Home Tin Tức Thời Sự Một góc nhìn về đợt bất ổn ở Thái Lan

Một góc nhìn về đợt bất ổn ở Thái Lan PDF Print E-mail
Tác Giả: Hồng Nga viết từ Bangkok, Thái Lan/BBC   
Thứ Sáu, 21 Tháng 5 Năm 2010 20:15

Bangkok yên tĩnh trong đêm giới nghiêm. Dường như tình hình đã dần bình ổn trở lại, nhưng là một nền hòa bình rất đỗi mỏng manh.

Không có ai hiểu biết ít nhiều về Thái Lan mà lại thở phào nhẹ nhõm nghĩ rằng mọi chuyện đã qua. Ngược lại, đang có nhiều quan ngại, rằng cuộc bất ổn hiện thời sẽ trở thành một cuộc chiến tranh du kích âm ỉ và lan ra các tỉnh.

Những gì xảy ra suốt từ đầu năm tới nay đang cho thấy dấu hiệu của một cuộc đấu tranh có tính giai cấp, khi mà nền dân chủ không thành công trong mang lại thay đổi tích cực cho những người nghèo.

Tháng Năm đen

Lại một tháng Năm đen tối trong lịch sử Thái Lan. Cũng dịp này đúng 18 năm trước, hàng trăm nghìn người đổ xuống đường biểu tình chống lại lãnh đạo quân phiệt,Tướng Suchinda Kraprayoon, dẫn đến đợt đàn áp đẫm máu làm hàng trăm người chết.

Chỉ sau khi Quốc vương Thái Lan can thiệp, Tướng Suchinda từ chức, con đường trở lại quyền lực dân sự mới được mở lại.

Tháng 9/1992, khi Thủ tướng Chuan Leekpai lên nắm chính quyền, nước Thái hào hứng với hai chữ "dân chủ". Phong trào dân chủ thành thị, dẫn đầu là tầng lớp trung lưu có học đã mang lại một sự lạc quan chính trị mới cho xã hội Thái Lan, ngay cả khi đất nước này lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính dữ dội năm 1997.

Năm 1994 ở Hà Nội đã có văn phòng đại diện của một số cơ quan báo chí Thái Lan như Bangkok Post và The Nation.

Sự tự tin, năng nổ của các nhà báo Thái Lan lúc đó đã gây cho tôi ấn tượng mạnh. Tiếp xúc với các phóng viên, chính trị gia, nhà hoạt động xã hội Thái những năm 90, người ta dễ cảm thấy không khí dân chủ ở xứ sở được mệnh danh Vương quốc của Nụ cười.

Hiến pháp mới bảo đảm các quyền dân sự, luật thông tin mới bảo đảm một nền báo chí tự do... các cải cách dân chủ ở Thái Lan lúc đó được coi như hình mẫu cho cả khu vực.

Thế nhưng hưởng lợi nhiều nhất trong quá trình dân chủ hóa đó là tầng lớp những người có tiền ở thị thành, chứ không phải số đông hàng triệu người nghèo ở các vùng nông thôn.

Sự nổi lên của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra như một điều tất yếu.

Ông Thaksin, một cựu sỹ quan cảnh sát từng du học ở Mỹ và một tỷ phú, đã nắm trúng mong đợi của đông đảo quần chúng nhân dân, những người bị đoàn tàu dân chủ bỏ quên trên sân ga.

Các chính sách hướng tới người nghèo ở nông thôn của Thaksin đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Tôi đã từng chứng kiến nông dân mấy tỉnh vùng đông bắc Thái Lan, gọi chung là Isaan, đón tiếp ông Thaksin trọng thị như đón anh hùng dân tộc.

Thế nhưng các bê bối tài chính và cáo buộc tham nhũng đã dẫn đến việc ông Thaksin bị truất chức, thông qua hình thức không hề dân chủ là đảo chính quân sự, hồi tháng 9/2006.

Ý tưởng của người giàu?

Cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội hiện thời cho thấy sự mâu thuẫn trong nền dân chủ Thái Lan.

Chính những người biểu tình áo vàng đòi giải tán chính quyền thân Thaksin, dẫn tới việc ông Abhisit Vejajjiva lên làm Thủ tướng, đã phần nào chứng tỏ điều người ta ngờ vực bấy lâu nay, rằng dân chủ ở Thái Lan chỉ là một dự án của giới người giàu.

Những người cực đoan có thể sẽ đi vào hoạt động bí mật. Họ có thể tản ra các tỉnh, dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh địa phương.
Bình luận gia Thitinan Pongsudhirak
Các cuộc bầu cử và cải cách không làm sự bất bình đẳng trong xã hội giảm đi, mà ngược lại, Thái Lan nay đã tụt sau cả Indonesia và Malaysia về khoảng cách giàu nghèo.

20% dân số có thu nhập chiếm tới 55% thu nhập của toàn dân, trong khi số người nghèo, cũng vào khoảng 1/5 dân số, chỉ có thu nhập chừng 4% tổng số.

Những người biểu tình áo đỏ, vốn đòi chính quyền Abhisit từ chức và bầu cử mới, đa phần là người nghèo ở các vùng nông thôn xa xôi. Đối với họ, dân chủ chưa bao giờ là giải phóng hoàn toàn khỏi đói nghèo cũng như chưa bao giờ là bình đẳng về cơ hội.

Câu hỏi đặt ra, là điều gì đang chờ đón đất nước Thái Lan?

Để giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, Thái Lan cần một thể chế chính trị trong đó tiếng nói của người dân được lắng nghe và quyền lực trong tay kẻ cầm quyền không bị lạm dụng.

Thế nhưng trước mắt, các nhà quan sát cảnh báo bất ổn và bạo lực sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Bình luận gia người Thái Thitinan Pongsudhirak được hãng thông tấn Reuters dẫn lời nói không có gì thay đổi trong sự ủng hộ dành cho giới biểu tình áo đỏ ở trong dân.

"Điều này cho thấy các vấn đề tiềm ẩn vẫn còn và chưa được chính quyền giải quyết."

"Những người cực đoan có thể sẽ đi vào hoạt động bí mật. Họ có thể tản ra các tỉnh, dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh địa phương."

Và như vậy, tình trạng bất ổn sẽ còn kéo dài.