Home Tin Tức Thời Sự Hai tướng về hưu tố cáo VN cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn

Hai tướng về hưu tố cáo VN cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Năm, 11 Tháng 2 Năm 2010 07:34

“Cho Hồng Kông, Ðài Loan, Trung Quốc khai thác rừng đầu nguồn là tiềm ẩn đầy hiểm họa.

 
       Một công ty Ðài Loan đang chiếm 30,000 mẫu rừng
đầu nguồn trong tỉnh Quảng Nam và còn đang muốn thêm nữa.
HÀ NỘI (NV) - Hai tướng về hưu là Ðồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh, từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội và chính quyền CSVN, đã viết bài tố cáo một kế hoạch của nhà cầm quyền Việt Nam cho Trung Quốc thuê đất rừng đầu nguồn của 10 tỉnh xung yếu để trồng “nguyên liệu,” nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm về nhiều mặt cho đất nước.

Ông Ðồng Sĩ Nguyên, 87 tuổi, từng là ủy viên Bộ Chính Trị, trung tướng, Thứ trưởng Quốc Phòng, phó thủ tướng, bộ trưởng Giao Thông, Xây Dựng. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, năm nay 94 tuổi, từng là đại sứ ở Bắc Kinh giai đoạn 1974-1989. Hai ông từng phát biểu chống đối mạnh mẽ việc khai thác bauxite, bán tài nguyên cho Trung Quốc.

Ông Ðồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh, viết trong bài tố cáo rằng, 'Theo chỉ thị của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Cao Ðức Phát đã cử đoàn cán bộ liên ngành trực tiếp kiểm tra hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, đồng thời tổng hợp báo cáo 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Ðịnh, Kon Tum và Bình Dương. Kết quả cho thấy 10 tỉnh [các tác giả chỉ liệt kê 9 tỉnh, tức sót một tỉnh - người biên tập] đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305,3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Ðài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.”

Bài viết của hai ông được phổ biến trên diễn đàn điện tử 'boxitvn' vào ngày 10 tháng 2, năm 2010. Người ta không biết trồng rừng nguyên liệu này là gì? Trồng cao su, gỗ bạch đàn để sản xuất giấy hay thứ gì khác. Những “rừng nguyên liệu” này phục vụ kỹ nghệ Việt Nam hay chở về Trung Quốc phục vụ kỹ nghệ chế biến của nước này?

Tướng Ðồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh nhận định rằng, “Ðây là một hiểm họa cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn.”

Vẫn theo lời của hai ông, “Cho Hồng Kông, Ðài Loan, Trung Quốc khai thác rừng đầu nguồn là tiềm ẩn đầy hiểm họa. Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì hồ thủy lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thủy điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp. Năm qua nhiều tỉnh miền Trung đã hứng chịu đủ, chẳng phải là lời cảnh báo nghiêm khắc hay sao?”

Sau vụ cố tình khai thác bauxite để phục vụ nhu cầu nhôm của Trung Quốc bất chấp các ý kiến của hàng ngàn chuyên viên quan tâm đến thời cuộc đất nước, Bộ Chính Trị và chính phủ Việt Nam đã lập một kế hoạch khác để phục vụ lợi ích của Trung Quốc mà toàn dân không hề biết, nếu không có bài viết của hai ông Ðồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh.

Hai ông cáo buộc những kẻ cầm đầu Bộ Chính Trị và Nhà nước Việt Nam hiện nay rằng, “Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những ‘làng Ðài Loan,’ ‘làng Hồng Kông,’ “làng Trung Quốc.” Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng.”

Hồi năm ngoái, ngày 21 tháng 10, năm 2009, Nông Ðức Mạnh, tổng bí thư đảng CSVN, nói ở Quốc Hội Việt Nam rằng, “Phải cấm bán tài nguyên thô ra nước ngoài” sau khi chính phủ Việt Nam lập các dự án khai thác bauxite để phục vụ kỹ nghệ Trung Quốc.

Ðây không phải lần đầu tiên các tướng về hưu của chế độ lên tiếng về việc cho Trung Quốc khai thác tài nguyên của Việt Nam.

Các tướng về hưu như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trọng Vĩnh và hàng ngàn trí thức ký kiến nghị yêu cầu ngưng khai thác bauxite vì có đủ mọi bất lợi từ môi sinh, kinh tế đến quốc phòng.

“Tôi đề nghị dừng các dự án khai thác bauxite ở Tây nguyên, kể cả khai thác thí điểm.” Tướng Võ Nguyên Giáp viết trong bức thư thứ ba gửi Bộ Chính Trị ngày 20 tháng 5, năm 2009 sau khi lập lại “các tác động vô cùng hệ trọng đối với môi trường sinh thái, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đến phát triển ổn định, bền vững của đất nước.”

Nhưng ngày 18 tháng 8, năm 2009 khi đi thị sát các công trường khai thác bauxite ở Tây nguyên, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã chỉ thị “tiếp tục khai thác dự án bauxite theo đúng tiến độ.”

Trước đó, dù bị quá nhiều chỉ trích và kêu gọi ngưng lại, Bộ Chính Trị của chế độ lại vẫn cả quyết khai thác bauxite “là chủ trương lớn của đảng và nhà nước” như một cách ra mặt át giọng và đe nẹt.

Nay hai tướng Ðồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh sốt ruột khi thấy chế độ Hà Nội càng ngày càng lộ ra những hành vi có tính cách “tự sát” và “làm hại đất nước.”

Báo SGTT ngày 6 tháng 5, năm 2009 có một ký sự cho thấy người Trung Quốc sống thành làng ở Quảng Nam. Họ lấy vợ người địa phương, đẻ con và có thể cái cộng đồng nhỏ này theo thời gian mà phát triển.

Trước đó, ngày 29 tháng 3, 2009, tờ Tuổi Trẻ tường thuật lời tố cáo của Trần Ngọc Hùng, chủ tịch Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam, là “hàng vạn công nhân Trung Quốc đã vào Việt Nam” và các dự án lớn ở Việt Nam, (nhiệt điện, thủy điện, xi măng, bauxite, v.v...) đều được chế độ Hà Nội dành cho nhà thầu Trung Quốc.

Khi trúng thầu, những nhà thầu này đem sang Việt Nam từ người làm tạp dịch đến cái chổi quét nhà, nồi niêu song chảo. Nhiều lời tố cáo đa số trong hàng chục ngàn công nhân Trung Quốc sang Việt Nam đều là người lao động bất hợp pháp. Nhưng nhà cầm quyền trung ương Hà Nội lờ đi, mặc các lời phản đối.

Nhiều người báo động rằng ngoài biển, Trung Quốc ngày càng lộ rõ chủ trương bành trướng bá quyền để khống chế và thu tóm toàn thể biển Ðông. Nay trên đất liền, các khu vực xung yếu họ nắm giữ như sự báo động của hai ông Ðồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh.

Ngày 9 tháng 2, 2010, trong một bài phỏng vấn của tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, ông Trần Xuân Giá, nguyên bộ trưởng Kế Hoạch và Ðầu Tư cho rằng chế độ Hà Nội đang đi lạc đường.

“Hiện nay phải thấy là cả tư duy tăng trưởng và mô hình tăng trưởng đã không còn phù hợp. Chúng ta không thể tiếp tục tư duy tăng trưởng theo lượng, khuếch đại, sùng bái con số, và che đậy các khuyết điểm của nền kinh tế được nữa. Nếu không, càng tăng trưởng, có thể chúng ta sẽ càng nghèo đi.” Ông Giá nói. (TN)