Home Tin Tức Bình Luận Đường đến Thiên Cung

Đường đến Thiên Cung PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Hải   
Thứ Bảy, 08 Tháng 10 Năm 2011 04:37

 Thứ Năm tuần qua (29.9.2011) Trung Quốc đã phóng trạm không gian Thiên Cung I lên không gian.

Trạm được hoả tiễn đẩy Trường Chinh 2 đưa vào quỹ đạo và đây là bước khởi đầu của Trung Quốc để xây dựng một trạm không gian đầy đủ vào năm 2020.       

                                        Thiên cung I lên dàn phóng

        Thiên Cung 1 nặng 8.5 tấn, dài 10.4m, đường kính phần rộng nhất 3.35m, tạo ra một phòng rộng 15 mét vuông đủ cho hai hoặc ba phi hành gia sống và làm việc. Thiên Cung 1 sẽ bay quanh Trái đất trong hai tháng để đợi phi thuyền không người lái Thần Châu 8. Sau đó sẽ có hai phi thuyền có người lái - Thần Châu 9 và 10 được phóng trong năm 2012.
        Như vậy, chiến lược “ba bước chinh phục không gian” của Trung Quốc đã thành công hai bước, sau bước một là phóng tàu Thần Châu V vào ngày 14.10.2003. Đến bước thứ ba là sẽ xây dựng được một trạm không gian có quy mô lớn trong những năm đầu thập kỉ 2020.
        Sự kiện này có ý nghĩa cho “niềm kiêu hãnh Trung Quốc” nên cả chủ tịch Hồ Cẩm Đào lẫn Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều đến dự.
        
        Chỉ là kiêu hãnh thôi?
        
        Con người vốn là “tù nhân” của quả đất, vượt khỏi thân phận “tù nhân” này là một niềm tự hào lớn, nó chứng tỏ sức mạnh trí tuệ và sức mạnh kinh tế của một quốc gia. Là một quốc gia hạng “chuẩn siêu cường”, Trung Quốc đang cố chứng tỏ tư thế siêu cường của mình.
        Theo Giáo sư Andrew Coates, làm việc tại Viện Khoa học Không gian, thuộc University College London thì mục đích chính của các cuộc thám hiểm vũ trụ đều nhằm phô trương sức mạnh hơn là mục đích khoa học.
        Ông minh chứng bằng cuộc chạy đua không gian giữa Nga và Mỹ trong thập niên 50, 60: giữa bối cảnh chiến tranh Lạnh, thành tích không gian này có một tác dụng tuyên truyền và tâm lý rất hữu hiệu, do đó cả Nga và Mỹ đều muốn chứng tỏ cho dân chúng mình cũng như đồng minh hay “nước xã hội chủ nghĩa anh em” những ưu thế khoa học và kỹ thuật của mình.
        Ngày 15.11.1957 -- sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik nặng 70 kg vào vũ trụ, như là vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới -- Mao Trạch Đông đã có cuộc nói chuyện với các sinh viên Trung Quốc du học khi sang thăm nước Nga.
        Tại đây, họ Mao đã nhắc đến sự kiện này và quay sang hỏi đại sứ Lưu Tiêu (Liu Xiao) đang ngồi kề bên: “Đại sứ Lưu, ông nặng được 70 ký không?” và sau khi viên đại sứ trả lời: “Nhẹ hơn chút đỉnh”, Mao Trạch Đông đã quay sang đám đông sinh viên: “Các em thấy không. Liên Xô đã đưa được Đại sứ Lưu Tiêu vào không gian. Cho tới nay thì Mỹ vẫn chưa làm được!”
        Bây giờ giới lãnh đạo Trung Quốc cũng vậy. Họ muốn chứng tỏ cho hơn một tỷ người Trung Quốc và 6 tỷ người trên khắp hoàn cầu rằng họ đủ sức đưa người vào không gian và sẽ đi xa hơn thế. Dĩ nhiên chương trình thám hiểm này cũng đi kèm những chương trình khoa học khác, tuy nhiên theo Giáo sư Coates thì việc bay lên cách mặt đất mấy trăm cây số chẳng làm được gì nhiều.
        Do đó nếu không có mục tiêu chính trị và ngoại giao, khó có chính phủ nào chịu đầu tư một số vốn khổng lồ cho những mục tiêu khoa học như vậy. Theo Giáo sư Coates thì việc bay cao mấy trăm cây số trong không gian không đủ để thực hiện những nghiên cứu chi tiết trong không gian.
        Đồng thời, như là một đối thủ đang lên, Trung Quốc đã bị Mỹ cho ra rìa, không mời tham gia xây dựng Trạm Không gian Quốc tế (International Space Station: ISS) bao gồm 16 nươc. Thành công trong lĩnh vực không gian sẽ là liều thuốc kích thích cho tinh thần ái quốc mang tính chất Đại Hán của họ.
        Sự thành công của chương trình không gian phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế và ổn định của tình hình chính trị.
        Do đó, trong vai trò của một chuẩn siêu cường, tham vọng không gian của Trung Quốc còn vươn xa hơn nữa. Đồng thời Trung Quốc còn tuyên bố kế hoạch xây dựng một căn cứ trên mặt trăng, nhằm khai thác khoáng sản của nó.
        Tham vọng không gian của Trung Quốc quả là vô cùng tận.
        
        Giấc mơ không gian
        
        Bằng quả pháo thăng thiên, người Trung Quốc được thừa nhận là đã phát minh ra hỏa tiễn đầu tiên. Sau đó, theo sử sách kể lại thì từ vào đời Minh, tức thế kỷ 15, thì đã có người Trung Quốc bắt tay thực hiện giấc mơ đi vào không gian bằng động cơ hỏa tiễn.
        Người đó là Vạn Hộ (Wan Hu), một vị quan say mê nghiên cứu thiên văn, say mê đến độ bị các vì sao trên trời ám ảnh và luôn nghĩ cách bay lên nơi chốn của trăng sao. Thấy những viên pháo bay được lên trời trong khi cánh diều lại giữ được thăng bằng trên không trung, Vạn Hộ đã tìm cách kết hợp hai thứ lại. Với tính toán này, Vạn Hộ đã cho đóng một “phi thuyền” theo hình một cái ghế dựa thật lớn gắn liền với hai cánh diều lớn. “Động cơ” của phi thuyền là 47 quả pháo thăng thiên cỡ lớn gắn vào thành lưng của cái ghế dựa.
        Sau khi ngồi vào ghế và buộc chặt dây an toàn, Vạn Hộ ra lệnh cho gia nhân đồng loạt châm ngòi pháo để phóng phi thuyền. Sau tiếng nổ long trời, và sau khi đám khói mù mịt tan đi, người ta chẳng thấy Vạn Hộ và "cái ghế dựa không gian" của ông ở đâu vì ông đã tan xác.
        Dẫu vậy Vạn Hộ đã trở thành người đi tiên phong, thành người đầu tiên trên thế giới dám bắt tay thực hiện ý đồ bay vào không gian bằng động cơ hỏa tiễn. Và như vậy, sau Nga và Mỹ, Trung Quốc cũng muốn trở thành cường quốc không gian trên thế giới, thực hiện chuyến bay của Vạn Hộ.
        Kể từ chuyến bay thất bại của Vạn Hộ trong thế kỷ 15 cho đến các chuyến bay ngày hôm qua, một thời gian khá dài đã trôi qua, tuy nhiên chương trình hoả tiễn và không gian của Trung Quốc chỉ thực sự khởi động từ nửa thế kỷ nay.
        Trước bài nói chuyện của Mao Trạch Đông với sinh viên Trung Quốc ở Nga đến hai năm, Trung Quốc đã có trong tay một bộ óc hoả tiễn. Đó là Tiền Tiết Tân (Qian Xuesen), một nhà khoa học hỏa tiễn từng làm việc cho không quân Mỹ, đã hồi hương vào năm 1955 và trở thành một thứ “Von Braun Trung Quốc”.
        Chính lúc họ Tiền trở về, Mao Trạch Đông đã ra lệnh xúc tiến các chương trình nghiên cứu và sản xuất hỏa tiễn và năm sau, 10.1956, ĐCSTQ chính thức bắt tay vào việc này với sự ra đời của một cơ quan nghiên cứu đặc biệt gọi là Viện Nghiên cứu số năm, trực thuộc Bộ quốc phòng và thưòng được gọi tắt là Viện Năm.
        Năm 1957, trong khi Mao Trạch Đông chế nhạo người Mỹ với sinh viên của mình tại Nga thì Viện Năm ra công tìm kiếm địa điểm thích hợp cho việc nghiên cứu và làm địa điểm phóng thử hỏa tiễn. Cuối cùng, vùng sa mạc Gobi được chọn vì thời tiết khô ráo và biệt lập, bảo đảm tính bí mật của nó. Cũng năm này, điểm phóng Cửu Toàn của hôm nay đã được khởi công xây dựng và chỉ một năm sau nó đã được đưa vào sử dụng.
        Tuy nhiên trong mấy thập niên đầu Trung Quốc trải qua nhiều biến động kinh tế chính trị vói hậu quả của các chương trình “đại nhảy vọt” rồi “cách mạng văn hóa”, do đó ý đồ chế tạo phi thuyền để đưa người lên không gian tỏ ra quá xa vời. Do đó, trong những thập niên này Trung Quốc đã tập trung vào việc hoàn thiện hỏa tiễn cho mục tiêu phóng vệ tinh nhân tạo.
        Năm 1970 -- một năm sau khi phi thuyền Apollo của Mỹ đưa người đổ bộ lên mặt trăng (1969) -- Trung Quốc đã sử dụng hỏa tiễn Trường Chinh để phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của mình, mang tên bài hát của Cách mạng Văn hóa là “Đông phương hồng”. Cũng như cái tên của mình, vệ tinh này vừa bay theo quỹ đạo quanh trái đất vừa tiếp vận về mặt đất bài hát ca ngợi cuộc cách mạng kỳ quái của họ Mao.
        Năm 1992, nguyên Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã chính thức phê chuẩn dự án đưa người vào không gian nhằm thực hiện giấc mơ Vạn Hộ từ 5 thế kỷ trước. Tám năm sau, chính phủ Trung Quốc công bố Bạch thư 2000, khẳng định hoạt động nghiên cứu không gian là một phần “không thể thiếu trong chiến lược phát triển toàn diện” của mình.
        Với mục tiêu chứng tỏ sức mạnh và khôi phục uy tín quốc gia, chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay đầu tư hơn, với một ngân sách thường niên cho chương trình không gian là 2.2 tỷ Mỹ kim và sử dụng một nguồn nhân lực lên tới 270,000 người. So với ngân sách của NASA là 15 tỷ thì ngân sách của Trung Quốc khá thấp, tuy nhiên cần nhớ rằng tại đây mãi lực của đồng tiền Mỹ, nhất là với nhân công, cao hơn tại Mỹ rất nhiều lần.
        Tính ra, trước khi đưa người vào không gian với phi thuyền Thần Châu V vào năm 2003. Trung Quốc đã phóng cả thảy bốn phi thuyền Thần Châu không người để rút tỉa kinh nghiệm.
        Thần Châu I xuất hành ngày 20.11.1999, bay 14 vòng trên quỹ đạo quanh trái đất trong 24 giờ.
        Thần Châu II rời bệ phóng ngày 10.1.2001, mang theo một con khỉ, một con thỏ và vài con ốc sên; bay 108 vòng trên quỹ đạo hết một tuần lễ.
        Tuy nhiên trước đó ngành không gian Trung Quốc cũng đã gặp nhiều tai họa.
        Tháng 1.1995 hỏa tiễn Trường Chinh 2E đã nổ tung sau khi cất cánh để phóng một vệ tinh viễn thông, giết chết một gia đình 6 người. Năm sau, một hỏa tiễn khác cũng chịu chung số phận vào đầu năm 1996. Tới năm 1997 thì một hỏa tiễn Trường Chinh khác lại đưa một vệ tinh trị giá 120 triệu USD đi chệch quỹ đạo, bay lạc trong không gian một cách vô vọng.
        
        Wernher von Braun Trung Quốc

         Sẽ là một điều thiếu sót nếu không nhắc đến “von Braun” của Trung Quốc, người đã đem lại sức sống cho các chương trình phi đạn, hoả tiễn và không gian Trung Quốc, giống như vai trò của nhà khoa học Wernher von Braun với các chương trình phi đạn V- 1 và V- 2 của Đức Quốc Xã và sau đó là chương trình không gian của NASA, Mỹ.
        Trước đây, chúng ta đã nghe đến chuyện các nhân viên tình báo Trung Quốc đánh cắp những bí mật nguyên tử của Mỹ, giúp đỡ Trung Quốc đi những bước nhảy vọt trong kỹ thuật hạt nhân: chế bom nguyên tử, bom khinh khí và bom trung hòa tử. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi cha đẻ của kỹ nghệ không gian Trung Quốc là một khoa học gia từng làm việc cho quân đội Mỹ với cấp bậc đại tá, Tiền Tiết Tân.
        Tiền Tiết Tân sinh năm 1911 và tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại Thượng Hải năm 1934 và sau đó được cấp học bổng tại Mỹ. Sau khi tốt nghiệp cao học tại MIT, Tiền Tiết Tân tiếp tục theo học tại Viện Kỹ thuật California, tức CalTech, một trường nổi tiếng về kỹ thuật, có nhiều khoa học gia nhận được giải Nobel. Tại đây, Tiền Tiết Nhân nhận được học vị tiến sĩ về toán và khoa học không gian năm 1939 và sau đó được giữ lại giảng dạy và nghiên cứu.
        Cùng với một nhóm khoa học gia hàng đầu khác, Tiền Tiết Tân chuyên chú vào lĩnh vực siêu khí động học và lý thuyết hỏa tiễn và cùng làm việc với các toán nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hàng không Guggenheim (Guggenheim Aeronautical Laboratory) và phòng thí nghiệm phản lực (Jet Propulsion Lab). Tại đây, Tiền Tiết Nhân đã góp phần chế tạo thành công hỏa tiễn Private A, loại hỏa tiễn dùng nhiên liệu rắn đầu tiên của Mỹ.
        Sau thành công của dự án Private A, Tiền Tiết Tân được không quân Mỹ tuyển dụng và gắn ngay cấp bậc đại tá để tham gia phát triển các hỏa tiễn tầm xa, sau đó chuyển sang làm việc với toán nghiên cứu hỏa tiễn đạn đạo Titan ICBM (Tian ICBM: Titan InterContinental Ballistic Missile), loại hỏa tiễn sau này thành vũ khí chiến lược của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
        Tuy nhiên, đến giữa thập niên 50, giữa đỉnh cao của phong trào tố cộng McCarthy, Tiền Tiết Tân bị tình nghi là làm gián điệp cho Trung Cộng nên bị sa thải khỏi các chương trình nghiên cứu của không quân và bị FBI theo dõi sít sao.
        Trong tình cảnh như vậy, đại diện của chính quyền Trung Quốc tìm cách tiếp xúc, kêu gọi Tiền Tiết Tân hồi hương và ông đã gật đầu. Lúc này, tháng 12.1955, còn có 4 chuyên viên gốc Hoa khác cùng làm việc với họ Tiền trở về. Vào thời điểm đó đã có những lời cáo buộc cho rằng trước khi trở về Tiền Tiết Tân tìm cách chuyển những tài liệu mật về nước.
        Về đến Trung Quốc cuối năm 1955 thì đầu năm 1956 Tiền Tiết Tân đã trình cho nguyên Thủ tướng Chu Ân Lai bản “Kiến nghị về việc phát triển kỹ nghệ hàng không cho mục đích quốc phòng”. Đến tháng 10 năm đó ông được bổ làm chủ tịch Viện nghiên cứu số năm của Bộ quốc phòng. Từ đó trở về sau, Tiền Tiết Tân là người phác thảo, chủ trì và hướng dẫn những dự án phát triển hoả tiễn, phi đạn và phi thuyền của Trung Quốc.
        Năm 1999, trong bản phúc trình dày 909 trang của ủy ban điều tra Hạ viện về tình trạng các cơ quan tình báo Trung Quốc nhắm vào các phòng thí nghiệm cao cấp Mỹ, do Hạ nghị sĩ Christopher Cox, đã đặt vấn đề về sự khờ khạo của cơ quan an ninh Mỹ lúc đó. Tại sao họ lại khoanh tay để yên cho Tiền Tiết Tân, một nhà khoa học đã tham gia chế tạo 20 loại hỏa tiễn đạn đạo trở về Trung Quốc?
        Đó là bối cảnh mà nước Mỹ sôi lên vì “mối đe dọa Trung Quốc” sau khi FBI bắt giam nhà khoa học nguyên tử gốc Đài Loan Lee Wenho. Tuy nhiên trước đó 20 năm, năm 1979 viện CalTech đã mời Tiền Tiết Tân về Mỹ để trao giải thưởng dành cho cựu sinh viên xuất sắc.
        
        Thay lời kết

        Trung Quốc đã đưa người lên không gian, và từ trước đến nay các chương trình hỏa tiễn và không gian này đều do Bộ Quốc phòng đảm trách.
        Trong khi đó thì tại Việt Nam, sau khi một nhóm chuyên viên lắp ráp được chiếc máy bay siêu nhẹ, nặng khoảng 250 kg với 80% thiết bị nhập cảng vào năm 2003, báo chí Việt Nam đã hý ha hý hửng nói về “triển vọng của ngành kỹ nghệ hàng không Việt Nam”. Thế nhưng từ đó đến nay máy bay này đã bị xếp trong kho.
        Nghĩ mà đáng buồn thay!