Home Tin Tức Bình Luận Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trở lại từ giữa năm nay

Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trở lại từ giữa năm nay PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Hai, 21 Tháng 3 Năm 2011 08:35

Thảm họa thiên tai gây thiệt hại lớn về vật chất nhưng kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi và tăng trưởng nhờ quá trình tái thiết.

 Trên đây là dự báo của Ngân hàng Thế giới trong bản báo cáo về kinh tế Đông Bắc Á, được công bố ngày hôm nay, 21/03/2011.

Quang cảnh bãi biển Rikuzntakata, Iwate, Nhật Bản, ngày 19/03/2011
REUTERS/Aly Song

 Theo thẩm định ban đầu của các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, trận động đất kéo theo sóng thần ngày 11/03 vừa qua làm cho nền kinh tế Nhật Bản bị thiệt hại từ 2,5% đến 4%, tức là từ 122 tỷ đến 235 tỷ đô la.

Dựa theo kinh nghiệm trước đây, tăng trưởng thực sự của tổng sản phẩm quốc nội Nhật Bản sẽ bị tụt giảm cho đến giữa năm nay, 2011.

Ngân hàng Thế giới dự báo là kinh tế xứ hoa anh đào sẽ bắt đầu tăng trở lại trong những tháng tiếp theo, khi các nỗ lực tái thiết được đẩy mạnh. Công cuộc xây dựng lại đất nước này có thể kéo dài tới 5 năm.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đã giúp cho nền kinh tế Nhật Bản có mức tăng trưởng khả quan.

Nhưng trong quý bốn năm ngoái, tổng sản phẩm quốc nội đã giảm 1,3% tính theo nhịp độ cả năm. Trước khi xẩy ra thiên tai, nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế thứ ba thế giới sẽ tăng trưởng mạnh trong quý một năm 2011.

Từ nhiều ngày qua, Nhật Bản lại đang phải đối phó với nguy cơ thảm họa hạt nhân tại Fukushima. Những khó khăn chồng chất này đã làm chỉ số trên thị trường chứng khoán Tokyo, vào tuần trước, giảm 10,22%, trong lúc đồng yen tại tăng giá.

Cuối tuần qua, việc ngân hàng trung ương các nước giàu trong nhóm G7 đã phối hợp can thiệp bằng cách bán đồng yen ra đã ngăn chặn được phần nào nạn đầu cơ và hạ được giá trị của đồng tiền Nhật Bản.

Ngày 16/03, tỷ giá đồng yen so với đô la Mỹ lên tới mức cao nhất kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai, 76,36 yen một đô la Mỹ. Sang đến thứ sáu, 18/03, tỷ giá này là hơn 80 yen.

Theo ông Vikram Nehru, kinh tế gia tại Ngân hàng Thế giới, thì thiệt hại thiên tai tại Nhật Bản cũng sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á, cho dù còn quá sớm để đánh giá. Truớc mắt, thương mại và tài chính là hai lĩnh vực sẽ bị tác động.

Trận động đất 1995 ở Kobe đã làm cho trao đổi thương mại của Nhật Bản bị chậm lại trong vài quý. Chỉ một năm sau, nhập khẩu đã quay lại nhịp độ bình thường và xuất khẩu đã đạt mức 85% so với thời kỳ trước khi có thiên tai.

Nhưng, lần này, theo Ngân hàng Thế giới, những rối loạn trong mạng lưới sản xuất Nhật Bản, đặc biệt là trong các ngành sản xuất xe hơi và thiết bị điện tử có thể kéo dài hơn một năm và sẽ gây ra nhiều vấn đề.

Sau trận động đất, nhiều cơ sở sản xuất của các tập đoàn lớn như Toyota, Sony đã phải ngừng hoạt động. Cho đến nay, mới chỉ có một vài hãng khởi động trở lại một phần các hoạt động.

 GM Korea, chi nhánh Hàn Quốc của tập đoàn chế tạo xe hơi General Motors dự tính giảm nhịp độ sản xuất trong tuần này trước nguy cơ thiếu các chi tiết phụ tùng nhập khẩu từ Nhật Bản. Các nhà xuất khẩu xe hơi Thái Lan được thông báo là các phụ tùng nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ bị chậm lại cho đến tháng tư.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới còn cho biết, vừa qua, giá một số loại chip điện tử đã tăng 20%, bởi vì Nhật Bản sản xuất tới 36% tổng sản lượng toàn thế giới. Philippines sẽ bị ảnh hưởng nặng nề : Sản phẩm điện tử chiếm hai phần ba tổng xuất khẩu của nước này.

Trong 5 năm gần đây, trao đổi thương mại của Nhật Bản với phần còn lại của Đông Á chiếm 9% tổng xuất nhập khẩu toàn khu vực. Tính trung bình, nếu tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản bị giảm từ 0,25% đến 0,50%, từ nay đến giữa năm 2011, thì xuất khẩu của Đông Á cũng sẽ bị giảm từ 0,75% đến 1,5%.

Ngược lại, theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, trong ngắn hạn và trung hạn, các nước sản xuất và xuất khẩu nhiên liệu như Indonesia, Malaysia, Việt Nam có thể hưởng lợi vì giá năng lượng sẽ lên cao, trong lúc Nhật Bản phải bù đắp lại sự thiếu hụt về năng lượng do các sự cố trong lĩnh vực điện hạt nhân.