Home Tin Tức Thời Sự Trần Thanh Liêm, người trồng dưa hấu nổi tiếng miền Tây

Trần Thanh Liêm, người trồng dưa hấu nổi tiếng miền Tây PDF Print E-mail
Tác Giả: Cát Tường   
Thứ Sáu, 12 Tháng 2 Năm 2010 06:18

Trái dưa có tên Kim Hồng, bình thường như các trái dưa hấu vỏ vàng, ruột đỏ nhưng giá lại cao “ngất trời,”

 vậy mà vẫn không đủ cung cho thị trường trong những ngày Tết Canh Dần này.

“Người đẹp nhờ lụa”

 
                Dưa Tiên Ðồng. (Hình: Cát Tường)
 
                Dưa Ngọc Nữ. (Hình: Cát Tường)
 
             Ông Trần Thanh Liêm với cặp  
             “dưa thỏi vàng.” (Hình: Cát Tường)
 
                    Dưa vuông vô thùng chờ bán
                    cho thương lái. (Hình: Cát Tường)

Ông bà ta đã khẳng định điều này từ ngàn xưa. Và, trái dưa Kim Hồng đó ngoài cái vỏ có màu đẹp, còn đẹp hơn nhờ “sắc vóc.” Sắc vóc này dù không gợi cảm nhưng lại “gợi... vàng,” khiến bao kẻ “giàu” muốn “sang” hơn nữa trong suốt một năm mới. Có cặp dưa giá kỷ lục này chưng trên bàn thờ gia tiên, họ sẽ được ông bà phù hộ làm ăn thêm phú túc. Ấy là nhờ hình dạng của trái dưa này giống y như thỏi vàng thường thấy trên các phim về các triều đại Trung Hoa thời xưa, mà người “sáng chế” ra nó gọi là “dưa thỏi vàng.”

Ðể có những trái dưa thỏi vàng lần đầu tiên xuất hiện trong Tết Canh Dần này, ông Trần Thanh Liêm (52 tuổi, ngụ tại số 14/10. khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) đã cho trái dưa Kim Hồng “ép mình” trong khuôn khi dưa vừa đậu trái 10 ngày. Nửa tháng sau, ông kiểm tra mức lớn, độ lệch của khuôn với dưa, rồi chỉnh sửa sao cho dưa ngay ngắn, nhất là không bị đứt cuống. “Ðứt cuống thì tiêu tùng,” ông Liêm bông đùa ý nhị.

Sau lần kiểm tra này, khoảng 10 ngày sau dưa lớn bít khuôn, thu hoạch, kiểm tra “nhan sắc” dưa lần cuối trước khi hoàn thành sản phẩm cung cấp cho thương lái. Những trái dưa này nặng từ 2.2 đến 2.4kg hết mức, ngon tuyệt hảo: ruột đỏ như son, có mùi thơm, độ đường 12 pix, chưng được nửa tháng...  

Ông Liêm cho biết hiện tại ông đã thu hoạch 19 cặp dưa thỏi vàng và đã cung cấp cho một cơ sở ở Sài Gòn mua độc quyền với giá 3 triệu đồng/cặp. Tại thành phố này, thương lái lại bán dưa với giá 6 triệu đồng/cặp. Hỏi sao biết được bí mật đó, ông cười thích thú: “Ðâu thể ‘buông đuôi’, mà phải nhờ ‘gián điệp kinh tế’ theo dõi coi họ buôn bán ra sao để tính bài toán kinh tế sắp tới.” Rồi ông bộc bạch, “Mỗi ngày tôi đều chuyển lên Sài Gòn 4-5 cặp.” “Có bao nhiêu cũng không đủ đáp ứng nhu cầu.”

Một loại dưa khác với dưa thỏi vàng là “dưa vuông.” Nhan sắc kém hơn vì dưa vuông được ông Liêm đầu tiên “chế tạo” từ những trái dưa có vỏ màu xanh, mà ông gọi là “dưa đen” (để 2 tháng không hư). Năm nay, dưa vuông đã được ông “tô son điểm phấn” nên có một màu vàng “mơ ước,” cũng nhờ sự xuất hiện mới toanh của dưa Kim Hồng tại Việt Nam.

Vì khá “lỗi thời,” dù được “nâng cấp” nên dưa vuông (nặng từ 2.2 đến 2.4kg) được ông Liêm bán cho mối ở Sài Gòn với giá “bèo”: 1 triệu đồng/cặp. Riêng người em “song sinh” với dưa thỏi vàng trong năm Canh Dần này là dưa “Tiên Ðồng-Ngọc Nữ” có giá hơn, dù là không được tạo hình.

Tuy nhiên, trên thân mỗi trái dưa, ông Liêm tỉ mẩn khắc hình hoặc là Tiên Ðồng với câu: “Chúc Mừng Năm Mới,” hoặc là Ngọc Nữ với câu: “Vạn Sự Như Ý,” khi thu hoạch sẽ tô thêm màu đỏ lên các hình và chữ khắc này để nó nổi bật trên màu vàng “ưa nhìn” vốn có của dưa. Cặp này chưng bàn thờ ông bà thì mọi việc trong năm mới đều hoàn toàn thắng lợi, nên ông Liêm dự kiến bán 300,000 đồng/cặp. Năm nay ông có 19 cặp dưa Tiên Ðồng-Ngọc Nữ.

Tất cả 3 loại dưa trên của ông đều bán “giá sàn” đã nêu cho một cơ sở độc quyền ở Sài Gòn (không bán tại Cần Thơ nữa) để họ tung ra thị trường, “một thị trường luôn “nóng,” ông Liêm tự hào tiết lộ.

Cơ hội vàng nhờ xem TV

Năm 2004, ông Liêm đã “chế tạo” được 100 cặp dưa vuông đầu tiên, cung cấp cho Siêu Thị Metro Cash & Carry Hưng Lợi (Cần Thơ) và Siêu Thị Coo-op Mart Cần Thơ, với giá “sơ giao” 90,000 đồng/cặp. Từ đó, mỗi năm giá dưa vuông mỗi “leo thang”: 100,000 đồng/cặp cho tới 400,000 đồng/cặp. Dưa bán rất chạy nhờ hàng đẹp, 6 mặt đều nhau, mặt nào cũng cùng kích cỡ 13cm với góc cạnh sắc sảo.

Ðể có những trái dưa này là một việc tình cờ hết sức thú vị với ông Liêm. “Một bữa coi TV tôi thấy họ giới thiệu bên Nhựt có trái dưa vuông nhờ ép khuôn. Khoái quá, tôi nghĩ họ làm được chẳng lẽ mình bó tay,” ông Liêm hồi tưởng. Vậy là anh chàng cựu học sinh Trường Nông Lâm Súc Cần Thơ này bắt tay thực hiện làm dưa vuông. Từ thành công này, không thể không dấn thêm bước nữa, năm 2007 ông Liêm bắt đầu thử nghiệm “chế tạo” dưa thỏi vàng. Năm 2008, ông làm được 4 cặp dưa thỏi vàng, bán tại Cần Thơ với giá 2 triệu đồng/cặp.

Nhưng việc kiếm tiền, nhất là những số tiền lớn, đâu phải dễ. Sau vài lần làm dưa vuông không mấy đẹp, ông Liêm đã tìm ra cách khắc phục là phải dùng khuôn kim loại đặc biệt với những trái dưa vỏ dầy có màu xanh sọc đẹp. Năm 2009, dưa vuông màu xanh được ông đổi sang màu vàng của dưa Kim Hồng. Dưa Kim Hồng màu sắc không chê vào đâu được, nhưng có khuyết điểm là nó rất mẫn cảm, gặp côn trùng dễ bị sẹo, gặp mưa sẽ có nhiều vết khó đưa ra thị trường. Lại nữa sử dụng khuôn bằng kim loại cho dưa vuông gặp khó. Khuôn kim loại để cao sẽ tăng nhiệt, không tốt cho sự phát triển của dưa. Ðể khuôn sát đất, gặp mưa, hơi ẩm và nước mưa đọng lại sẽ làm vỏ dưa có nhiều vệt sậm, thậm chí có những tỳ vết khó coi. Chính vì vậy mà mùa dưa vuông Tết Canh Dần này ông làm 230 trái, bị cơn mưa liên lỉ suốt 2 ngày liền của đợt áp thấp nhiệt đới (19 và 20-1-2010), nên chỉ thu hoạch được 160 trái!

Ðể có những trái dưa thỏi vàng ông cũng “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mới đúc tốt những chiếc khung xi măng vừa ý sau rất nhiều lần đúc khuôn thử nghiệm. Rồi việc khắc hình Tiên Ðồng-Ngọc Nữ cùng các câu chúc Tết đâu phải dùng ngòi viết sắc bén nào cũng được. Phải là loại ngòi viết không khiến vỏ dưa hư, thối. Ðó là bí quyết.

Chưa hết. “Mùa dưa nào cha con tôi cũng sụt mất mấy ký lô vì phải thay phiên nhau thức canh chừng “tài sản dưa,” ông tiếp: “Dưa muốn tốt, đẹp, bắt buộc phải sử dụng phân và phun thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu hại. Nhưng tôi chỉ dùng toàn phân dơi và thuốc trừ sâu thân thiện với môi trường. Nhờ vậy mà dưa tôi ngọt ngon, nhiều nước, có màu đỏ tươi cũng như để được lâu.”

Với những ưu điểm đó, ông đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và đã được Cục Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam công nhận “Dưa Tạo Hình Thanh Liêm” vào tháng 8, năm 2009. Ông Liêm đang tính đến đăng ký sản phẩm đạt chất lượng Việt GAP và Global GAP để sản phẩm độc đáo này có điều kiện cung cho thị trường nước ngoài.

Nhưng, trước mắt, vào mùa Tết Con Mèo năm tới, ông sẽ làm mẫu mã cho bắt mắt hơn, song song với việc tăng thêm số lượng, nhất là số lượng dưa thỏi vàng. Một mục tiêu nữa là dưa có giá trị thẩm mỹ phải đạt phần trăm tối đa, hư hỏng không đáng kể.

Ðó là chuyện tương lai, còn bây giờ, những trái dưa vuông, dưa thỏi vàng và dưa Tiên Ðồng-Ngọc Nữ của ông Liêm đều được dán giấy hồng điều với chữ “Phước” nhũ vàng cùng logo thương hiệu cơ sở sản xuất, bọc lại bằng tấm lưới đỏ xinh xắn làm bật nổi màu vàng sắc dưa. Và, có lẽ chính cái màu vàng “giàu sang” và màu đỏ “hoạnh tài” của những cặp dưa này khi chưng trên bàn thờ gia tiên sẽ đem lại những điều tốt đẹp đó theo quan niệm truyền thống Á Ðông cho người sở hữu nó. Vì vậy mà người ta “đua nhau” mua những cặp dưa độc đáo nhãn hàng “Dưa Tạo Hình Thanh Liêm.”