Home Tin Tức Bình Luận Trung Quốc làm kinh tế để thao túng chính trị

Trung Quốc làm kinh tế để thao túng chính trị PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Hai, 18 Tháng 4 Năm 2011 23:22

« Tham vọng bá quyền của Trung Quốc », đó là tựa đề của quyển sách của hai nhà kinh tế học Pháp, Antoine Brunet và Jean –Paul Guichard vừa được xuất bản.

 Hai ông cảnh báo về ý đồ dùng kinh tế để làm chính trị của Trung Quốc và phê phán thái độ thỏa hiệp của phương Tây. Tạp chí L’Express phản ánh nội dung này qua bài viết « Chiến lược mạng nhện của Trung Quốc ».

Ngân hàng Trung ương tại Bắc Kinh / Reuters

Từ năm 2008, Trung Quốc bắt đầu khiến cả thế giới phải ngạc nhiên. Vì ích kỷ, nước này đã cố tình định giá thấp đồng nhân dân tệ, trong khi phương tây đang chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế.

 Với thái độ hung hăng và hiếu chiến, vào năm 2010, nước này bất chợt tăng cường đòi chủ quyền trên biển Đông, và sản xuất máy bay tàng hình J-20.

Hai nhà kinh tế này cho rằng, thái độ kiêu ngạo trên không phải là ngẫu nhiên, mà được bộc lộ đúng lúc : vào thời điểm sức mạnh Trung Quốc đang ngày càng tiến đến gần sự cân bằng lực lượng với Hoa Kỳ.

Thấy trước rằng Mỹ sẽ là một « đe dọa », đảng Cộng sản Trung Quốc toan tính giành lấy vị trí độc tôn của nước này. Tránh giải pháp quân sự, Bắc Kinh đã lao vào một cuộc chiến kinh tế cực đoan dựa trên chiến lược tự tư tự lợi.

Tận dụng và duy trì tình trạng nhân công giá rẻ, định giá thấp đồng nhân dân tệ đến mức bất thường, lợi dụng ưu thế trong việc WTO cấm mọi rào cản thuế quan đối với hàng hóa « made in China », Trung Quốc đã đạt mức thặng dư thương mại cao ngất ngưởng, trong khi các đối thủ phương Tây lâm cảnh thâm hụt cán cân thanh toán nghiêm trọng.

Đối với Trung Quốc, sự việc trên quả là hết sức có lợi : thặng dư thương mại kích thích tăng trưởng quốc gia, tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng nguồn thu thuế. Trong khi đó, thâm hụt thương mại đe dọa tăng trưởng các nước phương Tây, làm tăng nạn thất nghiệp.

Như vậy, trong cuộc chơi này, Trung Quốc được sự thịnh vượng, ổn định xã hội và có nguồn dự trữ hối đoái dồi dào. Còn các nước phương Tây thì rơi vào cảnh bất ổn xã hội, kinh tế trì trệ, lĩnh vực tài chính công bị vuột khỏi tầm kiểm soát.

Dưới sức ép những món nợ công khổng lồ, các nước này buộc phải tăng cường việc đi tìm nguồn đầu tư ở nước ngoài. Nhờ vào nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, Trung Quốc trở thành « vị cứu tinh » số một.

Ở thế thượng phong, Bắc Kinh có quyền đề ra yêu sách trong việc cho vay. Những « yêu sách » có khi không mang tính chất thương mại nữa, như việc Hy Lạp vừa nhượng quyền kiểm soát một phần cảng Pirée cho Trung Quốc chẳng hạn.

Brunet và Guichard còn cay đắng nhận định, sắp tới, đến lượt những nước khác buộc phải sang nhượng cho Trung Quốc nguyên liệu, đất đai canh tác, hay phải từ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu thiết bị quân sự.

Cuối cùng, họ cảnh báo, nếu không nhanh chóng có hành động đối phó, phương tây sẽ rơi vào tình trạng bị lệ thuộc chính trị đối với Trung Quốc.

Bắc Kinh tiến thêm một bước trong chiến lược đàn áp

Courrier International cũng quan tâm đến Trung Quốc với bài viết được dẫn lại của tờ Minh Báo Hồng Kông: “Buộc những người đấu tranh tự do vào khuôn khổ”.

Đâu là sự khác biệt giữa Lưu Hiểu Ba và Ngãi Vị Vị ? Thoạt nhìn, cả hai có nhiều điểm tương đồng : Cả hai đều là những người dám lên tiếng phê phán Đảng Cộng sản Trung Quốc và có thái độ không nhượng bộ đối với chính phủ Bắc Kinh; cả hai điều bị bắt vì lí do bất đồng chính kiến.

 Thế nhưng, Minh Báo cho rằng, việc bắt giam Ngãi Vị Vị cho thấy nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn, nhất là về nhân quyền và quyền tự do ngôn luận.

Lưu Hiểu Ba là giảng viên đại học, ông có chương trình hành động chính trị riêng với mong muốn thiết lập ở Trung Quốc một chế độ dân chủ lập hiến.

Theo Minh Báo, dù Lưu Hiểu Ba nêu chính kiến một cách ôn hòa, dù ông chưa hề tuyên bố muốn lật đổ chế độ hiện tại, dù bản hiến chương 08 có nội dung không khác biệt nhiều so với hiến pháp hiện hành, thế nhưng, nếu chương trình chính trị của ông được thực hiện thành công, thì hậu quả kéo theo là chính phủ hiện tại sụp đổ và Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ mất quyền lãnh đạo. Đó là nguyên nhân sâu xa khiến Lưu Hiểu Ba bị xem là có ý định lật đổ chính quyền và bị trừng phạt nặng tay.

Trường hợp của Ngãi Vị Vị thì lại khác. Theo Minh Báo, Ngãi Vị Vị không phải là nhà hoạt động chính trị. Ông không hề có chương trình hành động chính trị riêng. Ông chỉ đơn giản là “Người suy nghĩ và hành động tự do”. Thế mà, ông lại bị bắt và bị cáo buộc là tội phạm kinh tế. Rõ ràng “việc này còn hoang đường hơn các tác phẩm của ông”.

Như vậy, theo Minh Báo, việc bắt giam và kết án Lưu Hiểu Ba cho thấy nhà cầm quyền muốn trấn áp những người li khai chính trị để tránh chế độ bị sụp đổ. Còn việc bắt Ngãi Vị Vị cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định bóp nghẹt mọi không gian ngôn luận, thậm chí còn cho thấy đảng này không còn có thể bao dung cho bất cứ sự chế giễu hay mỉa mai nào.

Minh Báo cũng nhấn định thêm rằng, thông qua việc bắt giữ Ngãi Vị Vị, nhà cầm quyền Trung Quốc muốn gửi đến 1,3 tỷ dân nước này thông điệp sau : Chỉ chấp nhận một lối tư duy và hành động thống nhất, “tất cả mọi người đều là nô lệ của Đảng”.

Như vậy, theo Minh Báo, nhìn bên ngoài, sự việc hiện tại không giống như giai đoạn cách mạng văn hóa thời Mao Trạch Đông, khi ấy ai không theo con đường do chủ tịch Mao vạch ra và không nghe theo mệnh lệnh của đảng, đều bị xem là kẻ thù và bị búa rìu của sự trừng phạt. Thế nhưng, về bản chất, rõ ràng “tuy hai mà một”.