Home Tin Tức Bình Luận Bài học lịch sử: "Cách Mạng Tháng 8-1945"

Bài học lịch sử: "Cách Mạng Tháng 8-1945" PDF Print E-mail
Tác Giả: Thiện Ý   
Thứ Sáu, 19 Tháng 8 Năm 2011 01:21

Sau khi tiêu diệt được phe quốc gia, Việt Minh tức Việt Cộng đã độc chiếm chính phủ lâm thời, độc quyền và chủ đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp


Hàng năm, tùy tình hình và nhu cầu tuyên truyền chính trị thực tế, Việt Cộng thường tổ chức có mức độ khoa trương, kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8 hay Cách Mạng Mùa Thu, vì xẩy ra vào Mùa Thu 1945, như một ngày Lễ Lớn trong năm. Vậy thực chất của cuộc cách mạng này là gì, vì sao Việt Cộng kỷ niệm ăn mừng, còn người Việt Quốc Gia thì chỉ coi như một biến cố lịch sử quan trọng, và bài học lịch sử cần rút ra những kinh nghiệm nào, rút ra cho ai ?

Trước hết, như quý thính giả và độc giả đã biết, trong Thế Chiến II ( 1939-1945) Việt Nam cũng không thoát khỏi tham vọng xâm lăng của quân phiệt Nhật thuộc Phe Trục, gồm Ðức, Ý, Nhật, đối đầu với phe Ðồng Minh là Mỹ, Anh, Pháp, Nga. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật Ðảo Chính Pháp, chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim được thành lập, tạm thời chấm dứt 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, nhưng lại rơi vào thế kìm kẹp của Quân Phiệt Nhật, với chủ nghĩa Ðại Ðông Á  và khẩu hiệu tuyên truyền lừa mị ‘‘ Châu Á của người Á Châu’’. Trong thời khoảng này, sử gia Phạm Văn Sơn đã ghi nhận:
‘‘ Các đảng phái quốc gia đối với cuộc chuyển biến chính trị này và nội các Trần Trọng Kim đều có vẻ dè dặt, nhất là đối với người Nhật tuy vẫn có sự giao thiệp công khai với họ. Riêng có mặt trận Việt Minh là hoạt động hơn cả. Họ tuyên truyền ầm ĩ trong dân chúng, ám sát một số mật thám của chính phủ Pháp và tung ra khẩu hiệu ‘‘ Ðánh Nhật đuổi Pháp’’. Giữa lúc này dân chúng Việt Nam đã bắt đầu đánh nhiều dấu hỏi về nền độc lập vừa trao cho họ trước sự lủng củng giữa chính phủ Trần và Ðại Bản Doanh Thiên Hoàng, sau khi đã xẩy ra một vài việc bất đồng ý kiến’’.

Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Ðồng Minh sau khi Hoa Kỳ ném hai trái móm nguyên tử hủy diệt hai thành phố Hirosima và Nagazaki của Nhật. Tình hình lúc này, vẫn theo sử gia Phạm Văn Sơn, thì tại Bắc Việt hai lực lượng Cách Mạng Quốc Gia và Cộng Sản tranh nhau cướp chính quyền.

Một bên là  ‘‘ Ðại Việt Quốc Gia Liên Minh, một mặt trận quốc gia gồm nhiều đảng phái và quan trọng hơn cả là Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Ðại Việt Quốc Xã của các ông Nhượng Tống, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn văn Tiến v. v . . .’’

Bên kia là  ‘‘ Mặt Trận Việt Minh do các lãnh tụ Ðông Dương Cộng Sản đảng là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp điều khiển. Dân chúng hướng cả về các lực lượng và trong khi Việt Nam như là cái nhà bỏ ngỏ, dĩ nhiên ai vào trước thì người ấy làm chủ. Việt Minh nhờ có nhiều kỹ thuật đãu tranh cách mạng và thủ đoạn sâu sắc, đã đi bước trước giành được chính quyền, sau khi tổ chức được nhiều cuộc biểu tình cổ động quần chúng từ ngày 15 tháng 8 năm 1945 đến ngày 19 tháng 8 năm 1945, nắm được hậu thuẫn của các tầng lớp dân chúng’’.

Có thể nói đây là thời kỳ xung đột quyết liệt và đẫm máu nhất giữa các chính đảng mang ý thức hệ quốc gia dân tộc với đảng Cộng Sản Việt Nam theo ý thức hệ Marxism, để giành chính quyền. Thời kỳ này đảng Cộng Sản Việt Nam còn rất yếu kém so với lực lượng các chính đảng Quốc Gia, nên Hồ Chí Minh sau cùng đã phải chấp nhận thành lập một chính phủ liên hiệp Quốc Cộng, khai sinh ra chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, sau khi Vua Bảo Ðại thoái vị ngày 25 tháng 8 và chính phủ Trần Trọng Kim bị giải tán.Ộng Hồ Chí Minh nắm chức Chủ Tịch Chính Phủ Lâm Thời, Cụ Nguyễn Hải Thần được cử làm Phó Chủ Tịch, Ông Nguyễn Tường Tam tức nhà văn Nhất Linh giữ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao, Trương Ðình Tri làm Bộ Trưởng Y Tế, Chu Bá Phượng coi Bộ kinh Tế. Còn các Bộ quan trọng khác như Quốc Phòng, Nội Vụ, Thông Tin do phía Việt Minh nắm giữ.

Trong Quốc Hội Liên Hiệp hình thành sau đó vào  đầu năm 1946, Việt Nam Quốc Dân Ðảng và các đảng phái Quốc Gia, kể cả Ðồng Minh Hội chỉ giữ 70 ghế trong cuộc bầu cử ngày 6 tháng 1 năm 1946 do Việt Cộng đạo diễn. Theo nhận định của sử gia Phạm Văn sơn, thì đây chỉ là một cuộc hợp tác bất đắc dĩ về phía Việt Minh, để Hồ chí Minh dễ dàng ký kết Hiệp Ðịnh Sơ Bộ Ngày 6 Tháng 3 Năm 1946. Ðồng thời có  thời gian củng cố uy thế quay lại tiêu diệt các chính đảng quốc gia và những nhà ái quốc Việt Nam không tuân phục Việt Minh.

Ðể củng cố uy thế về mặt cơ chế tổ chức chính quyền, ngày 27-5-1946, Hồ chí Minh cho thành lập Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam để nắm giai cấp công nhân. Ngày 29-5-1946 thành lập Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam, tức Mặt Trận Liên Việt, tiền thân của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, một tổ chức ngoại vi của Ðảng Cộng Sản Việt Nam để nắm quần chúng. Ngày 11-8-1946 cho thành lập đảng Xã Hội Việt Nam để trang trí bộ mặt dân chủ giả hiệu cho một chế độ thực chất là độc tài đảng trị phản dân chủ. Mặt khác, để tiêu diệt các đảng phái quốc gia trên bình diện pháp lý, ngày 5-9-1946 Hồ chí Minh đã ký sắc lệnh giải tán các tổ chức gọi là tay sai  Nhật như Ðại Việt Quốc Gia Xã Hội đảng, Ðại Việt Quốc Dân Ðảng. Một sắc lệnh khác ngày 12-9-1946 giải tán Việt Nam Hưng Quốc Thanh Niên và Việt Nam Ái Quốc Hội. Phản ánh ý đồ đen tối của Việt Cộng trong thời khoảng này, cuốn ‘‘Lịch sử Việt Nam( 1945-1975)’’ do nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 1987 đã viết
‘‘Những năm 1945, 1946 tình hình chính trị trong nước rất phức tạp nên ngoài việc trấn áp bọn phản cách mạng, Chính Phủ Lâm Thời cũng có biện pháp tạm thời thỏa hiệp, đưa một vài đại diện của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Việt Nam Cách Mạng Ðồng Chí Hội như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Trương Ðình Tri tham gia vào chính phủ lâm thời’’.

Quả đúng như nhận định của sử gia Phạm Văn Sơn, ngay sau khi ký được Hiệp Ước Sơ Bộ ngày 6-3-1946, Việt Minh liền dốc toàn lực tiêu diệt Việt nam Quốc Dân đảng và các đảng phái quốc gia khác. Bởi vì Hiệp Ước Sơ Bộ này chỉ có lợi cho hai phe thực dân Pháp và cộng sản Việt Nam, nhưng hoàn toàn bất lợi cho người quốc gia Việt Nam.

Việt Minh nhờ Hiệp Ðịnh Sơ Bộ Mùng 6 tháng 3, đã loại được quân Tàu vốn hậu thuẫn cho Việt nam Quốc Dân Ðảng và các đảng phái quốc gia, củng cố được thế chính quyền để tiêu diệt phe quốc gia, bất động được các nước đồng minh vì đã thừa nhận chính phủ lâm thời Việt Nam do Hồ Chí Minh cầm đầu. Ðối với thực dân Pháp thì toan tính, nhờ Hiệp Ðịnh Sơ Bộ, Pháp đưa quân vào được Bắc Việt, giúp cho cộng sản thành lập được chính phủ, thì sau này Trung Hoa và Mỹ sẽ không còn lý do can thiệp vào Việt Nam. Bởi Pháp chủ quan tin rằng với ưu thế quân sự có thể đè bẹp được Việt Minh trong ít tháng. Với Hiệp Ðịnh Sơ Bộ, Việt Nam nằm trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp, người Pháp nghĩ rằng họ sẽ uy hiếp được Việt Minh. Do đó, thực tế ngay lúc đó, Pháp đã có hành động hợp tác với Việt Minh tiêu diệt phe quốc gia một cách tận tình. Bởi vì phe quốc gia vốn là thù nghịch cố hữu của Pháp và nay thêm thù nghịch với Việt Minh nữa.

Chính vì những lợi ích vừa kể, theo sự tính toán của Pháp, mà Pháp đã đồng tình với Việt Minh, thu xếp cho phe quốc gia cùng ký vào Hiệp Ðịnh Sơ Bộ Mùng 6 tháng 3 năm 1946, để tránh sự phiền phức với đồng minh, là Pháp có thể bị coi là đã hợp tác với một chính phủ cộng sản. Vì hiểu dụng ý trên đây của thực dân Pháp và Cộng Sản Việt Nam, nên hai Ông Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tan đã kịp lánh mặt vượt thoát qua Tàu. Ông Vũ Hồng Khanh, một trong những lãnh tụ hàng đãu Việt Nam Quốc Dân Ðảng còn ở lại trong nước, đã ký tên vào Sơ Ước, để rồi phải gánh chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước quốc dân và trước chính đảng của Ông. Theo nhận định của sử gia Phạm Văn Sơn, thì ‘ ‘ Sơ  Ước 6-3 thành tựu đã là cái hố chôn vùi sự nghiệp của những người quốc gia ở đây và làm đảo lộn cả tình thế chính trị đang có lợi chung’’.

Sau khi tiêu diệt được phe quốc gia, Việt Minh tức Việt Cộng đã độc chiếm chính phủ lâm thời, độc quyền và chủ đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp( 1945-1954). Và như thế, đến đây chắc quý thính giả và độc giả cũng biết đâu là bài học lịch sử cần rút ra từ Cách Mạng Tháng 8 Mùa Thu theo cách gọi của những người Cộng Sản Việt Nam, và ai là những người cần phải rút ra bài học lịch sử này để vận dụng vào cuộc đãu tranh chống độc tài cộng sản hiện nay, để thành đạt mục tiêu tối hậu là xây dựng Tự Do Dân Chủ và phát triển toàn diện đất nước mai hậu.

Thiện Ý - Houston, ngày 12 tháng 8 năm 2011