Home Tin Tức Bình Luận ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VIỆT NAM 2011: NGUY CƠ MẤT CHỦ QUYỀN

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VIỆT NAM 2011: NGUY CƠ MẤT CHỦ QUYỀN PDF Print E-mail
Tác Giả: TS Đinh Xuân Quân   
Thứ Ba, 27 Tháng 12 Năm 2011 15:36

 Việt Nam có nguy cơ mất chủ quyền

Nếu muốn đánh giá các sự kiện quan trọng liên quan đến Việt Nam trong năm 2011, ta có ba vấn đề dầy cộm như sau:

Tranh chấp Việt-Trung và Biển Đông – Trung Quốc (TQ) đòi 80% vùng này;

Kinh tế VN khó khăn - xuống dốc và Nhân quyền với dân VN

Trong tranh chấp Việt-Trung, ta thấy hình thành một cuộc bao vây TQ và có thể nói vào cuối năm 2011, TQ đã bị Mỹ chiếu tướng.

1/Theo Blomberg News, ngày 19/12/2011, ngân hàng Anh HSBC nhận định rằng VN hiện nay đang phải đối phó với nhiều yếu tố bất lợi như lạm phát, thâm hụt cán cân thanh toán, mức dự trữ ngoại tệ thấp để thanh toán các khoản nhập khẩu và nợ ngắn hạn nước ngoài, lạm phát cao. So với Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan thì kinh tế VN dễ bị tổn thương nếu có suy thoái kinh tế trên thế giới. Theo phúc trình này thì các mất cân đối nội trong nền kinh tế đã làm gia tăng các rủi ro trong lĩnh vực thương mại và tài chính của VN. Mặt khác, việc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tập đoàn Vinashim bị kiện tại London và tại Mỹ, việc lạm phát vẫn còn ở mức rất cao đã hạn chế khả năng điều chỉnh nền kinh tế của Việt Nam (VN). Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ so với vốn tự có của các doanh nghiệp tại VN và Philippines lại rất cao so với thời kỳ trước đây.

Có thể nói chỗ yếu của VN là quản lý kinh tế. VN theo mô hình “kinh tế thị trường với định hướng XHCN.” Nay trong khó khăn kinh tế và tranh chấp Việt-Trung về Biển Đông, phó Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tới Hà Nội thăm chính thức Việt Nam hai ngày, 20-22/12 và TQ đồng ý cấp 300 triệu đô la tín dụng cho VN. Tranh chấp biển Đông và các khó khăn kinh tế của VN cho thấy vào 2011 VN có một số vấn đề và nguy cơ lớn là mất chủ quyền kinh tế.

Hư thật ra sao?

Tranh chấp Việt-Trung - Biển Đông.

Tại hội nghị San Francisco sau đệ nhị thế chiến, Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) đã đòi vùng biển này nhưng bị Hội nghị San Francisco bác. Thủ Tướng Trần văn Hữu của VN (dưới thời Bảo Đại) đã nói là các đảo này thuộc chủ quyền VN. Từ đó đến 1975 luôn chính quyền VN đều cho quân đóng tại đây đến 1974, TQ đã chiếm Hoàng sa và năm 1988, TQ đã chiếm 7 đảo nhỏ tại quần đảo Trường Sa.

TQ đã dùng chính sách “khống chế VN” qua việc xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa, cung cấp vũ khí - trợ giúp cho Khơme đỏ gây hấn năm 1978, và chiến tranh biên giới với VN 1979. [Tất cả những sự kiện này cho thấy chính sách của ĐCSVN dựa vào TQ từ 1949, để đánh Pháp, và sau đó đánh chiếm miền Nam, là một sai lầm.]

Trong năm 2011 TQ cắt cáp các tàu tham dò dầu VN trong khu vực độc quyền kinh tế VN, hăm doạ Philippines, và các nước trong vùng Thái Bình Dương. Lần đầu tiên VN lên tiếng phản đối hành động hung hăng của TQ và trong nhiều năm qua, VN đã có nhiều cố gắng xích gần Hoa Kỳ để cân bằng TQ tại Biển Đông.

2/Thái độ TQ làm các láng giềng lo lắng và không chỉ là ASEAN mà cả Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc cũng lo ngại. Các hành động gây hấn của TQ trên Biển Đông hay biển Đông Hoa quá rõ ràng trong 2011. TQ gởi tàu ngư chính xuống tuần tra tại vùng Hoàng Sa, đe dọa các tàu đánh cá VN, đe doạ tàu thăm dò dầu lửa của VN và Philippines sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, hù dọa tàu hải quân Ấn trong lãnh hải VN v.v. Không chỉ là tranh giành tại Biển Đông, TQ còn biểu lộ tham vọng kiểm soát Ấn Độ Dương.

Năm 2010, tại Hà Nội, Ngoại trưởng Clinton có nói về Biển Đông nhưng phải đợi một năm sau đến tháng 11- 2011 mới thấy một cuộc phản công quy mô của Hoa Kỳ qua chuyến công du Thái Bình Dương của TT Obama. Tại Úc, TT Obama đã cho triển khai 2,500 quân TQLC đến Darwin. Ông nói: “Hoa Kỳ là một thế lực Thái Bình Dương, và chúng tôi sẽ duy trì tư thế đó.” Sau đó tại hội nghị APEC tại Hawaii, Mỹ đã cho thúc đẩy đàm phán TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – TPP) hiện bao gồm 9 thành viên, trong đó có Mỹ và VN, khởi động năm 2005, nhằm xây dựng một khu vực thương mại tự do ở 2 bên bờ Thái Bình Dương (mà không có TQ).3/ Rút kinh nghiệm WTO mà TQ không giữ lời hứa, Mỹ đã đề nghị TPP - một tiến trình hội nhập tự do thương mại kinh tế liên quan tới 9 nền kinh tế năng động, chiếm 25% sản lượng kinh tế thế giới, có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 16.000 tỷ USD trong một thị trường với 472 triệu dân. Nhiều nước ASEAN muốn tham gia TPP gồm Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam chưa kể các nước khác như Úc, Tân Tây Lan, Chile, Peru, Canada, Mexico và Nhật.4/

Sau đó tại Thượng đỉnh Đông Á tại Bali ngày 19/11/2011, Biển Đông đã được quốc tế hoá và TT Obama đã tái xác định lập trường “tự do lưu thông” tại Biển Đông và nhắc là các tranh chấp chủ quyền phải dựa trên luật quốc tế kể cả luật Biển của LHQ còn gọi là UNCLOS. Đối với TQ, việc hồ sơ Biển Đông được quốc tế hóa tại một diễn đàn gồm 18 nước là một thất bại chính trị. Phản công của Hoa kỳ cho thấy TQ bị bơ vơ – bị chiếu tướng.5/

Ngày 25/11/2011 trong phần trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về vấn đề Biển Đông, ông Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định trở lại chủ quyền của VN trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng ông quên nói là 1974, CSVN đã gởi thơ khen TQ đánh VNCH giùm họ. Trong quan hệ Việt-Trung, ta thấy rõ ràng là VN nay đã có thái độ khác hẳn khi trước.

Trong buổi tiếp xúc với ông Tập Cận Bình, TT Dũng đã nhắc lại “lập trường của VN tại Biển Đông” cho rằng hai bên đều phải “cùng tôn trọng và quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau” nhằm giải quyết thỏa đáng các vấn đề tranh chấp trên biển” dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 hay UNCLOS) và bản Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông DOC ký năm 2002 giữa TQ và ASEAN.

Nói tóm, về căn bản năm 2011 là một năm tốt về ngoại giao. VN đã thành công quốc tế hoá vấn đề Biển Đông và nay TQ đang bị Mỹ “chiếu tướng.”

Kinh tế VN gặp khó khăn

Từ 2007 đến nay, nhiều biện pháp kinh tế dựa trên tiền tệ không giải quyết tận gốc vấn đề kinh tế VN. Tăng trưởng cao là vì chính sách tiền tệ khuyến khích chi tiêu công gây nên một số vấn đề sau đây:

Chi tiêu và đầu tư công ở mức cao khiến thâm thủng ngân sách. Hơn nữa các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có hiệu quả thấp, chỉ số ICOR (vốn đầu tư/tăng trưởng) ở mức 6-8, hơn 1.5 lần mức trung bình của nền kinh tế VN và 3-5 lần của Đông Nam Á (ĐNA). Các DNNN có tỷ số lời ở mức rất thấp 6.3% so với mức 17.63% của các doanh nghiệp và 28% của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Hơn nữa các doanh nghiệp nhà nước tạo ra ít việc làm. Vụ Vinashin là một điển hình của việc làm ăn thiếu hiệu quả của các DNNN.

Chính sách tiền tệ quá lỏng khiến cung tiền (money supply) và tăng trưởng tín dụng (credit growth) quá cao so với đòi hỏi của kinh tế. Trong những năm vừa qua cung tiền (M2 – money supply) và tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao. Theo ADB thì chỉ số M2 của VN tăng 31.2% trung bình trong 10 năm qua (2000-2009). Nếu tăng trưởng là 8% và lạm phát là 4% thì tăng trưởng của cung tiền tệ phải ở mức 8+4 = 12% là vừa. Chính chính sách tiền tệ của VN đã gây lạm phát vì chi phí vốn quá rẻ.

Khi kinh tế có dấu hiệu lạm phát ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước thường nâng lãi suất để giảm việc cho vay nhưng tại VN chính phủ lại không điều chỉnh chính sách chi tiêu công – khiến nợ công cao – kéo theo DNNN kém hiệu quả cho nên VN cứ chạy vòng quanh – không giải quyết được.

Trong năm 2011 Việt Nam không đạt được các chỉ tiêu kinh tế, mục tiêu tăng trưởng đề ra là 7,5%, nhưng thực tế là khoảng 5,8%, lạm phát đề ra cho năm 2011 là 7% nhưng tực tế là khoảng 19% trong khi 48,000 doanh nghiệp phá sản. Năm 2011 là một năm, theo đánh giá của TS Lê Đăng Doanh là khó khăn nhất từ năm 1991 trở lại đây, tức là trong 20 năm gần đây.6/ “Thành tựu đáng lưu ý" là xuất khẩu tăng 33% và cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư 3,3 tỷ đôla lần đầu tiên trong nhiều năm. Nhưng "Đầu tư 100 đồng thì hàng hóa, tài sản tạo ra được có lẽ chỉ khoảng 40, 50 đồng, còn lại 60, 50 đồng kia nó bốc hơi." [chỉ số ICOR] Nó bắt nguồn từ tình trạng đưa tiền vào lưu thông ở mức 32% và tăng trưởng tín dụng lên tới trên dưới 40% (so với khoảng 9% của 2011) trong nhiều năm và theo ông "Vì đưa nhiều tiền ra mà của cải tạo ra ít thì lúc bấy giờ có nguy cơ lạm phát." Dự trữ ngoại hối của VN tăng lên nhờ lượng kiều hối lên tới 9 tỷ đôla Mỹ. Theo TS Doanh thì chính sách tỷ giá bên cạnh chính sách tiền tệ, tín dụng trong Nghị quyết 11 được đưa ra trong tháng Hai năm 2011 là "điểm son" trong việc ổn định kinh tế vĩ mô của VN. Ông cũng nói việc "tiết kiệm và giảm đầu tư công" chưa thực hiện được nhiều và ngân sách vẫn bị bội chi. Ông cũng nói có "một số nhóm người" đã giàu lên nhanh chóng nhờ các dự án cơ sở hạ tầng trong khi giá đất bồi thường cho người dân rất thấp. Điều này khiến cho các vụ khiếu kiện về đất đai là vấn đề lớn tại VN.

Các báo cáo của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB), báo cáo của Bloomberg hay báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Ðông Á-Thái Bình Dương của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank)... đều cho biết, lạm phát ở VN liên tục tăng, cao nhất Châu Á. Đồng Việt Nam bị phá giá mấy lần trong năm. Ðời sống người dân, đặc biệt là tầng lớp công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị, công nhân viên chức... hết sức khó khăn. Sự kiện vụ Vinashin bị kiện ra tòa án ở London và những hệ lụy nặng nề cho VN, cùng với tình trạng làm ăn thua lỗ của hàng loạt tập đoàn kinh tế quốc doanh như tổng công ty xăng dầu Petrolimex, Tập Ðoàn Ðiện Lực VN - EVN, Tổng Công Ty Hàng Hải VN... Hoặc vỡ nợ, phá sản như Vinashin, công ty cho thuê tài chính II (ALCII)-một công ty con của Agribank.

Việc các DNNN, vốn được sự ưu ái rất lớn và nắm giữ khối tài sản quốc gia khổng lồ nhưng lại làm ăn thiếu hiệu quả, tham nhũng nặng nề gây thua lỗ đã không còn là chuyện mới mẻ gì. Ðã có nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước kêu gọi VN phải tái cấu trúc kinh tế, cải cách DNNN.

Nghị quyết 11 hồi tháng Hai nhằm thắt chặt tiền tệ và chi tiêu công đã góp phần làm cho lạm phát giảm đi trong những tháng cuối năm. Ngoài ra cam kết tái cơ cấu kinh tế do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra hồi tháng Mười cũng được cho là một động thái tích cực.

Tình trạng là một nhà nước điều hành kinh tế kém cỏi. Ðứng trước tình hình khó khăn, mới thấy rõ là VN bất lực trong việc kềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô. Vì bất lực nên càng rối. Những chính sách, biện pháp nhiều khi ngược nhau cứ liên tục được đưa ra không mấy hiệu quả chỉ khiến cho người dân mệt mỏi thêm.

TQ khống chế VN qua ngã kinh tế?

Vào các thế kỷ 18,19 và đầu 20 các nước Âu châu tìm thuộc địa vì họ muốn khai thác các tài nguyên thiên nhiên và biến các nước thuộc địa thành thị trường cho hàng hoá của họ. Vào thế kỷ 21, đế quốc có phần khác, họ không đi chiếm các nước mà họ chỉ chiếm các thị trường cho hàng hoá của họ, biến các nước thành khách hàng và các nước mất chủ quyền kinh tế.

Ông phó Chủ tịch TQ Tập Cận Bình thăm VN, hội đàm với Phó Chủ tịch nước bà Nguyễn Thị Doan và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ông cũng đã hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và TT Nguyễn Tấn Dũng.

Ông ký nhiều thỏa thuận trong đó lãnh vực tài chánh quan trọng, từ việc hợp tác toàn diện giữa Ngân hàng Ngoại thương VN với Ngân hàng Khai thác và Phát triển Nhà nước TQ, cho đến việc Trung Quốc cấp tín dụng cho ba dự án hạ tầng cơ sở: nhà máy sản xuất phôi thép Thanh Hóa, nhà máy nhiệt điện An Khánh, nhà máy nhiệt điện Thăng Long, và nhất là Thư Cam kết cho vay giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN với Ngân hàng Khai thác và Phát triển Nhà nước TQ. Tổng trị giá các khoản tín dụng này lên đến 300 triệu đô la.

Theo Reuters thì Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) – một ngân hàng quốc doanh – đã được vay 200 triệu đô la để dùng vào một số dự án trong lĩnh vực năng lượng, viễn thông, và nông nghiệp. Đây không phải là lần đầu tiên mà BIDV được phía TQ cho vay vốn vì năm 2010, BIDV vay 100 triệu đô la trong thời hạn ba năm của TQ.

Về thương mại, giao thương Việt -Trung phát triển mạnh, ở mức 31,7 tỷ đôla/năm nhưng cán cân thương mại nghiêng hẳn về phía TQ (VN nhập siêu 12.5 tỷ đối với TQ trong năm 2010), và các công ty TQ đầu tư khoảng 1,02 tỷ đôla vào VN. Hiện nay TQ là bạn hàng thương mại lớn nhất của VN trong suốt bảy năm, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Điều trái của thương mại là VN nhập siêu (trung bình $1 tỷ/tháng – đó là chưa kể hàng hoá qua kênh buôn lậu).

Vì vậy các báo TQ nhấn mạnh rằng VN, cũng giống như TQ, đã tăng trưởng vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và cho đây là điểm chung để hai đảng tiếp tục thắt chặt hợp tác. Họ quên một điều là VN ngày càng tuỳ thuộc TQ về kinh tế và có nguy cơ bị mất chủ quyền qua một chính sách đế quốc “Đại Hán kiểu mới.”
Tạm kết

Hiện nay điều đáng quan tâm nhất không phải là Biển Đông nhưng nguy cơ lớn nhất là mất chủ quyền kinh tế qua việc TQ đầu tư - khai thác tài nguyên thiên nhiên như Bauxite, rừng, hay các nhà máy nhiệt điện, [bề trái là nguy cơ ô nhiễm vì công nghệ thấp].

Các nhà tài trợ hứa giúp VN $7.4 tỷ nhưng khuyến cáo VN phải để ý đến việc “tái cấu trúc kinh tế- DNNN” và để ý đến nhân quyền. Tại hội nghị các nhà tài trợ cho rằng hệ thống ngân hàng VN cần nâng cấp các tiêu chuẩn lên cho ngang bằng với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về kế toán và kiểm toán và minh bạch.

Nghị quyết 11 hồi tháng Hai 2011 nhằm thắt chặt tiền tệ và chi tiêu công đã góp phần làm cho lạm phát giảm đi. Cam kết “tái cơ cấu kinh tế” do ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra hồi tháng Mười 2011 cũng được cho là một động thái tích cực. Nhưng lời nói phải đi đôi với việc làm mà việc này thì còn phải chờ xem VN có thực muốn tái cơ cấu hay không?

Tình hình kinh tế VN đã ở chỗ khó khăn - TQ có thể lợi dụng – ve vãn, cho vay làm cho VN ngày càng mất chủ quyền kinh tế. Nguy cơ mất chủ quyền kinh tế khá cao.

Tuy nhiên, nhìn vào tình hình kinh tế - xã hội VN thì với một số viện trợ lên đến $7.4 tỷ và kiều hối lên đến $9 tỷ, VN không cần vay từ TQ – hay nhập khẩu các công nghiệp thấp, gây nhiều khó khăn về môi trường và nâng tính cách cạnh tranh lên cao [Đa số các công nghiệp xi-măng nhập từ TQ có giá thành quá cao – khó cạnh tranh – trong khi các DNNN vẫn phải trả nợ].

Chỉ cần nói theo TS Lê Đang Doanh “…còn lại 60, 50 đồng kia nó bốc hơi," phải tìm ra 50% hay 60% “bị bốc hơi” ở chỗ nào thì VN sẽ có đủ tiền phát triển đất nước chứ $300 triệu của ông Tập Cận Bình xem ra cũng chẳng thấm tháp vào đâu.

1/ Xin coi bài của cùng tác giả trên Diễn Đàn Thế kỷ www.Diendantheky.net “Chính sách đang thành hình của Mỹ tại Thái Bình Dương” tháng 8, 2010 và về TQ bị bao vây và TQ bị chiếu tướng tại TBD, 2011.
2/ Xin coi bài của cùng tác giả trên “Quan Hệ Việt-Mỹ trong năm 2010”
3/ Xin coi bài của cùng tác giả trên Diễn Đàn Thế kỷ kỷ www.Diendantheky.net
4/ (Washington Post, November 13; Global Times, November 19; Mainichi Daily [Tokyo] November 13).
5/ Xin coi bài của cùng tác giả trên Diễn Đàn Thế kỷ về TQ bị chiếu tướng
6 / BBC 15/12/2011 TS Lê Đăng Doanh 15/12/2011