

Hy vọng bài viết này sẽ góp phần tạo sự ổn định trong cộng đồng, và ngăn chặn phần nào những vụ kiện bá láp giữa người Việt với người Việt.

Hoàng Tuấn -SGT Úc Châu 
Saigon Times
PO Box 409 Bankstown NSW 1885 Australia
T: (612) 9793 2557 - F: (612) 8004 816 - E: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it