Home Tin Tức Thời Sự Phỏng vấn KTS Trần Thanh Vân về địa điểm đặt Trung tâm Hành chính quốc gia tại Hà Nội

Phỏng vấn KTS Trần Thanh Vân về địa điểm đặt Trung tâm Hành chính quốc gia tại Hà Nội PDF Print E-mail
Tác Giả: Bauxite Việt Nam   
Thứ Tư, 30 Tháng 12 Năm 2009 13:00

Nhân Thủ tướng Chính phủ vừa tuyên bố sẽ quyết định đặt Trung tâm Hành chính quốc gia tại khu vực Mỹ Đình, Bauxite Việt Nam có cuộc phỏng vấn nhanh với KTS Trần Thanh Vân về chủ trương mới này.

                 KTS Trần Thanh Vân

Hỏi: Chào KTS Trần Thanh Vân, nhiều năm nay chị rất quan tâm đến quy hoạch Thủ đô, mấy ngày trước chị có viết một bài bàn về câu phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ Xây dựng “Quy hoạch là ý chí của quyền lực” đăng trên Vietnamnet, có thật chị cũng có suy nghĩ như ông Bộ trưởng nói không?

Trả lời: Một câu nói khi được mổ xẻ, cần phải xem xét hoàn cảnh nói ra câu đó và mục đích của người nói ra câu đó nhằm đạt được gì. Năm ngoái, khi lựa chọn Nhà thầu tư vấn quốc tế để ký hợp đồng lập quy hoạch chung thành phố Hà Nội mở rộng, đã có quá trình tuyển chọn khá phức tạp và có nhiều ý kiến bất đồng. Từ ban đầu có đến 12 nhóm Liên danh Tư vấn quốc tế xin tham gia lập quy hoạch Thủ đô, sau khi loại dần chỉ còn 3 nhóm, nhiều người muốn chọn Liên danh Nhật – Hà Lan, nhưng ông Bộ trưởng Bộ Xây dựng và một số người khác muốn chọn Liên danh Mỹ – Hàn quốc. Tất nhiên, việc đó không quan trọng lắm, vì thuê ai làm thì mình là chủ, mình vẫn phải có chính kiến, bởi vậy hôm đó ông Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã thắng và ông nói ra câu đó để thể hiện cái “uy quyền lực” của ông ta. Tôi không để bụng chuyện đó và tôi muốn khai thác khía cạnh đúng của câu nói nên tôi giải thích rồi, rằng “Ý chí của quyền lực” phải đi kèm với trí tuệ hơn người và phải có bản lĩnh, sự vững vàng cùng lòng kiên định, chứ không thể có quyền thì muốn nói gì hay làm gì cũng được.

Hỏi: Vậy ra ý kiến bất đồng xảy ra từ lúc chọn Tư vấn quốc tế hay sao? Theo chị thì Liên danh Nhật – Hà Lan mạnh ở điểm nào? Và ngược lại chị không tán thành Liên danh tư vấn PPJ (Mỹ – Hàn quốc) ở điểm nào?

Trả lời: Tôi rất phục người Nhật, họ đang làm quy hoạch thành phố Tokyo mở rộng ra phía Tây lớn gấp hơn 2 lần Tokyo hiện tại, gọi là thành phố rừng (xem Forest City) nên họ có thể giúp ta nhiều kinh nghiệm, từ nhiều năm trước, họ cũng đã thành lập tổ chức HAIDEP giúp Hà Nội nghiên cứu quy hoạch cải tạo và quy hoạch vùng, thông qua quỹ tài trợ của quỹ phát triển JICA (Japan International Cooperation Agency) và họ đã có mối quan hệ về nhiều mặt với Bộ Xây dựng và đã ký với Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị Nông thôn một Dự án đào tạo nâng cao trình độ quy hoạch, cho nên so với người nước ngoài thì họ không chỉ có kinh nghiệm mà còn tương đối hiểu Việt Nam. Còn Hà Lan là nước ở thấp hơn mặt biển, Hà Lan rất có kinh nghiệm về thủy lợi và đắp đê chống lụt. Ngược lại Hàn quốc thì năng lực không có gì xuất sắc, Posco E&C là chủ lực trong Liên danh PPJ, đó là một công ty con của Công ty mẹ thép Posco, họ mạnh và giàu là nhờ thép, ở Việt Nam chỗ nào có dự án của Posco là phải cảnh giác vì họ chỉ nghĩ đến lợi cho họ và hại cho ta, ví dụ như Thép Vân Phong, Đường hầm bộ xuyên qua Hồ Tây, Đại dự án bất động sản đô thị Sông Hồng, Dự án Tây Hồ Tây 210Ha 100% vốn Hàn quốc, thi công con đường Láng – Hòa Lạc họ đang thầu cũng là dự án bất ổn.

Hỏi: Trưa ngày 11/12/2009 vừa có tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định Trung tâm hành chính quốc gia sẽ ở Mỹ Đình thì chị tính sao?

Trả lời: Tất nhiên ý kiến Thủ tướng là hệ trọng, nhưng tôi hy vọng câu phát biểu vừa rồi chưa phải chính thức, từ nay đến cuối năm 2010 Thủ tướng sẽ cân nhắc và ra quyết định cuối cùng thỏa đáng hơn. Tôi cho rằng đã là Thủ đô thì chỉ có một cơ quan đầu não, làm gì có chuyện “Trước mắt hãy nghiên cứu ở Mỹ Đình”. Vả lại, Quốc hội chắc sẽ có thảo luận và nếu thấy có vấn đề thì sẽ phủ định quyết định của Thủ tướng, bời vì đó là cơ quan có quyền lực trên cả quyền lực của Thủ tướng. Tại sao ta cứ sống tạm bợ kiểu thời chiến mãi như vậy được!

Hỏi: Theo ý kiến chị thì đặt TTHCQG ở Mỹ Đình có gì là bất ổn?

Trả lời: Đầu tiên: Mỹ Đình không “Tựa núi nhìn sông và Rồng cuộn Hổ chầu” như nội dung bản báo cáo do Thủ tướng đọc trước Quốc hội. Tại sao năm ngoái Thủ tướng đã đọc đoạn đó trước Quốc hội? Tại sao trong một tuần hoãn thông qua nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, người ta chạy nháo nhác tìm tư liệu để củng cố lập luận, tôi là người cung cấp bản Thiên đô chiếu và nhiều tài liệu khác cho những người giúp việc Thủ tướng? Tôi có ý thức rất nghiêm túc rằng những lúc khó khăn đó là lúc tôi phải hỗ trợ đồng nghiệp của tôi không vì mục đích riêng tư nào hết. Nhưng chính vì thế tôi cần tiếp tục góp ý kiến để sự hỗ trợ của tôi thực sự có ích.

Hơn nữa Phong thủy là vấn đề rất khó, các thầy phong thủy nghiên cứu sâu về những thủ thuật vi mô để giúp mỗi cá nhân giải quyết tốt chuyện hướng nhà, hướng bếp, trổ cổng ngõ, xây bể nước… để gia đình họ sống êm ấm, mọi người đều khỏe mạnh, hạnh phúc và làm ăn tấn tới thì rất nhiều, nhưng phong thủy tầm vĩ mô thì càng quan trọng hơn, mọi người chưa hiểu thì tôi cố gắng giúp cho mọi người hiểu. Nếu may mắn đến thì cả dân tộc gặp may mắn, nếu gặp họa thì cả nước chịu họa chứ có riêng ai? Tôi không nghĩ là Thủ tướng hoặc bất cứ ai lại tách mình ra khỏi dân tộc cả.

Hai là: Năm ngoái, tôi đã viết bài “Cơn Hồng thủy và lời cảnh báo cuối cùng” sau trận lụt lịch sử hồi đầu tháng 11, Mỹ Đình chìm trong biển nước, đường Phạm Hùng, Sân vận động quốc gia, Trung tâm Hội nghị quốc gia… có chỗ sâu đến gần 2m nước và tôi đã có một bài tính sơ bộ rằng muốn tránh ngập vào những trận mưa tương tự thì ở Mỹ Đình phải có hệ thống hồ và kênh đào tổng diện tích 1.000 ha để có thể chứa 15 triệu m3 nước mưa. Tôi không rõ Liên danh tư vấn PPJ vừa qua đưa ra giải pháp gì để thoát nước mưa, nhưng mưa thì phải có chỗ hứng nước. Mỹ Đình là chỗ trũng hứng nước ở Tây Nam thành phố, người Hà Nội từ xưa đã biết đó là chỗ đọng nước nên không có giải pháp nào tốt hơn là đào hồ. Thế mà xem ra hồ thì ít, lại đặt TTHCQG ở đó để cùng bị ngập nước hay sao?

Thứ ba: Mỹ Đình không phải là Đại La, bỏ Đại La với nhiều huyệt đạo linh thiêng để ra Mỹ Đình hoặc Hòa Lạc hay bất cứ đâu là phạm luật phong thủy. Từ lúc người Pháp đánh chiếm Hà Nội và lầp sông Tô Lịch, xóa trung tâm buôn bán ở Kẻ Bưởi và các phường Yên Thái, Hồ Khẩu, Võng Thị, Bái Ân, Xuân La, Xuân Đỉnh… thì người ta quên hẳn đây vốn là vùng Trung tâm rất phồn vinh của Thăng Long thời Lý?

Hỏi: Vậy theo chị, TTHCQG vẫn phải ở Tây Hồ Tây mới là thích hợp nhất?

Trả lời: Đúng vậy. Khi xưa người ta quên Tây Hồ Tây nhưng người ta không phá, dân ở vùng đó vẫn duy trì tục lệ từ ngàn năm. Còn nếu bây giờ cho người Hàn quốc đến xây trung tâm thương mại, ngân hàng, khách sạn, biệt thự của họ để phá nát nơi này lại là chuyện khác. Tôi không hiểu tại sao người Hàn quốc thì biết rất rõ đó là vùng đất quý, họ tìm moị cách để chiếm lấy, còn các quan chức Việt Nam lại coi thường và sẵn sàng nhường cho họ? Ở đây có đình Bái Ân là nơi tạ ơn Trời Đất cho quốc thái dân an và hiền tài giúp nước, có đền Sóc trừ họa Cáo chín đuôi… Theo tôi hiểu thì nơi này quan trọng hơn cả đàn Xã Tắc là nơi khi xưa vẫn lập lễ cầu xin được mùa. Đàn Xã Tắc là nơi thờ Thần Đất và Thần Nông của nền văn minh lúa nước, còn nơi đây là để hướng về Tản Viên Sơn Thánh làm lễ Tạ ơn Trời Đất mãi mãi.

Hỏi: Đã nhiều lần được nghe chị nói về những câu chuyện tâm linh này, xin hỏi chị có thật tin không?

Trả lời: Tôi rất tin. Niềm tin đến với tôi không dễ chút nào, nhưng khi tôi đã tin thì không ai lay chuyển được niềm tin đó nữa.

Tất nhiên niềm tin đến với mỗi người có quá trình khác nhau và không thể áp đặt. Tôi nghĩ, hiện nay đã có nhiều người tin, nhưng vì chưa hiểu nên họ vẫn nói sai và làm sai. Tôi tự thấy có trách nhiệm giúp mọi người hiểu ra. Cái lẽ của tạo hóa huyền diệu lắm. Hiểu sai dẫn đến hành động sai không có tội. Nhưng khi đã biết sai mà vẫn cố tình hành động sai mới là tội lớn. Vì nể nang hay vì bất cứ lý do nào mà vẫn cố tình dâng Tây Hồ Tây cho người Hàn quốc là mang tội lớn. Còn bây giờ muốn đòi lại không khó chút nào. Họ mới đền bù giải phóng mặt bằng một ít thôi. Vả lại, tôi đã giới thiệu rồi, Keystone Vietnam sẽ đền bù tiền giải phóng mặt bằng cho Hàn quốc và xin đầu tư ngay hệ thống kênh đào như một Venice ở nước Ý tại đây

Hỏi: Nếu chẳng may chị nói thế, nhưng nói nữa người ta vẫn bỏ ngoài tai, vẫn dâng mảnh đất thiêng này cho người Hàn quốc thì chị tính sao?

Trả lời: Mọi chuyện xấu nhất đều có thể xảy ra. Tôi đang thông báo đầy đủ cho mọi người cùng biết. Nói một lần người ta chưa nghe ra thì phải nói nhiều lần. Tôi tin là đại đa số mọi người sẽ nghe theo tôi, có người sẽ còn giúp tôi nhắc nhở và giải thích lại cho dễ hiểu và dễ chấp nhận hơn.

Hỏi: Nếu người ta vẫn cứ không nghe và cứ khăng khăng làm theo ý mình, bất chấp tất cả? Hỏi thế vì chúng tôi đã có kinh nghiệm thực tiễn về những việc như thế này rồi, không phải cứ là chân lý thì nhất định sẽ lay chuyển được mọi cái đầu, sự đời nó lại thế đấy.

Trả lời: Cũng là lẽ thường tình. Có điều người khôn không ai hành động như vậy, vì nếu biết sai mà vẫn làm thì sẽ phải trả giá rất đắt. Đất nước mà phải trả giá thì tai hại rất lớn, nhưng sẽ có thế hệ tiếp theo hàn gắn, còn nếu cá nhân mà trả giá thì sẽ là nghiệp chướng, không chỉ bản thân họ sẽ gánh chịu mà còn lụn bại nhiều đời con cháu họ. Chuyện linh thiêng này không đùa được đâu. Ngay bản thân tôi cũng vậy, nếu một việc tốt mà tôi cứ xưng xưng nói thành xấu thì chính tôi sẽ phải trả giá.

Xin cám ơn KTS Trần Thanh Vân.