Home Tin Tức Thời Sự Tại Ý, dân lao động châu Phi nhập cư bị xua đuổi đánh đập

Tại Ý, dân lao động châu Phi nhập cư bị xua đuổi đánh đập PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm /RFI   
Thứ Hai, 11 Tháng 1 Năm 2010 18:57

Tại Rosarno, Calabria, miền nam nước Ý, nạn nhập cư bất hợp pháp và khó khăn kinh tế là những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ xô xát

 giữa dân địa phương và lao động châu Phi nhập cư, làm hàng chục người bị thương. Từ Roma, thông tín viên Quan Vinh tường trình.

 Một người lao động châu Phi bị thương đang được đưa ra khỏi khu làng Rosarno, Calabria, miền nam Ý, ngày 09/01/2010 (Ảnh : Reuters)

1/ Về vụ truy dân địa phương tại Rosarno, Calabria, miền nam nước Ý truy đuổi đánh đập người lao động châu Phi nhập cư :

Theo tin báo chí Ý đến sáng nay, 10/01/2010, có 67 người bị thương do những cuộc bạo động xô xát xẩy ra trong mấy ngày qua ở thành phố Rosarno thuộc vùng Calabria, miền nam nước Ý. May mắn là chưa có ai tử vong. Mọi chuyện bắt đầu ngày thứ sáu 07/01/2010 vừa qua, khi một vài thanh niên vô danh đã nã súng làm trọng thương hai người nhập cư Phi châu. Đó là ngòi nổ đã khiến hàng trăm người nhập cư Phi châu đã tụ tập và bắt đầu có những hành vi đập phá phố xá và xe cộ ở Rosarno.

Những ngày tiếp theo là bạo động leo thang, các cư dân người Ý của thành phố đã phản ứng lại bằng bạo động gậy gộc, và ở thành phố đã diễn ra những cảnh săn lùng người da đen hãi hùng không khác chi thời của Ku Klux Klan ở Mỹ.

Lực lượng cảnh sát đã tìm cách can thiệp để tránh bạo động có thể gia tăng, và trước mắt là chính quyền Ý đã ra lệnh di chuyển hết tất cả khoảng 700 người nhập cư Phi châu ở Rosarno vào những trại tiếp cư trong vùng của chính quyền với hy vọng để tránh những “tiếp cận” và xô xát giữa những người Phi châu và dân cư Ý ở thành phố.

2/ Chính sách nhập cư của chính phủ Ý :

Vấn đề nhập cư thực ra là một vấn đề nóng của xã hội, không phải chỉ riêng ở Ý, mà là ở toàn bộ châu Âu từ nhiều năm nay. Nhưng phải nói là trong trường hợp của Ý, vấn đề người nhập cư có thêm những mức độ trầm trọng hơn so với các nước châu Âu khác.

Trước hết phải nói rằng, địa thế của nước Ý, nhất là miền nam nước Ý là điểm tiếp cận gần nhất cho các tuyến nhập cư trái phép đến từ Bắc Phi, do đó, Ý gần như là “cửa ngỏ” để người nhập cư “đổ bộ” lên châu Âu, từ đó số người nhập cư trái phép từ nhiều năm nay tăng lên vùn vụt.

Về mặt xã hội và lịch sử, so với các nước châu Âu khác, Ý truyền thống vốn là nước xuất khẩu lao động hơn là lao động nhập cư. Cho đến những cuối thập niên 70, vẫn còn nhiều người Ý ra đi lập nghiệp ở các nước châu Âu hay ở Mỹ, trong khi đó hiện tượng người nước ngoài nhập cư vào Ý để tìm kế mưu sinh hầu như là không có. Bởi thế, trong khi các quốc gia Tây Âu khác đã có lâu đời kinh nghiệm và các chiến lược chính trị xã hội kinh tế để điều hành thoả đáng vấn đề lao động nhập cư, thì từ khoảng trên dưới 30 năm nay, Ý hoàn toàn bị “bất ngờ” trước hiện tượng lao động nhập cư và do đó nhà nước và các giới chính trị Ý gần như bị động trước hiện tượng này.

Lấy một thí dụ rất đơn giản: Kể từ 30 năm nay, các hoạt động canh tác ở vườn cam, vườn quýt, nho táo, hoa quả nổi tiếng ở miền nam nước Ý nhờ có nắng và khí hậu ôn hoà của Địa Trung Hải, đều hoàn toàn trông cậy vào sức lao động của những người nhập cư từ Bắc Phi. Lý do rất dễ hiểu là vì đa số người Ý có tuổi lao động thì lại đã bỏ đất ra đi lập nghiệp ở các nước Tây Âu khác, các thanh niên trẻ mới lớn thì lại ôm ấp mơ tưởng những nghề nghiệp cao sang trong các văn phòng hiện đại, hay chí ít cũng là công chức nhà nước hơn là phải dãi nắng dầm mưa trên ruộng vườn như cha ông của họ. Thế là đẻ ra các tuyến đường nhập cư lao động từ Bắc Phi.

Nếu nhìn từ góc độ vĩ mô của xã hội, thì có thể thấy rằng Ý, cũng như đa số các nước châu Âu khác, đang bị “thâm hụt” dân số. Tính trung bình, mỗi gia đình có tối đa vẫn là một con. Điều này có nghĩa là theo thời gian, số tuổi lao động ở xã hội Ý ngày càng giảm, mà nền kinh tế thì không thể nào không cần lao động. Do đó vấn đề nhập cư lao động gần như là hiện tượng “tự phát” theo quy luật cung cầu của xã hội. Không phải chỉ có miền nam Ý, mà đến cả miền bắc Ý với những khu công nghệ tập trung, vẫn không tìm ra được thợ tuyền lao động đơn giản trong thầnh phần thanh niên Ý, và do đó lực lượng nhập cư lao động vẫn là lực lượng chính cho nền kinh tế lao động ở Ý.

Nhưng, lịch sử xưa nay cho phép xã hội Ý, dân Ý, chỉ quen đi ra ngoài tìm kế mưu sinh chứ không có tư duy sẵn sàng đón tiếp người dân nước khác đến Ý để lao động. Do đó nẩy ra một thư tư duy méo mó là phần lớn dân cư Ý chỉ thích sử dụng lao động nhập cư ban ngày, như một thứ công cụ sản xuất, nhưng khi chiều tối, các nông trại, các cơ sở sản xuất đóng cửa, thì dân Ý không “thích” thấy những người da đen lảng vảng trên đường phố. Một cách vô thức, nó tạo ra một phản cảm kỳ thị lạ lùng như một cơ thể tìm cách bài chống những vật lạ xâm nhập vào.

3/ Trách nhiệm của chính phủ Berlusconi :

Công tâm mà nói, không phải trách nhiệm này chỉ là của chính phủ Berlusconi, mà là của tất cả các chính phủ Ý trong khoảng 2 thập niên trở lại đây. Chỉ có thể nói rằng chính phủ Berlusconi đã làm vấn đề thêm trầm trọng bởi vì trong chính chính phủ có những lực lượng chính trị bài ngoại như đảng Lega Nord vốn lợi dụng vấn đề nhập cư và khích động tâm lý lo âu sợ hãi của dân Ý trước những vụ việc mất an ninh do chính nữhng người nhập cư gây ra để tìm sự đồng thuận của cử tri. Thái độ như thế của chính phủ không cho phép người dân Ý hiểu rõ ngọn ngành vấn đề và không thể nào nhà nước có  một chiến lược đứng đắn để đối đầu với vấn đề nhập cư.

Ở đây cũng cần phải nói thêm khía cạnh kinh tế của vấn đề nhập cư. Nếu Nhà nước Ý có một chính sách đứng đắn cho phép đại đa số người nhập cư lao động được cư trú chính thức, lao động một cách hợp pháp, thì các nông trại ở miền nam nước Ý không thể nào trả 25 Euro cho mỗi ngày lao động 12 tiếng đồng hồ trên ruộng vườn và nông trại lại phải trả thuế. Ngược lại, nếu cứ tiếp tục duy trì tình trạng nhập cư bất hợp pháp thì bắt buộc người nhập cư phải lao động chui và dễ dãi chấp nhận 25 Euro tiền lương mỗi ngày và không có bất cứ một bảo hiểm lao động nào, nói chi đến đấu tranh quyền lợi công đoàn ... chỉ là những thứ không tưởng đối với lao động nhập cư trái phép.

Dĩ nhiên trong tình trạng “tranh tối tranh sáng” như thế thì các lực lượng băng đảng xã hội đen của Mafia Ý lại càng có thêm đất mầu mỡ để vừa mở những tuyến đường buôn người, vừa có thêm những thành phần sống bên lề xã hội “điếc không sợ súng” sẵn sàng gia nhập các đạo quân ám sát buôn lậu mà lúc nào Mafia cũng cần.

4/ Phản ứng của công luận Ý :

Đối với xã hội Ý thì gần như đại đa số đang “sống trong sợ hãi”: dân Ý vốn đang phải đương đầu với những khó khăn kinh tế xã hội, đời sống ngày một thêm khó khăn bởi vì chính phủ Berlusconi vẫn tiếp tục “âm ỉ” với những đề luật nhằm “cải tổ ngành tư pháp”, thực chất vốn để giải quyết tận gốc những nợ nần công lý của chính ông Berlusconi. Do đó chính phủ hoàn toàn thờ ơ, làm ngơ trước những vấn nạn kinh tế tài chính. Các lực lượng chính trị đối lập thì bị chia rẽ, phân tán vẫn còn đang loay hoay tìm lãnh đạo, công đoàn thì bị tê liệt. Hậu quả là vấn đề người nhập cư và lao động nhập cư đã bị bộ máy truyền thông của phe chính phủ và nhất là của các lực lượng bài ngoại bóp méo thành những hiện tượng đe dọa xã hội Ý, chứ không phải là một nhu cầu lao động tất yếu mà chính xã hội Ý đang cần.

Thật là oái ăm lịch sử : Một dân tộc như Ý vốn đã có truyền thống ra đi lao động nước ngoài để tìm kế mưu sinh và ít nhiều đã có những thành tựu trên đất khách chính nhờ những chính sách nhập cư đứng đắng của những nước đó, lại không hấp thụ được bài học chính trị và nhân bản nói trên, để hôm nay quay ra đi truy lùng người nhập cư như thời Ku Klux Klan.

Miền nam Ý vốn bị xem là khu nghèo đói kém phát triển, mấy chục năm qua đã phải chứng kiến làn sống bỏ làng bỏ quê  đi lập nghiệp. Ngày nay nhìn những cảnh người dân thành phố Rosarno gậy gộc một bên, những người Phi châu gậy gộc một bên, mới thấy đây là chiến tranh giữa người nghèo với ngưới nghèo, giữa lạc hậu với kém phát triển