Home Tin Tức Thời Sự Chủ nghĩa tư bản khắc nghiệt với dân Nga

Chủ nghĩa tư bản khắc nghiệt với dân Nga PDF Print E-mail
Tác Giả: Rupert Wingfield Hayes / BBC News, Moscow   
Thứ Hai, 15 Tháng 11 Năm 2010 13:37

Khi Liên Xô sụp đổ cách đây gần 20 năm, Nga nổi lên như một quốc gia độc lập theo đuổi chủ nghĩa tư bản

 nhưng điều này có nghĩa thế nào đối với người dân Nga?

Ông Boris Yeltsin dẫn đầu cuộc đảo chính năm 1991

Cách đây hơn nửa thế kỷ, Winston Churchill nổi tiếng khi mô tả Nga là một câu đố gói trong một gói đầy bí ẩn.

Nói vậy nghe có vẻ sáo, nhưng không phải không đúng. Ngày nay, người ngoài vẫn thấy Nga có nhiều điều rất khó hiểu.

Tôi vẫn nhớ ngày Liên Xô bắt đầu tan rã.

Do sự tình cờ của số phận, khi đó tôi đang ngồi ở sân bay Sheremetyevo đợi bắt chuyến bay về London.

Sân bay Sheremetyevo nói lên rất nhiều điều về nước Nga khi đó. Sân bay này được xây dựng cho Thế Vận hội ở Nga năm 1980, nhưng đó là một trong những nơi không thân thiện nhất mà tôi từng tới.

Phòng chờ sơn màu nâu sẫm, sặc mùi xà phòng công nghiệp. Các nhân viên trông nghiêm nghị với mũ to quá khổ trông rất buồn cười.

Dĩ nhiên lúc đó tôi chưa biết rằng đã có đảo chánh. Nó vẫn là chuyện bí mật. Chỉ khi hạ cánh xuống London tôi mới biết những gì đang diễn ra.

‘Vùng cấm’

Phải mất 15 năm nữa tôi mới quay lại Moscow.

Vào một ngày mưa rét tháng 11, vợ chồng tôi lái xe qua những con phố tại nơi sẽ trở thành khu nhà mới của chúng tôi.

Người dân Moscow nay có thể đi mua sắm tại các trung tâm giống ở phương Tây

Sau 15 năm, Nga đã thay đổi kinh khủng.

Các xe Lada ngày trước giờ được thay thế bằng Range Rover và Mercedes tranh nhau chỗ trên con đường vành đai lúc nào cũng đông nghẹt.

Những tấm biển quảng cáo khổng lồ che khuất các căn hộ xây từ thời Stalin dọc theo phố Tverskaya Ulitsa.

Các trung tâm mua sắm lớn kiểu Mỹ mọc lên khắp ngoại ô Moscow.

Tuy nhiên, Moscow vẫn là một vùng cấm và có nhiều trở ngại.

Bầu trời nặng như chì luôn bao phủ thành phố này. Người dân hầu như chẳng mấy ai cười.

Tôi nhớ vào ngày đầu tiên, vợ tôi nhìn tôi và hỏi thẳng: “Có thực là chúng ta sẽ sống ở đây trong ba năm tới không?”

Chúng tôi đã sống, và đã tồn tại được.

Chúng tôi có một số người bạn, và thậm chí còn yêu thích mùa đông đáng sợ của nước Nga.

Tôi học cách lái xe trên tuyết và có thể ước đoán chính xác nhiệt độ tùy theo lông mũi tôi bị đóng băng nhanh đến đâu mỗi khi đi bộ ra khỏi nhà.

Tư bản hoang dã

Ở chỗ làm, tôi cũng phải cố gắng giải câu đố của nước Nga.

Cái ngày cách đó 15 năm, khi tôi ngồi ở sân bay mà không biết rằng đế chế Liên Xô đang sụp đổ, đã khiến cho phương Tây mừng rỡ.

Lãnh đạo của chúng tôi nói rằng thế giới đã thay đổi và Nga cũng sẽ thay đổi.


Chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ khiến nhiều người rơi vào cảnh nghèo túng

Nga sẽ có dân chủ và gia nhập châu Âu.

Họ đã nhầm.

Thay vào đó, Nga vẫn sưng sỉa và thù địch, và đưa ra giới lãnh đạo chuyên quyền như ông Putin, khiến chúng tôi không hiểu tại sao.

Chỉ khi sống ở Nga thì bạn mới nhận ra rằng rất nhiều giả định của mình là sai lầm.

Khi chúng ta ăn mừng Nga thoát khỏi sự bạo tàn của chế độ Bolshevik, đa phần người Nga lại bị quăng vào cảnh nghèo túng, thất nghiệp và khốn khổ, trong khi chủ nghĩa tư bản hoang dã được tung ra cho đám đông không có chuẩn bị.

Những chấn thương của thập niên 90 vẫn còn rất sâu đậm tại đây.

Bi kịch

Trước khi rời khỏi nước Nga vào mùa thu vừa rồi, tôi đã có một chuyến đi.

Thời tiết đẹp tuyệt vời. Khi lái xe qua những thị trấn và làng mạc dọc theo thung lũng Volga, tôi bắt đầu cảm thấy một nỗi buồn sâu sắc khi phải rời đất nước xinh đẹp và điên rồ này.

Sau bốn tiếng lái xe trên con đường đất ở phía bắc Moscow, tôi tới Budushchee.

Làng này có chừng 50 người sinh sống và đến hai giờ chiều thì đa phần trong số họ đều say mèm.

Đồng ruộng không được trồng trọt. Rất nhiều ngôi nhà gỗ nay sập xệ, hư hỏng.

Chuyện buồn của làng Budushchee không phải là riêng biệt, mà nó là tiêu biểu cho các nơi khác nữa.

Kể từ sau khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, làng quê Nga nay đã tan rã.

Những ai chưa bỏ đi thì uống rượu say đến chết. Đó là một lý do tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga giờ chỉ là 60.


Cuộc sống của nhiều người Nga vẫn rất khó khăn

Ngày hôm sau tại Moscow, tôi còn được nhắc nhở rõ hơn về chuyện nước Nga ngày nay khác biệt như thế nào.

Trong một phòng tối, một nhóm phụ nữ trẻ mặc váy ngắn được dạy cách nhảy thoát y và nâng cao kỹ năng tình dục.

Đây không phải là lớp học cho những ai muốn theo nghề thoát y vũ. Những phụ nữ trẻ này đang học cách làm thế nào để cưới được một ông chồng giàu.

Khi tôi hỏi tại sao họ cần lớp học thế này, tôi nhận được câu trả lời thực tế lạnh lùng.

Họ nói ngày nay nước Nga còn rất ít người giàu, và cuộc cạnh tranh là khốc liệt.

Thế nên các phụ nữ trẻ Nga đang tự trang bị cho mình những kỹ năng để giành lợi thế trong trò chơi mai mối.

Có rất nhiều điều vừa tuyệt diệu mà lại vừa khủng khiếp tại nước Nga. Tuy nhiên, đối với hàng triệu người dân Nga, chủ nghĩa Cộng sản vẫn chưa được thay thế bằng điều gì đó tốt hơn.

Thay vào đó, họ phải vật lộn để sinh tồn trong một xã hội cướp giật, vô luật pháp, nơi của cải nằm trong tay một số ít trong khi đa phần dân chúng hầu như chẳng có gì.

Thế nên không có gì ngạc nhiên khi một số dùng vodka tiêu sầu, trong khi những người khác thì tìm cách đổi sắc đẹp để kiếm cơ hội an toàn về tài chính.