Home Tin Tức Bình Luận Hào khí yêu nước của tuổi trẻ: Phong trào THANH NIÊN TIỀN PHONG tại Nam Kỳ năm 1945.

Hào khí yêu nước của tuổi trẻ: Phong trào THANH NIÊN TIỀN PHONG tại Nam Kỳ năm 1945. PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Quế Lâm   
Thứ Hai, 27 Tháng 6 Năm 2011 04:30

Người đời có câu “Tuổi trẻ hướng về tương lai, người già nhìn về quá khứ”.

Đó là tâm lý chung vì tuổi trẻ là rường cột nước nhà, họ luôn tìm hướng tiến lên vì đất nước ngày mai. Còn người già không còn hào khí như tuổi trẻ, vã lại họ đã góp ít nhiều công sức cho quốc gia và hãnh diện về những việc làm ngày trước. Cá nhân tôi vào tuổi thanh niên, đầu thập niên 1960 tôi thường nghe các vị lớn tuổi hàng chú bác nhắc đến Thanh Niên Tiền Phong, nào là “hồi TNTP…” hoặc “thời TNTP…” một cách hào hứng, sôi nổi. Lúc đó (1945) người ta thường nghe nói hội này hội nọ, đoàn thể này đoàn thể kia như Hội Truyền bá Quốc ngữ, Hội Khuyến học Nam kỳ, Hội Hướng đạo hoặc Thanh niên Ái quốc Đoàn, Thanh niên bảo an Đoàn v.v…Qua đó có thể hiểu được tôn chỉ của họ. Còn Thanh Niên Tiền Phong không kèm theo chữ hội hay đoàn gì cả, nghe hơi lạ tai, mà khắp Nam Kỳ Lục tỉnh, khắp Nam Bộ từ Sàigòn đến các tỉnh, quận, xã xa xôi, nơi đâu người ta cũng nói đến TNTP. Đó là những chàng trai trẻ với đồng phục áo sơ-mi trắng, quần soọc xanh. Vũ khí của họ là tầm vong vạc nhọn, nhưng ai nấy đều lộ vẻ hăng hái cương quyết. Họ đồng ca bài Tiếng gọi sinh viên của Lưu Hữu Phước với lời mở đầu: “Này sinh viên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi”. Bài hát nói lên lòng khao khát ấp ủ từ lâu của tuổi trẻ lúc bấy giờ. Chỉ vài tháng, giới trẻ Nam Kỳ đã lôi cuốn đông đảo đồng bào thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội tham gia, trở thành một phong trào có thực lực, có sinh khí mang tên TNTP trước khi xảy ra cuộc Cách mạng tháng Tám 1945.
 
Có thể nói TNTP là một phong trào “tự phát” trong giới Thanh niên yêu nước khi họ ý thức được sứ mạng của mình, phải đi trước trong cuộc đấu tranh giành độc lập khi lịch sử bước vào một khúc quanh quan trọng: Thế chiến thứ II sắp chấm dứt, quân đội Anh sẽ vào Nam vĩ tuyến 16 giải giới Nhựt. Sau khi Nhựt đầu hàng, TNTP là lực lượng đông đảo nhất trong số các đoàn thể đảng phái quốc gia (Mặt trận Quốc gia Thống Nhất) tham gia cuộc biểu tình ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim, bảo vệ nền độc lập tự do ngày 21/8/1945 với trên 20 vạn người tham dự. Mấy hôm sau Mặt trận Việt Minh do CS lãnh đạo lôi kéo TNTP đứng về phía họ, tham dự cuộc biểu tình ngày 25/8/1945. Trong cuộc biểu tình này, biểu ngữ Chánh quyền về tay Việt Minh” tràn ngập thành phố. Mặt trận VM cho ra mắt Ủy ban Hành Chánh Lâm thời Nam Bộ do Trần Văn Giàu Bí thư Xứ ủy (CS) Nam Kỳ làm chủ tịch. VM mà lực lượng chính là TNTP đã giành được chánh quyền không đổ một giọt máu trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945.

Với tầm vong vạt nhọn, TNTP đã cùng các đoàn thể yêu nước giành được thắng lợi cho dân tộc một cách mau chóng khiến người ta nhớ đến huyền thoại Thánh Gióng -cậu bé làng Phù Đổng với thanh tre trong tay vương vai lên thành một thanh niên hùng dũng phá tan giặc Ân thời Hùng Vương thứ 6. Sau đó cậu bé biến mất, được dân tôn thờ là Phù Đổng Thiên Vương. Còn TNTP sau Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng đi vào quên lãng, không được sách sử nhắc đến. Vì thế sau này các vị lớn tuổi thường nói “thời TNTP” hoặc “hồi TNTP” với hàm ý đó là thời kỳ lịch sử đáng tự hào của giới trẻ yêu nước trước ngưỡng cửa Độc lập Tự do hồi năm 1945.
 
Tài liệu chính thức của Đảng CSVN không có một dòng chữ nào nói về vai trò của TNTP. Họ viết “Cách mạng tháng Tám Việt Nam là mẫu mực của cách mạng giải phóng dân tộc do giai cấp công nhân lãnh đạo đã thắng lợi ở một nước thuộc địa và nửa phong kiến bằng một cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang của quần chúng, bằng sự kết hợp tài tình những cuộc chiến đấu quân sự với những hình thức đấu tranh chính trị của quân chúng để giành chính quyền Nhà nước, thiết lập chính quyền nhân dân” (1)

 Một số cán bộ CS nổi tiếng cũng đã cố gắng viết hồi ký nhằm giúp soi sáng lịch sử về Cách mạng tháng Tám 1945 tại Nam Bộ như Trần Bạch Đằng (1923-2005) hoặc Trần Văn Giàu (1911-2010)…đều không được phép xuất bản. Ông Lê Tùng Minh, một người biết khá rõ về cuộc đời hoạt động của ông Đằng đã có bài viết tựa đề “Trần Bạch Đằng: người cộng sản đa tài, nhưng bất đắc chí cho đến khi nhắm mắt lìa đời” được phổ biến rộng rãi sau khi ông TBĐ qua đời hồi giữa tháng Tư năm 2007. Ông LTM viết “Trong khi nhắm mắt lìa đời, chắc chắn ông Trần Bạch Đằng còn mang theo nhiều niềm ân nỗi oán, suốt trong cuộc đời đi theo Cộng Sản. Chẳng cần nói đến cao vọng làm Lãnh Tụ Cộng Sản Cấp Tiến của Trần Bạch Đằng. Chỉ cần nói đến ý muốn xuất bản một cuốn sách do ông nghiền ngẫm từ trong kháng chiến, mà cũng không đạt. Đó là cuốn “Vai trò của Thanh Niên Tiền Phong trong cuộc Cách Mạng Tháng Tám 1945”. Chính Trần Bạch Đằng là một nhân chứng lịch sử, đồng thời là một cán bộ lãnh đạo Thanh Niên Tiền Phong trong những ngày “làm nên lịch sử” đó! Ông đã viết xong tác phẩm lịch sử này từ năm 1980, Nhưng khi đưa cho Ban Tuyên Huấn duyệt để xuất bản. Nhưng đã bị Tố Hữu cho vào kho “Lưu Trữ Bản Thảo có Vấn đề về Chính Trị”; bởi vì theo quan điểm lịch sử của Đảng CSVN, Thanh Niên Tiền Phong là đoàn thể do đế quốc Nhật dựng lên.  Ân hận thay! Biết rõ ràng là đồng chí ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng Ban Tuyên Huấn – ông Tố Hữu đã bóp méo lịch sử mà Trần Bạch Đằng vẫn phải im hơi lặng tiếng, để cho đứa “con tinh thần” bị chết oan uổng”.  
 
Nhân vật thứ hai là Trần Văn Giàu được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, Huân chương HCM, giải thưởng HCM. Năm 2006, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản quyển Trần Văn Giàu Tổng Tập đồ sộ, dày gần 2000 trang giấy khổ lớn 19/26 cm,  gồm hai phần. Phần thứ nhất: Chống Xâm Lăng gồm ba quyển trình bày về cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất từ giữa đến cuối thế kỷ XIX. Phần thứ hai: Miền Nam Giữ Vững Thành Đồng gồm 4 quyển trong giai đoạn 1954-1975. Nxb Quân đội Nhân dân đề cao “Trong làng Sử học Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Giàu, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, là một cây đại thụ”. Và TVG Tổng Tập là “công trình lịch sử đồ sộ, tái hiện lịch sử chống xâm lăng của dân tộc từ đầu thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX được Giáo sư Trần Văn Giàu nghiên cứu, biên soạn đã trở thành tài sản vô giá trong kho tàng tri thức Việt Nam”.

 Nhưng trong quyển Tổng Tập đồ sộ của ông TVG, người ta không tìm thấy giai đoạn lịch sử 1940-1945. Lúc đó tác giả là Bí thư Xứ ủy (CS) Nam Kỳ, đã giành được chánh quyền tại Sàigòn và là Chủ tịch Ủy ban Hành Chánh Lâm thời Nam Bộ hồi cuối tháng Tám 1945. Sau khi ông qua đời (16/12/2010), những người thân cận mới tiết lộ ông Giàu có viết quyển “Hồi Ký 1940-1945” từ cuối những năm 1970 mà trong Lời nói đầu viết năm 1995 ông cho “đó là thời gian tôi sống có chất lượng hơn hết trong cuộc đời dài quá 80 năm, xấp xỉ 90 năm”. Ban Biên tập Viet- Studies quyết định cho phổ biến “Hồi ký 1940-1945 Trần Văn Giàu” trên mạng với Đôi lời giới thiệu của ông Nguyễn Ngọc Giao ngày 19/12/2010: “Ở nước ta, từ 20, 30 năm nay, có hai cuốn hồi ký mà người ta tin rằng tác giả đã viết xong, nhưng chưa biết bao giờ mới được công bố. Người dân thường và các nhà sử học thì mong mỏi sớm được đọc toàn văn hai chứng từ lịch sử. Nhà cầm quyền, hay đúng hơn, công cụ chuyên chính của chính quyền, ra sức theo dõi việc biên soạn, lùng tìm những người đánh máy, tàng trữ, với hi vọng thu hồi được bản thảo, để hoặc thủ tiêu, cấm đoán xuất bản, hoặc cắt xén, thay đổi nội dung trước khi cho xuất bản…” Hai hồi ký trên của hai người “đã từng dạy sử. Một người dạy sử trước khi làm nên lịch sử, một người ngược lại. Hai nhân vật ấy, không nói, nhiều người cũng đoán ra: Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Giàu”.
 
Về phần những trí thức Quốc gia, từng là TNTP hoặc thủ lãnh TNTP cũng ít khi lên tiếng về giai đoạn lịch sử này. Điều này có thể giải thích là vì TNTP đã tham gia Mặt trận Quốc gia Thống nhất ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim, bảo vệ nền độc lập quốc gia (được Nhựt trao trả sau cuộc đảo chánh Pháp ngày 9/3/1945). Nhưng sau đó, TNTP gia nhập Mặt trận VM phủ nhận chính quyền TTK, lợi dụng thời cơ Nhựt đầu hàng để giành chính quyền. Khi thực dân Pháp trở lại, VM phát động cuộc kháng chiến chống Pháp, TNTP cũng là lực lượng vận động quần chúng tham gia cuộc kháng chiến này. Qua cuộc kháng chiến chống Pháp, một số TNTP đã thấy được dã tâm của những người CS, một mặt tiêu diệt những người quốc gia yêu nước không có xu hướng CS. Mặt khác cuộc kháng chiến của ông HCM là nhằm thi hành chủ trương của Quốc tế CS, của Stalin là phát động chiến tranh chống thực dân đế quốc qua phong trào giải phóng các nước thuộc địa sau Thế chiến II.
 
Con đường của ông HCM là chấp nhận chiến tranh để đưa dân tộc lệ thuộc vào QTCS. Do đó một số trí thức yêu nước từng lãnh đạo TNTP và tham gia Mặt trận VM kháng chiến chống Pháp như các ông Trần Văn Hương nguyên Chủ tịch Mặt trận Hành chánh Kháng chiến tỉnh Tây Ninh, ông Trần Văn Văn, ủy viên Kinh tài Ủy ban kháng chiến Nam bộ, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, Khu phó Khu 9 Kháng chiến Nam bộ (con Đức Giáo tông Cao Đài Bến Tre Nguyễn Ngọc Tương)… đã rời bỏ kháng chiến trở về thành nhưng vẫn không hợp tác với chánh quyền Quốc gia. Họ cho rằng những người trong chánh quyền này không chống Pháp mà còn hợp tác với Pháp, ủng hộ Cựu hoàng Bảo Đại, thương lượng hòa bình với Pháp để giành độc lập và thống nhất đất nước.

 Đến thời Đệ nhất Cộng Hòa, TT Ngô Đình Diệm không phân biệt giữa người CS và người Quốc gia đã tham gia VM vì sự “mập mờ” của ông HCM. Mặt trận VM là tổ chức do CS lập ra, nhưng họ khôn khéo chủ trương kết hợp mọi tầng lớp nhân dân mọi đảng phái quốc gia để chống Pháp. Do đó những người yêu nước chân chính, ngây thơ đều lọt vào bẩy CS. Và nay TT Diệm coi họ là CS. Vì thế, một số đông trí thức tham gia mặt trận VM luôn tự hào về những việc do lòng yêu nước thúc đẩy, không có cơ hội để trình bày giai đoạn lịch sử quan trọng này. Họ cũng không tham gia vào việc xây dựng miền Nam độ tự do để đấu tranh chính trị với những người CS khi có các cuộc tổng tuyển cử dân chủ tự do để thống nhất đất nước. Điều tệ hại hơn nữa là một số trí thức yêu nước lại bị CS dụ dỗ qua chiêu bài Giải phóng Miền Nam, tạo ra cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai tức chiến tranh VN 1960-1975.
 
Mãi đến những năm 2000, Bác sĩ Trần Nguơn Phiêu, cựu Bộ trưởng Xã Hội thời Đệ II VNCH, xuất bản quyển Phan Văn Hùm: Thân thế & Sự nghiệp (năm 2003) có đề cập đến thời TNTP. Tác giả được biết nhà cách mạng Phan Văn Hùm nhờ học cùng trường Pétrus Ký với Phan Phục Hổ là trưởng nam ông Hùm. Và nhờ đó, tác giả được biết thêm các nhà cách mạng tên tuổi như Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Huỳnh Văn Phương…Ông Phiêu cho biết vào tháng 9/1945 “giống như phần đông các thanh niên thời bấy giờ, tôi đã náo nức tham dự Phong trào Thanh niên Tiền Phong. Tuổi trẻ vốn thích súng đạn nên về sau tôi gia nhập Dân Quốc Quân của tướng Nguyễn Hòa Hiệp và di tản ra khỏi thành phố. Từ đấy tôi mất liên lạc với Hổ…Trong kháng chiến, tình cờ tôi được biết vài chi tiết liên hệ đến việc ông Phan Văn Hùm bị các lãnh tụ Cộng sản Đệ tam mưu sát. Tôi hi vọng được gặp lại Phan Phục Hổ để báo tin này nhưng tiếc thay anh đã chết trong thời gian tham gia kháng chiến”.
 
Năm 2005, Bs Trần Nguơn Phiêu xuất bản bút ký Những Ngày Qua, ghi lại nhiều chứng tích lịch sử từ 1945 như Nhìn lại cuộc Cách mạng tháng Tám, Việt Minh và các lãnh tụ Quốc gia. Và những giai đoạn tiếp theo nói về Mặt trận Giải Phóng Miền Nam, về Nổi lòng Huỳnh Tấn Phát v.v. Ước mong của tác giả là “mong sao trong tương lai sẽ có nhiều biên khảo lịch sử khoa học và vô tư, khác với lịch sử được viết hiện nay của những ‘đỉnh cao trí tuệ’, những người đắc thắng kiêu hãnh, đang vo tròn bóp méo các sự việc theo ý muốn của họ”. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích nhận xét “Đây là quyển sách viết sống động và chắc nịch vì có những tài liệu làm chứng cớ thật vững vàng…Tác giả đã trả lại được sự thật, và do đó là sự công bằng, cho lịch sử nước nhà”. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, cựu Thứ trưởng Bộ Giáo Dục VNCH nhận định “Công của ông rất lớn đối với lịch sử và đối với các thế hệ sau này. Ông đã đem lại công bằng cho các nhà trí thức cách mạng miền Nam, trả lại đúng giá trị của lịch sử với những soi sáng vào các bí ẩn u tối mà kẻ bạo tàn đã cố tình che dấu”.         
 
Cùng chung ý nghĩ đó, từ 1985 sau khi định cư ở Sydney tôi bắt đầu viết về chiến tranh VN. Cuối năm 1993 quyển Việt Nam Thắng và Bại được xuất bản, tổi gởi tặng người bạn thân là Hứa Hoành, anh rất say mê khảo cứu lịch sử Nam bộ. Và nhận được thư hồi âm của anh đề ngày 6/5/1994 từ San Antonio, TX 78218: “Tôi vừa nhận được quyển sách giá trị của anh “Việt Nam Thắng và Bại”, vội đọc qua phần đầu và chương “từ Cách mạng tháng 8…”. Tôi thức suốt đêm để đọc những chương mà tôi chọn lọc ra. Quả thật cuốn sách của anh về hình thức trình bày công phu như sách ngoại quốc, nội dung súc tích, lý luận xác đáng, chứng tỏ khả năng thấu suốt vấn đề và bản lĩnh của một người có kinh nghiệm lẫn tâm huyết và cũng tận tụy hy sinh cho hoài bão. Tôi thành thật khâm phục anh. Quyển sách quả đồ sộ từ nội dung đến hình thức, đúng là tài liệu mà giới trí thức mong đợi. Quan niệm viết về lịch sử của anh cũng rất mới “viết hay nói lại những sự kiện y như chúng đã xảy ra, dù tốt hay xấu”. Đó là quan niệm của sử gia Hoa-kỳ mà tôi đã học được từ thời còn học lịch sử ở Đại học. Có một số người chưa quen phương pháp đó, có thể không đồng ý với chúng ta nhiều chỗ, nhưng điều đó không quan trọng. Nói về cuộc Cách mạng tháng 8 hay VM cướp chính quyền trong tay người quốc gia Nam bộ ra sao, tôi có viết thành 3 bài dài tổng cộng chừng 60 trang đánh máy, gồm hầu hết những tài liệu mới mẽ (phỏng vấn, trao đổi tin tức…những tài liệu từ trước đến nay chưa ai biết). Tôi viết làm 3 kỳ: Cách mạng tháng 8 hay VM cướp chính quyền ở Nam kỳ về chính trị. Cách mạng tháng 8, hay VM cướp chính quyềnở Nam kỳ về quân sự. Mặt trái của cuộc kháng chiến miền tây Nam bộ.

Tôi sẽ lục lại bản sao để gởi cho anh, đồng thời để biết thêm nhiều thủ đoạn của VM/CS mà không bao giờ chúng dám viết ra trên sách báo của chúng. Tôi nghĩ đây cũng là một khía cạnh mới, vạch trần âm mưu và tội ác của CS với quốc dân. Tôi được các cụ Trần Văn Ân, An khê Nguyễn bính Thinh, cựu chánh án Đặng hữu Thu bên Pháp cho nhiều tài liệu, kể những việc nghe thấy, cùng nhà văn bạn thân Xuân Vũ, Dương đình Lôi “ở trong ruột của hàng ngũ kháng chiến miền Nam” kể lại tỉ mỉ…Trong những bài ấy tôi kể lại tiểu sử từng người có liên quan tới biến cố như các ông Dương văn Giáo, Hồ văn Ngà, Nguyễn văn Sâm, Trần văn Giàu, Nguyễn văn Trấn, Dương bạch Mai, Mười Trí, Nguyễn Bình, Nguyễn thanh Sơn tức Nguyễn văn Tây cùng nhiều đầu xỏ tay to mặt lớn CS lúc còn lén lút ẩn núp ở miền Nam. Các tài liệu ấy được những người lớn tuổi hoan nghinh lắm…
 
Tôi trích bức thư trên để tưởng nhớ người bạn đã quá cố hiền lành, đôn hậu. Anh Hứa Hoành (1940-2003) rời bỏ quê hương Vĩnh Long cùng thời điểm với tôi, trở thành người tị nạn đầy trách nhiệm với gia đình và đất nước. Anh tâm sự về hoàn cảnh gia đình “Tôi thất nghiệp 5 tháng nhưng nay đã đi làm lại hơn 3 tháng. Công việc rất mệt, lại làm về đêm gần 9 năm qua, nhưng cũng phải ráng. Tôi đã lớn tuổi (55) mà còn cực khổ vì thương gia đình và các con. Con gái út (24) sắp ra bác sĩ Nha khoa tháng 5/95, còn con gái thứ đang học M.A. cũng sẽ trở thành nhà giáo, chỉ còn đứa con trai 28 tuổi sẽ buôn bán trong vài ba năm tới. Tôi đã viết xong 9 cuốn sách, hiện đã in 3 cuốn và hiện còn hai cuốn đang đánh máy. Tôi cũng đang soạn “Từ điển các nhơn vật lịch sử, văn hóa miền Nam” có lẽ phải mất vài năm vì đi làm mỗi tuần 7 ngày, lâu lâu mới có 1 tuần 6 ngày, nên mệt mỏi quá. Cũng như anh, tôi rất cô đơn, chỉ chơi với anh Xuân Vũ mà thôi… Cuối thư anh viết “Mọi người, anh, tôi rồi cũng già và chết. Chỉ có những công trình văn hóa còn tồn tại với thời gian. Không phải mình hãnh diện, nhưng mình làm được việc phải làm để cho thế hệ sau hiểu lịch sử”.
 
Đọc lại bức thư cũ của anh Hứa Hoành, tôi liên tưởng những lời phát biểu trước đây 6 tháng của Giáo sư Vũ Quốc Thúc khi cho ra mắt quyển Hồi ký Thời Đại Của Tôi: “Trong trường hợp bản thân tôi, tôi muốn giải bày cùng cháu chắt nỗi cay đắng và sự khổ tâm khi phải bỏ nước ra đi vào cái tuổi 58, phải hy sinh tất cả những gì mình đã xây dựng được với bao nhiêu năm cố gắng, đau đớn nhất là phải vĩnh biệt song thân đã gần cửu tuần. Nhưng tôi tự an ủi là bằng hành động này tôi đã bảo vệ được tương lai của các con cháu. Tôi tin đó là nổi lòng của mấy chục vạn bố mẹ khác đã phải ra đi vì hoàn cảnh đất nước. Không phải những người đó chỉ muốn cầu an, muốn tìm tự do, muốn làm giàu…cho bản thân mình ở nơi đất khách mà chỉ vì muốn cho con cái có một cuộc sống đáng sống: bảo vệ triển vọng của giới trẻ, chính là bảo vệ tương lai của dân tộc…Tôi luôn luôn coi vận mạng cùng quyền lợi dân tộc tối thượng của dân tộc Việt là “sợi chỉ đỏ” giúp tôi tìm thấy chiều hướng tiến hóa trong rừng rậm lịch sử đầy rẩy những biến cố đã xảy ra trên đất VN. Trong công cuộc tìm hiểu này tôi đã nhận thấy là sự thật lịch sử nhiều khi bị -vô tình hay cố ý- cắt xén, tô điểm, thậm chí uốn nắn, bịa đặt chỉ vì kẻ tường thuật thiếu khách quan”.
 
TNTP ra đời trong bối cảnh nào?
Dân tộc ta từ ngàn xưa đã có truyền thống bất khuất. Để bảo vệ nền độc lập tự chủ, họ đã nhiều lần bẻ gãy mưu đồ thôn tính hoặc vùng lên lật đổ ách thống trị của kẻ thù xâm lược từ phương Bắc. Tính đến cuối thế kỷ 18, chúng đã thực hiện trên 15 cuộc xâm chiếm trong gần 2000 năm liên tục.  Đến giữa thế kỷ 19 khi thực dân Pháp vừa đặt chân lên ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, phong trào kháng Pháp đã vùng dậy khắp miền Nam: Trương Công Định, Thủ khoa Huân, Nguyễn Trung Trực…Quyết tâm  chống Pháp của người dân NK thể hiện qua lời trăn trối của Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản với thuộc cấp trước khi cụ uống thuốc độc tự sát: “Những lá cờ tam sắc không thể phất phới bay trên thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống” (2)

Nhưng tất cả các cuộc khởi nghĩa chống Tây xâm đều bị thất bại trước đội quân xâm lược nhà nghề được trang bị vũ khí hiện đại của một cường quốc có tiềm lực kinh tế mạnh. Trước thất bại của các phong trào Cần Vương và Văn Thân, giới sĩ phu ý thức rằng muốn chiến thắng kẻ thù cần phải hướng ra nước ngoài, tìm một đường lối đấu tranh khác để giải phóng dân tộc.
 
Trong số sĩ phu đó có cụ Phó bảng Phan Chu Trinh (1872-1926). Sau vụ kháng thuế tại miền Trung năm 1908, cụ và một số những nhà cách mạng yêu nước bị Pháp bắt đày ra Côn đảo. Năm 1911 nhờ Hội Nhân quyền Pháp can thiệp, cụ được phóng thích. Sau đó cụ lên đường sang Paris, tranh đấu hợp pháp bằng con đường bất bạo động, vận động chính trị với giới lãnh đạo Pháp ngay tại thủ đô của họ. Từ khởi điểm này cuộc vận động cứu nước lãnh đạo bởi giới sĩ phu chuyển sang giới trí thức Tây học, dùng báo chí làm công cụ đấu tranh. Tại Pháp, cụ Phan qui tụ các thanh niên Tây học yêu nước, trong đó có Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, và Nguyễn Tất Thành. Đó là nhóm Ngũ Long, họ viết báo và diễn thuyết để khơi động lòng yêu nước của kiều bào ở Pháp. Tuần báo Việt Nam Hồn là cơ quan ngôn luận của nhóm cụ Phan, tranh đấu đòi Pháp thực hiện dân chủ dân quyền ở VN. Đề ra khẩu hiệu “Pháp Việt đề huề”, cụ Phan Chu Trinh chủ trương cộng tác với Pháp để vận động họ nới rộng các quyền tự do dân chủ cho nhân dân VN trong giai đoạn mà những nguyên tắc của TT Hoa Kỳ Woodraw Wilson về việc giải trừ chế độ thuộc địa và quyền tự quyết của các dân tộc được thế giới ủng hộ mạnh mẽ. Năm 1919, TT Wilson đến Paris cùng các nước đồng minh tham dự hội nghị Versaille để thành lập Hội Quốc Liên, nhân dịp này Nguyễn Tất Thành nhân danh những người VN yêu nước ký tên Nguyễn Ái Quốc gởi bản yêu sách 8 điểm do nhóm Ngũ Long soạn thảo. Nội dung thỉnh nguyện Hội Quốc Liên can thiệp buộc Pháp sửa đổi chính sách thuộc địa ở VN. Từ đó tên tuổi NÁQ nổi bật nhất trong số kiều bào VN ở Pháp..
 
Năm 1922, sau khi đậu Cử nhân Luật, Nguyễn An Ninh về Sàigòn, tiếp theo là Luật sư Phan Văn Trường và Kỹ sư Hóa học Nguyễn Thế Truyền, sau đó ông Truyền về Hà Nội. Riêng Nguyễn Ái Quốc được Đảng CS Pháp cử đi Mạc Tư Khoa huấn luyện để trở thành người Cộng sản (quốc tế) chuyên nghiệp. Ông Nguyễn An Ninh xuất hiện đầu tiên tại hội trường Hội Khuyến học, Đức trí & Thể dục Nam kỳ (SAMIPIC) ngày 15/10/1923 với bài diễn thuyết “Cao Vọng Thanh Niên” kêu gọi thanh niên, trí thức ý thức thân phận mất nước và nô lệ của mình, phải dấn thân cứu nước. Ông xuất bản tờ La Cloche Fêlée để tuyên truyền tư tưởng tự do dân chủ của Pháp. Tiếng Chuông Rè mở đầu cho phong trào chống đối công khai và hợp pháp ở Nam Kỳ. Sau đó ông lấy cớ trở lại Pháp để lấy bằng tiến sĩ, thực sự để vấn kế cụ Phan Châu Trinh. Đến tháng 5/1925 cả hai trở về Sàigòn. Lúc bấy giờ cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt ở Thượng Hải. Trong quyển “Từ thực dân đến Cộng sản”, tác giả Hoàng Văn Chí tiết lộ ông HCM đã lập mưu lừa cụ Phan Bội Châu vào tô giới Pháp ở Thượng Hải để bán cho Pháp lấy 10 vạn đồng. Sau vụ này, một đệ tử của ông HCM cho biết được ông thầy giải thích như sau: “Cụ Phan đã già lẫn, không còn ích lợi cho cách mạng, việc Pháp bắt cụ và xử án tất nhiên sẽ gây phong trào phản đối trong quốc nội và rất có lợi cho tinh thần cách mạng, sau hết tiền nhận được của Pháp sẽ dùng để đưa thêm thanh niên trong nước xuất ngoại”.
 
Từ 1925 trong trào đấu tranh chống Pháp bộc phát mạnh trong các tầng lớp thanh niên Tây học sau khi cụ PBC bị Pháp bắt và kết án tử hình. Sinh viên học sinh hô hào bãi khóa đòi Pháp trả tự do cho cụ. Năm sau cụ Phan Châu Trinh từ trần ở Sàigòn, tinh thần ái quốc lại trổi dậy trong các tầng lớp thanh niên trí thức, họ tổ chức để tang cụ thật trọng thể. Trước cao trào đấu tranh của thanh niên, Pháp liền đàn áp. Rất nhiều sinh viên, học sinh bị đuổi học, thành phần lãnh đạo bị truy nã gắt gao, phải trốn sang Trung Quốc, trong đó có Phạm Văn Đồng, con một đại thần dưới trào vua Duy Tân. Lúc đó, ông HCM đổi tên là Lý Thụy làm thông ngôn và thư ký cho Borodine, Trưởng phái bộ CS Nga tại Quảng Châu -thủ phủ chính trị và hành chánh của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Nơi đây, ông HCM thành lập tổ chức CS bí mật đầu tiên dưới danh xưng Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và truyền bá học thuyết Mác-Lê cho những thanh niên VN ở Trung Hoa, một số đang theo học tại Học Viện Quân Chính Hoàng Phố. Lớp học trò đầu tiên của ông đa số là những thanh niên tân học giàu lòng nhiệt huyết. Họ thuộc các gia đình khoa bảng, quan lại hoặc điền chủ đã hưởng ứng phong trào Đông Du của cụ PBC, nay bị mất chỗ dựa sau khi cụ bị Pháp bắt và quản thúc ở Huế.
 
Trong bối cảnh đó, năm 1927 Việt Nam Quốc Đảng ra đời với Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và thành phần sinh viên học sinh có tinh thần dũng cảm hy sinh. Tâm nguyện của giới trẻ này là “không thành công thì thành nhân” khiến họ liều lĩnh thực hiện bạo động vũ trang để lật đổ ách thống trị của bọn thực dân Pháp. Cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái năm 1930 thất bại, Nguyễn Thái Học và  12 đồng chí lãnh đạo VN/QDĐ bị Pháp tuyên án tử hình. Sinh viên VN tại Pháp tổ chức rầm rộ phong trào yêu cầu Pháp giảm án tử hình cho 13 liệt sĩ Yên Bái. Tạ Thu Thâu và các bạn như Hồ Văn Ngà, Lê Bá Cang, Hình Thái Thông…mời họ đến họp ở Tổng hội Sinh viên Đông Dương, trổ tài hùng biện rồi lôi kéo họ đến nơi biểu tình. Cuộc biểu tình bị chính quyền Pháp giải tán, 19 sinh viên VN bị trục xuất về Sàigòn tại cảng Marseille ngày 24/6/1930 trên chiếc tàu Athos II, trong đó có Tạ Thu Thâu, Trần Văn Giàu, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Hồ Văn Ngà, Lê Bá Cang, Nguyễn Văn Tạo…Trong số này có một số tham gia Quốc tế CS thuộc hai hệ phái Đệ Tam (Giàu, Tạo…) hoặc Đệ Tứ (Thâu, Chánh, Ngà…)
 
Giáo sư Raymond Arond, nhà nghiên cứu chính trị nổi tiếng của Pháp đã nhận định: “Trong giai đoạn bắt đầu phát triển, học thuyết Mác Lê được đưa ra như liều thuốc phiên của người trí thức”. Nghiên cứu học thuyết Mác Lê được coi như là thời trang của giới trí thức Pháp bấy giờ. Nó lôi kéo cả những sinh viên nước ngoài đến Pháp học như Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Tito, Trần Văn Giàu, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo…Riêng thanh niên VN du học ở Pháp vào thời điểm này đa số đều say mê chìm đắm trong chủ thuyết mê hoặc này. Khi Mặt trận cánh tả lên cầm quyền ở Pháp hồi giữa thập niên 1930, họ liền về nước hoạt động, phần lớn về Nam Kỳ vì là đất thuộc địa nên họ dễ tuyên truyền và sách động. Họ tin tưởng học thuyết Mác-Lê có thể giúp họ tìm được con đường giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân Pháp. Tuy nhiên có một số sớm ý thức việc Quốc tế III ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc chỉ là chiêu bài để Liên Xô thực hiện một hình thức đế quốc khác mà thôi. Tiêu biểu của nhóm này là Tạ Thu Thâu, ông đi theo Quốc tế IV của Trotsky -một lý thuyết gia Marxít kỳ cựu cùng thời với Lenin. Trotsky chống lại đường lối độc tài khát máu của Stalin và bị Stalin trục xuất khỏi Đảng CSLX. Trotsky tự nhận là người thông hiểu học thuyết Marx vì Marx cho rằng cuộc Cách mạng xã hội chỉ thực hiện ở các nước tư bản mới tiến đến chế độ CS được, chớ không phải tại các nước nông nghiệp lạc hậu.
 
Hai nhóm CS Đệ tam (Stalin) và Đệ tứ (Trotsky) tuy chống đối nhau, song họ hợp tác trong cuộc đấu tranh chống Pháp. Báo La Lutte (Ấn bản Việt là Tranh Đấu) từ 1933 đến tháng 5/1937 là tờ báo chung của phái tả, do Nguyễn An Ninh khởi xướng, tập hợp cả Đệ tam (Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn) lẫn Đệ tứ (Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Huỳnh Văn Phương, Trần Văn Thạch, Hồ Hữu Tường). Năm 1937, Nguyễn Văn Tạo và Trần Văn Thạch cùng đứng chung liên danh (lúc bấy giờ gọi là sổ) Lao Động và đắc cử vào Hội đồng Thành phố Sàigòn. Vài tháng sau nhà cầm quyền Pháp ra lịnh hủy bỏ chức vụ hội đồng và bắt ông Thạch bỏ tù vì mấy bài báo công kích bọn thực dân Pháp. Tháng 6/1937, Nguyễn Văn Tạo và những người theo xu hướng Stalin Đệ tam, chấp hành chỉ thị của Mạc Tư Khoa, chấm dứt hợp tác với Đệ tứ, rút lui khỏi báo La Lutte. Báo này trở thành cơ quan ngôn luận riêng của nhóm Đệ tứ. Còn phái Đệ tam phát hành báo Le Peuple (Dân chúng). Chỉ vì phục tùng MTK mà những người CS từng hợp tác vì mục tiêu chống thực dân Pháp, sau đó thù nghịch và chém giết nhau không chút nương tay. Còn những người không CS, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, sẽ bị CS đối xử như thế nào? 
 
Trong Hồi Ký 1940-1945, Trần Văn Giàu nhìn nhận “Nhược điểm chính của những người tờ-rốt-kýt là coi nhẹ yếu tố dân tộc. Đây cũng là nhược điểm của phái “đệ tam” nhất là trong thời kì đi theo chủ trương “giai cấp đối đầu với giai cấp” của Stalin. Phải từng bước, Đảng CSVN mới thoát ra khỏi quan niệm tả khuynh giáo điều này. Nhưng đối với những người đã được đào tạo trong tinh thần ấy, tiếp thu quan niệm Mặt trận đoàn kết dân tộc như Việt Minh của Nguyễn Ái Quốc không phải dễ dàng. Sự mâu thuẫn giữa hai nhóm “xứ ủy Tiền Phong” và xứ ủy Giải phóng” còn phức tạp hơn. Ngoài yếu tố cá nhân, còn có một nghịch lý: tuy chưa biết và chưa thấm chủ trương Việt Minh, nhưng quan điểm của Trần Văn Giàu đã đặt nặng vấn đề dân tộc, trong khi các đồng chí đối nghịch với ông, tuy đứng trên danh nghĩa Việt Minh, tổ chức Thanh niên cứu quốc, nhưng quan niệm chưa chắc đã gột rửa bệnh tả khuynh của thập niên 1930”. 
 
Phần tiết lộ trên của TVG rất quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử trong giai đoạn 1940-45 tại Nam bộ. Đảng CSVN đã tìm mọi cách không để ông Giàu tiết lộ bí mật này dù ông được đề cao là cây đại thụ về sử học (Mác-xít). TVG thừa nhận những người CS theo Đệ tam quốc tế đã “coi nhẹ yếu tố dân tộc” chỉ theo chủ trương giai cấp đấu tranh của Stalin. Đến tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương Đảng CS Đông Dương ở Pác Pó, ông HCM thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh hội gọi tắt là Việt Minh. Ông kêu gọi: “Giải phóng dân tộc cố nhiên không phải là công việc riêng của giai cấp công nhân, nông dân mà là công việc chung của toàn thể nhân dân, toàn thể dân tộc. Lúc này quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, quyền lợi của một bộ phận phải phục tùng quyền lợi của toàn thể dân tộc, quyền lợi của một giai cấp phải đứng sau quyền lợi của nhân dân. Mặt trận Việt Minh chủ trương đoàn kết toàn thể dân tộc hoàn thành nhiệm vụ giải phóng trước, những gì đề ra có hại cho việc đại đoàn kết dân tộc thì phải gác lại hoặc bỏ đi”.
 
TVG cho biết sau này Đảng CSVN lên án ông “làm sai đường lối trung ương. Nhưng mà tôi có biết đường lối của Trung ương là thế nào đâu? Trung ương có gửi ai vào trực tiếp cho tôi đâu”. Do đó tại Nam kỳ trước 1945 có hai “xứ ủy”. Một là “xứ ủy Tiền Phong” hay “xứ ủy CS Nam kỳ” của Trần Văn Giàu, lấy cờ vàng sao đỏ làm cờ hiệu. Hai là “xứ ủy Giải Phóng” (còn gọi là Xứ ủy Việt Minh) lấy cờ đỏ sao vàng làm kỳ hiệu. Xứ ủy Giải Phóng cũng như HCM lúc bấy giờ ít người biết đến. Nguyễn Văn Trấn, đàn em của Giàu, đã nói một câu làm bật ngửa những người tham dự Đại hội II của Đảng CSVN tháng 2/1951 tại Tuyên Quang “Mấy má miền Nam…hỏi Hồ Chí Minh là “ừng cha” nào” (Ừng cha tức “thằng cha” khi nói nhanh theo lối Nam bộ) (3) Giàu tiết lộ sau Cách mạng tháng 8 (VM cướp chính quyền ở Hà Nội ngày 19/8/1945), ông “mới hay rằng nghị quyết của hội nghị trung ương năm 1941 chỉ thị phải đưa mặt trận VM ra hàng đầu để cho sự tuyên truyền cổ động về chủ nghĩa yêu nước được triển khai dễ dàng, Đảng CS đứng bên trong mà lãnh đạo một cách khéo léo, chớ tuyệt nhiên không phải lấy VM thay đảng CS.”. Trước 1945 Giàu “chưa biết và chưa thấm chủ trương VM” của HCM nhưng Giàu cũng đã có quan điểm tương tự HCM: “Đành rằng người CS không được một phút xem nhẹ quyền lợi thiết thực của giai cấp, nhưng trước mắt và lâu dài, nếu muốn huy động hết sức đông đảo quần chúng thuộc tất cả các tầng lớp xã hội thì phải giương cao ngọn cờ dân tộc, phải không rời chủ nghĩa yêu nước chân chính”.
 
Những điểm trên cho thấy những người CS Đệ tam, từ ông HCM (đến Mạc Tư Khoa hồi đầu thập niên 1920) hay TVG (đến MTK trong thập niên sau) đều chấp hành đường lối của Stalin đặt “giai cấp đối đầu giai cấp” lên trên (lợi ích) dân tộc. Để thực hiện mục tiêu này, cả hai dù CS Nam kỳ của TVG (trước 1945) hoặc VM/CS của HCM (sau 1945) đều chủ trương giương cao ngọn cờ dân tộc và yêu nước để lôi cuốn toàn dân đi vào con đường của họ. Phải hiểu được điều này mới có thể thấy được mưu đồ của CS lợi dụng lòng yêu nước của TNTP.
 
Thanh Niên Tiền Phong ra đời
Đầu thập niên 1940, Pháp đã đầu hàng Đức còn quân Nhựt bắt đầu đổ bộ vào Đông Dương, Toàn quyền ĐD Decoux đương nhiên phải hòa hoãn với Nhựt cũng như thái độ của chính quyền Vichy (Pháp) của Thống chế Pétain đối với Đức. Trong tình thế đó, Decoux có thái độ cổi mở đối với giới thanh niên trí thức bản xứ để tranh thủ ảnh hưởng với Nhựt. Decoux thiết lập một ngạch hành chánh cao cấp dành cho người bản xứ được tham gia vào bộ máy hành chánh ở cấp liên bang. Từ trước đến nay, mọi chức vụ trong bộ máy hành chánh trực thuộc Phủ Toàn quyền đều dành cho người Pháp.  Decoux còn bổ nhiệm Đại tá Hải quân Ducoroy làm Tổng ủy Thanh niên  phát động phong trào thể dục thể thao khắp ĐD như tổ chức các cuộc đua xe đạp vòng quanh ĐD, thiết lập lớp huấn luyện Thể dục ở Phan Thiết, tổ chức các giải quán quân về bóng tròn, quần vợt...
 
Pháp thành lập Câu lạc bộ học sinh dựa theo tôn chỉ của hội SAMIPIC (Nam kỳ khuyến học, đức trí, thể dục) để hướng giới trẻ tham gia các hoạt động như diễn thuyết, dạ hội, du lịch, điền kinh, thể thao…Theo TVG, đó là âm mưu của Pháp muốn kéo CLB học sinh đi truyền bá học thuyết “cách mạng quốc gia” của Pétain và chủ trương “Pháp Việt phục hưng” Decoux. Năm 1942, Decoux tổ chức Hội chợ Triển lãm ĐD ở Sàigòn, nhân dịp hè, một số sinh viên Nam kỳ ở Hà Nội về Sàigòn tham dự. Họ cùng hàng trăm nam nữ học sinh trường Petrus Ký và Nữ học đường (Gia Long) mở một đợt hoạt động của giới trẻ, diễn thuyếtt về văn hóa & chính trị và giới thiệu nhiều bài hát yêu nước của Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng. Sinh hoạt của sinh viên học sinh bắt đầu bằng một dạ hội ở “Nhà hát lớn”, khán giả đông nứt rạp nghe sinh viên Nguyễn Ngọc Minh và Trần Văn Khê diễn thuyết đề tài “Trần Hưng Đạo phá Nguyên”. Khi bài nói chấm dứt, thính giả “vỗ tay dài như không bao giờ dứt”. Tại trụ sở Nam kỳ Đức trí & Thể dục, Sinh viên Mai Văn Bộ diễn thuyết về “Con đường cách mạng quốc gia”, hô hào tuổi trẻ VN “hãy làm một cuộc cách mạng trong tâm hồnvà trong tư tưởng mình trước tình hình biến động hiện nay và hãy trở về với chân giá trị dân tộc”.

 Hè năm 1943, sinh viên Nam kỳ học ở Hà Nội lại trở về Sàigòn, họp tác với học sinh Sàigòn trình diễn liên tiếp ba vở kịch của Huỳnh Văn Tiểng: “Đêm Lam Sơn”, “Nợ Mê Linh” và “Hội nghị Diên Hồng”. Trần Văn Giàu nhận xét không có vở kịch nào cấu kết hay, diễn xuất không có gì xuất sắc, nhưng công chúng Sàigòn hoan nghênh “Đêm Lam Sơn” dữ lắm. Vở kịch gây xúc động lớn. Tới màn chót, khi Lê Lợi tuốt gươm thề quyết tâm tiêu diệt giặc Minh, thì cả rạp hát, không ai bảo ai, đều đứng dậy, vỗ tay, hò reo, nhịp tay nhịp chân đồng hát và hát đi hát lại bài Tiếng gọi Sinh viên, từ nay đổi tên là “Tiếng gọi Thanh niên”: Này thanh niên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi! Cũng trong mùa Hè 1943, sinh viên học sinh tổ chức cắm trại ờ bờ suối Lồ Ồ gần Thủ Đức. Trại trưởng là Đặng Văn Chung sinh viên nội trú năm cuối cùng của Đại học Y khoa.Trại viên tự rèn luyện tinh thần đoàn kết, kỷ luật, tự quản; trại viên là sinh viên y khoa thì khám bịnh, chữa bịnh, truyền bá vệ sinh; trại viên khác thì dạy chữ, dạy hát, tổ chức diễn kịch cho đồng bào xem. Trại Lồ Ồ chỉ có một tháng nhưng tạo ảnh hưởng lớn sau đó. Học sinh Sàigòn, dẫn đầu là học sinh Pétrus Ký tổ chức đoàn SET (Section d’Excursion et de Tourisme: đoàn du ngoạn và cấm trại). SET lấy huy hiệu “con đường” màu đỏ hồng trên nền xanh tươi. Thanh niên đoàn viên hát: “Trời mây lồng lộng, đồng ruộng mênh mông, Chân trời xa xa, Con đường màu hồng, Cùng nhau thẳng tiến”. Đoàn SET có thể được xem là dọn đường cho TNTP sau này. Đoàn viên hợp thành đội ngũ, mặc đồng phục, quần soọc màu, sơ-mi trắng, ngực đeo huy hiêu “con đường”. Khẩu hiệu tiến bước hay ngừng nghỉ, hoàn toàn bằng tiếng Việt. Khi đi cấm trại, đoàn viên vừa đi vừa hát bài “Tiếng gọi Thanh niên”. SET cũng tổ chức dạ hội, tháng 12/1944 trình diễn vở kịch “Nguyễn Huệ phá Thanh”. Mùa Đông 1944, Đồng minh bắt đầu oanh tạc các căn cứ Nhựt để chuẩn bị đổ bộ vào ĐD. Nhiều sinh viên Nam kỳ học ở Hànội nhận định tình thế đã chín muồi nên khởi xướng phong trào “xếp bút nghiêng lên đường tranh đấu”. Họ lên đường về miền Nam bằng xe đạp để đánh thức lòng yêu nước của dân chúng miền Nam. Lúc bấy giờ phần đông sinh viên kể cả Huỳnh Tấn Phát đều thuộc đảng Dân chủ, ở trong Nam gọi là Tân Dân chủ Đoàn.
 
Đầu năm 1945, Nhựt sợ quân đồng minh đổ bộ vào ĐD, Pháp sẽ làm nội ứng để khôi phục quyền thống trị ở đây, nên làm cuộc đảo chính Pháp ngày 9/3/1945. Hôm sau Đại sứ Nhựt đến Huế yết kiến vua Bảo Đại, và thông báo việc trao trả độc lập cho VN. Cụ Trần Trọng Kim là một học giả và sử gia được vua Bảo Đại ủy nhiệm thành lập nội các có 11 bộ trưởng đều là những trí thức tên tuổi. Trong Tuyên cáo gởi quốc dân, cụ TTK chủ trương cải thiện phương pháp giáo dục, chấn hưng thanh niên và “họp nhất tất cả các phần tử quốc dân để củng cố độc lập quốc gia và gây mạnh cái tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp xã hội”. (4) Sau 80 năm mất chủ quyền, nay nước nhà được độc lập nhờ sự giúp đỡ của Nhựt, Chính phủ TTK cố gắng gầy dựng lại nền tự chủ của đất nước với sự hăng hái tham gia của đông đảo các tầng lớp thanh niên vào việc kiến quốc, Lúc bấy giờ chiến tranh giữa Nhựt và Đồng minh vẫn còn tiếp diễn, cụ TTK sợ Nhựt có thể bắt buộc người VN tham gia chiến đấu với họ, nên trong Nội các của cụ không có Bộ Quốc phòng. Cụ đặt niềm tin vào giới trẻ và thành lập bộ Thanh niên, cử Luật sư Phan Anh làm bộ trưởng khích động lòng yêu nước của thanh niên nhằm tổ chức và huấn luyện họ để làm nồng cốt bảo vệ nền độc lập quốc gia.
 
Thống đốc Nhựt ở Nam kỳ là Minoda và Tổng uỷ viên Thể thao và Thanh niên Ida vận động Giáo sư Hồ Văn Ngà và Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch và Tổng thư ký Đảng Việt Nam Quốc gia Độc lập tổ chức phong trào “Thanh niên Khỏe” như Ducoroy đã làm với chủ tâm có thể điều động thanh niên VN làm hậu thuẫn cho Nhựt. Ông Hồ Văn Ngà giao việc tổ chức thanh niên cho B/s P. N. Thạch. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và Sinh viên Y khoa Huỳnh Văn Tiểng đã tích cực tham gia và góp công xây dựng phong trào thanh niên này. Đó là Thanh niên Tiền Phong. Vì được Nhựt cho phép và đỡ đầu hoạt động công khai hợp pháp nên TNTP phát triển nhanh và mạnh không những ở Sàigòn và lan khắp các tỉnh Nam kỳ. TNTP qui tụ nhiều trí thức trẻ đầy thiên chí nắm vai trò thủ lãnh như bác sĩ P.N. Thạch, bác sĩ Nguyễn Thị Sương, Nha sĩ Nguyễn Văn Thủ, Kỹ sư Kha Vạn Cân, các Luật sư Thái Văn Lung, Nguyễn Vĩnh Thạnh… Ngoài TNTP còn có Phụ nữ TP, Phụ lão TP, Thiếu niên TP. Bí thư Xứ ủy CS Nam kỳ TVG nhận định “TNTP là một phong trào tự phát của thanh niên ỏ một dân tộc yêu độc lập tự do. Có thể ghi nhận, từ 1930 (khi CSVN ra đời) chưa hề có ở Nam kỳ một tổ chức, một cao trào thanh niên nào rộng lớn như năm 1945. Sau đó Đảng mới chú ý và ra sức hướng dẫn, phát triển”. Giàu liền tìm cách liên lạc với Huỳnh Tấn Phát và Huỳnh Văn Tiểng đang điều khiển tờ báo Thanh Niên, để nắm lấy TNTP. Trước đó TVG cũng đã móc nối với Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, du học ở Pháp về có vợ đầm. Thạch mở phòng mạch ở Sàigòn, có người bạn thân là Komasu, Giám đốc thông tin Nhựt ở Nam kỳ. Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Trấn thường hội họp tại nhà Thạch ở đường Chasseloup Laubat. Khi Nhựt gợi ý thành lập một lực lượng bán quân sự thì Thạch với tư cách thủ lãnh TNTP, đem sát nhập vào lực lượng Nhựt, dưới quyền chỉ huy của Iida.
 
Cách mạng tháng 8, Việt Minh cướp chính quyền
Ngày 15/8/1945 Nhựt hoàng tuyên bố đầu hàng, tình hình VN buớc vào một rẽ quan trọng. Theo quyết định của Đồng minh, quân Hoàng gia Anh và Trung hoa Quốc Dân Đảng (Tưởng Giới Thạch) sẽ đổ bộ vào Đông Dương giải giới Nhựt và tổ chức công việc chính trị cho các nước ĐD. Để củng cố sức mạnh nói chuyên với Đồng minh, Thủ tướng TTK kêu gọi các viên chức Nhà nước, các đảng phái quốc gia “Thống nhất lực lượng sau lưng chính phủ để bảo vệ nền độc lập, đừng để bị tròng ách nô lệ một lần nữa”. Cụ công bố đạo dụ qui hoàn Nam kỳ vào VN, hủy bỏ hoàn toàn những hiệp ước bất bình đẳng ký với Pháp năm 1862 và 1974, cử Nguyễn Văn Sâm làm Khâm sai Nam Bộ. (5) Tại Sàigòn, vừa được tin Nhựt đầu hàng, Giáo sư Hồ Văn Ngà, Thủ lãnh Đảng Việt Nam Quốc gia Độc lập liền thành lập ngay Mặt trận Quốc gia Thống nhất, kêu gọi các đảng phái chánh trị và tôn giáo hãy đoàn kết lại. Ông cho rằng “khi Nhựt đầu hàng, Đồng minh sẽ đến tước khí giới, thế nào Pháp cũng đòi Nhựt trả lại chủ quyền Nam bộ cho họ, nên đoàn kết là là một phương pháp đấu tranh, một vấn đề sinh tử của dân tộc, đoàn kết đấu tranh chống thực dân Pháp bảo vệ nền độc lập tự do”. Ông kêu gọi: “Người Việt Nam nào đảm đang đưọc và có hi vọng thành công, chúng tôi sẳn sàng tán trợ, nghĩa là lúc nào chúng tôi cũng đặt nền độc lập quốc gia lên trên vấn đề quyền tước”. (6) Mặt trận Quốc Gia Thống nhất bao gồm Đảng VN Quốc gia Độc lập và 6 tổ chức khác là Thanh niên Tiền Phong, Nhóm trí thức, Liên đoàn công chức, Tịnh độ cư sĩ, Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài. Các giới đồng bào vốn có cảm tình với các đảng phái chính trị nên nhiệt liệt hoan nghênh Mặt trận và tham gia cuộc biểu tình tuần hành để biểu dương lực lượng tại Sàigòn ngày 21/8/1945 với trên 20 vạn người tham dự.
 
MTQGTN của người Quốc gia có một điểm yếu là không ai dám tự nhận đứng ra lãnh đạo, chỉ hô hào đoàn kết mà không chịu vạch ra đoàn kết như thế nào…Trái lại VM/CS có thủ đoạn và chương trình hành động hẳn hoi. Trần Văn Giàu chủ trương “Khi Đồng minh vào mà đã có chính quyền độc lập của dân tộc Việt Nam thống nhất an bài rồi lại được toàn dân hết lòng ủng hộ, thì họ phải thương lượng với chính quyền cách mạng đó. Nếu ta không giành được chính quyền thì họ sẽ không đếm xỉa đến cuộc kháng Nhật của ta đâu. Thương lượng với họ, ta sẽ có hai thế mạnh: Một là ta đã chống Nhật, đã ủng hộ Đồng minh. Hai là ta đang nắm chính quyền và được đồng bào tín nhiệm. Ta sẽ hết sức lợi dụng mâu thuẫn giữa Anh, Pháp, Mỹ, Tàu. Tiếng nói của Liên Xô chắc chắn có trọng lượng mặc dù LX ở rất xa Đông Dương”. Sau khi được tin ông HCM và Mặt trận Việt Minh đã giành được chính quyền ở Hà Nội ngày 19/8, Giàu thuyết phục Bs Phạm Ngọc Thạch tuyên bố TNTP gia nhập Mặt trận VM và tham gia cuộc biểu tình qui mô ngày 25/8/1945 tại Sàigòn. Trong cuộc biểu tình này, biểu ngữ “Chính quyền về tay Việt Minh” tràn ngập thành phố. VM cho ra mắt Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ gọi tắt là Lâm ủy Hành chánh gồm 9 người trong số có 7 đảng viên CS do Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Giáo sư Hồ Văn Ngà tin tưởng VM có lực lượng hùng hậu nên buông hết cho VM thao túng. Mấy tháng sau ông bị VM bắt giam ở Đá Bạc Rạch Giá và bị đập chết bằng củi đòn rồi liệng xác xuống sông.
 
Ngày 30/8/1945 Lâm ủy Hành chánh Nam bộ mở khoáng đại hội nghị có sự tham gia của đông đảo các đảng phái chính trị. Trong hội nghị này, Giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ, thủ lãnh Việt Nam Độc lập Vận động Hội và Trần Văn Thạch thuộc nhóm Đệ tứ tranh đấu đã chất vấn Trần Văn Giàu: “Ai cử ra Lâm ủy hành chánh Nam bộ?” Hội nghị vô cùng ngột ngạt khi thấy Giàu mân mê khẩu súng lục đeo bên hông để áp đảo tinh thần các nhóm đảng phái quốc gia (7) Trước thái độ bất mãn và không có thiện cảm của các đảng phái chính trị miền Nam đối với TVG, Tổng bộ VM vội cử Cao Hồng Lãnh và Hoàng Quốc Việt Ủy viên Trung ương Đảng CS vào Nam cải tổ Lâm ủy hành chánh Nam Bộ. Luật sư Phạm Văn Bạch thay thế Trần Văn Giàu, Lâm ủy Hành chánh Nam bộ được cải tổ có 12 ủy viên gồm 4 CS, 3 không đảng phái, 2 Quốc gia, 1 Hòa Hảo, 1 Cao Đài và 1 thuộc nhóm Đệ tứ.
 
Nam bộ Kháng chiến
Trong khi Cách mạng tháng 8 xảy ra, tướng De Gaulle, Thủ tướng chính phủ Lâm thời Pháp bổ nhiệm Cédile làm Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Nam kỳ. Y được phi cơ Anh thả dù xuống Tây Ninh ngày 22/8/1945. Năm ngày sau, y đã có mặt ở Sàigòn và tiếp xúc sơ khởi với Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Văn Tạo thuộc Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ. Ngày 6/9/1945 lực lượng Hoàng gia Anh do tướng Douglas D. Gracey cầm đầu đến Sàigòn giải giới Nhựt. Đến nơi, Gracey thảo luận ngay vấn đề Nam Bộ với Phạm Ngọc Thạch và Cédile. Ông yêu cầu VM giải giới lực lượng dân quân cách mạng, giao cho Nhựt trách nhiệm ổn định trật tự, duy trì an ninh để hai bên Việt Pháp đàm phán. Lúc đó Lâm ủy Hành chánh Nam bộ được cải tổ như đã kể trên. Các đảng phái Quốc gia phản đối VM thông đồng với giặc Pháp phản bội quyền lợi dân tộc. Cuộc đàm phán Pháp và VM bất thành vì lập trường đôi bên trái nghịch nhau. Phía VM đòi Pháp nhìn nhận độc lập, còn Pháp thì chủ trương tái lập trật tự, lưu lại chủ quyền của Pháp, sau đó sẽ cho Nam kỳ được tự trị như Tuyên ngôn 24/3/1945 của De Gaulle. Pháp sẽ mở cuộc trưng cầu dân ý để người dân quyết định chủ quyền Nam bộ: thống nhất vào VN hay phân ly.
 
Ngày 21/9/1945 tiếp theo các cuộc xung đột giữa Dân quân cách mạng VN và quân Pháp, Cédile ra lịnh tấn công tái chiếm các công sở và khám lớn Sàigòn. Tướng Gracey nhân danh Ủy ban kiểm soát Đồng minh đứng ra đảm trách việc ổn định trật tự, tuyên bố lịnh thiết quân luật và kiểm soát các công sở. Ngay trong đêm 22 rạng 23/9/1945 Lâm ủy Hành chánh rút khỏi Sàigòn, Cuộc chiến tranh Pháp Việt đã thực sự bùng nổ tại Nam Bộ. VM ra lịnh tản cư với lời đe dọa “ai còn ở lại Sàigòn là Việt gian sẽ bị bắt và trừng trị”. Trên đường dân chúng tản cư về miền Đông và miền Tây, Trần Văn Giàu và Nguyễn Văn Trấn sát hại khá nhiều những phần tử đối lập như Huỳnh Văn Phương, Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo, nhà báo Diệp Văn Kỳ, Luật sư Hồ Vĩnh Ký và vợ là bác sĩ Nguyễn Thị Sương, vây bắt Hồ Văn Ngà, Trần Quang Vinh…Riêng Huỳnh Văn Phương chú ruột của Huỳnh Tấn Phát là người đã cung cấp khí giới và phương tiện cho tổ chức của TVG lại là người bị Giàu thủ tiêu trước nhất. Các nhân vật thuộc Đệ tứ hoặc có cảm tình với Đệ tứ đều bị giết như Luật sư Hình Thái Thông ở Mỹ Tho, các ông Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, Nguyễn Văn Số, Phan Văn Hùm... Ở vùng Hậu Giang, các nhân vật và tín đồ Hòa Hảo đã bị thủ tiêu, chôn tại các hầm hố tập thể ở Tân Thành, Cái Cái (Hồng Ngự). CS kết tội Cao Đài hợp tác với QDĐ và Nhựt là “Việt gian phản quốc” và bị tàn sát dã man. Có thể nói Trần Văn Giàu và CS Đệ tam đã nhẫn tâm tàn sát hầu hết một thế hệ những nhà ái quốc ở Nam bộ.

Sau khi rút khỏi Sàigòn trong đêm 23/9/1945, các đoàn thể Quốc gia thuộc MTQGTN liền nghĩ đến một mặt trận đoàn kết khác và thành lập Mặt trận Quốc gia Liên hiệp kháng chiến ở 18 thôn vườn trầu Vĩnh Lộc/Hốc Môn. Lực lượng vũ trang kháng chiến chống Pháp gồm có lực lượng Bình Xuyên làm nồng cốt với nhiều chi đội (cấp trung đoàn) được Luật sư Hồ Vĩnh Ký và Lâm Ngọc Đường, Giám đốc và phó Giám đốc Công an thời Nhựt đảo chánh, cung cấp rất nhiều vũ khí. Liên minh với BX có Đệ nhị sư đoàn gồm các lực lượng bán vũ trang của Cao Đài (Phong trào Thanh niên Ái quốc Đoàn). Đệ tam sư đoàn Quốc Dân Đảng của Nguyễn Hòa Hiệp gồm nhiều quân nhân trong Nghĩa dũng quân do Nhựt tuyển mộ nay đã giải ngũ và Bộ đội An Điền của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Cả hai lực lượng này cũng được Nhựt trang bị nhiều vũ khí. Ngoài ra lực lượng kháng chiến còn có Đệ tứ sư đoàn gồm các nông dân trong lực lượng Bảo An của giáo phái Hòa Hảo và Đệ ngũ sư đoàn của Nguyễn Thành Long thuộc nhóm Đệ tứ.
 
Về phần VM, Tổng bộ VM cử các cán bộ CS như Giáo sư Phạm Thiều, Ung Văn Khiêm, Trần Bửu Kiếm…vào chỉ đạo kháng chiến. Đồng thời chỉ định Nguyễn Bình vào thành lập khu 7 kháng chiến miền Đông kiêm Ủy viên quân sự trực thuộc Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ. Lúc bấy giờ cơ quan này đặt căn cứ ở miền Tây do Lê Duẩn bí thư chi cục Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lê ở MN vừa từ Côn Đảo về, phụ trách tổng quát. Nguyễn Bình bí danh của Nguyễn Phương Thảo nguyên Chỉ huy trưởng Chiến khu Đông Triều của VNQDĐ sau Cách mạng tháng 8 về hợp tác với VM. Vào Nam bộ, dựa vào lực lượng Đệ tam sư đoàn, Nguyễn Bình mở hàng loạt cuộc phục kích và tập kích vào đội quân xâm lược Pháp. Tiếng tăm lừng lẩy của NB khiến Huỳnh Văn Trí (Mười Trí) một chi đội trưởng của lực lượng BX cảm phục nên mang quân về hợp tác. Mười Trí còn đứng ra vận động các lực lượng kháng chiến suy cử NB làm tư lịnh Quân khu 7. Với uy tín cá nhân, NB thuyết phục các đảng phái Quốc gia hợp tác với VM. Ngày 20/5/1946 tại bản doanh của Mười Trí ở Bà Quẹo, đại diện các đảng phái chính trị, tôn giáo, các cơ quan quân sự tuyên bố thành lập Mặt Trận Liên Hiệp Kháng chiến để tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp.
 
Mục đích của Mặt trận là gom góp các lực lượng kháng chiến rời rạc tiếp tục tranh đấu cho đến khi thực hiện được “Nguyện vọng chính đáng của dân tộc VN đúng theo tinh thần và nguyên tắc của bản Hiến chương Đại Tây Dương là quyền tự quyết dân tộc”. Ban Lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Liên hiệp gồm có Giáo sư Phạm Thiều làm Chủ tịch, Giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ, Trần Văn Lâm (VNQDĐ) Lê Văn Tỵ (Cao Đài), Phạm Ngọc Châu (Đảng Thanh niên trí thức), Lâm Văn Hậu (Tịnh Độ cư sĩ), Mai Thọ Trấn thay mặt Hà Huy Giáp (Tổng công đoàn và Kỳ bộ VM), Phạm Đình Công (thay mặt Nguyễn Bình), Mười Trí, Phạm Hữu Đức (Chỉ huy trưởng Chi đội 5 Vệ quốc đoàn), Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Văn Nhân (Huỳnh Long Đảng), Linh mục Nguyễn Bá Sang (Công giáo) (8) Nhưng sau đó nhóm CS Đệ tam ra lịnh Phạm Thiều và Nguyễn Bình rút khỏi Mặt trận Quốc gia Liên hiệp kháng chiến, Huỳnh Giáo chủ thay Phạm Thiều làm chủ tịch. Cuối cùng, cũng như số phận của Chính phủ Liên hiệp Quốc Cộng ở Miền Bắc, tại Nam Bộ cán bộ CS lãnh đạo Mặt trận VM loại dần những người Quốc gia để giành độc quyền kháng chiến tại MN. Mặt trận Quốc gia Liên hiệp tan rả.
 
Lời kết
Hồi ký 1940-1945 của Trần Văn Giàu có đề cập đến lời thú nhận của ông về nhược điểm của phái CS Đệ tam là theo chủ trương “giai cấp đối đầu giai cấp” của Stalin và “coi nhẹ yếu tố dân tộc”. Ông đã lợi dụng lòng yêu nước của TNTP để cướp chính quyền và thẳng tay tàn sát các thành phần chống đối ở Nam bộ. Trung ương Đảng CS ở Hà Nội trách cứ TVG đã hành động sai đường lối của Đảng. VM chủ trương đuổi Nhựt đánh Pháp, trong khi Giàu dựa vào TNTP do Nhựt khởi xướng để nắm lấy chính quyền. Sau Cách mạng tháng 8, Giàu được chỉ thị phải giải tán TNTP để thành lập ngay Thanh niên cứu quốc, giống các tổ chức khác của Đảng như Nông dân cứu quốc…Việc giành độc quyền lãnh đạo cho đảng CS và tàn sát các phần tử đối lập của Giàu cũng đi ngược lại chủ trương của VM là “đoàn kết toàn thể dân tộc hoàn thành nhiệm vụ giải phóng trước, những gì đề ra có hại cho việc đại đoàn kết dân tộc thì phải gác lại hoặc bỏ đi”. TVG đã không “gác đi hoặc bỏ đi” mà còn cho tiến hành quá sớm khi vừa giành được chính quyền, đã làm lộ tẩy chiến lược của Đảng. Vì thế, TƯ Đảng CS chấm dứt vai trò của Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Trấn …ở Nam bộ. Giàu coi việc tàn sát giới trí thức đối lập hồi năm 1945, là nhiệm vụ của người CS Đệ tam, nên trong “Hồi ký 1940-1945” của Giàu cũng như hồi ký “Viết cho Mẹ và Quốc hội” của Nguyễn Văn Trấn, không có lời lẽ nào để bày tỏ sự hối hận của mình. Sau đó Lê Duẩn áp dụng chủ trương “đại đoàn kết dân tộc” để lôi kéo các tầng lớp nhân dân, thanh niên và trí thức yêu nước Nam bộ tham gia kháng chiến chống Pháp và sau đó chống Mỹ.
 
Milovan Djilas (1911-1995) lãnh tụ cao cấp Đảng Đảng CS Nam Tư và là Phó Tổng thống Liên Bang Nam Tư dưới trào Joseph Tito đã có một nhận xét hết sức tinh tế “Hai mươi tuổi không theo Cộng sản, là không có trái tim. Bốn mươi tuổi mà không từ bỏ Cộng sản là không có khối óc”. Vận dụng vào VN, thanh niên ở lứa tuổi 20 lại được CS tuyên truyền bằng những lời lẽ ngọt ngào “chiến đấu chống thực dân Pháp giành độc lập cho dân tộc”. Nếu họ không theo CS, người ta có thể cho đó là những người không có lòng yêu nước, không có trái tim. Rồi hai mươi sau, già dặn và trưởng thành phải thấy lòng ái quốc và sự cống hiến của mình đã mang lại lợi ích gì cho dân tộc? Nếu vẫn chưa nhận thức được là bởi vì nhiệm vụ “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” chưa hoàn thành. Một số trí thức và thanh niên yêu nước của miền Nam, thế hệ thứ hai của TNTP được Trần Bạch Đằng, đệ tử của Trần Văn Giàu nay phụ trách công tác trí vận ở Sàigòn, tuyên truyền đi vào con đường kháng chiến “chống Mỹ cứu nước”.
 
Sau 1975, những gì ông Lê Duẩn thực hiện ở miền Nam cũng là “giai cấp đối đầu giai cấp”, là coi nhẹ quyền lợi dân tộc. Ông Lê Duẩn đã lập lại công việc mà TVG đã thực hiện 30 năm về trước. Ông không giết vài trăm người như Giàu, mà tù đày biệt xứ hàng trăm ngàn người; đánh tư sản, đuổi họ đi các vùng kinh tế mới, khiến cả triệu người phải bỏ nước ra đi. Số người chết trong các trại cải tạo và trên đường vượt biên lên đến cả trăm ngàn người. Ông Duẩn còn đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa, VN đi theo đúng khuôn mẫu Liên Xô. Hành động này khiến Trung Cộng thù nghịch với VN, tạo biết bao hệ lụy cho đất nước sau này. Tất cả chỉ vì những người CS đệ tam “coi nhẹ yếu tố dân tộc”. Dĩ nhiên ông Duẩn và các đồng chí của ông cũng không có gì hối tiếc ân hận. Chỉ có nhân dân Sàigòn, một thời được coi là Hòn ngọc Viễn Đông, nay phải ăn bo bo để sống còn. Lúc đó những thanh niên yêu nước tham gia kháng chiến chống Mỹ đã ở lứa tuổi 40, còn đàn anh của họ đã hơn 60 tuổi mà chưa từ bỏ CS, thì theo quan niệm của Milovan Djilas, đó là những kẻ không có đầu óc, và không còn lương tri nữa. Đất nước tụt hậu, xã hội suy đồi là lẽ đương nhiên. Milovan Djilas còn có một nhận định nữa để nhắn nhỡ các đồng chí của ông: “Cộng sản là một thế lực suy tàn. Có người còn nói nó là một xác chết, nhưng xác chết đó có thể lôi ta xuống mồ với nó”.

Lê Quế Lâm

Chú thích:
1- Ban Nghiên Cứu Lịch sử Đảng Trung Ương, Bốn Mươi Lăm Năm Hoạt động của Đảng Lao Động Việt Nam (in lần thứ ba) Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1975, Tr.40)     
2- Georges Taboulet, La geste Francaise en Indochine: Tome Deuxième, Adrien Maisonneuve, Paris, 1956, P. 519.
3- Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc Hội, Nxb Văn Nghệ, HK, 1995, Tr. 162
4- Trần Trọng Kim, Một Cơn Gió Bụi, Nxb Vinh Sơn, Sàigòn, 1969, Tr. 192/94
5- Nam Đình (Kỳ Nam Nguyễn Thế Phương), Hồi ký lịch sử: 1923 đến 1964, Nhật báo Thần Chung, Saigòn, 1965.
6, 7 & 8- Nam Đình, Tài liệu đã dẫn trên.

Tài liệu tham khảo: 

   1. Phan văn Hùm: Thân thế & Sự nghiệp của Bác sĩ Trần Nguơn Phiêu, Hải Mã xuất bản, Texas (HK), 2003.
   2. Những Ngày Qua của Bác sĩ Trần Nguơn Phiêu, Hải Mã xuất bản, Texas (HK), 2005
   3. Cách mạng tháng 8 hay VM cướp chính quyền ở Nam kỳ về chính trị và quân sự của Hứa Hoành.
   4. Mặt trái của cuộc kháng chiến miền tây Nam bộ của Hứa Hoành.
   5. Hồi ký 1940-1945 của Trần Văn Giàu phổ biến trên mạng Viet-Studies (mục Kinh tế)
   6. Việt Nam Thắng Và Bại của Lê Quế Lâm, Ngọc Thu xuất bản, Sydney, 1993.