Lần "thử lửa" của tân Tổng thống Pháp tại Mỹ được đánh giá là thành công |
Tác Giả: Trọng Nghĩa | |||
Thứ Ba, 22 Tháng 5 Năm 2012 12:27 | |||
Theo ông Fabius, Tổng thống Pháp đã hoàn thành nhiệm vụ một cách "toàn hảo" Tổng thống Pháp François Hollande và Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev tại thượng đỉnh G8 ngày 19/05/2012. Bị các đối thủ chỉ trích là thiếu kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ một tuần sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Pháp François Hollande đã chứng tỏ được vai trò lãnh đạo của mình nhân chuyến Mỹ du ngắn ngày nhưng căng thẳng, kết thúc hôm qua, 21/05/2012. Trước lãnh đạo các cường quốc khác của thế giới ông vừa thu hút được sự chú ý của công luận, vừa bảo vệ được các quan điểm thiết yếu của nước Pháp. Đối với một người lần đầu tiên xuất hiện trên diễn đàn quốc tế, bốn ngày vừa qua chẳng khác gì một cuộc thử lửa nóng bỏng, khởi sự từ Nhà Trắng ở Washington, nối tiếp theo là Hội nghị Thượng đỉnh G8 ở Camp David, và kết thúc bằng hai ngày họp cấp cao của khối NATO và các đồng minh ở Chicago. Tại tất cả những nơi này, vị Tổng thống mới của Pháp đã liên tiếp tiếp xúc với người lãnh đạo của các "đại cường", đặt nền móng cho chính sách ngoại giao của ông trong thời gian tới đây và áp đặt một phong cách mới của riêng ông. Theo các nhà quan sát, về hình thức, ông François Hollande đã cho thấy một phong thái rất thoải mái, không ngần ngại bông đùa với Barack Obama, lãnh đạo cường quốc số một thế giới ngay tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, hoặc với báo chí khi chụp ảnh lưu niệm cùng với các lãnh đạo trong nhóm G8 tức là 8 cường quốc công nghiệp hàng đầu của hành tinh. Hầu hết các đồng nhiệm của tân Tổng thống Pháp đều đã đánh giá cao chất lượng cũng như không khí hữu hảo của cuộc tiếp xúc đầu tiên của họ với người đứng đầu nhà nước Pháp. Ngay cả những người đã ít nhiều hàm ý ủng hộ đối thủ của ông là cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy trong chiến dịch tranh cử vừa qua, như Thủ tướng Anh David Cameron chẳng hạn, cũng đã phải thay đổi cái nhìn. Về mặt nội dung, ông François Hollande đã không che giấu thái độ hài lòng về kết quả các cuộc thảo luận của ông trong thời gian ở Mỹ, không ngần ngại cho rằng đã gặt hái được một số thành quả ngoại giao về các chủ đề mà ông đã nêu bật thành biểu tượng, trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua. Trước tiên là vấn đề tranh cãi giữa kỷ luật tài chính và tăng trưởng kinh tế. Tại Camp David, người đã cam kết sẽ đòi Thủ tướng Đức Angela Merkel thương thuyết lại hiệp ước kỷ luật ngân sách châu Âu, đã tuyên bố hài lòng rằng « tăng trưởng đã trở thành chủ đề lớn của Hội nghị G8 lần này ». Tổng thống François Hollande còn mạnh dạn xác định : « Tôi cho rằng nhiệm vụ mà người Pháp giao phó cho tôi đã được hoàn thành ». Một lý do khác cũng khiến tân Tổng thống Pháp hài lòng. Đó là việc rút lực lượng tác chiến Pháp khỏi Afghanistan trước cuối năm 2012 này, tức là hai năm trước thời hạn do NATO ấn định. Quyết định này của Pháp đã làm cho khá nhiều lãnh đạo tham gia Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Chicago bực bội, nhưng theo ông François Hollande, ông đã đưa ra được những lời giải thích cần thiết, kể cả việc cam kết là Pháp sẽ giúp Afghanistan đào tạo cảnh sát và quân đội sau năm 2014, để trấn an các đồng minh . Theo lời thừa nhận của chính tân Tổng thống Pháp, ông « đã đảm bảo được là lập trường của Pháp được tôn trọng và áp dụng hoàn toàn », nhưng đồng thời đã thuyết phục được các đồng minh thông cảm với Pháp. Tóm lại, dù không chấp nhận khái niệm "giai đoạn tập sự " được gán cho chuyến công du nước Mỹ vừa rồi, tân Tổng thống Francois Hollande đã đánh giá tích cực bước đầu tiên của ông trên trường quốc tế. Tân Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, một người nhiều kinh nghiệm ngoại giao hơn, cũng cùng quan điểm khi cho rằng tân Tổng thống Pháp "rất kiên định trong việc bảo vệ quan điểm của mình, nhưng lại có một phong thái hòa nhã, rất dễ tiếp cận". Theo ông Fabius, Tổng thống Pháp đã hoàn thành nhiệm vụ một cách "toàn hảo". Lẽ dĩ nhiên, đối thủ chính trị của tân Tổng thống François Hollande tại Pháp đã chỉ trích mạnh mẽ kết quả chuyến Mỹ du của ông. Ông Axel Poniatowski, một dân biểu thuộc đảng cánh hữu UMP đã cho rằng ông Hollande có thái độ "kênh kiệu". Cựu cố vấn chính trị của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, Henri Guaino, cho là "rồi thì ông Hollande sẽ phải bớt lên giọng". Còn đối với bà Marine Le Pen, chủ tịch Mặt trận Quốc gia cực hữu thì kết quả chuyến đi chỉ là những "sáo ngữ ".
|