Home Tin Tức Bình Luận Dư chấn Nhật Bản

Dư chấn Nhật Bản PDF Print E-mail
Tác Giả: Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA   
Thứ Tư, 16 Tháng 3 Năm 2011 19:32

 Người Nhật tin tưởng vào nhà nước và nghiêm minh chấp hành kỷ luật, kể cả đảng đối lập với chính quyền

 

 Mới chỉ có hai tháng mà năm Tân Mão đã cho thấy biết bao biến động thương tâm và nhiều vụ khủng hoảng dồn dập khắp nơi.

 AFP photo /Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nêu ra những nguy cơ thiếu điện và nhu cầu tiết kiệm năng lượng sau khi đóng cửa các nhà máy điện nguyên tử, tại cuộc họp báo ở Tokyo vào ngày 13 tháng 3 năm 2011.

Biến cố mới nhất là trận động đất bị nhồi ngay đợt sóng thần tại Nhật Bản vào ngày 11 vừa qua. Trong khung cảnh đó, hậu quả kinh tế sẽ như thế nào, làm sao chúng ta có thể biết được? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với nhà tư vấn Nguyễn Xuân Nghĩa qua phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Vai trò của truyền thông

Vũ Hoàng: Thưa ông, chương trình tuần trước của chúng ta vừa nói rằng "lại thêm một trận bão giá" cho kinh tế thế giới.

Chỉ hai ngày sau, nền kinh tế thứ ba của thế giới là Nhật Bản lại bị không phải là một trận bão mà là một cơn địa chấn ở ngoài khơi, khiến cho sóng thần đổ ụp vào đất liền, và gây ra những thảm họa cho người dân.

Cùng với việc cứu hộ, tất nhiên người ta cũng phải quan tâm đến sinh hoạt kinh tế và hậu quả của vụ thiên tai được coi là có kích thước lịch sử. Trong chương trình kỳ này, chúng ta sẽ đề cập đến sự quan tâm và những hậu quả đó. Ông nghĩ sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi lại xin phép có một đề nghị ngược! Đó là mình hãy cùng tìm hiểu xem truyền thông của chúng ta làm được những gì trong một hoàn cảnh bất thường - mà phải nói là quốc tế nữa - vì Nhật Bản là nền kinh tế lớn và giao dịch với toàn cầu nên những gì xảy ra tại đây cũng có ảnh hưởng đến cả thế giới. Riêng trong chương trình chuyên đề về kinh tế của chúng ta, thì mình nên xem là truyền thông kinh tế có thể giúp ích được gì qua việc loan tải.

Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu đề nghị của ông vì ngay trong đài Á Châu Tự Do, khi biến cố xảy ra, thì có cả trăm tin dồn dập mà ta phải kiểm chứng gạn lọc rồi tường thuật cho chính xác dù biết là ngay sau đó lại có tin mới phải bổ sung thêm hoặc điều chỉnh lại.

Trong khi ấy, các thị trường tài chính và sinh hoạt kinh tế cũng vẫn tiếp diễn, không nơi này thì nơi khác, và tin tức loan ra là có gây ảnh hưởng, tức là cũng gây ra hậu quả cho kinh tế. Như vậy, có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu bằng đề tài là "cách truyền thông kinh tế tiếp cận với một biến cố", như vậy được không?


Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin cám ơn đề nghị ấy và nghĩ đến một quy luật xin tạm gọi là "sự thiếu hiểu biết cũng có thể gây ra tai họa trong một thảm họa".

Trước hết, tôi rất mừng là đài Á Châu Tự Do đã phỏng vấn ông Phùng Liên Đoàn trong chương trình ngày 14 vừa qua. Nhờ đó thính giả biết được phần nào về rủi ro phóng xạ từ các trung tâm nguyên tử hay hạt nhân của Nhật. Nó không đến nỗi nguy kịch như dư luận có thể nghĩ mà do hoảng hốt sẽ lại lấy quyết định sai và gây thêm vấn đề. Vì vậy, khi thiên tai hay thảm kịch xảy ra, truyền thông của chúng ta phải có phản ứng đầu tiên là tự hỏi xem mình có biết gì không? Rồi hỏi ngay các chuyên gia am hiểu vấn đề để trình bày sự thể với thiện chí tối đa về thông tin.

Bản thân thì tôi xin gọi trận thiên tai là "Vụ 3-11 của Nhật" cho dễ nhớ vì khu vực quá rộng, bao trùm lên nhiều thị xã hay quận huyện, chứ không như trận Kobe năm 1995. Nó còn giúp ta nhớ ba tai họa cùng lúc của năm 2011 là 1) động đất với cường độ 9,0 trên địa chấn kế Richter, 2) sóng thần từ biển ập vào đất liền, 3) tại một khu vực có năm trung tâm điện lực hạt nhân của Nhật.

Tại các trung tâm này, nhà máy Fukushima Daiichi có một lò nguyên tử đã 40 tuổi, chỉ còn hai tuần là coi như hết tuổi thọ của nó. Vậy mà lò nguyên tử đó không tan rã hoặc nổ tung như trái bom sau khi dồn dập bị địa chấn làm hư rồi sóng thần làm hỏng hệ thống cấp cứu.

 Chi tiết rất nhỏ ấy cần được tường thuật để thính giả của chúng ta thấy ra kích thước của vấn đề.

Vũ Hoàng: Chúng ta sống trong một thế giới với hiện tượng rất mới gọi là "thông tin tức thời" khiến tin tức về một biến cố vừa xảy ra lập tức gây tác động có khi là cộng hưởng vào hậu quả của biến cố vì vậy nhu cầu thông tin không chỉ là mau lẹ mà còn phải chính xác.

Trong lĩnh vực kinh tế của ông, điều ấy thể hiện như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ngày 14 vừa qua, do trách nhiệm của mình, Thủ tướng Nhật Naoto Kan phải cảnh báo quốc dân về nguy cơ phóng xạ, thị trường chứng khoán Nhật lập tức tuột giá và chỉ số Nikkei 225 có lúc mất tới 14%. Chưa thấy phóng xạ đâu thì nạn sụt giá cổ phiếu đã lan rộng và sẽ đánh sụt các thị trường khác. Tức là tài sản của nhiều người bỗng tan biến trong hư vô và sẽ gây tiếp hậu quả kinh tế bất lợi cho cả thế giới.

Khi gặp trường hợp bất thường như vậy, ta cần tự hỏi, hoặc kiểm lại, là những gì khác sẽ mất giá, trong bao lâu và tới đâu thì có thể ngừng, với hậu quả sẽ ra rao cho các lĩnh vực kinh tế khác? Từ đó, may ra mình có một sơ đồ đơn giản về các tương quan nhân quả mở rộng mà ta sẽ phải điều chỉnh lại mỗi khi có thêm dữ kiện mới. Điều khó nhất chính là phác họa ra cái sơ đồ về tương quan nhân quả hay biện chứng đó.

Nhu cầu điện năng

  Ảnh chụp từ vệ tinh Nhà máy điện Fukushima tại Nhật Bản ngày 16/3/2011. AFP photo

Vũ Hoàng: Chúng ta đi vào giai đoạn hấp dẫn của đề tài là tương quan biện chứng về kinh tế. Theo nhận xét của ông thì những yếu tố gì là đáng chú ý nhất trong tương quan đó?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin phép được giản lược hoá để minh diễn cho dễ hiểu qua một vài thí dụ mà thôi.

  Nhật là xứ quần đảo có vị trí địa dư cực bất lợi vì thiếu tài nguyên thiên nhiên trên lãnh thổ đầy núi lửa lại thường bị động đất nhồi với sóng thần. Đặc tính ấy khiến dân Nhật có nhân sinh quan bi thảm và sức chịu đựng cao trong kỷ cương có thể xứ khác coi là khắc nghiệt.

Dân Mỹ nông cạn vì lịch sử quá mỏng thì tin là ai cũng muốn thành người Mỹ. Dân Nhật lại tự hào nghĩ ngược, rằng phải anh hùng lắm thì mới là người Nhật! Tinh thần đó dẫn tới phản ứng kinh tế khác nhau. Người Nhật có thể thắt lưng buộc bụng và bị sáu đợt suy trầm kinh tế trong 20 năm qua mà không loạn, lần này sẽ là đợt thứ bảy!

Từ cái khung văn hóa đó, ta nhìn riêng vào nhu cầu điện năng. Nhật phải nhập khẩu dầu khí và lệ thuộc dầu thô tới hơn 60% cho yêu cầu năng lượng cùa mình. Nhưng trên một lãnh thổ thật ra rất hẹp lại bị núi rừng chia cắt, địa phương nào cũng phải cố tự túc và tồn trữ riêng chứ không có hệ thống phân phối toàn quốc như nhiều xứ khác.

Còn lại thì gần một phần ba nhu cầu điện năng là do các nhà máy hạt nhân cung cấp từ 55 lò phản ứng. Qua 20 năm suy trầm, yêu cầu về điện có giảm dần tại Nhật nên nhiều địa phương thật ra còn khả năng cung cấp dư dôi và toàn quốc không có nạn cúp điện. Hậu quả trước mắt là số cầu về dầu thô có giảm cùng với giá thương phẩm toàn cầu nên giá dầu có hạ chút đỉnh. Nhưng đó chỉ là hậu quả ngắn hạn thôi.

Vũ Hoàng: Thưa ông có phải là vì nguồn điện lực còn lại là từ các nhà máy hạt nhân nay tạm ngưng hoạt động vì bị hư hại hoặc cần kiểm tra về an toàn, cho nên có lúc yêu cầu điền thế về điện lực sẽ khiến Nhật phải nhập thêm dầu thô?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy. Khi các nhà máy hạt nhân bị ngưng, Nhật có thể cần từ nửa triệu cho đến gần một triệu thùng dầu thô mỗi ngày.

 Sức hút đó khiến nay mai dầu thô lên giá vì quân bình cung cầu về dầu quá căng thẳng trên thế giới, lại thêm biến động Trung Đông nay đã lan vào Bahrain và nhất là Saudi Arabia. Nghĩa là dầu thô lên giá làm kinh tế toàn cầu dễ trôi lại vào suy trầm trong khi lạm phát sẽ đe dọa nhiều quốc gia vì lương thực lẫn năng lượng đều tăng giá. Tôi nghĩ rằng Việt Nam rất nên chú ý đến vụ này vì khả năng trợ giá có giới hạn và lại sớm phải điều chỉnh giá điện của mình khi lạm phát đang là mối lo.

Bản lĩnh nước Nhật

  Một chiếc thuyền leo lên nóc tòa nhà ở thị trấn Otsuchi, tỉnh Iwate hôm 14/3/2011 sau thảm họa sóng thần. AFP photo

Vũ Hoàng: Ông vừa nêu một thí dụ là tương quan nhân quả về năng lượng. Ông còn thấy thí dụ nào khác chăng?

Chẳng hạn như Nhật Bản đang là quốc gia mắc nợ rất nặng, có khi là gấp đôi Tổng sản lượng GDP. Nay Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ phải bơm tiền, tăng chi và tăng thuế để tài trợ việc cấp cứu và tái thiết sau này, như vậy, hậu quả kinh tế sẽ ra sao?

  Nguyễn Xuân Nghĩa: Ông nhắc đến hậu quả về tài chính thì ta nên nhớ lại đặc tính văn hóa của dân Nhật.

Họ có sức chịu dựng cao, rất ái quốc và cần kiệm nên Chính phủ Nhật có mắc nợ gấp đôi Tổng sản lượng nhưng chủ yếu là nợ chính người dân.

Bây giờ, Chính phủ sẽ tăng chi cả ngàn tỷ đồng Yen để cấp cứu và kích thích kinh tế. Đồng thời để chuẩn bị tái thiết các cơ sở bị hư hao, doanh nghiệp Nhật hồi hương tư bản mà họ đầu tư ra ngoài. Vì vậy, nhất thời thì đồng Yen lên giá khi người ta đổi ngoại tệ ra tiền Nhật để đem về nước, nhưng việc tăng chi để kích thích kinh tế sẽ có tác động ngược trên giá đồng Yen sau này.

Thí dụ như Ngân hàng Trung ương có lúc sẽ mua đô la và bán ra đồng Yen vì đồng bạc lên giá quá sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Rồi cùng với việc Chính phủ tăng chi, Ngân hàng Trung ương lại áp dụng biện pháp in bạc mà ta gọi là "quantitative easing", là gia tăng mức lưu hoạt có định lượng, khiến đồng bạc lại mất giá so với Mỹ kim, đồng Euro hay vàng. Thành thử, khi theo dõi tương quan nhân quả thì mình cũng cần chú ý đến cường độ và thời điểm, như giá cả sẽ lên hay xuống, vì sao, và trong bao lâu thì có khi đảo ngược.

Vũ Hoàng: Chúng ta đi tới đoạn cuối, ông tổng kết thế nào về thông tin kinh tế trong hoàn cảnh bất thường là thiên tai và sự hốt hoảng đang dập xuống nền kinh tế Nhật Bản?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là "dư chấn kinh tế" của động đất có thể giảm nếu ta có thông tin chính xác và nhanh lẹ hầu tránh hốt hoảng trong hoàn cảnh bất thường. Vì khuôn khổ một chương trình không cho phép chúng ta đi vào chi tiết như giá xăng, dầu, sắt, thép, xi măng, phân bón hay nông sản, hay xuất nhập khẩu, v.v... bị ảnh hưởng thế nào do cơn địa chấn, nhưng mình có thể nêu ra vài quy tắc sau đây.

Thiên tai tất nhiên gây tổn thất, từ nhân mạng tới kinh tế, nhưng phản ứng con người trong thiên tai có thể gây thêm tổn thất khác mà sau này mới rõ.

Thí dụ cụ thể là năng lượng hạt nhân. Các nước phản ứng thế nào, có sáng suốt không, về nguồn năng lượng thật ra rất sạch và khá an toàn sau mấy chục năm hoạt động khả quan tại Nhật?

 Nếu vì quá sợ hãi mà đình chỉ hay từ bỏ thì mình có giải pháp nào khác, tốn kém đến chừng nào về tiền bạc hay môi sinh?

Thứ hai, lãnh đạo tất nhiên phải tìm hiểu để biết được yêu cầu trước mắt - trong đó có cả tâm lý hoảng loạn của quần chúng - lẫn lợi ích lâu dài cho quốc gia, rồi giải thích được cho rõ ràng mà không tự gây lầm lạc vì nhu cầu tuyên truyền. Điều này không dễ nhưng nhà nước phải bình tĩnh hơn quần chúng và càng có nhiều nguồn thông tin rộng mở thì người ta càng dễ nhìn ra sự thật.

Nếu vì nhu cầu ổn định mà kiểm soát thông tin thì sau thiên tai đến hốt hoảng, người ta còn có thêm một thảm họa thứ ba là quyết định sai lầm!

Trong cả thảm kịch kinh hãi này, dân Nhật có cho chúng ta một bài học. Họ cũng sợ hãi như mọi dân tộc khác và nơi này nơi kia có tích trữ nhu yếu phẩm để phòng xa. Nhưng họ có tinh thần tự chế và liên đới rất cao, không xô đẩy dẫm đạp, không cướp bóc thổ phỉ như ta có thể đã thấy tại nhiều xứ khác.

 Họ tin tưởng vào nhà nước và nghiêm minh chấp hành kỷ luật, kể cả đảng đối lập với chính quyền. Mà nhà nước cũng đã chứng tỏ khả năng qua rất nhiều thử thách nên mới được tin tưởng như vậy. Và truyền thông của Nhật cũng có toàn quyền

loan tải tin tức nên người dân sớm có thông tin đầy đủ và khả tín để còn biết đường mà tính toán.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa.