Home Tin Tức Bình Luận Bầu cử 2012, ai thắng?

Bầu cử 2012, ai thắng? PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt Nguyên   
Thứ Sáu, 19 Tháng 8 Năm 2011 19:08

Màn đầu vở kịch ngân sách giữa hai Ðảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã đóng.

 Phản ứng xấu đến từ mọi giới, nặng nhất là thị trường chứng khoán, rớt hơn 1.000 điểm từ ngày quốc hội bắt đầu tranh luận cho đến sau ngày Tổng Thống Obama ký đạo luật.
Cuộc khủng hoảng tài chánh trở nên trầm trọng hơn. Tổng Thống Barack Obama giống như nhân vật Steve Rogers, Captain America, phim thu nhập nhiều nhất vào cuối tuần. Người hùng được chích huyết tương lớn mạnh, siêu nhân, sức mạnh của người khổng lồ, huyền thoại hóa trong năm tranh cử 2008 nay sau 30 tháng cầm quyền trở về con người thật, nhỏ lại trước thực tế!
Hợp tác nhân nhượng?
Ngày 2 tháng 8, 2011, TT Obama ký đạo luật ngân sách tăng trần nợ lên 2.4 ngàn tỷ Mỹ kim, đã gọi đây là “sự hợp tác nhân nhượng giữa hai đảng và nhờ dân chúng đã gọi đến dân biểu Cộng hòa kêu gọi tinh thần trách nhiệm của họ.” Ông như người sống trong mơ, hoặc cố tình nói sai sự thật. Ðạo luật là một thành công của Ðảng Cộng Hòa, họ đạt được 80% điều họ muốn, giới hạn nợ không cho phép chính quyền tiêu xài đòi nợ lên đến 14 ngàn tỷ Mỹ kim. Trong các quốc gia trên thế giới, chỉ có Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất đặt vấn đề giới hạn nợ từ năm 1917 để quân bình sức mạnh chính trị giữa hai đảng. Ðạo luật đã được ký giống như là hiệp định hòa bình tạm thời có nhiều bước giữa hai đảng. TT Obama hầu như đứng ngoài cuộc tranh chấp, vắng mặt trong những buổi tranh luận. Ông có món võ lợi hại nhưng không sử dụng: quyền phủ quyết của hiến pháp dành cho ông để có thể có một đạo luật như ý muốn, quyền này chỉ có thể đổi ngược lại với 2/3 số phiếu của cả hai viện, và quyết định tăng thuế sẽ làm cho hạ viện, đa số là cộng hòa, tự chia rẽ vì ông Boehner không phải là lãnh tụ có quyền tuyệt đối với các dân biểu mới của Ðảng Cộng Hòa.
Ðạo luật hưu chiến tạm thời giải quyết nợ để Hoa Kỳ không quỵt nợ. Ðảng Trà thắng. Trong vòng hai năm, tiêu xài phung phí của chính phủ bị cắt 2 ngàn 500 tỷ Mỹ kim, không tăng tiền thuế. Tháng 11, 2011, màn kịch thứ hai sẽ tiếp diễn, các ủy ban sẽ được thành lập, chi phí sẽ bị tiếp tục cắt. TT Obama thừa nhận “đây là mức tiêu xài thấp nhất từ thời Tổng Thống Eisenhower” trong khi Hoa Kỳ đông dân hơn, số người già gia tăng, chi phí y tế gia tăng khác với thời TT Eisenhower. TT Obama đã nhượng bộ Ðảng Cộng Hòa, chiến trường sẽ sôi động hơn vào năm tới, năm tranh cử nhưng thiệt hại đã xảy ra. Các chương trình liên bang bị cắt giảm từ quốc phòng đến chi phí các chương trình xã hội, y tế, Medicare cho người già, Medicaid cho người nghèo và an sinh xã hội.
Trong vòng mười năm, Hoa Kỳ sẽ cắt giảm gần 400 tỷ chi phí quốc phòng, mỗi năm 40 tỷ (trong khi Bắc Kinh tăng 12.7% ngân sách quốc phòng năm 2012). Ngôn ngữ của đạo luật không rõ “an ninh quốc gia, chi phí quốc phòng, chi phí Bộ Nội An, vũ khí nguyên tử, viện trợ quân sự cho các nước bạn v.v... Thiệt hại rõ nhất là thế giới không còn tin Hoa Kỳ sẽ lãnh đạo thế giới ra khỏi cơn khủng hoảng. Thời đại Obama là thời đại Hoa Kỳ chấm dứt ảnh hưởng quân sự. Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan, không xây dựng quốc gia ở ngoài mà trở về nước để xây dựng lại Hoa Kỳ. Viện trợ giới hạn cho “Mùa Xuân Á Rập” và Libya; không chương trình viện trợ mới kiểu Marshall. Khối NATO có lẽ sẽ cay đắng học “bài học chiến tranh Việt Nam” ở Bắc Phi?
Trung Cộng lợi dụng sự phân hóa giữa hai đảng ở Hoa Thịnh Ðốn lên giọng bá quyền dạy dỗ Hoa Kỳ đang sống nguy hiểm vô trách nhiệm, tự quảng cáo mô hình kinh tế Trung Quốc siêu việt. Cái đảng cộng sản che giấu tham nhũng, vô trách nhiệm xây đường xe lửa tốc hành Thượng Hải-Bắc Kinh vội vàng gây ra tai nạn thảm khốc, đi theo con đường Tân Quốc Xã đã cảnh cáo “dân Hoa Kỳ phải sống trong tầm tay, chữa bệnh nghiền nợ, kêu gọi cắt chương trình quốc phòng và cả các chương trình xã hội.” Bản tin Tân Hoa Xã với giọng xấc xược “Trung Hoa là chủ nợ lớn có quyền yêu cầu Hoa Kỳ”! Trên thực tế là Trung Hoa đã phát triển kinh tế nhờ dân Mỹ tiêu xài và Hoa Kỳ đã đưa công việc qua Trung Hoa để 9 ủy viên trung ương đảng có hơn một tỷ nô lệ. Trung Cộng đang trên đường mất hai thị trường Âu Châu và Hoa Kỳ. Giá trị công khố phiếu giảm nhưng Trung cộng không thể bán con số 2/3 ngân khố phiếu trong tay (trên 2 ngàn tỷ) trong một ngày và màn kịch từng màn ở Hoa Thịnh Ðốn làm giảm giá trị đồng Mỹ kim, tăng giá đồng Nguyên sẽ khiến Trung Cộng khó xuất khẩu hành hóa made in China. Trong ba năm qua Trung Cộng nói chuyện hợp tác nhưng đã không hợp tác với Hoa Kỳ trong chính sách tiền tệ, nay họ phải nhận lãnh hậu quả. Ðồng Mỹ kim xuống giá sẽ làm Trung Cộng suy sụp. Giai đoạn thịnh vượng nhờ chính sách của Nixon Kissinger đang bước qua giai đoạn mới. Hoa Kỳ đang đánh Trung Cộng bằng chính sách tiền tệ thay vì bằng chính sách quân sự.
 
Ðảng nào thắng cử năm 2012?
 
Hồi tháng 6, 2011, Dân Biểu Henry Waxman bang California nói với TT Obama ở Tòa Bạch Ốc rằng: các đảng viên Ðảng Cộng Hòa nói: “Tổng thống sẽ chun vào động, nếu tổng thống trốn vào động xin cho chúng tôi biết.” TT Obama đã nói: “Tôi là tổng thống Hoa Kỳ, những lời tôi nói tôi sẽ giữ.” Nhưng ông đã không giữ lời hứa. Từ tháng 4 ông đã muốn giảm nợ 4 ngàn tỷ Mỹ kim giống như Ðảng Cộng Hòa. Với đạo luật mới, cắt chi phí và chương trình xã hội, TT Obama đã làm mất lòng các đảng viên Ðảng Dân Chủ. Số người Mỹ ủng hộ xuống dưới 40%. Ðối với cử tri trung lập số ủng hộ ông từ 40% xuống dưới 30%. Những người trẻ không còn ủng hộ ông như trước. Bộ mặt ông trong ba năm trở nên quen thuộc “không thay đổi, không hy vọng.” Hai ông Obama hiện rõ, một Obama huyền thoại, tự hào của giới trẻ và thiểu số, một tổng thống da đen đầu tiên và một Obama với các chương trình đối nội đối ngoại thất bại. Ðảng Cộng hòa có thêm hy vọng nhưng cuộc bầu cử còn hơn một năm và chính trị Hoa Kỳ cũng như chính trị trên thế giới thay đổi nhanh chóng trong thế kỷ 21.
Qua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010, Ðảng Cộng Hòa toàn thắng. Với 7 ghế thượng viện, 63 ghế mới ở hạ viện, nhiều thống đốc và dân biểu mới, Ðảng Cộng Hòa thừa thắng xông lên đẩy TT Obama “vào động.” Nhờ vào quyết định của Tối Cao Pháp Viện, Citizens United, Ðảng Cộng Hòa nhận được tiền vận động tranh cử từ các đại công ty, với số tiền này bộ mặt chính trị Mỹ thay đổi từ cấp tiểu bang nhưng Ðảng Cộng Hòa cũng tự thay đổi từ sau thời Tổng Thống Richard Nixon, không còn là Ðảng Cộng Hòa thành lập năm 1946 “tiếng nói của người Mỹ bình thường.” Năm nay Ðảng Cộng Hòa còn thay đổi vì sự xuất hiện của Ðảng Trà một đảng không trụ sở, không ban điều hành, nhưng đã đưa 60 dân biểu mới vào Hạ Viện. Ðảng có ảnh hưởng trên bảy ứng cử viên chính thức cho đến giờ phút này: Michele Bachmann, New Gingrich, John Huntsman, Ron Paul, Tim Pawlenty, Mitt Romney và Rick Santorum. Một đảng viên đáng giá, thống đốc Texas Rick Perry mới làm lễ cầu nguyện quốc thái dân an cho xứ Mỹ nhưng chưa cầu Chúa cho ông làm tổng thống.
Trong 7 ứng cử viên, hai ông Mitt Romney và John Huntsman có vẻ sáng giá nhất cả hai đều theo đạo tin lành Evangelicals đạo Mormons. Ông Romney chống TT Obama nhưng chương trình y tế bắt buộc của bang Massachussetts là mô hình của Obamacare còn ông Huntsman là Cộng Hòa nhưng được TT Obama chọn là đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Hoa, ông nói được tiếng Quan Thoại khó lòng được Ðảng Cộng Hòa tự hào yêu nước chấp nhận trong lúc Hoa Kỳ và Trung Cộng đang có chiến tranh lạnh. Bà Bachmann trên con đường đang lên đứng sau ông Romney, thuộc Ðảng Trà sẽ không đứng vững nếu bà Sarah Palin quyết định tranh cử.
Ngoài lợi thế của quyết định “citizens united” Ðảng Cộng Hòa còn tìm cách đẩy TT Obama vào thế kẹt ở mức độ tiểu bang. 29 tiểu bang dưới sự kiểm soát của Ðảng Cộng Hòa đòi cử tri phải trình thẻ kiểm tra để ngăn chặn số người đi bầu sớm và những cử tri có lợi tức thấp. Các tiểu bang này đang theo bước hai tiểu bang Ohio và Wisconsin cấm các công đoàn tham dự chính trị. Vẽ lại bản đồ cử tri năm 2010 cũng giúp Ðảng Cộng Hòa trong mùa tranh cử năm 2012.
TT Obama bước vào mùa tranh cử với một tỷ Mỹ kim trong quỹ vận động so với 100 triệu Mỹ kim năm 2010 của American Crossroads, American Action Networks và Phòng thương mại Hoa Kỳ đóng cho Ðảng Cộng Hòa. Bộ máy tranh cử của TT Obama làm việc hiệu quả. Facebook của TT Obama có 20 triệu “bạn” với đầy đủ địa chỉ như thư điện tử và điện thoại cầm tay, “text” và “Twitter” mỗi ngày.
Kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010 cho thấy dân Mỹ bất mãn với chính sách và lập trường của Tổng Thống Obama từ Guantanamo cho đến chương trình kinh tế nhất là sự thất bại về chương trình tạo công ăn việc làm nhưng điều khác biệt quan trọng nhất giữa năm 2010 và 2012 là số người đi bầu.
Theo ông Larry Sabato, Ðại Học Virginia, số người đi bầu tổng thống khác với số người đi bầu giữa nhiệm kỳ. Trong số cử tri có ba nhóm người, một nhóm 40% luôn luôn đi bầu, một nhóm 40% không bao giờ đi bầu còn 20% chỉ đi bầu năm chọn tổng thống. Con số người đi bầu này tùy thuộc vào sự vận động. Năm 2010 số người đi bầu 20 điểm dưới số người đi bầu tổng thống hai năm trước nhất là số cử tri Ðảng Dân Chủ đi bầu đã ít hơn số cử tri Ðảng Cộng Hòa nhiều do đó cử tri năm 2010 nghiêng về Ðảng Cộng Hòa: người già, da trắng, bảo thủ v.v... Số người trẻ tuổi, số cử tri mới, nhất là sinh viên và dân thiểu số chờ đợi tên tuổi Obama trong danh sách ứng cử viên tổng thống để đi bầu. Mặc dù họ thất vọng với TT Obama đã không thay đổi nhưng Cộng Hòa Dân Chủ năm 2011 có những lập trường chính trị xã hội “da beo” khiến cử tri không còn nhận ra cá tính rõ của hai đảng.
Dân Mỹ chán TT Obama, nhưng có một yếu tố quyết định khác, nếu người ta nhìn lại cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai của TT George W.Bush. Khi dân Mỹ và Ðảng Dân chủ nghĩ TT Bush sẽ không tái đắc cử thì những người trung thành với ông Bush đã rủ nhau đi bầu để ông có “cơ hội hoàn tất các chương trình của ông” - “Let him finish his job.” Gỡ hết mọi rối rắm do ông ấy gây ra. Yếu tố ấy nghiêng về TT Barack Obama năm 2012.
Cuộc đụng độ giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa giống như những trận chiến phức tạp trong thế kỷ 21, quan điểm lẫn lộn, thù bạn lẫn lộn như trong “Harry Potter và những linh vật” khi Voldemort giết hụt Harry Potter “linh hồn của Voldemort vỡ thành nhiều mảnh, một phần nhập vào Harry Potter giúp móc nối được với suy tướng của thần Voldemort.”