Home Tin Tức Bình Luận Vì sao hàng triệu con cá chết?

Vì sao hàng triệu con cá chết? PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Tư, 09 Tháng 3 Năm 2011 22:12

  Mắc kẹt trong bến cảng, hết oxygen / Cá chết thành lớp dày đến độ ở nhiều nơi tàu thuyền không thể di chuyển ra khỏi bến được.

REDONDO BEACH, California (AP) -Hằng triệu cá chết nổi lềnh bềnh nơi các vịnh đậu tàu thuyền nhỏ ở miền Nam California hôm Thứ Ba.

Staci Gabrielli, điều hợp viên hàng hải ở King Harbor Marina thuộc vùng duyên hải Los Angeles County nói, dân đi thuyền thức dậy và trông thấy loài cá nhỏ màu bạc chết nổi đầy quanh thuyền của họ dày đặc như một tấm thảm.

Giới chức cơ quan California Fish and Game cho rằng đây là các giống cá trống và cá mòi. /Hình: AP

  

Các chuyên gia chưa xác định được điều gì xảy ra nhưng cô Gabrielle tin rằng, tuồng như cá kéo nhau vào hải cảng để tránh thủy triều đỏ, một sự bùng phát tự nhiên của loài tảo độc khiến cá bị chết hoặc lấy hết dưỡng khí của chúng.

Gió lớn trong đêm Thứ Hai, rạng ngày Thứ Ba có thể đã làm cho cá bị mắc kẹt trong hải cảng, ép chúng vào sát các bờ kè, nơi chúng dùng hết dưỡng khí và bị ngộp thở mà chết.

Cá chết thành lớp dày đến độ ở nhiều nơi tàu thuyền không thể di chuyển ra khỏi bến được.

Các giới chức thuộc cơ quan Fish and Game có mặt tại chỗ để lấy mẫu vật. Andrew Hughan, phát ngôn viên cơ quan này nói: “Cá chết nhiều đến hằng ngàn, hằng ngàn và hằng ngàn.”

Lượng dưỡng khí đo được ở mức gần số không ở King Harbor nơi cá chết hàng loạt.

King Harbor nằm ở vùng duyên hải Vịnh Santa Monica, cách trung tâm Los Angeles 22 dặm về hướng Ðông Nam.

Các khoa học gia đang làm việc để tìm hiểu xem nguyên nhân nào khiến dưỡng khí bổng giảm nghiêm trọng đến mức hằng triệu cá bị chết vì ngộp thở. Có lẽ phải chờ nhiều ngày nữa mới có kết quả chính xác về nguyên nhân đưa đến sự kiện nói trên.

Theo LA Times, các nhà hải sinh vật học ở trường USC có đặt ở King Harbor nhiều bộ cảm biến dưỡng khí, kể từ khi có vụ cá chết hàng loạt hồi năm 2005 do loài tảo biển gây nên. Nay họ đang thăm dò bến cảng để xem nguyên nhân về sự chết hằng loạt mới nhất này.

David Caron, giáo sư sinh vật nói: “Ðiều chúng tôi muốn biết là nguyên nhân do từ tảo biển hay cá tập trung quá nhiều, hoặc do có độc chất gì đó trong nước biển.”

Hiện tượng cá chết từng xảy ra ở King Harbor trong hai năm 2003 và 2005. Cả hai lần đều do tảo biển hút hết dưỡng khí.

Mặc dù chủ tàu ra sức vét cá chết nhưng sau đó mùi nồng nặc vẫn lưu lại khu vực này suốt cả mấy tuần lễ. Nhiều chủ tàu phải bỏ vào đất liền ở tạm một thời gian. Nhiều hàng quán mất thu nhập vì ít người lui tới.

Một khoa học gia ở Louisiana nói hiện tượng này có ở khắp thế giới ở một vùng được mệnh danh là “tử địa.” Bà đã bỏ ra suốt đời để nghiên cứu khu “tử địa” lớn nhất Mỹ Quốc ở ngoài Vịnh Mexico, rải rộng một diện tích bằng tiểu bang New Jersey, nơi xảy ra hằng năm.

Nguyên nhân thường vẫn do nơi loài tảo biển, loài này nảy nở tràn lan nhờ được nuôi dưỡng bằng thức ăn bổ dưỡng như phân bón, phân người và súc vật từ đất liền đổ ra. Tảo biển sinh sôi rồi chết và chìm xuống biển, vi khuẩn lo phần việc thanh toán xác tảo, hút hết dưỡng khí trong nước biển. Kết quả không sự sống nào dưới vùng biển này có thể tồn tại.

Robert Diaz, giáo sư viện Hải Dương Học ở Virginia cùng nhiều khoa học gia khác nhận diện được hàng trăm khu vực tương tự ở trên khắp thế giới, nơi tước đi sự sống ở bến cảng, vịnh nước và cửa sông.

Trong báo cáo gửi lên Quốc Hội hồi tháng 9 năm ngoái, ông Diaz cho thấy gần phân nửa số vịnh, hải cảng, đường dẫn nước và cửa sông ở Hoa Kỳ đang gặp phải tình trạng thiếu dưỡng khí của khu tử địa. Sự kiện này không xảy ra hằng năm nhưng chỉ khi nào hội đủ những điều kiện nào đó.

Ở King Harbor thường xảy ra sau những cơn mưa lớn bất thường ở Nam California, mang theo ra vùng duyên hải những phân bón để nuôi cây cỏ, phân chó cùng những chất dinh dưỡng tương tự. Tảo biển sinh sôi dọc theo duyên hải khi ngày bắt đầu dài hơn, cung cấp đủ năng lượng mặt trời cần thiết. Những trận gió gần đây làm vùng nước thêm màu mỡ nhờ khuấy động chất dinh dưỡng từ đáy sâu, cần thiết cho loài thảo mộc nhỏ li ti này.

Các khoa học gia tin rằng khu tử địa lớn rộng thêm khi nước biển trở nên ấm hơn, nước ấm làm sự phát triển sinh học nhanh hơn. (TP)