Giã Từ Tháng Chín 2011 |
Tác Giả: Trần Củng Sơn | |||||
Chúa Nhật, 02 Tháng 10 Năm 2011 07:46 | |||||
Tháng Chín năm nay thế giới có một tin tức nổi cộm, đó là chủ tịch nhà nước Palestine ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đọc diễn văn yêu cầu tổ chức này chấp nhận Palestine là một quốc gia, và sau đó ông Mahmound Abbas chính thức nộp đơn xin gia nhập LHQ.
Mặc dù ngày 21-9-2011, tổng thống Obama của Hoa Kỳ đã lên tiếng rằng Hoa Kỳ sẽ phủ quyết đơn xin gia nhập của Palestine và ông nói là không thể cắt ngắn tiến trình giải quyết hòa bình giữa Do Thái và Palestine, hai bên phải cần thương thuyết nhiều hơn nữa để đạt thỏa hiệp cuối cùng. Lời tuyên bố của tổng thống Obama được dân Do Thái ủng hộ và dĩ nhiên là làm cho dân Palestine cùng một số quốc gia Ả Rập thất vọng. Trước đó, ngày 19/5/2011 cũng chính Obama đã ủng hộ Palestine khi tuyên bố rằng cuộc thương thảo giữa hai bên phải dựa trên vấn đề biên giới trước cuộc chiến năm 1967 khi mà Do Thái đưa quân đánh chiếm một phần đất đai của phe Ả Rập. Người ta ngạc nhiên rằng tại sao tổng thống Obama lại có lập trường lạ lùng như vậy, dám chọc giận người Do Thái. Và quả nhiên người Mỹ gốc Do Thái đã có hành động trả đũa. Cuộc bầu cử đặc biệt ngày 14-9-2011 chọn dân biểu liên bang đơn vị 9 của New York, nơi cử tri Đảng Dân Chủ đa số và có nhiều cử tri gốc Do Thái với kết quả là Bob Turner của Đảng Cộng Hòa đã thắng. Đây là một kết quả kinh ngạc vì chiếc ghế dân biểu liên bang này do Đảng Dân Chủ nắm giữ từ mấy chục năm nay. Và rõ ràng là một đòn dằn mặt tổng thống Obama, coi chừng cũng sẽ bị thất cử vào năm tới 2012. Đòn dằn mặt này đã có hiệu quả và Obama phải thay đổi lập trường về vấn đề Do Thái- Palestine. Lý do mà Obama đã tuyên bố ủng hộ Palestine có lẽ là muốn lấy lòng phe Hồi Giáo, muốn giải tỏa nghiệp chướng cho nước Mỹ từ mấy chục năm nay. Câu hỏi vẫn ray rức trong lòng người dân Hoa Kỳ là tại sao phe Hồi Giáo lại thù nước Mỹ đến như thế, điển hình qua vụ khủng bố 9-11-2001. Phải chăng chỉ vì Mỹ ủng hộ Do Thái trong vấn đề Trung Đông? Nhưng tại sao Mỹ lại ủng hộ Do Thái, lý do cũng rất rõ ràng là người Mỹ gốc Do Thái rất có thế lực tại quốc gia này, họ có thế lực trong ngành tài chánh ngân hàng và truyền thông. Đa số các dân biểu nghị sĩ và tổng thống khi ra tranh cử đều phải dựa vào sự ủng hộ tài chánh và giới truyền thông, cho nên ít có chính trị gia nào mà không nể mặt người Do Thái. Câu chuyện về thế lực của tài phiệt Do Thái ảnh hưởng tới chính trường Hoa Kỳ đã có từ nhiều năm nay, cứ tưởng chỉ là truyền thuyết tưởng tượng, nhưng hôm nay đã minh chứng rõ ràng trong diễn biến chính trị tháng 9-2011. Và vấn đề Palestine – Do Thái cứ nghĩ là sẽ được giải quyết nhưng rồi câu chuyện đối nghịch vẫn còn đó. Cỡ quyền hành to lớn của một tổng thống Mỹ như Obama mà vẫn bó tay vì các áp lực; thế mới biết giữa lập trường và hành động đôi khi khoảng cách rất xa vời. Là người Mỹ gốc Việt Nam ưu tư về vận mệnh quê nhà trước hiểm họa xâm lấn của Trung quốc thì sức mạnh của người Mỹ gốc Do Thái là một tấm gương sáng. Dân Việt sinh sống tại Hoa Kỳ phải giàu mạnh, phải làm ăn buôn bán phát triển, phải có tiền bạc dồi dào rồi thì mới vận động, ảnh hưởng lên chính trị Mỹ để mà hỗ trợ cho đấu tranh tại quê nhà. Bao nhiêu năm qua, người Việt tị nạn hải ngoại đã gởi về trong nước hàng chục hàng trăm tỉ đô la cho người thân và rốt cuộc số tiền này chạy vòng vòng vào tay nhà nước và cán bộ để hôm nay cán bộ và con buôn thời cơ trở nên giàu có mà đất nước cũng chẳng phát triển bao nhiêu, độc tài tham nhũng vẫn còn nhiều. Nếu như mà gom lại số tiền hàng tỉ đô la của người Việt hải ngoại để tập trung xây dựng những công trình lớn về sản xuất thì sẽ giúp ích cho Việt Nam rất nhiều. Rất tiếc, đây chỉ là trên lý thuyết mà không thể thực hành được. Nhà nước Việt Cộng chưa thực tâm muốn hòa giải với người dân hải ngoại thuộc Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa, để vận dụng sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc Tiên Rồng. Có lẽ phải đợi vài chục năm nữa, thời gian phôi phai và thế hệ kế tiếp làm công tác hòa giải này. Như vậy thì đánh mất cơ hội tốt để mau chóng giúp đất nước Việt Nam phát triển trong một bối cảnh cạnh tranh của thế giới và sức ép của đế quốc phương Bắc. Tuy vậy, cộng đồng hải ngoại, nhất là cộng đồng tại Hoa Kỳ vẫn là một thế lực đáng kể mà Hà Nội vẫn phải coi trọng, muốn phân hóa và lợi dụng. Giã từ tháng chín 2011, mùa thu đã đến trên nhiều vùng đất của quả địa cầu ( trừ nước Úc), các tiểu bang miền lạnh thì lá vàng lá đỏ cho khung cảnh nên thơ. Tiểu bang California thì vẫn chưa thấy mùa thu, nạn thất nghiệp của tiểu bang được coi là đông dân nhất, giàu mạnh nhất nước Mỹ khoảng 12% và kéo dài mấy năm liền làm người dân mệt mỏi, chán nản. Giới nghiên cứu kinh tế đưa ra lý do là hàng hóa Trung quốc giá rẻ tràn ngập thị trường làm những cơ sở sản xuất của Mỹ đóng cửa vì không cạnh tranh nổi và hàng triệu công nhân Mỹ mất việc làm. Họ cho là chính quyền Bắc Kinh đã hạ thấp giá trị đồng Nhân dân tệ của họ so với thực tế để hàng hóa giá rẻ mà xuất khẩu qua Mỹ và thế giới. Do đó Thượng Viện Hoa Kỳ sẽ biểu quyết một dự luật nhằm đưa ra những biện pháp chống trả việc này. Tuy vậy Nhà Trắng đưa ra ý kiến chống đối vụ biểu quyết này và dự kiến dự luật nếu đưa ra Hạ Viện thì sẽ bị phe Cộng Hòa bác luôn. Sở dĩ như vậy vì giới kinh doanh Hoa Kỳ mở hãng xưởng tại Trung Quốc sẽ bị thiệt hại và có sự lo ngại là Trung quốc sẽ trả đũa. Tóm lại, lúc nào cũng có phe bênh phe chống dành cho một dự luật, và bên nào cũng đưa ra lý lẽ để tranh cãi. Một thí dụ cho việc không cạnh tranh nổi với hàng Trung quốc là hãng Solyndra ở Fremont, Bắc California chuyên sản xuất sản phẩm liên quan đến kỹ nghệ năng lượng mặt trời đã phá sản vào ngày 5-9-2011, mặc dù được liên bang tài trợ nữa tỉ đô la. Mấy ngàn nhân viên mất việc, trong đó có một số người Việt Nam. Giã từ tháng chín 2011, cộng đồng người Việt tại Mỹ xôn xao với tin tức hai phụ nữ Việt Nam bị sát hại. Cô Michelle Le, 26 tuổi, một sinh viên y tá mất tích cách đây mấy tháng đã được cảnh sát tìm thấy xác chôn trong một bụi rậm thuộc thành phố Sunol, Bắc California. Thủ phạm là cô bạn học cũng gốc Á châu, cô này ghen vì nghi nạn nhân có tình ý với bạn trai của thủ phạm nên ra tay giết chết. Ôi lòng thù hận vì cơn ghen tình ái thật khủng khiếp. Một phụ nữ khác là Cindy Nguyễn Hữu Chinh 53 tuổi, một nhà địa ốc nổi tiếng ở San Jose trong lúc đậu xe giữa trưa ở thương xá Plant, xe bị hư gọi điện thoại về văn phòng nhờ bạn tới câu bình điện dùm. Bạn chuẩn bị tới thì cô này gọi lại nói là có người đàn ông tới giúp đỡ nên không cần bạn tới. Và từ giây phút đó, mất tích luôn cho đến khi cảnh sát thông báo đã tìm được xác trong một chung cư. Thủ phạm đã cướp xe và bắt Cindy Nguyễn theo, sự kiện này làm giới phụ nữ trong cộng đồng Việt hoảng sợ. Điều đáng chú ý là thủ phạm khi trình diện trước tòa án đã ứa lệ vì hối hận, thật khó hiểu nổi. Một buổi thắp nến cầu nguyện cho Cindy Nguyễn tổ chức tại địa điểm xe bị cướp, tối thứ sáu 23-9-2011, qui tụ hơn hai ngàn đồng hương tham dự, trở thành sự kiện đáng nhớ. Giã từ tháng chín 2011, mùa thu Hà Nội năm nay đã không còn có những cuộc biểu tình chống Trung Quốc lấn chiếm biển đảo nữa. Bắt đầu từ chủ nhật 5-6-2011 và kéo dài được 11 lần với sự tham dự của một số trí thức tên tuổi cùng giới trẻ tạo nên một sinh hoạt công cộng mới mẻ trong lòng chế độ Cộng sản. Luật pháp của Việt Cộng không cho phép biểu tình, nhưng tình thế đã thay đổi cho nên mới đây thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra đề nghị nên có luật biểu tình và giao cho Bộ Công An soạn thảo. Có ý kiến cho là luật biểu tình sẽ tạo bước tiến dân chủ cho người dân thể hiện tiếng nói, có ý kiến cho là giao Bộ Công An soạn thảo thì sẽ có các điều kiện khó khăn cho người biểu tình. Và phải chờ xem. Giã từ tháng chín 2011. Xin nụ cười của người bạn thất nghiệp hơn hai năm qua.
|