Home Tin Tức Bình Luận IMF khó tìm người thay ông Strauss-Kahn

IMF khó tìm người thay ông Strauss-Kahn PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh   
Thứ Sáu, 20 Tháng 5 Năm 2011 08:49

Ông Phó Lipski cho biết ông được chỉ định tạm thời điều hành mọi hoạt động của IMF

Câu hỏi lớn nhất đang được nói tới ở Washington D.C. không phải là những gì Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ trình bày trong bài diễn văn quan trọng đọc sáng hôm nay (Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011) ở Bộ Ngoại Giao nói về chính sách và làn sóng dân chủ đang diễn ra ở Trung Ðông và Bắc Phi, mà là chuyện ông Tổng Giám Ðốc Dominique Strauss-Kahn của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đang bị tạm giam có đồng ý với đề nghị nên từ chức hay không.


Ông Dominique Strauss-Kahn, tổng giám đốc IMF, tại tòa án ở New York hôm 16 Tháng Năm. (Hình: Shannon Stapleton-Pool/Getty Images)
 
Chuyện mỗi ngày một được bàn cãi sôi nổi hơn sau khi luật sư của ông Strauss-Kahn cho hay thân chủ của mình không có tội và Thứ Sáu tới đây lại xin tòa cho tại ngoại hầu tra, trong lúc chờ xét xử.

 Các chuyên gia luật pháp Mỹ cho biết “phải mất ít nhất 6 tháng nữa” phiên tòa mới bắt đầu và không ai có thể đoán biết kết quả phiên xử sẽ như thế nào, có thể ông Strauss-Kahn sẽ lãnh cả chục năm tù, cũng có thể ông sẽ được tòa tha bổng.

Hôm qua trong bài nói chuyện đọc ở New York, Tổng Trưởng Tài Chánh Hoa Kỳ Timothy Geithner cho rằng ông Strauss-Kahn “không còn ở trong tư thế có thể tiếp tục điều hành IMF”, nhưng cũng không nói là ông này phải từ chức để IMF tìm người thay thế.

 Sáng hôm nay tin từ văn phòng trung ương của IMF cho biết nội trong tuần này Hội Ðồng Quản Trị IMF sẽ cử 2 đại diện vào tận trại giam, chính thức yêu cầu ông từ chức trong thời gian chờ đợi ngày tòa xét xử tội mưu toan hiếp dâm một phụ nữ làm bồi phòng ở khách sạn Sofitel mà ông ta từng trú ngụ. Ðây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa IMF và người trên nguyên tắc vẫn đang nắm quyền lãnh đạo, tính từ khi ông Tổng Giám Ðốc IMF bị cảnh sát bắt giữ hôm Thứ Bảy tuần trước, lúc đang ngồi trên máy bay sửa soạn rời New York để về Paris.

Tin tức ghi nhận từ hành lang IMF cũng cho biết giải pháp mọi người mong đợi “là ông Strauss-Kahn tự ý từ chức” để các quốc gia thành viên bắt đầu thủ tục chọn người thay thế. Lý do khiến điều này được nói đến vì 24 thành viên của Hội Ðồng Quản Trị “chưa biết nên sa thải ông ngay trong lúc này hay chờ đến khi tòa xác nhận ông ta có tội”. Cũng vì thế nên ai nấy “đều mong ông gật đầu”, theo lời một viên chức yêu cầu được giấu tên. Viên chức này cũng bảo bất kể phán quyết của tòa như thế nào, ông sếp cũ 62 tuổi “hết thời rồi, không thể trở lại được nữa đâu”, và nhắc lại đây không phải lần đầu tiên ông Strauss-Kahn “dính líu đến chuyện lăng nhăng”.

Lần trước xảy ra hồi năm 2008, “cả IMF ai cũng biết sếp có liên hệ tình cảm với một nữ nhân viên dưới quyền”. Chuyện lúc đó được giải quyết ổn thỏa sau khi ông Strauss-Kahn nhận lỗi, nói rằng ông đã có “những quyết định sai lầm, mong được tha thứ”. Hội Ðồng Quản Trị chấp nhận lời xin lỗi đó, chỉ khiển trách, phạt cảnh cáo nhưng tiếp tục cho ông giữ vai trò tổng giám đốc. Lần này chuyện lớn hơn, gây chấn động thế giới sau khi hình ảnh ông bị cảnh sát New York còng tay dẫn xuống máy bay được phổ biến khắp nơi.

Thứ Hai vừa rồi, Hội Ðồng Quản Trị IMF nhóm phiên họp đặc biệt để thảo luận về chuyện ông Strauss-Kahn, nhưng những gì được công bố sau đó không nói gì đến chuyện sẽ chọn người thay thế ông ta hay không. Thông báo - phổ biến qua email - mang chữ ký của bà Phát Ngôn Viên Caroline Atkinson viết như sau: “Hội Ðồng Quản Trị đã nghe trình bày những diễn tiến chung quanh việc ông tổng giám đốc bị bắt khi ông đến thăm thành phố New York với tư cách cá nhân”.

Thông báo kết thúc bằng câu: “IMF và Hội Ðồng Quản Trị tiếp tục theo dõi các diễn tiến của vụ này”.

Thái độ “chần chừ” của Hội Ðồng Quản Trị IMF còn thể hiện rõ hơn nữa trong cuộc họp -cũng diễn ra vào sáng Thứ Hai- giữa ông Phó Tổng John Lipski và cả ngàn nhân viên làm việc tại văn phòng trung ương Washington D.C. Ông Phó Lipski cho biết ông được chỉ định tạm thời điều hành mọi hoạt động của IMF, xin mọi người “làm việc như bình thường”, đừng bận tâm vào bất kỳ chuyện gì “ngoài chuyện kinh tế và những trở ngại về tài chánh mà thế giới đang cần IMF giúp giải quyết”.

Giả sử ông Dominique Strauss-Kahn đồng ý từ chức đi chăng nữa, chuyện chọn ai thay thế cũng đang là đề tài được bàn tán sôi nổi, sau khi các chính phủ Trung Quốc, Brazil và Nam Phi lên tiếng nói sẽ giành quyền điều khiển tổ chức quốc tế này, thay vì tiếp tục để người gốc Âu Châu giữ vai trò điều hành như đã từng làm kể từ ngày IMF được thành lập tới giờ.

Hiện là nước đứng hàng thứ 3 trong danh sách những quốc gia góp tiền vào IMF, chính phủ Trung Quốc nói việc tuyển chọn người giữ chức tổng giám đốc phải diễn ra trong tinh thần công bằng, hợp lý, không thể tiếp tục dành độc quyền cho một khu vực nào cả.

 Bộ trưởng tài chánh Nam Phi là ông Pravin Gordhan và một viên chức cao cấp của chính phủ Brazil còn nói rõ rằng dù tiếng nói của nước họ ngày một có trọng lượng hơn trong mọi quyết định của IMF, nhưng đã đến lúc chức vụ quan trọng này “phải được dành cho một quốc gia đang phát triển”.

Người đầu tiên lên tiếng phản đối là bà Thủ Tướng Ðức Angela Merkel. Bằng giọng khéo léo ngoại giao, bà bảo trên nguyên tắc thì chuyện để một nước có nền kinh tế mới nổi điều khiển Ngân Hàng Thế Giới hay IMF là điều hữu lý, nhưng lúc này các nước trong khu vực sử dụng đồng EURO đang gặp khó khăn nên “cách tốt nhất vẫn là để cho người Âu Châu điều hành IMF”.

Trước đây từng có đồn đãi nói rằng nếu ông Strauss-Kahn xin từ chức để về Pháp tranh cử tổng thống, nhân vật Âu Châu kế tiếp sẽ là một kinh tế gia của Anh, và cựu Thủ Tướng Gordon Brown là người được nhắc tới. Nhưng đương kim Thủ Tướng David Cameron lại lắc đầu, cho hay ông không nghĩ vị tiền nhiệm của mình “là người phù hợp cho chức vụ Tổng Giám Ðốc IMF”.

Dĩ nhiên trong vai trò của nước đóng góp nhiều nhất vào IMF, Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò quan trọng trong cả việc đẩy ông Strauss-Kahn đến chỗ phải từ chức và cũng ảnh hưởng rất lớn trong việc chọn người thay thế ông này.

Nhưng đến bây giờ vẫn chưa rõ quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ như thế nào, dù ông Tổng Trưởng Tài Chánh Hoa Kỳ Timothy Geithner nói ông Strauss-Kahn “không còn ở trong tư thế có thể tiếp tục điều hành IMF” - nhưng cũng không nói là ông này phải từ chức, Tòa Bạch Ốc vẫn im hơi lặng tiếng và ngay cả đại diện cho Hoa Kỳ trong Hội Ðồng Quản Trị IMF là bà Meg Lundsager cũng không trả lời yêu cầu xin được phỏng vấn của báo chí.