Home Tin Tức Bình Luận Tự do: phần thưởng của trao tặng

Tự do: phần thưởng của trao tặng PDF Print E-mail
Tác Giả: Chu Thập   
Thứ Năm, 15 Tháng 12 Năm 2011 06:31

 Mấy hôm nay, cư dân mạng xôn xao về một câu chuyện xảy ra tại Trung quốc.

 Bạn tôi xác định câu chuyện đã xảy ra hồi năm 2008 và đã được hai đài truyền hình nổi tiếng là BBC của Anh quốc và CNN của Hoa kỳ nhắc đến:

Có một chuyến xe buýt chở đầy hành khách đang chạy trên một đường đồi. Giữa đường, ba tên du đãng có võ trang dở trò đồi bại với người tài xế vốn là một cô gái xinh đẹp. Cô gái đã kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự thinh lặng. Chỉ có một người đàn ông trung niên trông yếu ớt đã lên tiếng yêu cầu ba tên du đảng dừng tay. Và dĩ nhiên, người đàn ông đã bị chúng hành hung. Ông kêu gọi mọi hành khách có mặt trên xe tiếp tay để ngăn chận hành động man rợ của ba tên du đãng, nhưng chẳng có ai hưởng ứng, cho nên đến một khúc đường vắng, cô gái đã bị ba tên côn đồ lôi vào một bụi rậm để thỏa mãn thú tính. Một giờ sau, ba tên bất lương cùng với người nữ tài xế trở lại chiếc xe buýt.

Lạ lùng quá, vừa bước lên xe, cô gái đã thét vào mặt người đàn ông đã tìm cách cứu mình: “Này ông kia, ông xuống khỏi xe tức khắc”.

Sững sờ trước thái độ bất thường của cô gái, người đàn ông thắc mắc: “Cô làm sao thế? Tôi đã tìm cách cứu cô mà...”

Trong nước mắt, cô gái vặn lại: “Cứu tôi ư? Ông đã làm gì để gọi là cứu tôi chứ?”

Trước phản ứng của cô gái, mọi hành khách trên xe thản nhiên cười. Người đàn ông trả lời một cách cương quyết: “Tôi đã mua vé, tôi có quyền ở lại trên xe”. Cô gái lại dọa: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy”.

Điều bất ngờ là mọi hành khách, vốn thinh lặng trước hành động đồi bại của ba tên du đãng, nay lại nhao nhao đòi người đàn ông phải xuống khỏi xe. Một số người còn dùng đến võ lực. Ba tên du đãng cười đắc thắng...Người đàn ông đành xuống xe và chiếc xe từ từ lăn bánh.

Ngày hôm sau, báo chí Trung Quốc đưa tin: một tai nạn bi thảm xảy ra tại một vùng có tên là “Phục Hồ Sơn”: một chiếc xe buýt cỡ trung đã rơi xuống vực; người tài xế và tất cả 13 hành khách đều thiệt mạng.

Không ai biết chuyện gì đã xảy ra, ngoại trừ người đàn ông đã tìm cách cứu cô gái và đã được cô mời xuống khỏi xe trước khi chiếc xe chuẩn bị lên đèo.

Tôi không rõ câu chuyện có thực không. Nhưng trong một đất nước mà sự “vô cảm” đã hầu như trở thành luật sống, thì chuyện xảy ra trên chuyến xe buýt trên đây xem ra chẳng gây ngạc nhiên bằng câu chuyện của bé gái tên là Duyệt Duyệt được truyền đi trên mọi phương tiện truyền thông trên thế giới hồi tháng trước: 18 người khách bộ hành đã có thể nhắm mắt làm ngơ trước cảnh em bé này bị xe tung nằm dở sống dở chết bên lề đường!

Ngoài thái độ vô cảm của con người trong xã hội cộng sản như Trung Quốc hay Việt nam, câu chuyện trên chuyến xe buýt trên đây còn gợi lên trong tôi một câu hỏi: liệu con người có bị “trừng phạt” vì thái độ “vô cảm” của mình không? Rõ ràng là người đàn ông tìm cách cứu cô gái đã được đền ơn và ba tên du đãng gian ác cũng như những người hành khách vô cảm đã bị trừng phạt! Câu chuyện quả có hậu: Những kẻ gian ác phải đền tội! Đó là đòi hỏi thông thường của công lý.

Lúc nhỏ, dù tôi có lêu lổng đến đâu, cha mẹ tôi cũng nhét được vào đầu óc tôi bài học về “quả báo nhãn tiền”. Những người ăn ở gian ác, bất lương luôn bị trừng phạt. Nếu chính họ không bị trừng phạt thì con cái cháu chắt họ cũng bị quả báo. Lúc nhỏ tôi thường nhìn những người bị tai nạn giao thông, chết bất đắc kỳ tử và nhứt là bị “sét đánh” như những kẻ gian ác. Con “nhà đạo” chúng tôi lại còn bị đe dọa: “ăn ở thất đức thế nào cũng chết tươi ăn năn tội chẳng kịp” và như vậy chỉ có thể “sa hỏa ngục” mà thôi! Trong ánh mắt tôi, không biết bao nhiêu người gian ác đã phải “chết dữ” và “sa hỏa ngục”.

Tuy nhiên, thêm một chút tuổi đời, biết quan sát và suy nghĩ, tôi nhận thấy cái lưới trời, tuy có lồng lộng đó, những đôi khi cũng để tuột mất những con cá thật lớn. Thời nào cũng có những “tên gian ác” vẫn sống phây phây, con cháu lại còn được “chúc phúc”. Dĩ nhiên, lịch sử gần đây cho thấy hầu hết những nhà độc tài tham lam và gian ác đều bị “quả báo nhãn tiền”. Không bị treo cổ xử bắn, không ở tù mục xương thì cũng phải đi lưu đày. Không tán gia bại sản thì gia đình con cái cũng phải bị liên lụy. Nhưng dường như cái định luật “quả báo nhãn tiền” ấy vẫn có luật trừ, mà trừ hơi nhiều nữa. Cứ nhìn vào các chế độ độc tài cộng sản ở Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn hay Việt nam cũng đủ thấy cái “lỗ hổng” trong định luật ấy. Những kẻ “cướp” từ chính quyền cho đến tiền bạc của cải, những người cố tình tạo ra cái xã hội “vô cảm” vẫn cứ phây phây ngồi trên quyền lực và đống của cải bất công họ thu tóm được. Con cái họ vẫn được gởi đi học ở các nước tư bản và tiếp tục củng cố gia sản họ để lại. Không thiếu những kẻ gian ác vẫn cứ “trường thọ” và an nhàn. Tôi cứ thắc mắc: “Trời cao có con mắt” không mà lại để xảy ra cái cảnh tréo cẳng ngỗng ấy: kẻ gian ác thì vẫn sung túc giàu sang và hưởng mọi thứ lợi lộc trên trần gian này, còn người lương thiện thì không ngóc đầu dậy nổi. Cứ nhìn vào xã hội Việt nam để thấy rõ điều đó: người lương thiện không thể có đất sống trong một xã hội mà ý niệm “lương thiện” hầu như cũng đã biến mất khỏi ý thức của nhiều người.

           Các clip nữa sinh đánh nhau nhan nhản trên mạng

Thực ra, trong một xã hội “vô cảm”, sống lương thiện đã là điều khó, mà có ý thức về lương thiện xem ra cũng không phải là điều dễ đối với nhiều người.

Trong bài viết có tựa đề “chân dung một cô gái Việt nam”, tác giả Tâm Thanh kể lại trên báo điện tử Đàn Chim Việt một câu chuyện thật cảm động. Một thiếu nữ gốc Việt nam tên là Diễm được cảnh sát Na Uy mời làm thông dịch cho một cô gái Việt nam bị tạm giữ vì nhập cư bất hợp pháp. Tất cả mọi câu hỏi của viên cảnh sát đều được cô gái chính hiệu “Hà lam linh” trả lời bằng một chữ “không” dứt khoát: không cha, không mẹ, không giấy tờ, không sổ thông hành, không thẻ căn cước, kể cả “không biết” bằng cách nào mà mình đã lọt vào Na uy cũng như “không nhớ” mình đã rời Việt nam lúc nào và đã đi qua những thành phố nào trước khi đến Na uy. Với cô gái, cái gì cũng “không nhớ, không biết”. Ngay cả tác giả của bào thai cô đang mang trong người, cô cũng nói là “không biết” luôn.

Số phận của cô gái cầm chắc trong tay là sẽ bị trục xuất về Việt nam.


Tác giả của bài báo ghi lại cảm xúc của người thiếu nữ thông dịch viên như sau: “Diễm cảm thấy xót xa trong lòng. Cảm giác gờm nhớm từ bốn tháng nay biến thành một cảm giác ân hận. Diễm nghĩ đến thân phận chính mình-sở dĩ mình sống nhởn nhơ được, buổi sáng đứng bán nhà thuốc tây, buổi chiều đi nhảy Aerobic, lâu lâu đi thông dịch lấy ngoại tài mua son phấn không cần ăn cắp...là vì cha mẹ mình đã chọn được con đường đúng ý nguyện: tới một nơi có thể lương thiện mà sống được. Không, không phải cha mẹ chọn. Đó là Trời ban. Ba chục năm nay, bây giờ “Kho Trời” đã khóa. Nếu cha mẹ nàng chậm chân, không chừng giờ này Diễm cũng là một người mở miệng bằng câu “không biết” và không từ làm bất cứ việc gì để sinh tồn.

Lợi dụng lúc cô cảnh sát nói chuyện với bà gác tù, Diễm phá chút qui củ thông dịch, đưa tay bắt bàn tay mềm và ấm của Vân, chúc may mắn và an ủi vài câu. Vân tỏ ra cảm động. Cuối cùng, nghĩ tới mai mốt Vân lên máy bay về Việt nam, Diễm ái ngại hỏi:

“Liệu người lương thiện có sống được ở Việt nam không?”

Cô gái hỏi lại:“Nương thiện nà cái gì?” (Đàn Chim Việt.info, 24/11/11)

“Lương thiện là cái gì?” trong một chế độ mà mọi quyền cơ bản đều bị chà đạp, nhiều người đã mất hết mọi sự, ngay cả một chút lương thiện cũng không còn. Với họ, nguyên tắc đạo lý nền tảng “ở hiền gặp lành” mà người xưa truyền lại cũng chẳng còn có giá trị. Trong một xã hội vô cảm, càng ở hiền, tức càng cố gắng sống lương thiện, thì lại càng bị thua thiệt và mất mát. Đó là kinh nghiệm đau xót nhứt mà có lẽ nhiều người Việt nam ngày nay đang nếm trải. Có lẽ vì ở hiền mà chẳng gặp lành cho nên nhiều người cũng đành sống theo phương châm của một triết gia hiện sinh nào đó: “Trong một thế giới gian lận, ai không gian lận là đồ chó má.” Dại gì phải làm người lương thiện để chỉ chuốc lấy nghèo khổ và ngay cả tù đày.

Vậy thì sống lương thiện để được gì?

Tôi nhớ lại câu chuyện đã nghe từ thuở nhỏ: “Trong một chuyến vi hành, một ông vua nọ cho đặt một tảng đá lớn giữa đường và nấp vào một bụi cây bên đường để xem ai sẽ chuyển tảng đá đi hầu giúp cho sự đi lại của người khác không bị cản trở. Suốt cả buổi sáng, rất nhiều người qua lại trên con đường, nhưng tất cả đều tìm cách né tránh tảng đá để tiếp tục cuộc hành trình riêng của mình. Chẳng có ai nghĩ đến chuyện đẩy tảng đá sang bên lề để người đi sau không gặp chướng ngại.

Mãi đến trưa mới có một người dừng lại. Đó là một người nông dân đang vác trên vai một gánh nặng. Trông thấy tảng đá cản đường, ông lẳng lặng đặt gánh xuống và ra sức đẩy tảng đá sang một bên. Và người nông dân hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy bên dưới tảng đá có một cái túi. Mở túi ra, ông thấy cái túi đựng toàn những đồng tiền vàng và một mảnh giấy trên đó có giòng chữ: “Túi tiền vàng này là phần thưởng dành cho những ai dẹp được tảng đá này, vì đó là người nghĩ đến lợi ích chung.” (Francis Xavier, the World’s Best Inspiring Stories, Jaico Publishing house 2009)

Bài học đơn giản nhứt thường được thày cô của tôi rút ra là: bất cứ nghĩa cử nào cũng đều được một phần thưởng và dĩ nhiên, ai cũng được khuyến khích để làm nghĩa cử hầu được thưởng, “không được đời này thì cũng đời sau”. Tựu trung, những bài học rút ra từ câu chuyện đã không giúp tôi thoát khỏi cái ý niệm thông thường về sự công bằng được cô động trong nguyên tắc: “Tôi cho bạn là để bạn cho lại”. Người Việt nam diễn tả lẽ công bằng ấy bằng câu: “Có qua có lại mới toại lòng nhau”. Ở một mức độ nào đó, khi nguyên tắc này được triệt để áp dụng, thì nhân loại cũng đã được xem là tiến bộ lắm rồi. Trong nhiều trường hợp, quan hệ giữa các quốc gia cũng như giữa người với người có khi vẫn chưa thỏa mãn được đòi hỏi “có qua có lại” ấy. Xem mọi phục vụ như điều đương nhiên mà người khác phải làm cho mình hoặc chẳng bao giờ thấy được mình mang ơn người khác không phải là một thái độ hiếm có. Trong cuộc sống, không những chúng ta gặp nhiều kẻ vô ơn, ăn cháo đá bát hoặc có khi phải rơi vào một xã hội trong đó hai tiếng “cám ơn” đã trở thành một thứ “tử ngữ” mà lắm khi còn phải ngậm đắng nuối cay vì cái cảnh “làm ơn mà bị báo oán”. Việt nam mình đã chẳng nói một cách mỉa mai: “Cứu nhân nhân oán, cứu vật vật ơn” sao!

Nhân ngày Lễ Tạ Ơn của người Mỹ dạo cuối tháng 11 vừa qua, tôi đã làm một cuộc “xét mình” và nhận thấy mình đã “vô ơn” với rất nhiều người. Nghĩ như thế cho nên tôi cũng chẳng thấy mình có quyền trách móc ai về sự bội bạc của họ. Với tôi, “tình đời đen bạc” thường là một thách đố cho sự trưởng thành nhân cách. Tôi chỉ thực sự thấy mình là “người” hơn khi làm điều thiện, khi trao tặng “mà không để cho tay trái biết việc tay phải làm”. Tôi chỉ thực sự thấy mình lớn thêm trong nhân cách khi làm việc thiện một cách vô vị lợi, nghĩa là không “nhắm” đến mục đích lợi lộc cho đời này hay đời sau, cũng không vì sợ một sự “trừng phạt” nào ngoài tòa án của lương tâm và không chờ đợi một phần thưởng nào khác là thấy mình được tự do hơn: tự do khỏi tiền bạc, quyền lực và mọi thứ bã danh vọng hão huyền trong cuộc đời này.

“Thi ân bất cầu báo” có lẽ là một thách đố mới cho tôi để tôi luôn thức tỉnh hầu tránh xa nạn dịch “vô cảm”.

Chu Thập