Home Tin Tức Bình Luận Giải pháp êm đẹp ở Biển Đông: Việt Nam cách tân khỏi chủ nghĩa Cộng Sản

Giải pháp êm đẹp ở Biển Đông: Việt Nam cách tân khỏi chủ nghĩa Cộng Sản PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Quế Lâm   
Chúa Nhật, 10 Tháng 7 Năm 2011 11:35

Tâm tư nguyện vọng của đồng bào hiện nay đã thể hiện rõ qua các cuộc biểu tình chống TQ       

  Tháng 11/1971, năm nước ASEAN ra tuyên bố: “cùng nhau hành động để biến vùng này thành một khu vực hòa bình, tự do và trung lập” (Zone Of Peace, Freedom And Neutrality - (ZOPFAN) Ba tháng sau, TT Nixon đi Bắc Kinh, bắt đầu một giai đoạn lịch sử mới trong mối bang giao của Hoa Kỳ (HK) với Trung Cộng (TC hay TQ). Thông cáo chung Thượng Hải kết thúc chuyến công du của tổng thống HK tại TQ nêu rõ: “Cả hai bên đều không mưu cầu bá quyền và đều phản đối bất cứ nước nào hay tập đoàn nào cố gắng thiết lập bá quyền đó ở khu vực châu Á”. (Henry Steele Commager, Documents of American History, Vol II: Sincé898, Prentice Hall, Inc, New Jersey, 1973, P. 706) Trong tình thế đó, tháng Giêng 1973 HĐ Paris 1973 ra đời và HK chính thức chấm dứt can dự ở VN từ tháng Tư 1975.

     Sau gần bốn thập niên rút lui khỏi Đông Nam Á (ĐNÁ), ngày 22/7/2009 Ngoại trưởng HK, bà Hillary Clinton đến Thái Lan tham dự một loạt hội nghị với các nước ĐNÁ. Đầu tiên là hội nghị khối ASEAN và các đối tác như Đại Hàn, Nhật Bản, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi và Liên Âu. Sau đó là hội nghị của Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum – ARF) bao gồm các thành viên kể trên cùng 7 nước khác thuộc khu vực Đông Á/Thái Bình Dương. Trong cuộc họp báo khi vừa đến Bangkok bà Clinton tuyên bố với các nước ASEAN Tôi muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng là Hoa Kỳ đã trở lại”.

     HK trở lại ĐNÁ khi tình hình tại đây trở nên sôi động khi TQ tuyên bố coi biển Đông là vùng “quyền lợi cốt lõi” của họ. Sau đó họ mở các cuộc tập trận hải quân ở biển Đông kéo dài đến tận eo biển Malacca và thực tập oanh tạc các mục tiêu trong vùng đảo Trường Sa. Trước sự “diệu võ dương oai” của TQ, ngày 23/7/2010 tại hội nghị thường niên của ARF diễn ra ở Hà Nội, Ngoại trưởng HK -bà Hillary Clinton tuyên bố: Mỹ chống lại bất cứ quốc gia nào xữ dụng vũ lực ở Biển Đông, vì lẽ HK cũng như các quốc gia khác có quyền lợi thiết yếu về tự do lưu thông trên các thủy lộ và tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển Đông. HK ủng hộ việc quốc tế hóa các tranh chấp về hải phận và ủng hộ các nước muốn giải quyết việc tranh chấp bằng thương thuyết dựa trên cơ sở công ước của LHQ về luật Biển.

   Từ cuối tháng 5/2011, tình hình Biển Đông đột nhiên căng thẳng vì ba tàu hải giám TQ đi vào khu vực hải phận thuộc chủ quyền VN, cắt dây cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 thuộc Tổ họp Dầu khí Quốc gia VN (Petro Vietnam). Hành động này khiến người dân VN phẩn nộ, tổ chức biểu tình chống TQ ở Hà Nội và Sàigòn ngày 5/6/2011. Ba ngày sau, TT Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, và “Nhân dân VN có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”. Sau đó, trong hội nghị “Đối thoại về Chính trị, An ninh và Quốc phòng Việt-Mỹ” lần thứ tư tại Washington ngày 17/6, HK lờ đi việc ủng hộ VN đối phó với TQ, họ chỉ khẳng định “duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế” và "Toàn bộ tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết thông qua một tiến trình ngoại giao hợp tác, không ép buộc hay sử dụng vũ lực”.

    Cũng tại HK,, cuộc hội thảo về An Ninh Hàng hải Biển Đông (Maritime Security in the South) do CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế) tổ chức ngày 20 và 21/6/2011. Tiến sĩ Su Hao, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, trường Đại học Ngoại giao TQ, cáo buộc một số nước láng giềng, điển hình là VN “trước đây đã thừa nhận chủ quyền không chối cãi được của TQ, nhưng bây giờ không những đã đổi ý, mà còn tỏ ra hung hăng, làm leo thang sự căng thẳng trong vùng”. Giám đốc Học viện Ngoại giao VN là Tiến sĩ Đặng Đình Quý đã lên tiếng phản bác lập luận của Su Hao về chủ quyền của TQ ở quần đảo Hoàng Sa. Ông nói thẳng với Su Hao: “Tôi muốn cho quý vị được rõ là vào năm 1974 khi đất nước chúng tôi đang bị chia đôi, trong trận hải chiến Hoàng Sa, quân đội TQ đã dùng vũ lực để cướp đoạt quần đảo Hoàng Sa trong tay quân đội miền Nam VN. Một lần nữa, xin nhắc lại, lúc đó Nam Bắc chia đôi. Chính cuộc chiến này, là minh chứng hùng hồn rằng VN chưa bao giờ thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là của TQ. Đây là dữ kiện vô cùng quan trọng mà chúng tôi muốn ghi vào sử sách”. Tiến Sĩ Ðặng Ðình Quý thừa nhận rằng đây là lần đầu tiên nhà cầm quyền Hà Nội đề cập đến sự kiện lịch sử này.

    Trong cuộc hội thảo trên, Thượng Nghị Sĩ John McCain cho rằng các tuyên bố mở rộng chủ quyền của TQ trên biển Đông “là không có cơ sở luật pháp, và những hành động ngày càng quyết đoán của TQ đang thực hiện để thực thi các quyền tự nhận của họ, gồm cả vùng biển trong phạm vi 200 hải lý ngoài khơi bờ biển của các nước ASEAN, như là trường hợp gần đây liên quan đến VN và Phi Luật Tân… Một số người ở TQ thậm chí còn đề cập đến học thuyết trên như pháp lý chiến tranh”. Vì thế, McCain đề nghị HK hỗ trợ các đối tác ASEAN của mình trong việc giải quyết tranh chấp của họ trên Biển Đông, tăng cường các cuộc tập trận chung với ASEAN ở biển Đông, có khả năng đối phó tốt hơn với các mối đe dọa của TQ. HK cần phải chuyển sức mạnh của lực lượng Mỹ, chú trọng nhiều hơn vào những khu vực cạnh tranh mới trổi dậy, đặc biệt là Ấn Độ Dương và Biển Đông.

    Ngay sau đó, TT Phi Luật Tân Benigno Aquino cho biết Phi cần sự giúp đỡ của Mỹ vì hai bên đã ký hiệp ước An ninh hỗ tương năm 1951. Trong lĩnh vực hợp tác quân sự song phương, HK hứa sẽ giúp đỡ để nâng cao khả năng hoạt động của tình báo Phi Luật Tân trong khu vực Biển Đông. Cam kết này được đưa ra sau cuộc họp giữa ông James Clapper, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Mỹ - NDI và Ngoại trưởng Phi, Albert del Rosario, tại Washington. Ngày 23/06, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã tuyên bố là Washington sẵn sàng cung cấp các thiết bị quân sự, giúp hiện đại hóa lực lượng hải quân của Phi. Hải Quân hai nước đã có kế hoạch mở các cuộc tập trận chung từ cuối tháng 6/2011.

    Còn phần VN, họ không có cơ sở pháp lý nào ràng buộc để có thể kêu gọi sự ủng hộ của HK, trước sự đe dọa của TQ. Năm 1973, HK đã ký HĐ Paris với Hà Nội, điều khoản đầu tiên là “HK và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước VN”. Hai điều khoản áp chót đề cập đến việc HK hòa giải với Hà Nội, giúp VN hàn gắn vết thương chiến tranh và “thiết lập bang giao bình đẳng và cùng có lợi giữa VN với HK”. Nhưng rất tiếc CSVN đã chối bỏ bản hiệp định, thôn tính MNVN bằng bạo lực. Năm 1995, để bày tỏ lòng biết ơn đối với CSVN trong việc giải quyết vấn đề tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh VN, TT Bill Clinton quyết định bình thường hóa bang giao với VN vào ngày 11/7/1995.

    TT Bill Cliton tuyên bố “Bằng việc giúp đưa VN hòa nhập cộng đồng các dân tộc, việc bình thường hóa còn phục vụ lợi ích chúng ta trong việc phấn đấu cho một nước VN tự do hòa bình ở châu Á ổn định và hòa bình. Chúng ta sẽ bắt đầu bình thường hóa quan hệ buôn bán của chúng ta với VN, là nước mà nền kinh tế của họ đang được tự do hóa và hòa nhập vào nền kinh tế của khu vực châu Á-TBD. Chương trình này đòi hỏi phải có sự thừa nhận về các quyền con người trước khi có thể triển khai. Tôi tin rằng việc bình thưng hóa và tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa người Mỹ và người VN sẽ thúc đẩy sự nghiệp tự do ở VN như đã từng diễn ra ở Đông Âu và Liên Xô trước đây. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng việc cuốn người VN vào mặt trận kinh tế rộng lớn của cuộc cải cách kinh tế và mặt trận rộng lớn cải cách dân chủ sẽ giúp tôn vinh sự hy sinh của những người đã chiến đấu vì tự do ở VN. Cho dù chúng ta có thể nghĩ như thế nào đi nữa về những quyết định chính trị của kỷ nguyên VN, những người Mỹ dũng cảm đã chiến đấu và bỏ mình ở đó đều có những động cơ cao cả. Họ đã chiến đấu vì tự do độc lập của nhân dân VN”.

     Cho đến nay, VN vẫn chưa đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của HK, do đó Hà Nội không thể kêu gọi HK giúp đỡ như trường hợp Phi Luật Tân. HK chỉ đưa một vài khu trục hạm đến Đà Nẵng vào tháng tới để cùng Hải quân VN tham gia các “hoạt động cứu nạn” mà thôi. Thấy rõ thế yếu của VN, TQ càng lấn tới, ngày 25/6 Thiếu tướng Bành Quang Khiêm, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Chính sách An ninh Quốc gia, Hội Nghiên cứu Khoa học Chính sách TQ, nói rằng tranh chấp Biển Đông tồn tại từ lâu và tình hình đột nhiên căng thẳng là do VN và Phi Luật Tân gần đây “liên tục khiêu khích.”. Ông ta đe dọa: “TQ từng dạy VN một bài học, nếu VN không chân thành sẽ còn nhận bài học lớn hơn.”

    Cùng ngày 25/6, Thứ trưởng Ngoại giao TQ Thôi Thiên Khải đến Honolulu, y tuyên bố sự can thiệp của Mỹ ở Biển Đông có thể làm tình hình xấu thêm. “Một số quốc gia đang đùa với lửa. Và tôi hy vọng HK không bị chính ngọn lửa này thiêu cháy".  Về phần HK, Campbell Thứ trưởng Ngoại giao HK phụ trách khu vực Đông Á TBD cho biết "Chúng tôi rất quan tâm việc duy trì hòa bình và ổn định. Và chúng tôi đang tìm kiếm đối thoại giữa các quốc gia chủ chốt." Sau đó, Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết "ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp lãnh thổ trên biển và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền”.

    Song song với cuộc họp giữa TQ và HK ở Honolulu, có cuộc họp giữa VN và TQ ở Bắc Kinh. Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao VN đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, chuyển ý kiến của lãnh đạo VN tới lãnh đạo TQ về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây. Ông Hồ Xuân Sơn đã hội đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao TQ Quốc Trương Chí Quân. Hai bên thoả thuận đưa quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện VN-TQ phát triển theo đúng phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt". Hai bên khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông. tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị.

     Đây có thể là kế “dục hoãn cầu mưu” của Hà Nội trước quyết tâm xâm lấn của TQ. Tình thế đất nước đã chin muồi cho một cuộc cách mạng giúp đất nước hồi sinh. Cuộc cách mạng phát xuất từ biến động Biển Đông, tôi xin đặt tên, đó là cuộc Cách mạng hoa Biển Việt Nam, để phân biệt với “Cuộc Cách mạng Nhung” ở Tiệp Khắc năm 1989-1990, thay đổi thế chế chính trị, từ chế độ độc tài CS sang chế độ dân chủ tự do, đa đảng như ở Đông Âu ngày trước và Cách mạng hoa Lài ở Tunisie mấy tháng trước đây. Biển VN chính là biển Đông. CSVN giờ đây không còn đồng minh chí cốt, chỉ có con đường quay về phục vụ Dân tộc, để được toàn thể Dân tộc hậu thuẫn. Vì thế trong bài viết tuần rồi “Biến động Biển Đông: Thời cơ đã chin muồi giúp Dân tộc hồi sinh”, tôi kêu gọi Đảng CSVN phải có quyết định dứt khoát trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội trong tháng Bảy này. Vì “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa VN” và “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”. Các Ủy viên Bộ Chính trị và Trung ương Đảng CSVN đều là dân biểu Quốc hội”.

    Trong quyển hồi ký Thời Đại Của Tôi vừa được phát hành hồi cuối năm vừa qua, tác giả là Giáo sư Vũ Quốc Thúc -một chứng nhân lịch sử lão thành 90 tuổi, đã tham dự và chứng kiến những bước thăng trầm của đất nước trong hơn nửa thế kỷ qua, đã kết luận: “Tương lai đất nước tùy thuộc rất nhiều ở cách suy tư cũng như xử sự của mọi người Việt, đặc biệt của những kẻ đang cầm quyền”.

    Tác giả đã tìm hiểu lịch sử gần như toàn diện, bao gồm cả ba chiều kích: dài, rộng và sâu của thời đại 100 năm qua. Đó là chiều dài của lịch sử. Ngoài ra, mọi diễn biến của lịch sử còn bắt nguồn từ những dữ kiện xảy ra bên ngoài. Phải đề cập đến các yếu tố địa lý - chính trị, tức phải tìm hiểu chiều rộng của lịch sử. Tác giả không những chỉ nhìn chiều dài và chiều rộng của lịch sử, mà còn tìm hiểu cả chiều sâu qua nhiều khía cạnh khác nữa như tâm tư, tình cảm, nguyện vọng…của dân tộc qua các biến cố lớn của đất nước. Với cái nhìn gần như toàn diện, tác giả tin tưởng “mới có thể đến gần với sự thật của lịch sử” để giúp “những người Việt tha thiết với tiền đồ của dân tộc, có trách nhiệm làm mọi cách để ngăn ngừa thảm họa chiến tranh tái diễn trên quê hương đã quá đau khổ của chúng ta”. Paris ngày 24/7/2008 (Vũ Quốc Thúc, Thời Đại Của Tôi, Cuốn I: Nhìn lại 100 năm lịch sử, tr. 394)

    Tâm tư nguyện vọng của đồng bào hiện nay đã thể hiện rõ qua các cuộc biểu tình chống TQ xâm lấn Biển Đông trong suốt 5 ngày Chúa nhật vừa qua. Cùng Bản lên tiếng đề ngày 25/6/2011 của 95 nhân sĩ nổi tiếng như cựu thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền ở Bắc Kinh, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, G/sư Nguyễn Huệ Chi, G/sư Phan Đình Diệu, các ông Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh, Hà Sĩ Phu… các nhân vật MTGPMN và thành phần thứ ba ở Sàigòn trước 1975. Họ lên tiếng “Ủng hộ những phát biểu mạnh mẽ, hợp lòng dân của những nhà lãnh đạo cao nhất của nhà nước VN. Chúng ta yêu chuộng hòa bình, nhưng  kiên quyết không để một tấc đất, một vùng biển, đảo nào lọt vào tay bất cứ một nước ngoài nào như Chủ tịch Nước Cộng Hòa XHCN/VN Nguyễn Minh Triết nhiều lần phát biểu khẳng định. Cũng như tuyên bố ngày 8/6/2011 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 08/06/2011: “Tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ Quốc”, đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam.

    Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân. Vì vậy bên cạnh biện pháp chính trị, quân sự và ngoại giao, biện pháp đấu tranh hiệu quả nhất vẫn là phải dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc, của tất cả mọi người VN yêu nước ở trong nước cũng như ở ngoài nước nhằm chống lại những hành động ngang ngược gây hấn, xăm lấn của nhà cầm quyền TQ, bảo vệ nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc VN mà bao đời ông cha đã gầy dựng, gìn giữ.

    Chúng tôi nghĩ rằng không vì lý do gì ngăn chặn những hành động yêu nước của nhân dân bao gồm các cuộc biểu tình, mít tinh ôn hòa, trật tự của thanh niên, sinh viên học sinh và đồng bào VN trên toàn quốc. Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, nối tiếp biết bao thế hệ cha ông chúng ta đã khắc sâu lời thề: “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”. Dựa vào sức mạnh của nhân dân là chính, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng. Chính nhờ vậy mà Tổ quốc VN chúng ta đã trường tồn và độc lập đến ngày hôm nay”.

    Trên đây là tâm tư nguyện vọng chính đáng của Dân tộc đã được bày tỏ. Chúng ta hãy nhìn lại chiều dài và rộng của lịch sử qua hai cuộc chiến tranh với Mỹ trước 1975 và với TQ tháng Hai/1979.

Chiến tranh với Mỹ: HK can thiệp vào chiến tranh VN và kết thúc nó bằng một hiệp định hòa bình. VN sẽ trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất, hòa bình, dân chủ, tự do, lãnh thổ toàn vẹn được các cường quốc công nhận, thông qua một hội nghị quốc tế có sự tham gia đầy đủ của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo An và sự chứng kiến của ông TTK/LHQ. Khu vực Biển Đông bao gồm các nước khối ASEAN trở thành khu vực hòa bình, tự do và trung lập. Ba cường quốc từng dính líu vào cuộc chiến là HK, LX và TQ từ nay sẽ hợp tác, hữu nghị trong tinh thần hai bên cùng có lợi để cùng phát triển đất nước phồn vinh. Ngày nay, Biển Đông dậy sống vì những tranh chấp giữa TQ với các nước trong khu vực. HK trở lại ĐNÁ cũng để thực hiện những mục tiêu chưa hoàn thành sau cuộc chiến VN kết thúc năm 1975. Lần này HK tìm sự hợp tác quốc phòng với các cường lực lớn về kinh tế lẫn quân sự như Ấn, Nga, Tàu, Nhật, Úc, Tân Tây Lan và khối ASEAN để biến khu vực Đông Á Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong thế kỷ 21.    

 

Chiến tranh với TQ tháng 2/1979: Mục tiêu chiến lược của HK ở ĐNÁ bất thành vì mưu đồ của CSVN muốn thống trị Đông Dương và bành trướng thế lực ở khắp ĐNÁ. Đó là hành động mà TQ gọi là “Tiểu bá quyền khu vực VN liên kết với Đại bá quyền LX” để bao vây TQ và bành trướng thế lực khắp thế giới. Dựa vào đó, Đặng Tiểu Bình quyết định bình thường hóa bang giao với Mỹ và Nhật. Ngay sau đó Đặng đến thăm Mỹ, Nhật và tuyên bố sẽ đánh VN để ngăn chận sự bành trướng ảnh hưởng của LX. Ông xác nhận TQ còn yếu kém về nhiều mặt để yêu cầu HK, Nhật và các nước Tây Âu giúp đỡ TQ thực hiện “Bốn hiện đại hóa”. Để dứt khoát với quá khứ, từ giữa năm 1980, Đặng bắt đầu chiến dịch phê phán Mao Trạch Đông về những sai lầm của ông ta trong kế hoạch “Bước tiến đại nhảy vọt” và “Đại Công xã Nhân dân” năm 1958-1959 khiến hàng chục triệu người chết đói. Sau đó Đặng tấn công cuộc “Cách mạng Văn hóa” của Mao, đồng thời đả kích những người chủ trương tôn thờ Mao.

    Đề cập sự sai lầm của Mao, một sai lầm mà Đặng cho là “không phải nhỏ” song ông khôn khéo nhắc nhỡ các Ủy viên Trung ương Đảng “Khi viết về sai lầm của Mao, chúng ta không nên thái quá, bằng không chúng ta sẽ mất tín nhiệm đồng chí Mao Trạch Đông và điều này có nghĩa là mất tín nhiệm Đảng và Nhà nước ta”. (Thái Trung, Nhìn qua Tuyển Tập Đặng Tiểu Bình, báo Việt Luận Úc châu, 24/5/1985) Do đó, Đại hội Đảng CSTQ lần thứ XII (9/1982) đã kết luận “Công và tội của Mao bằng nhau”. Họ xác nhận lý tưởng Mao là vĩ đại, nhưng vì đường lối thực hiện sai lầm, nên phải “phi Mao” tức bỏ Mao. Từ đó Đặng từ bỏ con đưởng “tả khuynh” của Mao để thực hiện con đường “hữu khuynh”, xây dựng nền kinh tế thị trường theo khuôn mẫu tư bản để phát triển TQ.

    Sau khi “phi Mao” (nghĩa là bất tín nhiệm Mao và Đảng CSTQ), báo chí TQ lại phê phán giáo điều Mác Lê không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội của TQ ngày nay. Nhật báo Bắc Kinh ngày 7/12/1984 đã viết: “Marx chết đây 101 năm, tác phẩm của ông được viết ra hơn một thế kỷ trước. Có nhiều điều mà Marx, Engels và ngay cả Lenin cũng chưa từng có kinh nghiệm. Chúng ta không thể trông cậy vào tác phẩm của Marx hay Lenin của thời trước để giải quyết các vấn đề của thời này”. (Trung Cộng có từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê hay không? Bài của ký giả Arnold Beichman Báo Los Angeles Times, Việt Luận Úc châu 01/3/1985) Hơn hai thập niên trước, lãnh tụ Xô Viết Khruschev cũng dùng lập luận này để biện minh cho đường lối xét lại của ông.

    Qua những dẫn chứng trên cho thấy, Đặng Tiểu Bình là mẫu người lãnh đạo có đầu óc thực dụng. Ông đã lợi dụng thời cơ, tấn công CSVN để thực hiện mưu đồ chiến lược: vừa nhờ vã HK để hiện đại hóa đất nước, vừa góp phần với HK để hạ LX. Cũng như LX từng hợp tác với Mỹ trong Thế chiến II, để sau đó chia ảnh hưởng với HK. Từ 1985, khi LX sắp sụp đổ, lãnh tụ cuối cùng là Mikhail Gorbachev liền hòa hoãn với Mỹ để tranh thủ thời cơ thực hiện cuộc Cách mạng đổi mới. Ông tu chính Hiến pháp, đề ra các biện pháp cải cách chính trị một cách sâu rộng như chế độ tổng thống được thành lập, vai trò lãnh đạo của Đảng CS bị hủy bỏ, hệ thống đa đảng được chấp nhận ở LX.   

     Điều đáng tiếc là CSVN, vẫn chưa thức tỉnh. Hành động sai lầm của họ từ sau 1975 đã đưa thế giới CS đi vào con đường cáo chung. Đặng Tiểu Bình thức thời, sớm nương dựa vào Mỹ để TQ tồn tại và phát triển thành một siêu cường về kinh tế. Còn LX dù đã sụp đổ, song Gorbachev vẫn duy trì mối thân tình với cựu TT Reagan. Khi người bạn đối nhiệm của mình. qua đời, Gorbachev đã đích thân đến Mỹ tiển đưa ông đến nơi yên nghĩ cuối cùng. Trong 10 năm sau ngày LX sụp đổ, HK đã viện trợ nhiều chục tỉ đôla giúp TT Boris Yelsin đưa nước Nga vượt qua các khó khăn trong thời hậu cộng sản.  

     Những người lãnh đạo Đảng CSLX như Gorbachev, Yelsin…đã nhận thức được sai lầm của Marx, Lenin và Stalin. Báo Pravda, cơ quan ngôn luận của Đảng CSLX, năm 1988, đã nói thẳng: “70 năm Cộng sản cầm quyền ở Liên Xô là thời kỳ chuyên chính phá hoại”. Đặng Tiểu Bình đã “phi Mao” và từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê. Đáng lẽ CSVN cũng theo con đường của hai đàn anh, nhưng rất tiếc họ lại quay về cầu hòa với TQ, dù hai bên đã nặng lời chữi bới nhau. VN lên án TQ phản bội. TQ dạy VN bài học vì vong ân bội nghĩa. Hậu quả từ năm 1990 nhiều phần lãnh thổ ở biên giới và vịnh Bắc Bộ lọt vào tay TQ. Và nay, Biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành huyện Tam Sa của TQ. Rồi đây VN có nguy cơ trở thành “thuộc địa kiểu mới” của TQ vì những người lãnh đạo Đảng CSVN sẳn sàng bán đứng quyền lợi dân tộc để Đảng CSVN giữ quyền độc tôn lãnh đạo.

     Nguy cơ bị TQ tấn công đang hiện trước mắt. Chủ trương cố hữu của CSVN: dựa vào cường lực này để chống cường lực kia, đã giúp CSVN tồn tại từ 1949 đến nay, nhưng giờ đây không còn hữu hiệu nữa. Tìm chỗ dựa vào Mỹ để bảo vệ Biển Đông, Mỹ cũng không chấp nhận. Còn “dựa vào TQ chống Mỹ” thì bị “hố” một lần hồi năm 1990 vì TQ đâu còn chủ trương chống Mỹ nữa! Cựu TT Phạm Văn Đồng đã từng than vãn: “mình đã dại, đã hố rồi”. Hậu quả là năm 1999 và 2000 TQ ép VN ký hiệp ước về biên giới và vịnh Bắc Bộ rất bất lợi cho VN. Ngày nay TQ vẫn còn lệ thuộc và dựa vào HK thì chủ trương “dựa vào TQ chống Mỹ” là hành động phá hoại thế chiến lược sống còn của TQ và chiến lược Đông Á Thái Bình Dương của Mỹ.

   

      Thế lực của TQ trong vài ba thập niên tới cũng chưa thể mạnh, để có thể đương đầu với Mỹ. Do đó, TQ vẫn theo con đường cũ, tiếp tục hợp tác với Mỹ để phát triển. Năm 1954, hợp tác với Mỹ để chấm dứt chiến tranh ĐD lần thứ 1 nên được Mỹ chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị với 4 thành viên thường trực HĐBA là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, dù TQ chưa phải là hội viên LHQ. Năm 1972, hợp tác với Mỹ để chấm dứt chiến tranh ĐD lần thứ hai, tức chiến tranh VN, nên được Mỹ không xữ dùng phủ quyết giúp TQ gia nhập LHQ và trở thành Ủy viên thường trực HĐBA. Năm 1979 hợp tác với Mỹ để kết thúc chiến tranh lạnh và kết thúc chiến tranh ĐD lần thứ ba, được Mỹ giúp đỡ để hiện đại hóa TQ và ngày nay trở thành một siêu cường kinh tế, chỉ đứng sau HK. Cả ba lần, chỉ vì quyền lợi dân tộc, TQ đều phản bội CSVN. Sự kiện này được ghi trong sách “Sự thật về quan hệ VN và TQ trong 30 năm qua”, “là văn kiện quan trọng của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa VN được công bố ngày 4//10/1979 nhằm vạch trần bộ mặt phản động của bọn bành trướng Bắc Kinh đối với nước ta trong suốt một thời gian dài. Cuốn sách này gồm toàn văn bản văn kiện nói trên”. (Trích nguyên văn chú dẫn của Nhà Xuất Bản Sự Thật Hà Nội tháng 10 năm 1979)    

 

   Rồi đây, cũng vì quyền lợi dân tộc, Biến động ở Biển Đông sẽ được TQ giải quyết êm đẹp, bằng sự thỏa thuận ngầm với HK để hy sinh CSVN lần thứ tư. Bắc Kinh dựa vào Công hàm năm 1958 của TT Phạm Văn Đồng để gây sự, trong khi VN không có đồng minh yểm trợ. Chỉ còn dựa vào thế dân tộc như lời khuyến cáo của 95 nhân sĩ trong Bản lên tiếng của họ. Và đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi của Đảng CS. Tôi tin tưởng Quốc hội VN trong khóa họp đầu tiên vào hạ tuần tháng Bảy này sẽ phải có một quyết định, có thể gọi là cách mạng triệt để: Xóa bỏ quyền độc tôn lãnh đạo của Đảng CS (điều 4) trong Hiến pháp 1992.

    Một khi Đảng CSVN không còn lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN ra nghị quyết giải tán Đảng CSVN như ông Hồ Chí Minh đã từng giải tán Đảng CS Đông Dương ngày 11/11/1945. Lần này cũng vì các lý do như năm 1945: “Vì tình hình quốc tế trong giai đoạn đấu tranh quyết liệt để bảo vệ Biển Đông (thay vì để củng cố nền độc lập nước nhà, hồi 1945). Cần thực hiện ý chí đoàn kết toàn dân thành một khối không phân biệt giai cấp và đảng phái, đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên quyền lợi của Đảng và giai cấp”.

 

    Một chính phủ VN dân chủ tự do sẽ dễ dàng thảo luận song phương với TQ về quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh đã cưỡng đoạt từ tay VNCH hồi đầu năm 1974. Và cũng dễ dàng hợp tác với khối ASEAN đàm phán đa phương với TQ về quần đảo Trường Sa theo Luật biển của LHQ 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

   Việc thảo luận với TQ để thu hồi quần đảo Hoàng Sa có nhiều triển vọng thành công. Tại sao TQ đánh chiếm HS của VNCH, một đồng minh của HK sau khi mối quan hệ giữa TQ với HK vừa mới hình thành? Ngày trước tôi chỉ nghĩ rằng TQ chớp thời cơ lúc VNCH cô thế, TT Nguyễn Văn Thiệu không muốn hợp tác với HK để củng cố MN tự do phát triển trong thời bình. Nhưng nay nghiên cứu lại lịch sử, tôi thấy việc đánh chiếm Hoàng Sa là ý đồ của TQ muốn vun bồi mối quan hệ mới với HK. Đánh chiếm HS là để cảnh cáo TT Thiệu. Nếu VNCH vẫn tiếp tục đi ngược lại chủ trương của HK, thì cuối cùng MN tự do sẽ rơi vào tay CS.

   Chiều ngày 17/1/1974, Ngoại trưởng VNCH Vương Văn Bắc lên tiếng tố cáo trước dư luận quốc tế việc TC đã vi phạm chủ quyền VNCH trên quần đảo Hoàng Sa. Bản tuyên bố viết: “Ngày 11/1/1974 Bộ Ngoại giao TC bổng nhiên lên tiếng mạo nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VNCH. Ngay ngày hôm sau, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VNCH đã bác bỏ đòi hỏi vô căn cứ đó. TC không những đã không rút lại đòi hỏi vô lý của mình, lại còn ngang nhiên xâm phạm vào chủ quyền lãnh thổ VNCH bằng cách cho tàu và người xâm nhập vào vùng lãnh hải chung quanh các đảo Cam Tuyền (Robert) Quang Hòa (Duncan) Duy Mộng (Drummond) thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracels Islands) của VNCH. Thậm chí bọn người này còn dám đặt chân lên các hòn đảo này, dựng chòi và kéo cờ TC, trắng trọn chà đạp lên chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VNCH.

     Trước những vi phạm đó, Chính phủ và nhân dân VNCH rất công phẫn và quyết không dung thứ. Sự kiện các quần đảo HS và TS là những phần tử bất khả phân của lãnh thổ VNCH là một sự kiện hiển nhiên và không chối cãi được, căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử và pháp lý quốc tế”.

   Trong quyển On China của Tiến sĩ Kissinger vừa mới phát hành, đã tiết lộ chủ trương của TC khi giúp CSVN chống Mỹ, sau đó lại hợp tác với Mỹ để chấm dứt chiến tranh VN. Chủ trương của TQ là mong muốn VN trở lại nguyên trạng cũ tức bị phân đôi, tương tự như Triều Tiên sau khi Kim Nhật Thành xua quân vượt vĩ tuyến 38 để thống nhất TT hồi giữa năm 1950. Sự hiện hữu của CSVN ở miền Bắc VN là bảo đảm an ninh cho TQ ở mạn Nam, trong khi quân đội HK đã rút khỏi miền Nam tự do. Ý đồ này bất thành, vì sau khi thống nhất VN, Hà Nội liền đứng về Liên Xô, hình thành thế bao vây TC ở mặt Nam. Vì thế TC mới tấn công VN hồi năm 1979.

   Mới đây, Giáo sư Ngô Kiến Dân (Wu Jianmin) từng là một viên chức ngoại giao cao cấp của TQ, nguyên là đại sứ TQ ở Hoà Lan, Pháp và LHQ, giám đốc Học viện Ngoại giao TQ. Nay đã về hưu, làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế ở Thượng Hải. Trong bài tựa đề “Việc TQ tự kiềm chế trong vấn đề tranh chấp Nam Hải là thể hiện sự tự tin” phổ biến trên các mạng ngày 22/6 vừa qua, đã viết: “Tôi nhìn bản đồ, không tin vào những điều chính phủ nói. TQ bắt đầu từ thời Minh đã thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng, đời Thanh cũng vậy, trước nay đâu có phát triển ra biển. Vậy mà nay lại vẽ bản đồ ra xa đến tận cửa nhà người khác như vậy. Tôi không tin trong lịch sử TQ đã có những nơi đó”. Ông nhận xét tiếp “nói thật lòng, là người TQ tôi dĩ nhiên cho rằng Nam Hải là của TQ, nhưng sau khi hiểu rõ tình hình và nhìn kỹ bản đồ, tôi mới phát hiện ra rằng TQ cần rút ra khỏi cuộc tranh chấp với VN và các nước ĐNÁ. Nam Hải cách TQ xa nhưng gần với họ quá. Nếu Nam Hải thật sự trở thành của TQ thì nói hơi ngoa một chút, người nước họ bơi ra biển là đã xuất ngoại, xâm phạm lãnh hải nước khác ư?” Ông là một trong 5 học giả được tờ Global Times (Thời báo Toàn cầu -phụ bản tiếng Anh của tờ Nhân dân Nhật báo, tiếng nói chính thức của Đảng CSTQ phỏng vấn ngày 20/6.

 

   Đảng CSVN là nguyên nhân tạo ra chiến tranh trường kỳ kéo dài từ 1946 đến 1989 tại Đông Dương (43 năm). Cuộc chiến đã làm cho các cường quốc xung đột với nhau nặng nề, gây bất ổn định cho cả vùng ĐNÁ. Vì thế ĐD là nơi duy nhất mà trong hạ bán thế kỷ 20 vừa qua đã có 4 hội nghị quốc tế được triệu tập với sự tham dự đầy đủ của 5 cường quốc Hội đồng Bảo An: đó là hội nghị Genève 1954 về Đông Dương. Hội nghị Genève 1962 về Lào. Hội nghị Paris 1973 về VN và Hội nghị Paris 1991 về Cam Bốt.

   Giờ đây CSVN mong muốn xung đột lại xảy ra ở Biển Đông giữa HK và TQ, vì đó là chủ trương cố hữu giúp họ duy trì quyền lực. Vì thế TQ sẽ liên tục khống chế Biển Đông để VN phải sớm từ bỏ chủ nghĩa CS. Như vậy TQ đã tiếp tay giúp HK thực sự kết thúc cuộc chiến VN. Đó là cuộc chiến mà Giáo sư Carlyle A. Thayer -một chuyên gia hàng đầu về VN tại Học viện Quốc phòng Úc Đại Lợi, đã nhận định là Cuộc chiến cách tân VN khỏi chủ nghĩa CS.  (Lê Quế Lâm, Báo Việt Luận số 2551 Thứ Sáu 6/5/2011)

   TT Boris Yelsin đã tuyên bố trên đài ABC (HK) khi chế độ CS vừa sụp đổ ở Nga hồi tháng 8/1991: “Chủ nghĩa CS là một thảm kịch cho dân tộc chúng tôi. Kinh nghiệm lịch sử cho phép chúng tôi kết luận một cách quả quyết rằng mô thức xã hội chủ nghĩa đã thất bại. Tôi tin rằng đây không chỉ là một bài học đối với riêng chúng tôi mà còn cho cả các dân tộc khác nữa”. Một trong các dân tộc khác nữa, chính là VN một quốc gia đã rập khuôn theo kiểu LX. Rồi đây, VN cũng sẽ tuyên bố với thế giới: “Chủ nghĩa CS là một thảm họa cho dân tộc VN chúng tôi, CS không những gây ra chiến tranh giết hại trên ba triệu đồng bào, mà tạo ra mối hận thù dân tộc, gây hận thù và mâu thuẫn giữa các cường quốc, khiến đất nước tụt hậu nặng nề, đạo đức suy đồi, xã hội đảo điên, kinh tế đổ nát, nhân quyền bị chà đạp, lãnh thổ quốc gia bị kẻ thù phương Bắc xâm lấn…”

    Làm thế nào để thúc đẩy sự chuyển hóa đất nước từ chuyên chính sang dân chủ một cách êm đẹp là ước vọng của đồng bào trong và ngoài nước từ bấy lâu nay. Đó là bước đầu để tạo dựng một nền dân chủ đích thực tại VN, trong đó các nhân quyền và quyền tự do căn bản của người dân phải được tôn trọng. Nay do cơ trời xui khiến, ước vọng của toàn dân đã xuất hiện. Các quốc gia đều đặt lợi ích của dân tộc mình lên trên hết. Biến động Biển Đông là thời cơ giúp những người lãnh đạo Đảng CSVN quay về phục vụ quyền lợi dân tộc, tự nguyện từ bỏ quyền lực và giải tán Đảng CS. Nếu chần chờ, nhân dân cũng phải hành động để cứu nước. Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân sẽ đứng về phía nhân dân để bảo vệ quê hương! Chả lẽ họ lại đàn áp đồng bào để ủng hộ TQ xâm lấn đất nước hay sao? Đảng CSVN giải tán sẽ mở đầu giai đoạn giúp dân tộc hồi sinh, vừa giữ được tình hữu nghị với TQ lẫn HK vì đã góp phần đắc lực với hai siêu cường kinh tế hình thành khu vực Đông Á TBD hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh trong thế kỷ 21.

                                                                                                  Lê Quế Lâm