Home Tin Tức Bình Luận Cựu TGĐ IMF Strauss-Kahn: Đang chuẩn bị phản pháo

Cựu TGĐ IMF Strauss-Kahn: Đang chuẩn bị phản pháo PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Hải – Nguyên Linh (tổng hợp)   
Thứ Hai, 18 Tháng 7 Năm 2011 08:28

Trước mắt, ông Strauss-Kahn cùng nhóm luật sư sẽ phải tiếp tục chống lại cú đòn của nữ nhà báo Tristane bằng chính cuộc "phản pháo" của mình.

Tristane Banon và Strauss-Kahn

Trong khi giới phân tích và bình luận nhìn thấy vùng sáng cho con đường chính trị đã mở ra với cựu Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn sau phán quyết của Tòa án New York cho phép ông từ 1/7 không còn bị quản thúc và có khả năng trắng án trong "nghi án cưỡng đoạt hầu phòng", thì ngay lập tức nữ phóng viên - nhà văn người Pháp Tristane Banon chính thức tố cáo việc Kahn định cưỡng hiếp cô từ hồi năm 2003, khi cô 23 tuổi.

Đây liệu có phải là một cú đánh "bồi" trong loạt "đánh hội đồng" trút xuống đầu Strauss-Kahn hay không, người ta còn chưa rõ. Tuy nhiên, Strauss-Kahn và các luật sư của ông đang chuẩn bị một kế hoạch kiện ngược lại nữ "nạn nhân" đâm đơn kiện ông.

Một cú "đánh bồi"?

Các đồng minh của ông Strauss-Kahn trong đảng Xã hội Pháp hôm 3/7 tuyên bố ứng cử viên của họ có thể trở lại cuộc đua cho vị trí tổng thống nước này nếu được tuyên vô tội. Phán quyết của Tòa án New York hôm 30/6 như một bước ngoặt cho tình thế của ông Kahn. Nếu lần này thật sự được miễn tội, ông có thể mở một chiến dịch truyền thông rầm rộ để nêu bật hình ảnh "người chính trực bị cài bẫy". Khi đó, ông sẽ tranh thủ được tình cảm và lòng trắc ẩn của cử tri nhiều hơn và cơ hội của ông sẽ còn lớn hơn. Như BBC dẫn lời cựu Thủ tướng thuộc đảng Xã hội Lionel Jospin nói: "Nếu chúng ta đặt giả thuyết rằng Strauss-Kahn được miễn mọi tội danh thì khả năng ông ấy ra tranh cử sẽ được xem xét nghiêm túc".

Lúc này người ta chắc hẳn buộc phải đặt dấu hỏi, vì sao đúng vào thời điểm này khi mọi cơn sóng giận dữ của dư luận với Strauss-Kahn đã lắng xuống khi dần dần những sự kiện và chi tiết vụ việc được làm sáng tỏ, thì cô nhà báo Tristane Banon lại ra mặt lên tiếng? Khi mà mọi người dần dần nhận ra có "dấu hiệu không bình thường", thậm chí gian dối từ vụ tố cáo cưỡng hiếp của cô hầu phòng, cũng như nhân thân và các mối quan hệ không mấy tốt đẹp của cô ta lộ ra, khi mà công luận cảm thấy rất có thể Strauss-Kahn đang nỗ lực để thoát ra được "cái bẫy" mà ai đó tinh vi dựng lên thì lại có một cú đòn đánh "bồi" nữa.

Đúng là ngay sau sự kiện nữ hầu phòng tố cáo Strauss-Kahn cưỡng hiếp cô ta ở khách sạn New York thì Tristane cũng đã "kể thêm" với báo chí về câu chuyện "cùng nội dung" của mình. Tuy nhiên, khi đó là câu chuyện chưa chính thức. Còn bây giờ, tại thời điểm Strauss-Kahn  gần như sắp rũ bỏ được nghi án ô nhục này, khi thanh danh của ông đã lấy lại được ít nhiều và những người ủng hộ đang tiếp tục hy vọng khả năng ông có thể có cơ hội quay lại chính trường Pháp thì cú đòn của Tristane dường như quá thâm hiểm.

Trong cuộc phỏng vấn đăng trên báo L'Express của Pháp hôm 5/7, Tristane giải thích vì sao lại tiếp tục theo đuổi vụ kiện Strauss-Kahn. Người phụ nữ này thanh minh rằng, đáng lẽ cô và luật sư đã đưa đơn kiện từ tháng 5, nhưng họ tạm dừng lại vì không muốn đan xen vào vụ án của nữ hầu phòng New York. Họ muốn câu chuyện của mình hoàn toàn tách biệt. Thêm nữa, luật sư Koubbi nói rằng thân chủ mình không tố cáo vụ việc ngay lúc đó bởi mẹ cô khuyên không nên làm vậy.  Còn giờ đây là bởi Tristane quá bức xúc: "Khi nhìn thấy Strauss-Kahn được tự do, ăn tối tại một nhà hàng sang trọng với bạn bè, tôi thấy phát tởm. Đó là điều không thể chấp nhận nổi. Và tôi quyết định kiện".

Theo Tristane, hồi năm 2003 cô ta sắp đặt một cuộc hẹn với Strauss-Kahn để phỏng vấn ông cho cuốn sách mới của mình mang tên “Admitted Mistakes”. Đó là một phần ý tưởng để các chính trị gia nói về những sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của họ. Tristane nói rằng, Strauss-Kahn hẹn cô gặp ông ta tại một nơi mà sau này cô mới biết là một căn hộ trống. Chỉ duy nhất một chiếc giường và một máy quay phim. Banon nói, cô rất ngạc nhiên khi được hẹn gặp ở đó, bởi cô biết Kahn sống và làm việc ở đâu. Theo lời cô, Kahn nhất quyết đòi cô vừa nắm tay ông vừa phỏng vấn. Từ nắm tay dần chuyển sang các đụng chạm thân thể khác và Strauss-Kahn càng trở nên quyết liệt. Họ vật lộn trên sàn và cô đã đẩy được ông ta ra để thoát thân.

Người ta nhớ lại Banon từng công khai miêu tả việc mình bị Strauss-Kahn tấn công như thế nào trong một chương trình truyền hình Pháp vào năm 2007. Tuy nhiên khi đó, vụ việc được cho là xảy ra vào năm 2002, thay vì 2003 như lời khai hiện tại của cô. Lại một lần nữa, người ta thấy có dấu hiệu "tiền hậu bất nhất" trong lời tố cáo của những người được xem là "nạn nhân" của ông Kahn. Tuy nhiên, thực hư ra sao sẽ còn phải có thời gian để các nhà chức trách bắt tay vào việc.
Trong khi đó theo AP, các luật sư của Strauss-Kahn tuyên bố câu chuyện của Banon là "hoàn toàn tưởng tượng". Theo ABC News, ông Strauss-Kahn đang cùng các luật sư lên kế hoạch để kiện nữ phóng viên kiêm nhà văn người Pháp Tristane Banon vì tuyên bố sai sự thật một cách trắng trợn này.

                          Tristane Banon và luật sư David Koubbi

"Âm mưu" hay "gài bẫy"?

Ngay từ đầu nghi án "cô hầu phòng", cựu lãnh đạo IMF và người ủng hộ vẫn khẳng định ông bị gài bẫy và nay càng có nhiều người tin vào điều này khi các nhà điều tra phát hiện nhiều điểm đáng nghi về "nạn nhân" - Nafissatou Diallo. Ngoài việc cô này liên tục thay đổi lời khai, người ta còn nghi ngờ cô ta dính líu đến các hoạt động buôn bán ma túy và rửa tiền. Và đáng nói nhất mối quan hệ mờ ám giữa Diallo và một người đàn ông đang ở tù vì tội sở hữu hơn 180 kg cần sa cùng các cuộc điện thoại đầy rẫy những toan tính. Do đó mặc dù cuộc điều tra vẫn sẽ tiếp tục, nhưng nhiều ý kiến cho rằng vụ án sẽ bị hủy.

Cùng lúc với việc xuất hiện đơn kiện của nữ nhà báo Tristane Banon thì làn sóng ở Pháp đã bày tỏ sự giận dữ với việc những thuyết âm mưu trong vụ án tấn công tình dục của ông Dominique Strauss-Kahn tái xuất hiện. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Claude Gueant hôm 4/7 đã lên án những lời bóng gió xuất phát từ hai đồng minh trong đảng Xã hội của ông Strauss-Kahn là Michele Sebban và nghị sĩ Francois Loncle. Bà Sebban từng tuyên bố vụ bắt giữ ông Strauss-Kahn là "một vụ ám sát chính trị" khi bóng gió rằng ban giám đốc của khách sạn Sofitel (thuộc sở hữu của Tập đoàn Pháp Accor) đã đồng lõa trong vụ này.

Bà cũng dẫn lại những tường thuật của báo chí Mỹ về mối quan hệ thân mật giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Cảnh sát trưởng New York Ray Kelly. Tuy nhiên, ông Gueant bác bỏ trên kênh truyền hình France 2 hôm 4/7, rằng: "Những gì họ đang nói thật sự lố bịch". "Đó là những cáo buộc ghê tởm. Hoàn toàn không có chuyện một người ở Pháp lại có thể thao túng ngành tư pháp ở Mỹ", ông Gueant nói thêm.

Theo AFP, Cơ quan Tình báo Pháp (DCRI) phủ nhận mọi vai trò trong vụ bắt giữ ông Strauss-Kahn. Đồng thời Tập đoàn Accor cũng đưa ra một thông báo phủ nhận bất kỳ sự dính líu của họ và cảnh báo những cáo buộc trên có thể cấu thành "tội phỉ báng".
Trước mắt, ông Strauss-Kahn cùng nhóm luật sư sẽ phải tiếp tục chống lại cú đòn của nữ nhà báo Tristane bằng chính cuộc "phản pháo" của mình. Nhóm luật sư quả quyết rằng họ có đầy đủ chứng cứ để bác bỏ cáo buộc của cô nhà báo, đồng thời đang chuẩn bị kế hoạch kiện lại cô ta vì tội vu khống trắng trợn. Còn ông Pierre Moscovici, thành viên cao cấp của đảng Xã hội và là đồng minh của ông Strauss-Kahn nói với kênh BFMTV rằng: "Tôi cho rằng đây là một cái bẫy hơn là một âm mưu. Nếu xác định được đây là một sai lầm tư pháp như tôi tin tưởng, chúng ta sẽ tìm hiểu thấu đáo điều gì đã xảy ra và "cái bẫy" được gài như thế nào"