Home Tin Tức Thời Sự Mỹ nói không chống Trung Quốc, báo chí trong vùng nói ngược lại

Mỹ nói không chống Trung Quốc, báo chí trong vùng nói ngược lại PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Chúa Nhật, 07 Tháng 11 Năm 2010 20:00

Mỷ nói không. Trung Cộng nói có. 

MELBOURNE (TH) - “Không phải vì Trung Quốc,” Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates nói hôm Chủ Nhật, khi đến Úc để thảo luận tăng cường hợp tác quân sự.

Ông nói với báo chí trước khi đặt chân xuống Melbourne rằng: “Chúng tôi không đặt thêm một căn cứ quân sự nào khác tại Á Châu. Chúng tôi thật sự chỉ muốn cải thiện mối quan hệ đã có.”

Tàu khảo sát hải dương của Hải Quân Hoa Kỳ USNS Impeccable bị một số tàu của Trung Quốc ngụy trang làm tàu đánh cá chận đường ngày 4 tháng 3, 2008 khi đang hoạt động trên vùng biển quốc tế phía Nam đảo Hải Nam. (Hình: USNavy)

Ông Gates đi cùng với Ngoại Trưởng Hillary R. Clinton đến thảo luận với chính phủ Úc nhiều mặt, từ cho quân đội Mỹ sử dụng nhiều hơn nữa các căn cứ trên nước Úc đến hợp tác không gian (quân sự), chống hải tặc, chống khủng bố.

Ông bắn tiếng trấn an Trung Quốc khi nói: “Mỹ tìm nhiều cách tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự tại Á Châu.”

Nhưng ông nói, các bước đi của Hoa Kỳ kể cả chuyện thảo luận với Úc không phải là để phản ứng lại các hành động của Bắc Kinh.

“Các hành động của Hoa Kỳ là nhắm nhiều hơn đến mối quan hệ với cả Á Châu hơn là về Trung Quốc.” Ông lấy thí dụ về các chuyến dự hội nghị và thăm viếng Việt Nam và một số quốc gia khác trong vùng 18 tháng qua của ông và bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton.

Nhưng đài phát thanh quốc gia Nga ở Moscow bình luận về chuyến đến Úc của ông Gates và bà Clinton là những gì được thảo luận là nhằm chống lại sự phát triển quân sự của Trung Quốc.

Báo South China Morning Post (SCMP) ở Hongkong hôm Thứ Bảy, dựa vào các diễn biến xảy ra từ quanh đảo Ðiếu Ngư (tranh chấp Nhật Bản-Trung Quốc) và tranh chấp biển Ðông giữa Trung Quốc và các nước nhỏ yếu phía Nam, đặc biệt là Việt Nam, rồi các hội nghị ASEAN ở Hà Nội, bình luận rằng Mỹ đang bắt đầu tạo thế cân bằng lực lượng ở khu vực hầu đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Các chương trình tập trận qui mô của Trung Quốc diễn ra nhiều lần ở biển Ðông, hành động khiêu khích thách đố ra mặt với Nhật Bản ở đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư), với Mỹ ở phía Nam đảo Hải Nam, với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhằm cho thấy một nước Trung Quốc không phải chỉ đông đảo về người, mà còn hùng mạnh về quân sự.

Ở phía Bắc Thái Bình Dương đối diện với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã có các căn cứ đạt tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở phía Nam, không còn căn cứ rất tốt ở Phi Luật Tân, thảo luận tăng cường sử dụng các căn cứ Úc tuy có xa hơn một ít nhưng vẫn trong tầm chiến lược nhiều ý nghĩa.

Năm ngày trước khi ông Gates tới Úc, Trung Quốc tổ chức tập trận Thủy Quân Lục Chiến bắn đạn thật ở biển Ðông. Báo Quân Ðội Nhân Dân Trung Quốc (PLA) khoe đây là cuộc tập trận “thường xuyên” của 1,800 quân thuộc một trung đoàn TQLC với sự tham dự của hơn 100 máy bay trực thăng, tàu vớt mìn, tàu ngầm, xe lội nước, tàu đổ bộ. PLA còn khoe cho biểu diễn tập trận trước mặt hơn 200 sĩ quan thuộc 70 nước tới học tập quân sự ở Trung Quốc.

Thông thường, các chương trình tập trận qui mô của Trung Quốc không diễn vào những ngày thời tiết lạnh giá như thời gian này nếu không nhằm chủ đích đặc biệt nào đó.

Một mặt, một số báo chí Trung Quốc đăng tải lời tướng lãnh của họ đe dọa Việt Nam liên quan tới vấn đề tranh chấp biển Ðông. Nhưng mặt khác, báo chí Trung Quốc cũng dẫn lời viên chức nhà nước Bắc Kinh bắn tiếng giải quyết các vấn đề của khu vực trong tinh thần “thân hữu.”

Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân của Trung Quốc được tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời nhìn nhận: “Trong những năm gần đây, một số nước can thiệp vào chuyện biển Ðông, cùng tập trận với một số nước láng giềng của chúng tôi. Do đó, bây giờ chúng tôi phải đối phó với những hành động can thiệp đó bằng quyền lực chính trị.”

Hồ Chính Nguyệt, phụ tá ngoại trưởng Trung Quốc cả quyết Bắc Kinh muốn đàm phán tranh chấp lãnh thổ và quyền hải hành “thân hữu” với các bên liên quan. Ông này còn kêu gọi các bên “đừng làm xấu đi tình hình” dù chính họ tổ chức tập trận dương oai, vẫn có các hành động bị Việt Nam phản đối, dù chỉ phản đối suông.

Ngày Thứ Sáu tuần qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội họp báo phản đối Trung quốc đã phổ biến bản đồ trực tuyến về biển Ðông (www.tianditu.cnwww.chinamap.cn), trong đó, vẽ đường yêu sách 9 đoạn (thường gọi là lưỡi bò) chiếm gần hết biển Ðông bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Hai ngày sau khi ngoại trưởng Mỹ tuyên bố ở một hội nghị ASEAN tại Hà Nội ngày 22 tháng 7, 2010 rằng Hoa Kỳ có quyền lợi trên biển Ðông và muốn các bên giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao, Bắc Kinh cho tập trận hải quân qui mô bắn đạn thật trên biển Ðông để trả lời. Hình ảnh và tin tức được phổ biến rộng rãi.

Việt Nam những tháng gần đây đã phản đối Trung Quốc mở rộng các cơ sở và căn cứ trên một số đảo của quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, cũng như dò tìm dầu khí ở khu vực này.

Trước khi Bộ Trưởng Gates tới Hà Nội dự hội nghị Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng ngày 11 tháng 10, 2010 vừa qua, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ công bố một tài liệu cáo buộc Bắc Kinh ngấm ngầm gia tăng sức mạnh quân sự, chi ra hàng tỉ đô la trang bị từ tàu ngầm nguyên tử, tự phát triển máy bay tàng hình, sản xuất thêm nhiều hỏa tiễn tầm xa, tầm gần.

Những hành động quân sự nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền biển đảo của Trung quốc chắc chắn ai cũng phải nhìn thấy. Việt Nam đang đa phương hóa đối tác chiến lược không những với Hoa Kỳ mà cả với Nga, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Pháp, Úc, Tân Tây Lan và sự hỗ trợ ngầm của một số nước ASEAN, theo sự phân tích của SCMP, sẽ làm Bắc Kinh nhức đầu và phật ý.

Thật ra, theo sự phân tích này, Hà Nội mới chỉ được nhìn thấy đang đi tìm đối lực để nhờ người đối phó với Trung Quốc. Ông Gates sau khi rời nước Úc sẽ đến Malaysia để củng cố mối quan hệ quân sự giữa hai nước từng cùng nhau tập trận “Mãng Xà” hàng năm với Thái và Singapore.

Có phải để đối phó với Bắc Kinh hay không, ít nhất, hành động được mô tả là “balangcing act” của Mỹ đang diễn ra rõ nét hơn.