Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc tìm cách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Trung Quốc tìm cách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Năm, 23 Tháng 9 Năm 2010 18:19

Liệu đồng nhân tệ có thể trở thành ngoại tệ dự trữ trong tương lai hay không ? Nhật báo Le Monde số đề ngày hôm nay đã đặt ra câu hỏi như trên.

Cho dù đồng tiền Trung Quốc hiện ít được sử dụng bên ngoài biên giới, nhưng theo Le Monde, Bắc Kinh đang chuẩn bị cho việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Hình Reuters

Tờ báo chú ý đến việc Malaysia vừa mua các trái phiếu thanh toán bằng nhân dân tệ, một sự kiện chưa từng thấy, mang tính biểu tượng rất cao.

Theo Le Monde, đây là hệ quả trực tiếp từ quyết định của Trung Quốc trong tháng 8, cho phép các ngân hàng nước ngoài mua lại nợ công. Cũng trong tháng 8, McDonald ở Hồng Kông là công ty ngoại quốc ngoài lĩnh vực tài chính đầu tiên đã cho phát hành cổ phiếu bằng nhân dân tệ và theo chân sẽ là công ty nhôm Rusal của Nga.

Trên thực tế, Bắc Kinh đã tiến hành một chính sách ngoại giao nhân dân tệ từ hai năm qua. Trung Quốc đã ký một loạt các hiệp định trao đổi ngoại hối với Hồng Kông, Achentina, Belarus, Iceland, Indonesia, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc, nhằm tạo điều kiện cho việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong hoạt động thương mại. Năm ngoái Bắc Kinh đã tiến hành thử nghiệm việc thanh toán bằng nhân dân tệ với một số nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á.

Theo một chuyên gia kinh tế Pháp, « Trung Quốc không thể làm khác hơn ». Quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới vừa qua mặt Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ nhì trên toàn cầu, và cũng theo chuyên gia trên, « sự cách biệt giữa sức mạnh kinh tế và vai trò của đồng tiền Trung Quốc là quá lớn ». Mục tiêu trước tiên của Trung Quốc là tăng cường quan hệ thương mại với các nước láng giềng gần nhất, vốn là những nền kinh tế năng động đang có tỉ lệ tăng trưởng cao.

Vào đầu năm nay, Trung Quốc và sáu nước chính của ASEAN đã hủy bỏ rào cản thuế quan đối với 90% hàng hóa, và như vậy nếu sử dụng một đồng tiền chung sẽ rất tiện lợi. Các hợp đồng thanh toán bằng nhân dân tệ hiện chiếm 10% giá trị trao đổi thương mại với ASEAN, nhưng trong 5 năm tới sẽ tăng lên 30%. Việc dùng nhân dân tệ để thanh toán sẽ giảm bớt rủi ro cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Theo một nhà phân tích, thì hiện nay dùng từ "khu vực hóa" thì đúng hơn là "quốc tế hóa". Tuy nhiên, về lâu về dài thì rõ ràng Bắc Kinh đang muốn thành lập một khu vực đồng nhân dân tệ.

Le Monde đặt câu hỏi: liệu trong vòng mười, hai mươi năm nữa, nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền cạnh tranh ngang ngửa với đô la Mỹ hay không ? Nhưng muốn vậy đồng tiền này phải chuyển đổi được, và theo một nhà nghiên cứu Pháp, « Điều đó chưa thể thực hiện một khi hệ thống tài chính Trung Quốc vẫn chưa vững mạnh. Hiện nay hệ thống này chưa phát triển đủ để chịu đựng được các luồng vốn lớn ».

Nếu được thả nổi, đồng nhân dân tệ sẽ tăng giá nhanh chóng, nhưng như vậy sẽ rất bất lợi cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Thế nên không ai nghĩ rằng trước mắt Bắc Kinh sẽ làm một cuộc cách mạng tiền tệ, nhưng theo nhà nghiên cứu trên đây, « những bước tiến trong hướng này đang có chiều hướng gia tăng ».

Hai tập đoàn xây dựng Trung Quốc chiếm hàng đầu thế giới

Cũng liên quan đến kinh tế Trung Quốc, Le Monde đề cập đến việc hai tập đoàn xây dựng của Trung Quốc nay đã leo lên hai hạng đầu thế giới, đẩy các tập đoàn Pháp Vinci và Bouygues xuống hàng thứ ba và thứ tư.

Đó là hai tập đoàn China Railway Construction, doanh số 54 tỉ đô la và China Railway Group, doanh số 53 tỉ đô la. Bảng xếp hạng trên đây do tạp chí Mỹ Engineering News Record thực hiện, được tạp chí châu Âu Moniteur đăng lại. Hai tập đoàn Pháp Vinci và Bouygues vốn chiếm hàng đầu thế giới trong thời gian dài, nay đã bị soán ngôi. Trong số « top 10 » các tập đoàn xây dựng quốc tế, có đến 5 tập đoàn Trung Quốc, hai tập đoàn của Pháp, một của Đức, một của Mỹ và một tập đoàn Tây Ban Nha.

Sự vượt trội của các công ty Trung Quốc là do các công ty quốc doanh này được ưu tiên tại thị trường nội địa. Nhưng các tập đoàn châu Âu đang rất lo ngại trước một sự cạnh tranh bất bình đẳng : thị trường Trung Quốc đóng cửa với họ trong khi thị trường châu Âu lại rộng mở cho tất cả.

Le Monde đưa ra một số ví dụ, trong đó có việc xây dựng hai xa lộ do ngân sách châu Âu tài trợ đã được giao cho một công ty Trung Quốc. Một công ty Trung Quốc khác cũng đã trúng thầu xây dựng mặt tiền tòa tháp Carpe Diem ở khu cao ốc văn phòng La Défense của Pháp, với giá 17 triệu đô la, trong khi các công ty Pháp và Ý chào giá 24 triệu đô la. Liên đoàn Xây dựng Pháp đã khiếu nại lên Bộ Tài chính Pháp về cái giá thấp một cách bất thường trên đây.