Home Tin Tức Bình Luận Hồn al-Qaida Đã Tan Hết

Hồn al-Qaida Đã Tan Hết PDF Print E-mail
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh   
Thứ Năm, 06 Tháng 10 Năm 2011 05:01

Osama bin Laden đã chết. Bin Laden đệ nhị cũng không có. Nhưng hồn ma Chủ tướng đoàn quân khủng bố al-Qaida có vẻ vẫn còn và ở ngay một nơi rất quan trọng cho tình hình Trung Đông là nước Yemen miền Nam của bán đảo Á rập.        

                                      al-Awlaki

Vậy mà cuối tuần trước một tin hấp dẫn là chính cái hồn ma quái đản đã bỏ trần thế mà xuống bị nhốt ở địa ngục, trong một trận đánh lớn ở Yemen.

Hồn ma là một người như mọi người, hắn chỉ xuất hiện trên mạng lưới toàn cầu Internet để điều khiển quân khủng bố al-Qaida tấn công quân đội của chính phủ Yemen. Tên hắn là al-Awlaki, từ mạng lưới Internet hắn hô hào người đạo Hồi ở Yemen cũng như mọi người Hồi giáo trên khắp thế giới phải tiếp tục “jihad” tức thánh chiến để trừ khử những kẻ nào chống lại đạo Hồi kể cả những người không theo đạo Hồi.

Và quái đản hơn nữa, al-Awlaki là công dân Mỹ, có quốc tịch Mỹ và đã đi học ở Mỹ. Hắn năm nay 40 tuổi, có cha mẹ gốc Á rập định cư ở Mỹ nên sinh ra con tự nhiên được có quốc tịch Mỹ. Vụ này CIA Mỹ đã biết từ lâu. Sự can thiệp của quân đội Mỹ vào cuộc xung đột ở Yemen có giới hạn, nhưng phần lớn sử dụng một võ khí tối tân là “drone” tức phi cơ không người lái. Chính một chiếc drone của Mỹ bay trên trời đã bắn một hỏa tiễn vào một chiếc xe hơi có 3 người ở ngay gần mặt trận giao tranh giữa quân chính phủ và quân al-Qaida. Chiếc xe nổ tung và cả 3 người, trong đó có Al-Awlaki đều chết.

Chiếc “drone” của CIA đã cất cánh từ một căn cứ bí mật của Mỹ trên bán đảo Á rập và từ đó bay đến Yemen. Lúc lâm trận ở Yemen chiếc drone bắn ra một loạt những phi đạn tối tân là Hellfire. Cái chết của Al-Awlaki đến vào đúng lúc cuộc khủng hoảng chính trị ở Yemen đã trở thành gay go nhất. Yemen là nước nghèo nhất trong thế giới Á rập, nơi đây Tổng Thống Ali Abdullah Saleh đã nhiều lần chống lại những lời yêu cầu đòi ông nên từ chức.  Saleh cãi lại rằng ông là yếu tố cần thiết để Mỹ tăng nỗ lực đánh bọn al-Qaida ở Yemen, nhưng các giới chức Mỹ nói không có sự liên hệ gì giữa việc Saleh đột nhiên trở về Yemen từ Á rập Sê-út nơi ông đang dưỡng những vết thương do một mưu toan ám sát ông tuần trước.

Sự căng thẳng hiện nay, ngoài vụ al-Qaida ở Yemen là mối bất hòa giữa các thành phần chính trị ở trong nước. Đó là vấn đề xây dựng dân chủ. Trong thế giới Á rập ngày nay nói chung, người ta phải hiểu một thực tế là con đuờng xây dựng dân chủ là một con đường dài đầy rẫy khó khăn, hiểm trở, không phải dễ dàng như người ta tưởng.

Trong thế giới Á rập đã có những cuộc bầu cử tự do như Tunisia và Ai Cập. Trong khi họ đang đi vào việc xây dựng những cơ cấu dân chủ, nhiều sự chua chát đã xẩy ra ở nhiều nước khác.

Tờ New York Times đã nêu ra một tựa đề lớn: “Phản kháng mọc ra khắp hoàn cầu trong khi niềm tin vào lá phiếu tàn dần”. Báo nêu ra những thí dụ như ở Ấn Độ, Israel, Bahrain và Tây Ban Nha. Ngoài ra cũng có chuyện bực bội về lá phiếu bầu như ở Nga và Iraq. Tại Iraq, nguời ta đã thấy một sự khích động lớn trong dân chúng về cuộc bầu cử đầu tiên năm 2005. Vậy mà kế tiếp sau đó những cuộc chém giết và các vụ tham nhũng khổng lồ diễn ra khiến người dân mất hết tin tuởng vào bầu cử.

Michael Mandelbaum, một nhà bác học về chính trị ghi nhận: “Các nước đã tham gia vào sự thức tỉnh của thế giới Á rập, vẫn hi vọng rất nhiều về sức mạnh của lá phiếu. Nếu bạn không có tự do, bạn đừng có coi thường về tương lai. Những nước tranh đấu gay go để loại trừ những người lãnh đạo độc đoán như ở Tunisia, Ai Cập và Libya – và những người còn tranh đấu ở Yemen, Bahrain và Syria, mong ước được tự chọn lấy người lãnh đạo của họ”.       

Người ta đã thấy ở nước nào không có một lịch sử về dân chủ đều có mong ước cao và rồi cũng có thất vọng thấm thía. Dân trong các nước đang phát triển tin rằng chế độ dân chủ sẽ bảo đảm cho một mức sống cao ở trong nước họ. Tại nước Nga sau khi chế độ Cộng sản hết thời, dân Nga tin rằng chế độ dân chủ sẽ đem lại cho họ một mức sống cao. Vào khoảng cuối Thế kỷ 20, dân Nga rất mừng được có quyền đi bầu một chế độ dân chủ. Nhưng chỉ đến đầu Thế kỷ 21, họ thấy bất ổn vì những tranh chấp bè phái làm hại đến phát triển kinh tế, kể cả nạn tham nhũng lan rộng.

Để được ổn định họ lại mong có một chế độ độc đoán với một số tự do cá nhân. Họ có thể chấp nhận cả tham nhũng nữa nếu họ được chia phần những quyền lợi về các giếng dầu. Tất cả những thay đổi về lập trường và suy tư như vậy có gì lạ"

Chúng tôi thiết nghĩ loài người chúng ta trên Trái Đất này đã đi đến năm thứ 11 của Thế kỷ 21. So với những thời từ nhiều thế kỷ trước, bộ óc của chúng ta càng ngày càng tiến mau và tiến mạnh. Chỉ trong một hay hai Thế kỷ tới, sự sống của con người sẽ khác hẳn ngày nay.