Home Tin Tức Bình Luận Bóng đá Trung Quốc : Tham nhũng và cá độ

Bóng đá Trung Quốc : Tham nhũng và cá độ PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Hai, 12 Tháng 12 Năm 2011 23:30

  
 Bài viết « Trung Quốc chinh phục môn bóng đá » của Le Figaro nhắc đến việc câu lạc bộ Thượng Hải Thân Hoa (Trung Quốc) ký hợp đồng thuê tiền đạo của đội tuyển Pháp Nicolas Anelka.

Giám đốc câu lạc bộ bóng đá Thượng Hải Thân Hoa (trái) và cầu thủ Nicolas Anelka (phải) đang giới thiệu chiếc áo của đội tuyển này. REUTERS/Shanghai Shenhua

Đây là điều cho thấy tham vọng của Trung Quốc cải thiện bộ mặt quốc gia với môn thể thao. Nhưng bóng đá Trung Quốc, với các vụ cá độ và tham nhũng, chính là nơi tích đọng những tệ nạn trầm kha của quốc gia này.

Le Figaro mở đầu bài viết, với chiến thắng của đội tuyển Trung Quốc trước đội tuyển Pháp trong một trận giao hữu vào ngày 04/06/2010, ngày kỷ niệm đau buồn về cuộc thảm sát Thiên An Môn cách đây hơn 20 năm. Vào cái ngày tang tóc mà chế độ hiện nay ở Trung Quốc muốn quên đi, chiến thắng của đội Trung Quốc (xếp hạng thứ 84 trong làng bóng đá thế giới), trước đội tuyển Pháp – đương kim vô địch – đã được coi là một sự kiện « lịch sử ». Cần phải nói rằng, nhà đương kim vô địch Pháp, như giải vô địch tổ chức tại Nam Phi sau đó cho thấy, đã mất đi rất nhiều phong độ trong thời gian này. Tuy nhiên, kể từ sau chiến thắng kể trên, bóng đá Trung Quốc không có dấu hiệu đi lên. Mới đây, tuyển Trung Quốc, bị thua Irak, sẽ không có mặt ở giải vô địch thế giới 2014 tại Brazil. Trên thực tế, kể từ khi Trung Quốc được xếp hạng 37 thế giới năm 1992, và một lần duy nhất lọt vào vòng chung kết năm 2002, bóng đá nước này vẫn chưa ngóc đầu lên nổi.

Dù thành tích không hề khả quan, môn bóng đá vẫn tiếp tục là hiện tượng lôi cuốn nhiều cảm xúc và là chủ đề tranh luận dữ dội tại Trung Quốc. Đối với nhiều người, môn bóng đá đã trở thành một hình ảnh tượng trưng cho chính đất nước Trung Quốc hiện nay, với các ảo vọng điên rồ và những tệ nạn trầm kha, ham vọng trỗi dậy và sự trì trệ của hệ thống bị nạn tham nhũng thao túng.

Le Figaro dẫn lời của ông Pierre Justo, phụ trách mảng Trung Quốc của công ty nghiên cứu trị trường truyền thông CSM Media Research, chi nhánh của TNS Sofres. Theo chuyên gia về truyền thông thể thao này, sự hình thành một nền bóng đá chuyên nghiệp ở Trung Quốc bị cản trở vì tham nhũng và sự vắng mặt của một hệ thống đào tạo từ cơ sở. Ông Rowan Simons, người Anh sáng lập ra câu lạc bộ bóng đá Bắc Kinh, cho biết, tại Trung Quốc, chỉ có 0,1% dân số chơi bóng đá, so với tỷ lệ 5-6% tại Châu Âu. Thêm vào đó, Trung Quốc vẫn theo một hệ thống đào tạo bóng đá theo kiểu Liên Xô cũ. Điều này có nghĩa là, đứa trẻ nào tỏ ra nổi trội trong môn thể thao này sẽ được nhà nước tách ra khỏi gia đình, để đưa đi đào tạo tại một trung tâm thể thao. Theo chuyên gia người Anh, cách làm này chỉ có thể thành công với các môn như thể dục dụng cụ hay cử tạ.

Mới đây chính quyền Trung Quốc vừa khởi động dự án phổ cập bóng đá cho giới trẻ, với chỉ tiêu 1 triệu trẻ em được làm quen với bóng đá hàng năm. Năm ngoái, người phụ trách bóng đá Trung Quốc thông báo, sẽ gửi 500 thiếu niên sang đào tạo trong vòng 5 năm tại các câu lạc bộ xuất sắc nhất của Châu Âu. Nhiều hợp đồng lớn về bóng đá đã được ký kết, như việc thuê cựu huấn luyện viên của đội Real Madrid làm huấn luyện viên đội tuyển Trung Quốc, hay việc câu lạc bộ Quảng Châu Evergrande của Quảng Đông đã bỏ ra số tiền kỷ lục 6,9 triệu euro để thuê trung vệ người Argentina Dario Conca.

Le Figaro cho biết, cùng với văn hóa, thể thao trong đó có môn bóng đá được coi là trụ cột của học thuyết « quyền lực mềm » của chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, hệ thống quản lý bóng đá Trung Quốc, với tham nhũng và các tệ nạn trầm trọng khác, đã bị đổ bể. Năm 2010, người đứng đầu liên đoàn bóng đá Trung Quốc Nan Yong, đã bị bắt cùng với một loạt các lãnh đạo khác. Theo nguồn tin cảnh sát, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc và các đồng sự đã tổ chức các cuộc cá độ bóng đá trên Internet, và chi tiền để mua chuộc các cầu thủ, trọng tài và huấn luyện viên. Nỗi ô nhục này buộc đài truyền hình Trung Quốc vào thời điểm đó phải hủy bỏ việc truyền đi các trận đấu của đội tuyển quốc gia. Ngay cả « chiếc còi vàng », trọng tài mẫu mực của Trung Quốc Lu Jun, cũng bị bắt. Đầu năm 2010, hơn 200 viên chức trong ngành bóng đá Trung Quốc phải đi cải tạo.

Cũng năm ngoái, nhà báo nổi tiếng Li Chengpeng đã xuất bản một cuốn sách gây tiếng vang « Hậu trường của bóng đá Trung Quốc ». Với phong cách mang tính khiêu khích, tác giả cuốn sách khẳng định, « tất cả các cầu thủ, trọng tài, huấn luyện viên, viên chức bóng đá đều vô tội ». Ông nhấn mạnh : Thủ phạm của tình trạng tồi tệ của bóng đá Trung Quốc chính là « hệ thống tổ chức». Cũng như các lĩnh vực khác, bóng đá Trung Quốc không có luật chơi minh bạch, không có tiêu chuẩn làm nền. Còn luật sư chuyên về nhân quyền Pu Zhiqiang, thì khẳng định : « Luật chơi không minh bạch khiến cho ai cũng có thể biến quyền lực và ảnh hưởng thành tiền ».

Để cứu vãn môn bóng đá, một số người đã nghĩ tới việc kết hợp võ thuật với bóng đá trong môn « bóng đá kungfu », với các diễn viên nhào lộn cùng trái bóng, như một sự hòa trộn giữa tài năng của võ sĩ Thiếu lâm kiêm tài tử màn bạc lừng danh Jackie Chan và siêu sao sân cỏ Zinédine Zidane. Tuy nhiên, cựu bình luận viên về bóng đá Trung Quốc John Yan cảnh cáo : Chỉ có một cuộc cách mạng văn hóa mới có thể vực dậy được nền bóng đá Trung Quốc. Cũng theo nhà bình luận này, truyền thống Khổng giáo không khuyến khích các hoạt động thể thao, còn chính sách một con của Trung Quốc khiến các cha mẹ thường bao bọc con cái quá mức cũng là những cản trở quan trọng đối với sự phát triển của môn bóng đá.

Bàn tay sắt của nền kinh tế Trung Quốc Cũng về Trung Quốc, tờ báo Công giáo La Croix có bài « Bàn tay sắt của nền kinh tế Trung Quốc ». Đây là bài viết đầu tiên trong loạt 5 bài về doanh nghiệp Trung Quốc của La Croix. La Croix nhận xét, tại cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới, mọi người được tự do tiêu thụ và trở nên giàu có, nhưng chính quyền tiếp tục kiểm soát chặt các đầu tư và ý thức con người.

La Croix mô tả cảm giác bất an thường xuyên của nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc. Một chủ doanh nghiệp cho biết, chính quyền Trung Quốc có thể trục xuất một doanh nghiệp mà không đưa ra bất cứ lý do chính đáng nào. Nhiều doanh nghiệp Pháp trong lĩnh vực truyền thông, đã có kinh nghiệm đắng cay vì bị loại ra khỏi một lĩnh vực được coi là mang tính chiến lược. Nhiều doanh nghiệp khác bị đẩy đi, sau khi cung cấp hết các hiểu biết về công nghệ cho đối tác Trung Quốc