Dự án Ecopark không xứng đáng được nhận giải Kiến trúc Xanh |
Tác Giả: Thụy My | |||
Thứ Bảy, 12 Tháng 5 Năm 2012 07:44 | |||
''Các dự án cần phục vụ cho cộng đồng, chứ không phải đẩy cộng đồng ra ngoài'' Nông dân ba xã bị tịch thu đất của huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên thức trắng đêm 23/04/2012 để chuẩn bị đối phó với lực lượng cưỡng chế. REUTERS/Stringer Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, giảng viên đại học tại Bắc Mỹ, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch, thì việc "khu đô thị sinh thái Ecopark" có tên trong số dự án được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải Công trình Kiến trúc Xanh 2012 chỉ mang tính khuyến khích. Theo ông thì các dự án cần phục vụ cho cộng đồng, chứ không phải đẩy cộng đồng ra ngoài. Việc chính quyền tỉnh Hưng Yên huy động một lực lượng cưỡng chế hùng hậu lấy đất của dân huyện Văn Giang hôm 24/04/2012 để lấy đất xây dựng dự án Ecopark đã gây xôn xao dư luận cho đến nay. Được quảng cáo là khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc, trang web của chủ đầu tư là công ty tư nhân Việt Hưng và một số tờ báo trong nước cho biết Ecopark đã đoạt được « các giải thưởng danh giá của Việt Nam và thế giới ». Đó là giải Công trình Kiến trúc Xanh Việt Nam năm 2012, và giải thưởng Phát triển phức hợp lớn nhất Việt Nam của ban tổ chức giải thưởng Bất động sản châu Á – Thái Bình Dương. Thực hư về các giải thưởng này ra sao ? Chúng tôi đã trao đổi với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch, đồng thời là giảng viên đại học tại Bắc Mỹ. Ông là con của cố kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ, hiện ông đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. RFI: Kính chào với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Thưa anh, giải thưởng Kiến trúc Xanh này được chọn lựa như thế nào ? Và cá nhân anh nhận xét dự án Ecopark ra sao ? KTS Ngô Viết Nam Sơn: Dự án Ecopark được giải Kiến trúc Xanh là giải đầu tiên của Hội Kiến trúc sư mới làm năm nay, có tính cách là khuyến khích những công trình hướng đến những tiêu chí xanh, nên mới cho giải công trình Ecopark. Nhưng thật ra trong giới chuyên môn có một số ý kiến về vấn đề này. Họ nói là trong tiêu chí chọn giải, thì công trình phải hoàn thành rồi, trong khi dự án này chưa hoàn thành, chỉ đang phát triển thôi. Cái thứ hai là nó có một số vấn đề về đất đai, nói chung là có những dư luận không được tốt lắm. Về mặt kiến trúc xanh, thì đây là giải đầu tiên thành ra có những tác phẩm xứng đáng, mà cũng có những tác phẩm người ta đưa vào với tính cách là khuyến khích nhiều hơn. Vì nói chung hiện nay phát triển kiến trúc xanh là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Xây dựng cũng như Hội Kiến trúc sư. Giải thưởng này không có ý nghĩa là đứng về phía chủ đầu tư Ecopark, chỉ thuần túy về chuyên môn. Tức là những nhà thiết kế của Ecopark đã có xem xét những tiêu chí kiến trúc xanh này khi họ thiết kế. RFI: Trong các tiêu chí có việc hòa nhập môi trường nhân văn, nhưng dự án này lại làm cho nhiều gia đình nông dân mất đất đai rẩt màu mỡ, là phương tiện mưu sinh chủ yếu của họ từ nhiều đời, thì như vậy có tính nhân văn hay không ? Vâng thì tôi cũng nghĩ vậy – đây là ý kiến riêng của tôi thôi. Tôi nghĩ rằng khi mà ban giám khảo chọn giải, thì cũng có thông tin ở một mức độ nào đó thôi, cái tình trạng xung đột đỉnh cao xảy ra sau này. Thật sự đã gọi là phát triển bền vững thì đúng là cần phải hòa nhập môi trường nhân văn, và dự án mới phải có sự liên kết, phải gắn kết với cộng đồng hiện nay. Và nhất là khu vực đó nếu lâu nay mình phát triển nông nghiệp, đã có cộng đồng rồi, thì phải xem xét chuyện đó như là một thành phần của dự án. Tôi cho rằng khi xét những tiêu chí này của Ecopark, giải thưởng Kiến trúc Xanh thì mới thành ra ban giám khảo có phần nương nhẹ một tí, để cho có một số tác phẩm giới thiệu cho đồng nghiệp nhằm khuyến khích anh em kiến trúc sư phát triển theo tiêu chí đó.Tôi nghĩ rằng đây là một kinh nghiệm, có thể sang năm chuyện xét duyệt sẽ chi tiết hơn và khắt khe hơn. Theo tôi biết thì có một số anh em đang đề xuất là nên rút lại cái giải thưởng này. Tôi nghĩ rằng với dự án Ecopark thì những xung đột cần phải được giải quyết bằng pháp luật. Và riêng về Hội Kiến trúc sư, thì việc có rút lại giải này hay không cũng phải theo luật pháp luôn, vì chúng ta đưa cái giải này ra, có muốn rút lại thì cũng phải theo quy trình. RFI: Như anh có nói lúc nãy, đúng ra nên trao cho những dự án đã hoàn thành, vì thực tế nhiều khi không đúng như trên giấy tờ ? Đúng rồi, tôi nghĩ cái giải này mới làm năm nay nên có du di một tí để cho có cái để trình làng nói chuyện. Nhưng có lẽ từ năm sau trở đi những tiêu chí này sẽ được Hội kiểm tra nghiêm ngặt. Tức là khi mà đặt tiêu chí tác phẩm này phải hoàn thành, thì cũng phải để cho nó lắng xuống một tí. Và để coi thứ nhất là cộng đồng chuyên môn người ta có cảm nhận như thế nào, cũng như cộng đồng ở nơi phát triển dự án đó người ta nghĩ về dự án như thế nào. Như vậy lúc đó thì những giải thưởng cho dự án sẽ chính xác hơn. RFI: Còn nếu nói về mặt đạo lý, nếu mua nhà ở một đô thị xanh, hưởng những tiện nghi môi trường, nhưng nghĩ đến vụ cưỡng chế thì những người có ý thức cũng không cảm thấy thoải mái… Đúng vậy, thật ra trong chuyện này tác động của nhà thiết kế cũng rất là quan trọng. Tôi nhớ lại thời trước làm việc với các công ty (…) về dự án Bắc Hà Nội ở Đông Anh, hồi đó có những cái làng ở quanh khu vực. Khi nhóm thiết kế ngồi bàn với nhau, thì chúng tôi khoanh vùng những làng đó và tạo những vành đai xanh là ruộng đồng, đề xuất nên giữ lại. Theo tôi biết, nhà thiết kế Ecopark là của Singapore, thì không biết tại sao người ta không đề xuất với chủ đầu tư việc đó. Chứ thực sự ra khi làm một dự án quy hoạch và nhất là một dự án gọi là sinh thái, thì việc mình bảo tồn những giá trị của cộng đồng ở tại nơi phát triển dự án là một điểm rất quan trọng. Không những là vấn đề đạo lý, nhân văn vân vân, mà nó nâng cao bản sắc cho dự án rất nhiều. Tôi nghĩ dự án này Hội cho giải nhằm khuyến khích dự án xanh thôi, chứ còn nói sâu rộng về những tiêu chí, thì so với những dự án khác được giải Kiến trúc Xanh năm nay, dự án Ecopark chưa có ngang tầm. Chẳng hạn như công trình Nhà cộng đồng thôn Suối Rè của anh Hoàng Thúc Hào. Mặc dù chỉ là một công trình kiến trúc nhỏ thôi, nhưng người thiết kế người ta có cái tâm tư phục vụ cho cộng đồng, chứ không phải là đẩy cộng đồng ra ngoài. Thành ra tôi thấy nếu mà so Nhà cộng đồng Suối Rè và cái giải cho Ecopark, thì Suối Rè đúng tầm hơn. RFI: Khi mà người dân nhận tiền đền bù vài chục triệu hay vài trăm triệu chẳng hạn, rồi cả gia đình thất nghiệp luôn thì hậu quả xã hội chắc là rất lớn… Vâng, tôi rất hy vọng là với những phản hồi như vậy, thì nhà đầu tư cũng như nhà thiết kế sẽ ngồi lại, và người ta sẽ xem lại mình. Nếu họ có điều đình, lắng nghe ý kiến của cộng đồng tại chỗ, thì tôi nghĩ sẽ có giải pháp RFI: Cũng trong tháng Tư, Ecopark lại được giải thưởng bất động sản châu Á - Thái Bình Dương. Thưa anh, giải thưởng này có giá trị gì ? Thường thường mấy cái giải bất động sản thì có lẽ chúng ta đều hiểu rằng nó có tính chất thương mại nhiều hơn, và thường là giá trị không cao. Cái đó là để marketing cho vui thôi, chứ còn những người hiểu biết thì người ta không đánh giá cao những giải như thế này. Giải thưởng kiến trúc thì nói chung cũng có bề dày, và có nhiều công trình có giá trị được giải. Còn những giải bất động sản thì tôi thấy ở Việt Nam nói chung là tạo ra được rất nhiều giải, nhưng thường thì giá trị không cao. Cái thứ hai là những giải bất động sản đứng về phía chủ đầu tư nhiều hơn. Tức là anh làm một dự án mà thâu được lợi nhiều nhất cho chủ đầu tư thì anh được giải. Cái chuyện giải bất động sản mà tính đến lợi ích cho nhân dân địa phương thì tôi thấy hầu như không có ở Việt Nam. RFI: Nhưng trong bài viết nói là giải thưởng này được thẩm định bởi 60 chuyên gia từ mọi lãnh vực trong ngành bất động sản ? Thì họ nói vậy thôi, chứ còn bây giờ nếu liệt kê danh sách những chuyên gia đó là những ai, thì tôi nghĩ là những chuyên gia có uy tín người ta không dám nhận đâu ! Đó là chuyện thương mại, người ta quảng cáo, nhưng mà thực chất nó ra sao thì mình phải hiểu thôi. Tôi thì tôi thấy rằng chuyện này khi mình nêu lên thì nên nhìn một cách tích cực. Là khi có những xung đột, thì đó là những vấn đề để phản tỉnh, và khi chúng ta giải quyết được những vấn đề đó, thì sẽ có một dự án rất giá trị. Chẳng hạn hồi nãy tôi nói, tôi cho rằng Ecopark chưa xứng đáng với giải năm nay. Nhưng bây giờ nếu nhà đầu tư và kiến trúc sư bên Singapore ngồi lại với nhau, có những điều chỉnh phù hợp, để cho người dân tại chỗ còn đất cắm dùi, và phát triển hài hòa với mối quan hệ đó, thì lúc đó tôi hoàn toàn ủng hộ việc trao giải cho Ecopark. RFI: RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã dành thì giờ trả lời phỏng vấn của chúng tôi hôm nay.
|