Home Tin Tức Bình Luận Nghề bác sĩ

Nghề bác sĩ PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon cô nương   
Thứ Hai, 23 Tháng 5 Năm 2011 20:41

Trong các trường đại học, trường Y và Bách Khoa vốn rất được mọi người ngưỡng mộ vì lấy điểm đậu vào rất cao.

Tỷ lệ thi vào đại học ở các trường mỗi năm đều có sự thay đổi. Năm nay thí sinh ào ào thi vào trường Kinh tế nhưng năm sau lại ùn ùn sang Luật,... Sư Phạm cũng có thời gian nhiều người thích do được cấp học bổng... Riêng trường Y không có gì thay đổi. Những học sinh xuất sắc nhất đều ôm mộng vào Y và chỉ những thí sinh có điểm cao chót vót trong số những người điểm cao nhất mới lọt vào ngôi trường cao quý đó.

Ngay từ giai đoạn đầu tiên, các ngành của đại học chỉ học từ bốn đến năm năm. Riêng ngành Y thời gian học lâu nhất, bình thường sáu năm không kể nội trú. Ngoài sự chăm chỉ và thông minh, thí sinh còn phải cật lực theo đuổi các lớp luyện thi, đậu xong lại lo tiền sách vở rất cao... Đa số được coi như con nhà giàu mới vào đó. Ra trường rồi, lọt được vào các bệnh viện lớn làm việc thực tập hai năm, tiếp thêm hai, ba năm chuyên khoa nữa. Tổng cộng khoảng mười năm để thành nghề. Vào nghề này cứ học hoài, học mãi không ngưng. Học thạc sĩ, tiến sĩ, tu nghiệp, hội thảo... Bởi vậy, mặc dù học bổng tu nghiệp ngoại quốc khá nhiều mà một số nữ bác sĩ vẫn không dám nhận vì sợ đắm chìm mãi vào việc học, tuổi thanh xuân trôi qua lúc nào không hay!

Bao nhiêu chuyện hơn người đó lại thêm đây là nghề liên quan đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân, thường được tán tụng là nghề cứu nhân độ thế nên bác sĩ càng được kính nể. Một lời phán quyết của bác sĩ có thể định đoạt được số mệnh của bệnh nhân nên cứ vào phòng mạch, bệnh viện là thấy ngay thái độ hết sức khúm núm của bệnh nhân và thân nhân đối với bác sĩ.

Bác sĩ lại suốt ngày chỉ làm việc trong phòng máy lạnh mát mẻ nên trắng trẻo, tốt tướng. Trông bề ngoài hơn hẳn kỹ sư lăn lộn ở công trường!

Cho nên khi được hỏi "mai sau làm nghề gì", câu trả lời "làm bác sĩ" của con cái luôn khiến người lớn nức lòng. Trẻ nhỏ thích làm bác sĩ vì cảm nhận đó là một nghề mà... cha mẹ mơ ước, người già thích có con cháu làm bác sĩ để yên tâm đêm hôm trở bệnh đã có sẵn người chữa trị, săn sóc trong nhà, các cô thiếu nữ mơ lấy chồng bác sĩ chẳng khác nào gặp được hoàng tử, hạt mưa rơi vào đài các và dĩ nhiên các bậc cha mẹ vô cùng hãnh diện khi khoe với người xung quanh "con tôi làm bác sĩ". Thật nở mày nở mặt với thiên hạ khi được ở vào cái vị trí "vua cha" đó!

Thành thử, hình tượng người bác sĩ khi nào cũng chói ngời.

Tuy vậy, nghề bác sĩ cũng có một số mặt trái.

Kết quả cho bằng ấy thời gian học hành nặng nhọc, bác sĩ mới ra trường khó khăn khi tìm việc làm. Thông thường họ phải thực tập không lương một năm trước khi được nhận vào một bệnh viện.

Lương căn bản khoảng hai, ba triệu một tháng. Nếu chịu chạy tiền thì vào được một bệnh viện nào đó một thời gian rồi ra làm ngoài. Cho nên thời nay, nói tới nghề bác sĩ, đa số tưởng tượng đó là một nghề đứng bằng hai chân ở hai vị trí. Chân trong, chân ngoài và bao giờ chân ngoài cũng dài hơn chân trong.

Thật ra, bác sĩ cũng có nhiều đẳng cấp.

Đằng cấp 1 là bác sĩ giỏi chuyên môn, làm ở bệnh viện công lớn và mở phòng mạch ngoài giờ. Có những bác sĩ nổi tiếng mát tay như bác sĩ U. chuyên da liễu, bác sĩ C. chuyên Nhi... Nhà của bác sĩ C. rộng lớn, ngoài chỗ ở, ông ngăn gian cho người ta thuê mở văn phòng bất động sản, chỉ chừa một phòng nhỏ khám bệnh. Thế mà ngày nào cũng đông nghẹt bệnh nhân trong thành phố và dưới tỉnh lên xếp hàng trước gian phòng nhỏ xíu đó, tràn cả ra ngoài đường đông lúc nhúc người lớn dẫn con nít đi khám bệnh chen giữa các hàng bánh kẹo, bong bóng ăn theo.

Tại phòng mạch của các bác sĩ nổi tiếng, mỗi tối có đến hai, ba trăm bệnh nhân chầu chực. Bác sĩ còn ở bệnh viện chưa về, bệnh nhân đã tề tựu lấy số thứ tự kiên nhẫn ngồi đợi. Bệnh cũng không có gì nghiêm trọng nhưng rõ ràng ông này mát tay, ông khác chữa hoài không bớt.

Nhiều người than phiền bác sĩ "ăn" hai đầu, vừa tiền công khám bệnh vừa lời bán thuốc. Lẽ ra, bác sĩ khám bệnh rồi bệnh nhân cầm toa ra nhà thuốc mua thuốc nhưng từ lâu phòng mạch và nhà thuốc đã gộp chung thành một.

Tình trạng này bắt nguồn từ thời kỳ khó khăn. Lúc đó cửa tiệm không có nhiều thuốc bán và bệnh nhân không thể ra chợ đen tìm mua từng toa thuốc lẻ. Vì thế bác sĩ kiêm nhiệm cả y lẫn dược. Như vậy, bác sĩ có thể cung cấp cho bệnh nhân đúng thứ thuốc cần thiết, lời thêm phần thuốc vì công khám theo quy định quá thấp.

Thật ra, bác sĩ bán thuốc cũng có cái lợi cho bệnh nhân vì thuốc men tập trung một chỗ, bác sĩ biết mình có thuốc gì thì cho thuốc đó. Bằng không, bệnh nhân xách toa có khi đi mấy tiệm mới lùng được đúng thuốc. Đôi khi thấy hao tốn quá nên bệnh nhân mang bịch thuốc ra tiệm mua thêm. Nếu dược sĩ nhìn ra được mặt thuốc hiển nhiên giá rẻ hẳn nhưng thường thì khó nhận ra nếu đó là thuốc viên dốc từ lọ nguyên ra hoặc bác sĩ xé vỏ thuốc để không ai có thể nhận diện được đó là thuốc gì.

Hiện nay, một số phòng mạch trở về nguyên tắc cũ là chỉ kê toa, không cần bán thuốc nữa vì công khám đã được tăng cao bằng giá dịch vụ trong bệnh viện. Giá nhà nước quy định tám chục ngàn. Nếu một ngày khoảng năm mươi người khách thì tiền khám bệnh cũng bằng cả tháng lương.

Bác sĩ có vốn lớn hoặc nổi tiếng thì chung nhau lập bệnh viện tư để tha hồ hét giá. Tại một bệnh viện về mắt, công khám của bác sĩ giám đốc là năm trăm ngàn với lý do: "Tôi lấy giá cao để đuổi bớt khách!" Thế là câu nói này bỗng trở nên hiện tượng om xòm suốt thời gian gần đây.

Con người chỉ có hai con mắt nên bệnh nhân dù kêu ca vẫn sắp hàng chờ bác sĩ "nửa triệu" khám bệnh mỗi lần vài giây. Bởi vậy tài sản của bác này bao la. Biệt thự vài căn, đất chục miếng, con du học ngoại quốc...

Đẳng cấp 2 là bác sĩ có chân trong bệnh viện nhưng chưa có đủ điều kiện mở phòng mạch. Hết giờ hành chánh, họ khám ngoài giờ ngay tại bệnh viện hoặc chạy sô cho các bệnh viện, phòng khám tư. Nhất là những ngành về làm đẹp như thẩm mỹ, chỉnh nha... luôn luôn đắt khách. Bệnh nhân có tiền thích đi các cơ sở tư nhân để hưởng sự tiện nghi dù giá dịch vụ rất cao. Hai giờ chiều, điện thoại của bác sĩ hiện lên tin nhắn: "Chiều làm ngực cho VK". Bệnh viện tư nhận nâng ngực, cắt mí... cho khách hàng. Dạo này những loại giải phẫu như thế rất ăn khách. Giải phẫu thẩm mỹ được coi là những phẫu thuật nhỏ nhưng ăn tiền lớn. Vì thế gần đây các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ mọc ra vô số và tai biến ở những nơi này cũng xảy ra liên tục. Nhẹ thì biến chứng, nặng thì tử vong.

Mới ba giờ chiều, bác sĩ lo thu dọn đồ đoàn để sang chỗ làm thêm tới khoảng chín giờ tối mới về. Mổ ở bệnh viện tư ăn chia theo tỉ lệ 7-3. Nếu là bác sĩ nổi tiếng thì suốt ngày vắt chân lên cổ lo chạy sô hết nơi này sang nơi khác. Đó là không kể hoa hồng khi kê toa cho các hãng dược. Phần chia lợi này rất cao nên có thời gian, không chỉ dược sĩ mà cả bác sĩ cũng bỏ nhiệm sở ra làm trình dược viên cho các hãng thuốc. Bây giờ thì bác sĩ không cần làm trình dược viên chạy mỏi chân khắp nơi nữa. Họ chỉ cần ngồi tại chỗ kê toa thuốc cho các công ty và hưởng chiết khấu từ 10 đến 30%. Những loại thuốc đặc biệt sẽ được bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân mua đúng địa chỉ tiệm thuốc để dễ tính toán ăn hoa hồng. Chỉ với một chiêu này, mỗi tháng, bác sĩ có thể bỏ túi vài trăm triệu. Viên thuốc từ lúc nằm trong kho đến tay bệnh nhân qua mấy giai đoạn. Cuối cùng chỉ bệnh nhân là oằn lưng gánh chịu thôi.

Nhưng đâu phải ai cũng được mời làm bệnh viện tư như vậy nên đành chịu chết với đồng lương công chức. Bác sĩ lãnh lương theo ngạch trật, cộng thêm tiền trực, tiền mổ... mỗi tháng được bốn, năm triệu. Một ca mổ kéo dài cả tiếng đồng hồ được trả theo giá quy định vài chục ngàn đồng không biết đưa ra từ đời nào. Dù sao ở những bệnh viện lớn dù lương thấp còn có cơ hội tu nghiệp nâng cao tay nghề chứ các bác sĩ đa khoa cấp quận huyện, phường xã thuộc đẳng cấp 3 chỉ có vỏn vẹn lương tháng nên các bác cũng khám bệnh theo kiểu lương tháng.

Bác sĩ ngồi dựa lưng vào ghế xem báo, mặt mũi nhăn nhó, chán chường đầy vẻ chịu đựng trong khi tai nghe bệnh nhân kể lể. Ôi kể gì thì kể, bệnh gì thì bệnh, tủ thuốc bảo hiểm y tế chỉ có chừng đó thôi. Với lại tứ thời bát tiết toàn cảm, sổ mũi... chứ bệnh nặng hơn thì người ta đã đi bệnh viện chuyên khoa rồi.

Bệnh viện lớn nghe nói phải chạy tiền mới vào được. Còn cái phòng khám nhỏ bé này thì cái "ghế" khám mắt trống vắng cả năm chưa có bác nào về. Bác sĩ cũ đến tuổi về hưu, bệnh viện năn nỉ ở lại thêm mấy tháng nữa chờ người mới về. Nấn ná thêm tới hai năm nữa mà vẫn chẳng thấy ai về được nên bác sĩ bực mình nghỉ luôn. Thiếu bác sĩ chuyên khoa nên khi khám thế, các bác sĩ cứ mở sổ bệnh ra xem, bác sĩ lúc trước cho toa sao thì bây giờ cứ thế viết lại y nguyên.

Một bác sĩ bình thường, sau vài năm làm bệnh viện lấy kinh nghiệm, ra mở phòng mạch tư là tốt nhất. Làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Ở phòng mạch tư có bà vợ tin cẩn ngồi làm thư ký phát số thứ tự, phát thuốc và thu tiền. Nếu không nổi tiếng đến mức bệnh nhân kéo đến nườm nượp thì các bác sĩ đành chấp nhận với số lượng bệnh nhân lai rai, trừ đi tiền thuê nhà thì số kiếm được mỗi tháng cũng chỉ thêm vài triệu. Thành thử nhiều khi bác sĩ đành phải làm công việc của y tá là thay băng, truyền nước biển...

Ra làm ở bệnh viện hay phòng khám đa khoa tư lãnh một tháng mười mấy triệu. Một ca mổ vài triệu, khám bệnh vài tiếng được mấy trăm ngàn xứng đáng với công sức học hành. Cho nên mới có nạn chảy máu xám ra tư nhân, có nơi cả trăm bác sĩ nhảy ra ngoài, không giữ chân được người tài là vậy. Trong khi bác sĩ công vừa làm việc vừa nhấp nhổm chân trong chân ngoài thì đa số bác sĩ bệnh viện tư, vì đã được trả lương cao nên không cần phân tâm chạy tới chạy lui nữa, dành toàn tâm cho công việc ở một nơi thôi. Vì thế không những bác sĩ lâu năm, tay nghề cao mà cả bác sĩ mới ra trường cũng hào hứng đổ vào lãnh vực tư nhân, phòng khám quốc tế để mỗi tháng lãnh cả ngàn đô so với vài triệu ở bệnh viện công. Như vậy chỉ trong thời gian ngắn, bác sĩ đã có thể mua ô tô, sắm biệt thự...

Thật ra, với các bác sĩ kỳ cựu, nổi tiếng, có nhiều cách để kiếm tiền. Bác sĩ không những lãnh bảng lương chính thức ở một bệnh viện công mà còn có chân ở vài bệnh viện, phòng khám tư nhân, hội chẩn, mổ theo ca, khám theo giờ... cứ thế mà tính ra tiền. Ngoài ra, còn nói chuyện tại các hội thảo, báo cáo, hoa hồng thuốc... Tổng cộng vài trăm triệu một tháng dễ dàng.

Chạy sô quá bận rộn nhưng nhờ vậy, bác sĩ không phải trông cậy vào sự lót tay của bệnh nhân nữa. Chứ nếu không để được xếp lịch mổ, bệnh nhân lại lo chặn đường hay lẻn vào phòng bác sĩ đưa phong bì.

Nếu lương không quá thấp khiến đời sống khó khăn thì lời thề Hyppocrates cũng nhức nhối lắm.

Ai bảo bác sĩ là sướng, bác sĩ cũng khổ tâm lắm chứ!

Viết từ Saigon
Saigon cô nương