Home Tin Tức Thời Sự Nhật muốn khai thác đất hiếm ở Việt Nam

Nhật muốn khai thác đất hiếm ở Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Sáu, 22 Tháng 10 Năm 2010 08:18

Công nghệ cao cần nguyên liệu đất hiếm

Nhật Bản có kế hoạch khai thác các kim loại đất hiếm tại Việt Nam được sử dụng trong sản xuất công nghệ cao trong một nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc vốn hầu như độc quyền cung cấp toàn cầu các vật liệu chiến lược, các quan chức cho biết.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dự kiến sẽ đồng ý về thỏa thuận đề nghị tại Hà Nội vào cuối tháng này, AP trích dẫn một quan chức của Bộ thương mại Nhật.

Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Akihiro Ohata nói rằng Việt Nam có một tiềm năng đầy hứa hẹn cho sản xuất đất hiếm, và Tokyo muốn cùng với Hà Nội khai thác các kim loại kỳ lạ.

Quan chức Bộ Thương mại Hideyuki Wakutsu nói Nhật Bản và Việt Nam sẽ thành lập một liên doanh mỏ đất hiếm ở các nước Đông Nam Á. Ông không cho biết thêm chi tiết.

Trong một diễn biến liên quan, hôm nay thứ Sáu 22/10, tập đoàn Toyota Tsusho Corp. chuyên nhập khẩu đất hiếm, và là một phần của Toyota Motor Corp. cho hay họ "sẽ liên doanh với một số công ty Việt Nam để khai thác đất hiếm".

Ông Shuji Kimura, phát ngôn viên cho Toyota Tsusho, nói công ty Sojitz Corp. của Nhật sẽ tham gia dự án mà ông nói nhằm "đảm bảo nguồn cung cấp ổn định" tuy ông không cho biết cụ thể từ khi nào và ở đâu tại Việt Nam.

Tin này khiến cổ phiếu của Toyota Tsusho tăng lên ngay lập tức.

Khó khăn về đất hiếm

Trung Quốc đã ngưng chuyển đất hiếm đến Nhật Bản từ ngày 21 tháng 9 để trả đũa việc Tokyo bắt giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá của Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư.

Người thuyền trưởng đã được trả tự do - và Bắc Kinh nói không hề có lệnh cấm chuyển hàng chính thức sang Nhật Bản - nhưng Tokyo cho biết nguồn cung cấp vẫn chưa được nối lại.

Sự gián đoạn này đã gây chấn động ngành công nghiệp Nhật Bản, hiện đang tìm kiếm nhà cung cấp khác ngoài Trung Quốc, và xem xét việc trở thành một trung tâm tái chế đất hiếm.

Với các hợp đồng khai thác tại Việt Nam, ông Wakutsu cho biết Nhật Bản muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Khoảng 60% các lô hàng đất hiếm của Trung Quốc là xuất sang Nhật Bản, ông nói.

"Phụ thuộc vào một quốc gia cho nguyên liệu quan trọng là điều quá rủi ro", Wakutsu nói với AP. Nhưng ông từ chối bình luận Nhật nay tìm đến Việt Nam là vì lệnh cấm xuất của Trung Quốc hay không.

Hôm thứ Tư các quan chức thương mại Mỹ cho biết họ đang xem xét một điều tra của tờ báo New York Times rằng Trung Quốc đã ngăn chặn các lô hàng đất hiếm vào Mỹ và châu Âu.

Trích dẫn nguồn tin công nghiệp ẩn danh, t̀ơ báo cho biết các quan chức hải quan Trung Quốc đã gia tăng hạn chế xuất khẩu mặt hàng này.

Trong khi đó Bộ Thương mại Trung Quốc đã bác bỏ một tường thuật của chính báo China Daily là Bộ sẽ cắt giảm 30% quota vào năm tới để ngăn chặn khai thác quá mức.

"Báo cáo này là hoàn toàn sai," Bộ này tuyên bố.

"Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp đất hiếm cho thế giới, và đồng thời, để bảo vệ nguồn tài nguyên có thể sử dụng và phát triển bền vững, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế về thăm dò, sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu đất hiếm."

Đất hiếm rất quan trọng trong sản xuất công nghệ cao như ổ đĩa máy tính, điện thoại di động và các phụ tùng cho loại xe hơi 'lai điện' (hybrid). Hiện nay Trung Quốc cung cấp 97% đất hiếm cho thế giới.

Các nhà phân tích nói rằng không có những kim loại này nhiều nền kinh tế hiện đại sẽ không vận hành được.