Home Tin Tức Thời Sự Sài Gòn, quảng cáo mọi lúc mọi nơi

Sài Gòn, quảng cáo mọi lúc mọi nơi PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Thị Hàm Anh/Người Việt   
Thứ Hai, 11 Tháng 10 Năm 2010 10:15

 Ngày xửa, ngày xưa quảng cáo chỉ lơ thơ trên báo hay pa nô... Ầm ĩ nhất là xe hơi chạy rề rề ngoài đường bắc loa, phát tờ chương trình cho các chương trình đại nhạc hội,

rạp chiếu phim... Bao quanh chợ Bến Thành độc quyền quảng cáo cho kem đánh răng “anh bảy Chà Hynos”, kem đánh răng Leyna, kem trắng chỉ hồng...


Bảng quảng cáo dày đặc ở khu vực ngã sáu Phù Ðổng, quận 1, Sài Gòn. (Hình: Hàm Anh/Người Việt)

Bây giờ thời buổi kinh tế thị trường, hàng hóa phát triển, quảng cáo trở nên quan trọng. Thứ gì cũng phải quảng cáo rộng rãi thì khách hàng mới biết đến.

Vì thế người người đua nhau quảng cáo. Quảng cáo xuất hiện thật to, thật nhiều, thật dày đặc đập vào mắt mọi người mọi nơi, mọi chỗ, đi sâu vào tiềm thức.

Một loại trà xanh mới ra đời vài năm nay tích cực quảng cáo mọi chỗ, mọi lúc cho đến khi cần một loại giải khát, nhiều người cho biết đã nghĩ ngay đến, không phải Pepsi hay Coca tung hoành một mình một chợ suốt thời gian dài, mà chính là loại trà xanh mới ra đó.

 Kêu ngay chai trà xanh mà chẳng cần biết ngon hay dở... Uống xong, cảm thấy không ngon nhưng cũng không dở lắm. Vì thế những lần sau vẫn tiếp tục uống trà xanh, chỉ mua chai trà xanh một cách máy móc mà không cần mảy may suy nghĩ, so sánh với các thức uống khác.

Bảng quảng cáo được chăm chút sẽ thu hút khách hàng nhiều hơn. Hai tiệm sửa xe cạnh nhau đường N.T. Tiệm cạnh nhau nên trình độ thợ tương đương. Tuy nhiên tiệm này luôn đông hơn tiệm kia. Một người khách cho biết chị vào tiệm này vì thích bảng hiệu. Tên cửa tiệm chiếm trọn vẹn diện tích bảng hiệu nhìn bắt mắt đầu tiên, đủ để người khách đẩy chiếc xe hư của mình vào đó trước, chất lượng sửa như thế nào tính sau.

Nhà mặt tiền càng cao thì càng thu hút khách hàng quảng cáo. (Hình: Hàm Anh/Người Việt)

 Trong khi bảng hiệu bên cạnh do một hãng nhớt tặng nên bị chia đôi, hãng nhớt có quyền chiếm non nửa diện tích cho nhãn hiệu của mình, tên của tiệm sửa xe chiếm phần còn lại nhìn mới èo ọp, xấu xí làm sao.

Nhiều hãng sản xuất quảng cáo bằng cách đó: Thuốc cảm, nhức đầu... cho tiệm thuốc tây; bột giặt, sữa, dầu gội đầu... cho tiệm tạp hóa...

Một con hẻm toàn tiệm photocopy. Khách mất công chịu khó luồn lách để vào cửa tiệm tận cuối hẻm chỉ vì tấm bảng to lớn từ ngoài hẻm cho biết tiệm không những photo mà còn in đề tài, bán sẵn giáo trình tài liệu, luôn cả đề thi đáp án các khóa trước khỏi cần photo. Tức là chỉ cần vào một tiệm đó là đáp ứng mọi nhu cầu. Không thể chối cãi lợi ích của quảng cáo.

Siêu thị là chợ nên quảng cáo đầy rẫy. Ở đó có các hoàng tử quảng cáo sữa tắm, cô gái vắt sữa bò phát tờ rơi khiến ai thấy cũng muốn đứng cạnh chụp tấm hình.

Quảng cáo đủ kiểu từ hàng số nhỏ in trên tường, tờ giấy dán tường cho đến hộp điện sáng choang, gắn dây điện màu mè chớp tắt hay tấm pa nô vĩ đại...

Quảng cáo hợp pháp trên NET, trên báo, trên tivi, radio, panô, tờ bướm, trên bàn ghế, trạm điện thoại, cho điện thoại di động, hàng nhựa, mỹ phẩm...

Bất hợp pháp là quảng cáo ở cột điện, tường nhà dân chúng, trạm điện thoại, thân cây, trên xe buýt... cho chữa trị bệnh trĩ, mào gà hoa khế... Chắc là những căn bệnh “tế nhị” luôn muốn tìm đến những địa chỉ bí mật hơn là đi tới một phòng mạch sáng choang, mở miệng khai bệnh với bác sĩ thật khó. Vì thế quảng cáo ngoài đường đã làm nhiệm vụ hốt khách một cách dễ dàng. Cứ qua quảng cáo chằng chịt khắp nơi đủ thấy số bệnh nhân tìm đến những nơi này không phải là ít.

Mặc dù trạm xe buýt đã có bảng quảng cáo chính thức nằm trên tường đằng sau ghế chờ của nước giải khát, dầu gội đầu... nhưng vẫn cố len lỏi, chen chúc hai bên rìa là các quảng cáo tuyển sinh viên dạy kèm từ lớp 1 đến lớp 4 giá cả thương lượng, cần ba nữ ở ghép phòng rộng rãi sạch sẽ, cơm quân sự tám ngàn một hộp giao tận nơi, đặc biệt với số lượng đông có tặng thêm canh chua vào ngày Thứ Ba, canh khổ qua vào ngày Thứ Sáu, mất ví, mất giấy tờ ai nhặt được xin hậu tạ...

Thân cây đắt hàng nhất vì nó thuộc về công cộng tức là... không thuộc về ai cả, nằm ngay ven đường dễ đập vào mắt người qua lại, rất dễ đóng đinh, mỗi quảng cáo một mình một cõi, không bị lẫn lộn, chèn ép với các quảng cáo khác cho nên nằm trên thân cây là giới thiệu chương trình ca nhạc và hình ảnh các ngôi sao, các băng rôn tuyên truyền về an toàn giao thông, đội mũ bảo hiểm, phạt đua xe...

Gốc cây cũng treo bảng tiệm sửa giầy đi vào hẻm 200 mét hoặc số điện thoại xe ôm. Sau khi kêu điện thoại theo con số gắn trên thân cây thì ông xe ôm không biết từ đâu hiện ra nhanh cấp kỳ...


Gốc cây hay cột điện là nơi dành cho các loại quảng cáo ‘khó nói’ như bệnh trĩ hay rút hầm cầu. (Hình: Hàm Anh/Người Việt)

Cột đèn kém bề thế hơn thân cây, không đóng đinh được nhưng vẫn dễ treo và có đầy đủ các ưu điểm như thân cây, không bị nhà dân kiện cáo nên được ưu ái không kém.

 Trên thân cây có quảng cáo nào, cột đèn có thứ đó không hề kém cạnh. Cũng đủ cả: Phòng chống dịch cúm gia cầm, luyện viết chữ đẹp, bán nhà...

Phòng điện thoại công cộng dán poster hình chàng ca sĩ rất đẹp trai giới thiệu album mới ra Vol 8 có tên ‘Mãi mãi yêu em’. Ðừng tìm mua vô ích vì Vol 1 còn chưa có nói gì đến 8. Chỉ là giới thiệu khuôn mặt mới thôi. Những ca sĩ ra album thực sự thì không bao giờ chịu đứng ở vị trí điện thoại công cộng đó cả. Riêng bến xe khách đường dài chuyên quảng cáo lò bánh mì, tuyển vệ sĩ...

Trên thùng rác công cộng trước chung cư dán tấm bìa quảng cáo công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bướm Trắng. Vậy thôi, không biết công ty sản xuất, kinh doanh gì, cũng không có địa chỉ, điện thoại. Nếu muốn biết công ty hoạt động thế nào, cần phải hỏi ông bảo vệ, ông sẽ chỉ lên gõ cửa lầu hai, căn hộ đóng cửa cạnh cầu thang...

Ra ngoài đường nhìn đâu cũng thấy quảng cáo. Cứ chỗ nào trống người ta đều trưng dụng cho quảng cáo. Những con đường mật độ dân cư càng cao thì quảng cáo càng nhiều. Ðại lộ, bùng binh và đường liên quận là nơi giao thông đông đúc, chỗ thường kẹt xe càng tốt tức là nhiều người phải ở yên một chỗ để bắt buộc dán mắt rất lâu vào các quảng cáo rậm rịt, rối rắm chung quanh chính là mảnh đất màu mỡ cho quảng cáo.

Quảng cáo ở cao nhất dễ thấy, không bị đám bình dân chen chúc lúc nhúc là các đại gia ngự trị trên những tấm pa nô lớn. Tuần trước quảng cáo xe gắn máy, tháng sau chuyển sang dầu nhớt, mới đây là dầu gội đầu... Gần trường học là thế giới của sữa và trà xanh.

Những ngôi nhà mặt tiền lợi dụng ngay vị trí của mình để quảng cáo từ cửa nhà ra hết vỉa hè, có khi nhảy xuống cả lòng đường cho tiệm quần áo thời trang, bán chăn nệm... Tràn lan như nấm sau cơn mưa sim và thẻ cào của điện thoại di động...

Quảng cáo có nhiều hình thức. Nếu trên báo thì một hai cột nho nhỏ dành cho món hàng gia dụng, chiếm nguyên một trang lớn cho ngân hàng, siêu thị, bảo hiểm... Ngoài đường thì đủ thứ, đủ loại.

Quảng cáo đơn giản nhỏ, chỉ một hàng số điện thoại nhưng áp đảo về mặt số lượng là “khoan cắt bê tông” và “rút hầm cầu”. Các bức tường mới quét vôi, cánh cửa mới sơn, tủ điện... chỉ sau một đêm đã chi chít màu sơn, giấy dán của hai thứ quảng cáo này.

 Vài ba người bị bắt có vẻ không ngăn chặn nổi cơn sóng Khoan cắt bê tông và Rút hầm cầu. Riêng các bảng to chiếm nguyên mặt tiền ngôi nhà để quảng cáo trường Anh ngữ.

Pano thành “rừng” ở nơi tập trung nhiều xe, nhiều người như bùng binh Hàng Xanh, Ðiện Biên Phủ, Lý Thái Tổ... Bùng binh là chỗ thịnh của trường ngoại ngữ và phòng khám Nha khoa... Sau khi thuê được căn nhà để dạy học và chữa răng thì người thuê chỉ cần dựng lên tấm bảng lớn che kín hoàn toàn bề mặt từ dưới lên các tầng lầu, nếu là căn bìa thì quảng cáo che kín luôn phần bên hông như một cái hộp vĩ đại màu sắc lòe loẹt. Như vậy một công hai việc, vừa khỏi cần tốn kém sửa sang mặt tiền mà lại tận dụng được tối đa diện tích bề mặt cho việc quảng cáo.

Bảng quảng cáo tùy thuộc vào túi tiền và sở thích của chủ nhân nên cái to cái nhỏ, cái cao cái thấp, cái nhô ra, cái thụt vào... Mạnh ai nấy làm không theo nguyên tắc, luật lệ nào cả.

Cứ nhìn vào quảng cáo ngoài đường mới thấy cuộc sống thật đa dạng. Từ hút mụn, xóa vết nám, dầu đấm bóp... đến kèm trẻ tư gia, dạy khiêu vũ... Mùa khai trường xuất hiện quảng cáo thuê nhà trọ, share phòng, vở mua số lượng lớn được khuyến mãi... Mùa nắng có áo thung ba lỗ xuất khẩu tồn kho... Valentine giao hoa hồng tận nhà, soạn tin nhắn gởi vào số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi lại cho bạn đỡ tốn tiền...

Trên những bức tường, quảng cáo dán chồng lên nhau vài ba lớp. Nhìn thấy chịu không nổi, người ta bóc ra, vài hôm sau đâu lại vào đấy hoặc ngang dọc những vệt giấy dính hồ nằm lại nham nhở.

Ðể khách hàng không cần phải đi đâu xa mất công nên tờ bướm quảng cáo phát tận nhà, trước cổng trường, ngay ngã tư đường phố... Ngày nào mở cửa, chủ nhà cũng thấy mấy tờ giấy nhỏ luồn qua khe cửa quảng cáo các mặt gạo mang đến tận nhà, sửa chữa đồ điện... Trước cửa trường học là quảng cáo của trung tâm luyện thi, các lớp học thêm... Ngã tư vào lúc đèn đỏ, các thanh niên cầm xấp quảng cáo len lỏi vào giữa hàng xe bỏ vào giỏ xe gắn máy các tờ giới thiệu tiệm ăn, quán nước, lớp nhạc...

Nhờ có quảng cáo mới biết loại hàng nào trên đời mà sắm sửa. Nhờ quảng cáo mới biết máy hút bụi của Tây Ban Nha giá vài trăm ngàn đồng, khi mua về mới té ngửa Tây Ban Nha sản xuất ở China.

Quảng cáo ở cửa hàng điện máy bán cái máy chụp ảnh so với giá thị trường rẻ một nửa; bổ sấp bổ ngửa chạy ngay đến thì mới hay cửa hàng chỉ khuyến mãi 9 cái máy vào lúc 9 giờ 9 phút ngày 9 tháng 9 và đã... bán hết rồi.

Anh sinh viên nghe quảng cáo ăn 10 cái bánh hambuger sẽ được thưởng thêm một cái. Anh ráng ăn lở cả miệng về nhà phải mua nước sâm, rau má uống để còn lãnh thưởng. Bé con uống 5 lon sữa sẽ nhận một phần quà đáng giá. Kỳ cạch xách năm cái nắp hộp sữa tới hội nghị khách hàng họp cả tiếng đồng hồ để lãnh... chùm bong bóng.

Dù sao quảng cáo cũng có cái lợi. Hằng ngày cứ ngang qua cột điện, gốc cây, trạm xe... là biết đủ thượng vàng hạ cám đáp ứng mọi nhu cầu của cuộc sống. Từ mỹ phẩm, lớp dạy hát thành ca sĩ cho tới thông cống, chữa bệnh trĩ... Không thiếu thứ gì!