Và ngọn lửa tranh đấu này đã được chuyển giao cho thế hệ trẻ hơn hiện nay với những tiêu biểu xuất sắc là Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Bắc Truyển, Lê Trần Luật v.v…
( bài viết để tặng các chiến sĩ tranh đấu nhân quyền ở Việt nam, và riêng tặng các bạn luật sư Trần Danh San & Triệu Bà Thiệp cùng các chiến hữu trong Ủy Ban Nhân Quyền Việt nam, nhân kỷ niệm ngày 30 Tháng Tư)
|
Hồi năm 1980 – 81, cụ Nguyễn Hiến Lê được một người cháu làm cho Liên Hiệp Quốc ở Genève về thăm và đem cho cụ một số sách báo mới xuất bản tại Pháp. Cụ đọc xong, rồi chuyển cho một số anh em chúng tôi mượn để coi nữa. Thật là một điều may mắn hi hữu, vì sau năm 1975 tại Saigon, rất ít khi chúng tôi lại có được sách báo từ bên ngòai để mà đọc. Trong cuốn sách nhan đề “Le Défi Mondial” ( Sự Thách đố Tòan cầu) của nhà báo Pháp nổi danh, tôi được đọc đọan văn ông tường thuật lại buổi nói chuyện với Bà Indira Gandhi là Thủ tướng Ấn độ. Và tôi rất tâm đắc với tâm sự của bà Indira thổ lộ với tác giả là nhà báo Jean Jacques Servan – Schreiber (JJSS) như sau : “ Vấn đề là làm sao chúng ta truyền lại được cái ngọn lửa cho thế hệ con cháu tiếp nối cái truyền thống tốt đẹp của cha ông mình” (nguyên văn chữ tiếng Pháp : le transfert de la flamme). Và đó là lý do để bài viết này có nhan đề là “ Chuyển giao Ngọn lửa Truyền thống ”.
I - Rõ ràng là bà Indira Gandhi ( bà lấy tên chồng, chứ không phải có họ hàng gì với Thánh Gandhi) đã tiếp nối cái sự nghiệp lẫy lừng của người cha của bà, đó là Thủ tướng Nehru, người đã cùng sát cánh lâu năm với Thánh Gandhi trong phong trào tranh đấu dành độc lập cho nước Ấn độ thóat khỏi sự kềm kẹp của thực dân Anh quốc. Và sau khi bà mất đi, thì đến lượt con trai của bà là Rajiv Gandhi tiếp nối nắm giữ chức vụ Thủ tướng. Rồi gần đây, lại đến lượt người con dâu của bà là Sonia quả phụ của Rajiv nhập cuộc trong việc lãnh đạo chính trị tại Quốc hội Ấn độ. Thành ra, chỉ riêng trong một gia đình của cố Thủ tướng Nehru, thì đã có đến ba thế hệ liên tục tham gia phục vụ tại một quốc gia có dân số đông đảo được xếp vào hạng thứ nhì trên thế giới, sau Trung quốc. Đó là chuyện ở Ấn độ.
II – Còn chuyện ở Mỹ, thì tôi xin ghi về trường hợp của một anh bạn mà tôi đã quen biết từ trên 40 năm qua. Đó là anh Stephen B Young – người mà chúng ta đều biết đã từng là chiến hữu thân thiết sát cánh lâu năm với cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy – thì nhờ tìm đọc tiểu sử của anh trên internet, ta cũng thấy được rõ ràng anh Stephen là thứ “con dòng cháu giống”.Thân phụ của anh là giáo sư và cựu đại sứ Kenneth Todd Young, thì thuộc dòng dõi của cụ cố Winthrop Young là người tham gia chiến đấu thời cách mạng độc lâp chống lại quân đội Hòang gia Anh hồi năm 1775. Còn thân mẫu Patricia Morris Young, thì thuộc dòng dõi của cụ cố Louis Morris là người đã ký tên trên Bản Tuyên Ngôn Độc lập Hoa kỳ thời lập quốc. Rồi đến bản thân Stephen, thì anh đã từng giữ chức vụ Khoa trưởng Trường Luật tại Đại học Hamline ở Minnesota. Anh hiện đang có sự nghiệp chuyên môn lừng lẫy quốc tế với chức vụ “ The Global Executive Director of the Caux Round Table” ( Giám đốc điều hành Tòan cầu của Hội nghị Bàn tròn Caux). Nhưng điều quý báu nhất của Stephen là anh rất yêu thương gắn bó với Việt nam là quê hương của chị Phạm Thị Hòa người bạn đời của anh, và cũng là quê ngọai của lũ con của hai anh chị. Họat động của anh rất năng nổ đa dạng, phải cần đến một bài viết khác nữa, thì mới trình bày đày đủ chi tiết cho rõ ràng được.
III - Ở Việt nam ta, thì lịch sử đã từng ghi chép nhiều về những danh gia vọng tộc, mà trong nhiều thế hệ, cha ông của họ đã có những đóng góp xuất sắc về nhiều phương diện quân sự chính trị, văn hóa xã hội cho đất nước. Trong bài này, tôi muốn ghi lại những đóng góp tích cực và liên tục của giới luật gia Việt nam trong vòng trên nửa thế kỷ gần đây vào công cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền trên quê hương đất nước chúng ta.
A - Bắt đầu, phải kể đến Luật sư Nguyễn Mạnh Tường là người đã đi tiên phong trong sứ mạng tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ngay từ năm 1956 ở Hanoi, lúc mà chính quyền cộng sản còn rất hung hãn quá khích với chiến dịch cải cách ruộng đất. Trong bài diễn văn bất hủ đọc ngày 30 tháng 10 năm 1956 tại Mặt trận Tổ quốc, ông đã phê phán thẳng thắn chế độ đương quyền như sau : “ Mình tự phụ, tự hào mình có độc quyền tìm thấy và giữ gìn chân lý. Đó là tật tự cao, tự đại của nhà cách mạng.”…” Trái với lời ta thường nói, ta đã thiếu dân chủ với nhân dân”… Sau đó là ông bị trù dập, bị tước bỏ mọi chức vụ, không còn được hành nghề luật sư, không còn được dậy học và gia đình bị lâm vào cảnh túng thiếu ngặt nghèo, đói ăn thiếu thuốc men chữa bệnh. Và đó cũng là số phận của rất đông trí thức văn nghệ sĩ khác trong Nhóm Nhân văn Giai phẩm từ giữa thập niên 1950 trên đất Bắc.
B – Hai mươi năm sau, lúc cộng sản đã chiếm được tòan thể miền Nam và áp đặt một chế độ độc tài sắt máu trên toàn quốc, thì có một nhóm luật sư họp lại với nhau thành lập một tổ chức với danh xưng là : “Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam”. Và đúng vào ngày 23 tháng Tư năm 1977, Ủy ban đã cho công bố một văn kiện nhan đề là : “ Tuyên Ngôn Nhân Quyền Của Những Người Việt Nam Khốn Cùng”. Luật sư Trần Danh San đại diện Ủy Ban đã công khai tuyên đọc bản Tuyên ngôn này tại công trường Nhà Thờ Đức Bà Saigon. Xin ghi lại một đọan ngắn trong bản giải thích lý do tranh đấu : “Chúng tôi tranh đấu để bênh vực con người, và các quyền bất khả xâm phạm của con người. Chúng tôi đấu tranh để giành lại sự tươi mát của tương lai”. Ngay lập tức, anh San và các bạn đồng chí hướng mà đã ký tên vào văn kiện này thì đều đã bị công an bắt giam, hạch hỏi, kể cả tra tấn trong nhiều năm. Các bạn luật sư này đã nối tiếp tinh thần tranh đấu kiên cường bất khuất của bậc đàn anh là Luật sư Nguyễn Mạnh Tường ở Hanoi trước đây.
C - Và ngọn lửa tranh đấu này đã được chuyển giao cho thế hệ trẻ hơn hiện nay với những tiêu biểu xuất sắc là Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Bắc Truyển, Lê Trần Luật v.v… Chỉ trong vòng 10 năm gần đây, các bạn luật sư trẻ này đã tham gia nhập cuộc với các bạn đồng lứa tuổi với mình trong công cuộc tranh đấu chống tham ô lãng phí, bảo vệ người dân oan, bảo vệ môi sinh, và nhất là bảo vệ sự tòan vẹn của lãnh thổ trước sự xâm lấn của Trung quốc. Họ đều sinh ra, lớn lên và học hành dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, thậm chí nhiều người còn là con em từ các gia đình cán bộ đảng viên thuộc lọai cao cấp, trung cấp nữa. Ấy thế mà các bạn trẻ này vẫn quyết tâm kiên trì đấu tranh chống lại cái ác, chống lại những điều bất công thất đức đày dãy trong xã hội ngày nay. Và mặc dầu bị sách nhiễu, bị đe dọa, bị giam cấm tù đày, họ vẫn hiên ngang đi tới theo tiếng gọi của lương tâm trong sáng và noi theo truyền thống trượng phu quân tử của cha ông mình : “ Anh hùng thấy sự bất bằng chẳng tha !”. Đây quả thật là sự tiếp nối, sự kế thừa của chí khí bất khuất của giới sĩ phu trong truyền thống đạo đức văn hóa tốt đẹp từ ngàn xưa của cha ông chúng ta. Vào giữa tháng tư năm 2011 vừa đây, trong buổi họp mặt kỷ niệm của Ủy Ban Nhân Quyền Việt nam do các luật sư Trần Danh San và Triệu Bá Thiệp tổ chức tại vùng Little Saigon ở Nam California, một thân hữu đã phát biểu : “Khi luật sư San đọc Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền vào năm 1977 tại Saigon, thì cô Luật sư Lê Thị Công Nhân chưa có sinh ra đời, vì thực tế cô sinh vào năm 1979. Ấy thế mà cô đã hiên ngang tuyên bố trước khi bị bắt giữ : “ Một lần nữa, tôi xin khẳng định tôi không bao giờ thỏa hiệp với cộng sản Việt nam, cho dù điều tồi tệ nhất có thể xảy đến” – “Sống thế nào thì sống vẫn phải giữ lòng tự trọng và lương tâm của mình. Chỉ có lương tâm và lòng tự trọng của tôi nói với tôi rằng : Không bao giờ đầu hàng”. Lời nói của một cô gái lúc chưa đến 30 tuổi, mà lại được sinh ra và được giáo dục ngay dưới chế độ công sản như thế, thì rõ ràng đã chứng minh rằng : Người cộng sản không thể nào mà dập tắt được cái ngọn lửa yêu nước nông nàn vốn luôn âm ỉ cháy bỏng trong tâm can người Việt, và ngọn lửa này vẫn tiếp tục được lưu chuyển từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp của đại khối dân tộc Việt nam chúng ta vậy.
Và đó chính là niềm hy vọng lạc quan tươi sáng cho quê hương đất nước thân yêu chúng ta trong thế kỷ XXI này./
California, ngày 23 tháng Tư năm 2011
|