Home Tin Tức Thời Sự ASEAN nhắc lại mong muốn xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông

ASEAN nhắc lại mong muốn xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Sáu, 29 Tháng 10 Năm 2010 07:59

Vào lúc Trung Quốc ngày càng khẳng định tham vọng chủ quyền đối với nhiều quần đảo và muốn khống chế gần như toàn bộ khu vực Biển Đông,

thì Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 17, khai mạc ngày hôm qua, 28/10, tại Hà Nội là dịp để các nước Đông Nam Á, đặc biệt là những quốc gia ven biển, một lần nữa nhắc lại mong muốn xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông.

Khai mạc hội nghị thượng đỉnh Asean-Trung Quốc 29/10, dịp để các nước đề cập đến việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông
REUTERS/Na Son Nguyen/PoolĐức Tâm

Trong bản tuyên bố chủ tịch của Hội nghị cấp cao ASEAN, các nước Đông Nam Á « khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc » đồng thời các nước Đông Nam Á nhấn mạnh « cần tăng cường các nỗ lực bảo đảm thực hiện có hiệu quả DOC, tiến tới hoàn tất bộ quy tắc ứng xử khu vực ở Biển Đông (COC).

Để làm việc này, ASEAN chủ trương tiếp tục các cuộc tham vấn với Trung Quốc, trong đó có việc sớm triệu tập lại Cuộc họp các quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về DOC.

Tuyên bố trên đây của ASEAN 17 không có gì mới hoặc đi xa hơn nội dung bản tuyên bố của Hội nghị ASEAN 16, được tổ chức hồi tháng tư tại Hà Nội. Tuy nhiên, việc các nước Đông Nam Á, trong cùng một năm, đã hai lần nêu lên sự cần thiết phải có một bộ quy tắc về ứng xử mang tính ràng buộc để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, bảo đảm quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, đã tạo nên sức ép đối với Trung Quốc.

Áp lực đối với Bắc Kinh lại càng gia tăng sau những tuyên bố trong thời gian gần đây của các quan chức Hoa Kỳ về vấn đề Biển Đông. Tại Diễn đàn khu vực ASEAN – ARF, hồi tháng 7 tại Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton đã khẳng định quyền tự do lưu thông đường biển trong khu vực Biển Đông là một lợi ích quốc gia của Mỹ và Wasington ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền cũng như tự do lưu thông hàng hải trong khuôn khổ đối thoại đa phương. Ý tưởng này được bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates nhắc lại nhân Hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM +, tổ chức ngày 12/10 tại Hà Nội.

Trung Quốc đã giận dữ tố cáo Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của châu Á và cho rằng vấn đề Biển Đông chỉ cần đàm phán trong khuôn khổ song phương. Bởi vì thực ra, mối lo ngại chính của Trung Quốc là Hoa Kỳ. Phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc bước đầu mang lại kết quả. Trong cuộc gặp cấp cao Trung Quốc – Cam Bốt ngày hôm qua, tại Hà Nội, thủ tướng Hun Sen đã nói là không nên quốc tế hóa hoặc đàm phán đa phương vấn đề Biển Đông. Chính quyền Phnom Penh cho rằng những vấn đề này cần được giải quyết thông qua thương lượng song phương giữa những nước liên quan. Một số nguồn tin cho biết trong cuộc gặp này, dường như Trung Quốc đã đồng ý viện trợ 100 triệu nhân dân tệ cho Cam Bốt.

Theo một số nhà phân tích, cho dù Trung Quốc có tranh thủ được sự ủng hộ của một số thành viên ASEAN, nhưng điều này cũng khó ngăn cản được sự tham dự của Hoa Kỳ. Bởi vì có hai loại vấn đề trong hồ sơ Biển Đông : thứ nhất là tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan đối với quần đảo Trường Sa. Về điểm này, Hoa Kỳ đã tuyên bố không ủng hộ bên nào và một số nước ASEAN cũng coi đây là tranh chấp song phương.

Loại vấn đề thứ hai là quyền tự do lưu thông hàng hải và không phận trên vùng Biển Đông. Đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc chiếm tới 80% diện tích Biển Đông và như vậy, đụng chạm đến quyền lợi không chỉ các nước Đông Nam Á khác như Indonesia mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Hoa Kỳ.

Cho đến nay, tàu bè thương mại, do thám của Mỹ vẫn hoạt động liên tục tại đây. Giới quan sát đang chờ đợi xem ngoại trưởng Mỹ sẽ phát biểu tiếp ra sao về hồ sơ Biển Đông sau những phản ứng của Trung Quốc.Bà Clinton đến Việt Nam ngày hôm nay với tư cách là khách mời đặc biệt của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, sẽ được tổ chức vào ngày mai, 30/10.

Tối qua, tổng thư ký ASEAN, Surin Pitsunwan cho giới báo chí biết là nhóm công tác ASEAN-Trung Quốc sẽ gặp nhau vào tháng 12 tới, tại một nơi nào đó ở Trung Quốc để thảo luận, chuẩn bị, hướng tới việc soạn thảo bộ quy tắc ứng xử giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông.
ASEAN nhắc lại mong muốn xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông

Vào lúc Trung Quốc ngày càng khẳng định tham vọng chủ quyền đối với nhiều quần đảo và muốn khống chế gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, thì Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 17, khai mạc ngày hôm qua, 28/10, tại Hà Nội là dịp để các nước Đông Nam Á, đặc biệt là những quốc gia ven biển, một lần nữa nhắc lại mong muốn xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông.