Home Tin Tức Bình Luận Từ Việt Nam hoá chiến tranh đến Afghanistan hoá chiến tranh

Từ Việt Nam hoá chiến tranh đến Afghanistan hoá chiến tranh PDF Print E-mail
Tác Giả: Thiện Ý   
Thứ Tư, 29 Tháng 6 Năm 2011 13:17

 Nếu làm một cuộc so sánh, người ta thấy dường như mục tiêu và tiến trình thực hiện Việt Nam hoá chiến tranh đang được lập lại trong kế hoạch Afghanistan hoá chiến tranh, cũng như Iraq hoá chiến tranh khởi sự vài năm trước đây.

         Ngày Thứ Tư 22-6-2011 tuần qua, từ phòng làm việc Phía Đông Toà Bạch Ốc, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đọc bài diễn văn quan trọng thông báo cho dân chúng Mỹ biết kế hoạch sẽ rút về 10.000 binh sĩ trước cuối năm nay, thêm 23.000 binh sĩ nữa vào cuối mùa hè năm tới, để trở lại mức quân số như trước khi tăng quân vào năm 2009;và sau đó sẽ tiếp tục giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi lực lượng quân  sự Afghanistan đứng vững, với mục tiêu hoàn tất cuộc chuyển tiếp này trước năm 2014 mà theo dự hoạch sẽ không còn lính Mỹ nào chiến đấu tại Afghanistan nữa.
  
         Như vậy là sau gần 10 năm, kể từ sau biến cố 9-11, Hoa kỳ phát động cuộc chiến tranh chống khủng bố quốc tế tại Afghanistan, mặc dầu Hoa Kỳ mới chỉ tiêu diệt được trùm khủng bố Osama Bin Laden vào đầu tháng 5 vừa qua, nhưng vẫn chưa đánh bại được hoàn toàn lực lượng Taliban để thành đạt một chiến thắng hoàn toàn như mong đợi qua cuộc chiến tranh này, mà nay đã phải đi vào kế hoạch Afghanistan hoá chiến tranh, như Hoa Kỳ đã từng làm Việt Nam hoá chiến tranh để rút chân ra khỏi cuộc chiến Việt Nam cách nay 36 năm.
  
         Nếu làm một cuộc so sánh, người ta thấy dường như mục tiêu và tiến trình thực hiện Việt Nam hoá chiến tranh đang được lập lại trong kế hoạch Afghanistan hoá chiến tranh, cũng như Iraq hoá chiến tranh khởi sự vài năm trước đây.
         Theo đó, khi Hoa Kỳ quyết định đưa quân trực tiếp tham chiến và lôi kéo các nước đồng minh khác cùng tham chiếm trong cả hai cuộc chiến đều mong muốn dùng ưu thế quân sự đè bẹp đối phương Việt cộng và Taliban để giành thắng lợi sau cùng bằng sức mạnh. Thế nhưng, thực tế đã không chiều theo ý chí chủ quan của Hoa Kỳ, vì đối phương yếu thế Việt cộng và Taliban đã tìm cách né tránh, kéo dài cuộc chiến bằng chiến thuật du kích chiến và nuôi dưỡng cuộc chiến bằng sự khai thác triệt để ngụy nghĩa dân tộc chống ngoại xâm (đối với Việt cộng ) hay Thánh chiến bảo vệ Hồi Giáo(đối với Taliban và Al-Qaeda). Trong cả hai cuộc chiến, ý chí và lòng kiên nhẫn của nhân dân Hoa kỳ bị thử thách trước sự kéo dài chiến tranh vô định,chiến thắng sau cùng không thể xác định, trong khi họ là những người phải đóng thuế tiền bạc và xương máu cho chính quyền tiến hành các cuộc chiến tranh ngoài Hoa Kỳ, nhân danh những lý tưởng cao đẹp, mà sự hiện thực ở tương lai vẫn không có gì bảo đảm.
     
         Trong cuộc chiến Việt Nam người dân Hoa Kỳ đã phải đài thọ vài chục tỷ dollar và 58 ngàn con em hy sinh mạng sống, hàng chục ngàn bị thương, sau gần 10 năm trực tiếp tham chiến (1963-1973), mà vẫn không thành đạt mục tiêu giúp nhân dân Miền Nam Việt Nam bảo vệ miền đất tự do, hiện thực lý tưởng dân chủ. Nhân dân Hoa Kỳ lúc đó đã không còn kiên nhẫn, đưa dến cao trào phản chiến trong lòng nuớc Mỹ và lan rộng đến nhiều nước khác, đòi chấm dứt chiến tranh tức khắc. Cao trào phản chiến này đã được giời truyền thông Hoa Kỳ hổ trợ tích cực, và chính quyền Hoa Kỳ đã có cớ tìm cách rút ra khỏi cuộc chiến bằng kế hoạch Việt Nam Hoá Chiến Tranh. Thei đó, Hoa kỳ cam kết huấn luyện trang bị vũ khí, viện trợ đầy đủ súng đạn và phương tiện chiến tranh hiện đại cho quân đội Việt Nam Cộng Hoà đủ sức tự bảo vệ chế độ và chiến đấu đẩy lùi cuộc xâm lăng của cộng sản Bắc Việt (tức Việt cộng).
         Tuy nhiên, trên thực tế, Hoa Kỳ đã không thực hiện đúng như những cam kết công khai với chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, lại âm thầm mật đàm với đối phương Việt cộng, thúc ép chính phủ Việt Nam Cộng Hoà tham dự hoà đàm với đối phương duới chiêu bài “Hoà giải và hoà hợp dân tộc” và buộc chính phủ Việt Nam ký kết Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973 về kết thúc chiến tranh lập lại hoà bình cho Việt Nam, để Hoa Kỳ có căn cứ pháp lý, chính trị để rút chân ra khỏi cuộc chiến một cách danh dự (dù lúc đưa quân vào trực tiếp tham chiến dường như Hoa Kỳ đã làm trước, hợp thức hoá sua?) .
         Thế rồi, chưa đầy ba năm sau, ngày 30-4-1975,  Việt cộng đã vi phạm trắng trợn Hiệp Định Paris 1973, ngang nhiên dùng bạo lực quân sự xâm lăng Miền Nam, trước sự phủi tay không thương tiếc của Hoa Kỳ và sự làm ngơ của những cam kết quốc tế bảo đảm việc thực thi Hiệp Định này.
         Bây giờ cũng vậy, Mỹ đã chi 1.3 ngàn tỷ đô-la cho 2 cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq trong 10 năm qua khiến ngân sách quốc gia bị thâm thủng nặng, cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ vì thế vẫn chưa vượt thoát, để trở lại mức bình thường. Riêng ở Afghanistan trong năm nay Mỹ đã phải chi đến 120 tỷ đô-la. Và mỗi tháng qua đi, cuộc chiến đã tiêu phí hàng chục tỷ dollar. Mặc dầu số binh sĩ Hoa Kỳ bị chết hay bi thương trong cuộc chiến Afghanistan sau 10 năm ít hơn so với cuộc chiến Việt Nam, chỉ có vài ba ngàn hy sinh và hơn 10 ngàn bị thương, không có phong trào phản chiến rầm rộ và sự hổ trợ của giới truyền thông Hoa kỳ, song rõ ràng là chính quyền của Tổng Thống Barack Obama đã nhìn thấy sức chịu đựng của nhân dân Hoa Kỳ dường như đã gần đến biên độ “tức nước vỡ bờ”. Chính Tổng Thống Obama đã xác nhận thực trạng này khi trả lời phỏng vấn của đài VOA hôm 23-11-2011, chỉ một ngày sau bài diên văn công bố đợt rút 33.000 quân Mỹ ra khỏi chiền trường Afghanistan, rằng “Chắc chắn là sau gần 10 năm chiến tranh ở Afghanistan thì thiệt hại về nhân mạng và tiền bạc sẽ làm cho dân chúng mệt mỏi.”
          Phải chăng vì vậy chính quyền Obama đã sớm chủ động đưa lịch trình chấm dứt cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq, bằng kế hoạch Afghanistan hoá chiến tranh và Iraq hoá chiến tranh? Nội dung kế hoạch này là gì?
        Tất nhiên, thì cũng giống như Việt Nam hoá chiến tranh, trên nguyên tắc, Hoa Kỳ đã đang và sẽ  huấn luyện  trang bị cho các lực lượng an ninh, quân sự Afghanistan đứng vững có khả năng giữ gìn đất nước của chính họ, sau khi Hoa Kỳ hoàn tất cuộc chuyển giao trách nhiệm chiến đấu cho người Afghanistang vào cuối năm 2014, tức hoàn tất kế hoạch Afghanistan hoá chiến tranh.
     Thế nhưng trên thực tế, liệu Hoa Kỳ có hoàn tất kế hoạch Afghanistan hoá chiến tranh như đã cam kết thựv hiện và sau đó, giải pháp chung cuộc là gì?
      Thực tế Hoa kỳ đã và đang có nỗ lực bí mật tiếp xúc với đối phương Taliban (như trước đây cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ mật đàm với Lê Đức Thọ của Việt cộng, qua mặt chính phủ VNCH) để huớng đến một giải pháp chính trị tương tự như Việt Nam thông qua một Hiệp Định giữa các bên tham chiến có quốc tế bảo đảm thực thi trên nguyên tắc, còn thực tế có hiện thực được hay không thì con tùy thuộc nhiều yếu tố chủ quan (khả năng tự tồn của)chính quyền Kabul) và khách quan (thực hiện cam kết của Hoa Kỳ và thực thi những bảo đảm quốc tế) . Chính những tùy thuộc này, và qua kinh nghiệm Việt Nam Hoá Chiến Tranh, đã gây lo ngai cho chính quyền Kabul và Tổng Thống Karzai dường như đã đôi lần bầy tỏ bất mãn mỗi khi có dịp? Mặc dầu, cũng trong cuộc phỏng vấn của đài VOA ngày 23-6-2011 , giải pháp chính trị này đã được Tổng thống Obama phác hoạ thận trọng có điều kiện:
     Rằng “Điều chúng ta vẫn luôn khẳng định là phải có một giải pháp chính trị để đem lại hòa bình thực sự trong khu vực…”;
    Rằng “Chúng ta sẽ khích lệ người Afghanistan, và chính chúng ta sẽ nói chuyện với bất cứ ai, nhưng họ sẽ phải cắt đứt các liên hệ với al-Qaida, họ sẽ phải cam kết tuân thủ Hiến pháp của Afghanistan, và họ sẽ phải ngưng dùng bạo lực như một phương tiện đem lại quyền lực chính trị…..nhưng điều quan trọng là các nỗ lực quân sự của chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ cho các nỗ lực chính trị này, và điều đó có nghĩa là phe Taliban và những người khác phải hiểu rằng họ sẽ chỉ có khả năng sống còn, nếu chúng ta tiếp tục đặt áp lực lên họ để buộc họ đến bàn thương nghị với một tinh thần tôn trọng tính hợp hiến của chính quyền Afghanistan.”
 
     Thế nhưng, liệu Hoa Kỳ có làm đúng những cam kết, để chính quyền Kabul của Tổng Thống Karzai có đủ khả năng tồn tại được trong một giải pháp chính trị mang tính hoà giải hoà hợp dân tộc như Tổng Thống Obama phác hoạ, hay sau khi thành đạt một giải pháp,Mỹ và đông minh rút quân, chính quyền Kabul của Tổng Thống Kazai sẽ bị phe Taliban tiêu diệt, rồi Mỹ cũng phủi tay, quốc tế làm ngơ trước mọi cam kết bảo đảm quốc tế  như số phận Việt Nam Cộng Hoà ở Miền Nam Việt Nam 36 năm trước đây? Thực tế và thời gian tương lai mới có câu trả lời chính xác.
 
Houston, ngày 27-6-2011