Home Tin Tức Thời Sự Nổ mỏ ở TQ khiến nhiều người chết

Nổ mỏ ở TQ khiến nhiều người chết PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Bảy, 16 Tháng 10 Năm 2010 19:41

Ngành công nghiệp khai mỏ của Trung Quốc thuộc diện nguy hiểm nhất thế giới. 


Một vụ nổ ở khu mỏ than ở miền trung Trung Quốc đã giết chết 20 thợ mỏ và làm 17 người khác mắc kẹt dưới mặt đất.

 Riêng trong năm 2009 đã có hơn 2600 người thiệt mạng do các vụ tai nạn hầm mỏ ở Trung Quốc.

Các nỗ lực cứu trợ đã được triển khai tại khu vực khai thác Dự Châu, tỉnh Hà Nam, trong vụ mà truyền thông quốc gia nói xảy ra do "than và khí đốt bất ngờ bùng cháy."

Ngành công nghiệp khai mỏ của Trung Quốc thuộc diện nguy hiểm nhất thế giới, với hơn 2.600 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn hồi năm 2009.

Chính phủ đã đóng cửa hơn 1000 khu khai mỏ bất hợp pháp trong nỗ lực cải thiện tiêu chuẩn an toàn.

Vụ nổ xảy ra đầu giờ sáng tại Dự Châu, khu vực thuộc sở hữu của Công ty Than Điện Pingyu, hãng tin Tân Hoa Xã tường thuật.

Cơ quan an toàn lao động quốc gia nói rằng 239 thợ mỏ đã thoát được lên mặt đất, nhưng có 20 người thiệt mạng và 17 người nữa hiện vẫn còn đang mất tích.

Các hoạt động cứu hộ dang được tiếp tục nhằm tìm kiếm những người mất tích, nhưng một quan chức họ Lý nói với hãng tin AP rằng hiện vẫn chưa rõ những người này đang kẹt ở độ sâu nào.

Phớt lờ vấn đề an toàn

Trung Quốc dựa nhiều vào ngành công nghiệp khai mỏ, và than cung ứng chừng 70% nhu cầu nhiên liệu ở nước này.

Rất nhiều người được tuyển vào làm ở các khu mỏ là công nhân nhập cư, hầu như không được đào tạo gì.

Chính quyền trung ương coi việc cải thiện điều kiện làm việc ở chừng 25 ngàn khu mỏ than là ưu tiên hàng đầu; số người chết đã giảm từ gần 7 ngàn người hồi năm 2002 xuống còn 2.631 người hồi năm ngoái.

Trong tháng Tư, 115 thợ mỏ đã được cứu sống từ một khu mỏ bị ngập nước ở tỉnh Sơn Tây sau khi bị kẹt dưới lòng đất hơn một tuần.

Tân Hoa Xã nói đã có 1.539 mỏ cỡ nhỏ và nguy hiểm bị đóng cửa trong năm nay, khi giới chức nỗ lực tái cơ cấu hoạt động ngành khai mỏ.

Nhưng các quy tắc an toàn vẫn thường bị phớt lờ, chịu nhường bước trước vấn đề lợi nhuận trong lúc nền kinh tế đang bùng nổ.

Hồi đầu tháng, các quy chế mới bắt đầu có hiệu lực, theo đó cán bộ quản lý tại các mỏ than phải đi cùng thợ mỏ, nhằm cải thiện điều kiện làm việc dưới lòng đất.

Bất kỳ lãnh đạo mỏ nào khước từ việc chui xuống hầm cũng đều có khả năng bị phạt nặng.

Vụ tai nạn mới nhất xảy ra ngay sau khi Chi-lê vừa cứu thành công 33 thợ mỏ, những người đã bị mắc kẹt 69 ngày sau sự cố sập hầm.

Nhiều người tại Trung Quốc nói nước này cần học kinh nghiệm từ vụ trên và cần cải thiện việc tập huấn cho thợ mỏ.